Nội san

Một số khảo sát và đánh giá nội dung ca khúc Trung học cơ sở hiện nay

30 Tháng Tám 2017

Vũ Thị Phong Lan [*]

 

Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Âm nhạc đem đến cho con người những khoái cảm thẩm mĩ, phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo, làm giàu tâm hồn và trí tuệ con người. Chính vì vậy, âm nhạc có khả năng phổ cập và truyền bá hết sức rộng lớn… Ngày nay trong quá trình hội nhập với thế giới, từ tháng 1 năm 2002, âm nhạc đã trở thành môn học chính khóa bậc Tiểu học và Trung học cơ sở.

1. Một số thực trạng ca khúc Trung học cơ sở hiện nay

Qua khảo sát thực tiễn dạy học âm nhạc bậc Trung học cơ sở (THCS) cho thấy, nội dung môn Âm nhạc bậc THCS gồm ba phân môn: Học hát, Nhạc lí - Tập đọc nhạc và Âm nhạc thường thức. Trong đó, đại đa số học sinh yêu thích phân môn Học hát. Ca hát giúp cho học sinh bớt căng thẳng sau các giờ học, đem lại những thư giãn thú vị, tạo sự cân bằng, hỗ trợ để các em học tốt các môn học khác... Hoạt động ca hát còn có tác dụng tốt cho hệ hô hấp, hệ tuần hoàn; phát triển tai nghe, thể lực, trí tuệ… việc dạy phân môn Học hát không chỉ đạt tới mục đích thuộc lời ca, giai điệu bài hát mà phải làm sao để học sinh thấy được cái hay cái đẹp của bài hát.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu tổng thể các bài hát trong phân môn Học hát, chương trình môn Âm nhạc THCS luôn cần thiết và quan trọng đối với các nhà giáo dục nghiên cứu âm nhạc và giáo viên dạy âm nhạc bậc THCS. Trong chương trình âm nhạc bậc THCS có rất  nhiều các bài hát nằm trong ba phân môm: Học hát, Nhạc lí - Tập đọc nhạc và Âm nhạc thường thức. Riêng các bài hát trong phân môn học Hát trong chương trình chính khóa gồm 28 bài hát và phụ lục là 21 bài hát. Trong đó gồm dân ca, bài hát nước ngoài và các ca khúc nhạc mới. Các bài hát trong phân môn Học hát bậc THCS là những bài hát thiếu nhi và dân ca (bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài) được lựa chọn đưa vào trong chương trình đó là những bài hát thiếu nhi tiêu biểu, có chất lượng về nội dung và nghệ thuật, có tính giáo dục và tính thẩm mỹ cao, thường gắn với các chủ đề nhà trường, gia đình, bạn bè, thiên nhiên, quê hương, đất nước…

Trong thời đại hiện này, mặc dù có rất nhiều các ca khúc mới được các nhạc sĩ trẻ sáng tác mang hơi thở cuộc sống hiện đại, được thanh thiếu thiếu niên đón nhận hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình. Tuy nhiên, rất ít các bài hát dành riêng cho học sinh THCS và ở góc độ nào đó, những bài hát tính giáo dục chưa được sâu sắc, chỉ mang tính giải trí trước mặt, chưa hoàn toàn phù hợp với tâm sinh lí và lứa tuổi học sinh THCS. Do đó, các ca khúc THCS vẫn là sự lựa chọn của học sinh được đưa vào biểu diễn trong các ngày lễ hội của nhà trường .

Với 28 bài hát chính khóa và 21 bài hát phụ lục trong chương trình THCS đã được lựa chọn, có tính giáo dục cao, phù hợp với nhiều chủ đề như: Nhà trường, thầy cô, bạn bè và thiên nhiên quê hương đất nước, tình hữu nghị… có nhiều bài hát đã đi cùng năm tháng được công chúng và học sinh yêu thích như: Ngày đầu tiên đi học (Nguyễn Ngọc Thiện),  Đi học  (Bùi Đình Thảo), Chiều thu nhớ trường (Cao Minh Khanh), Ca ngợi Tổ quốc (Hoàng Vân), Đi cấy (Dân ca Thanh Hóa), Khát vọng mùa xuân (W.A. Mozart)… luôn được các em lựa chọn để biểu diễn trong các ngày lễ hội và ngoại khóa của nhà trường. Song, bên cạnh đó chúng tôi cũng rất mong các thầy cô giáo dạy âm nhạc bậc THCS nên khai thác hòa âm phối khí theo cách mới, không đi theo lối mòn trước đây, cũng như cách dàn dựng chương trình mới lạ, độc đáo chắc chắn sẽ mang lại cho các em những cung bậc cảm xúc mới.

2. Khảo sát nội dung chương trình phân môn Học hát bậc THCS

Nội dung các bài hát trong chương trình chính khóa gồm 28 bài hát và phụ lục gồm 21 bài hát được nhìn tổng thể qua bảng khảo sát sau:

Bảng kê số 1: Tổng số các bài hát THCS trong chương trình chính khóa

 

Khối/ Lớp

Tổng số bài

Ca khúc

Thiếu nhi

Dân ca

Việt Nam

Bài hát

Nước ngoài

Khối/Lớp 6

8 bài

3 bài   

2 bài   

1 bài

Khối/Lớp 7

8 bài

5 bài

2 bài

1 bài

Khối/Lớp 8

8 bài

5 bài

2 bài

1 bài

Khối/Lớp 9

4 bài

2 bài

1 bài

1 bài

 

Bảng kê số 2: Tổng số các bài hát THCS trong chương trình phụ lục

Khối/ Lớp

Tổng số bài

Ca khúc

Thiếu nhi

Dân ca

Việt Nam

Bài hát

Nước ngoài

Khối/Lớp 6

4 bài

5 bài

2 bài

Không có

Khối/Lớp 7

6 bài   

5 bài   

1 bài

Không có

Khối/Lớp 8

6 bài

5 bài

1 bài

Không có

Khối/Lớp 9

4 bài

4 bài

Không có

Không có

 

Nhìn vào bảng thống kê chương trình ta thấy: với 28 bài hát chính khóa và 21 bài ở phụ lục, nội dung chương trình nhìn chung khá hợp lý và phù hợp với từng đối tượng khối lớp.

 3. Nhận xét tổng quát chương trình phân môn Học hát 

Bộ môn Âm nhạc bậc THCS có 3 phân môn: Học Hát, Nhạc Lý - TĐN và Âm nhạc thường thức, trong đó phân môn “học Hát là trọng tâm, Nhạc lý và Tập đọc nhạc để nâng cao, coi trọng nghe nhạc và dạy những kiến thức âm nhạc sơ giản, tất cả nhằm xây dựng và phát triển năng lực cảm thụ âm nhạc để hình thành một học vấn âm nhạc phổ thông” [3, tr. 24].

Học hát là trọng tâm trong nội dung chương trình và được học với thời lượng nhiều nhất. Một bài hát các em được học trong ba tiết (học hát và ôn tập) cùng kết hợp với các phân môn khác. Có thể thấy, chương trình phân môn Học Hát bậc THCS là khá hợp lý. Có sự đa dạng về ca khúc thiếu nhi, dân ca, bài hát nước ngoài; nội dung, chủ đề phong phú. Về chất lượng nghệ thuật khá cao, có sự phù hợp với độ tuổi của học sinh.

Về ca khúc, đa số là sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Phạm Tuyên, Hàn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Trọng Tường, Cao Minh Khanh…; nhiều bài có chất lượng nghệ thuật cao, được học sinh yêu thích như: Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn), Nổi trống lên các bạn ơi (Phạm Tuyên), Khúc hát chim sơn ca (Đỗ Hoài An), Khúc ca bốn mùa (Nguyễn Hải), Mùa thu ngày khai trường (Vũ Trọng Tường), Chiều thu nhớ trường (Cao Minh Khanh)…

Về dân ca, các bài cũng được lựa chọn khá phù hợp, đảm bảo tính nghệ thuật cũng như tính giáo dục. Tuy chỉ có 07 bài trong chương trình chính thức và 04 bài trong phần bổ sung nhưng cũng có đa dạng các vùng dân ca: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên… Dân ca miền núi phía Bắc không có trong dạy chính thức nhưng có ở phần phụ lục để giáo viên có thể bổ sung, thay thế.

Các bài hát nước ngoài có của Pháp, Đức và Nga… là những bài nổi tiếng và có chất lượng nghệ thuật. Mỗi ca khúc đều mang một màu sắc riêng biệt, thông qua bài hát học sinh được tiếp cận, hiểu thêm về con người, thiên nhiên các nước trên thế giới, trong đó có cả dân ca và các ca khúc như: Hô la hê - Hô la hô, Nụ cười, Cachiusa, Khát vọng mùa xuân

Nội dung đề tài nhìn chung là đa dạng và phong phú, đề cập tới thiên nhiên, cảnh đẹp quê hương đất nước, mái trường, thầy cô, tình bạn, tình yêu hòa bình... phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THCS. Song bên cạnh đó, chúng tôi mong có nhiều ca khúc mang hơi thở mới của thời đại để âm nhạc luôn là một sân chơi bổ ích sau các giờ học căng thẳng của các em.

Về hình thức và cấu trúc không phức tạp, các bài hát bậc THCS thường là những bài hát ngắn, đơn giản, giai điệu dễ hát, dễ thuộc, tầm cữ giọng phù hợp với học sinh, hiếm gặp ở các hình thức phức tạp khác. Vì vậy, về hình thức và cấu trúc đa số được viết ở hình thức một đoạn, hai đoạn đơn, một số ít bài ở hình thức ba đoạn đơn và điệu thức năm âm. Tuy nhiên, chương trình còn một số bất cập như: Có bài chưa thật xuất sắc và còn thiếu một số sáng tác mới đặc sắc, mang hơi thở thời đại; có bài dân ca đặt lời mới chưa phù hợp lắm với bản chất của làn điệu như Vui bước trên đường xa lớp 6 theo điệu Lý con sáo Gò Công  - Dân ca Nam Bộ, lời mới Hoàng Lân, sự chưa phù hợp là ở chỗ Lý con sáo Gò Công - Dân ca Nam Bộ có giai điệu khá chậm, buồn còn Vui bước trên đường xa do lược bớt các yếu tố luyến láy và hát ở nhịp độ nhanh nên có tính hành khúc, tính chất vui khỏe, làm mất đi màu sắc của Lý con sáo Gò Công. Ngoài ra, 21 bài bổ sung, thay thế cũng có một số bài chưa được hay và hấp dẫn nên ít được biểu diễn ngoại khóa, rất cần những bài có chất lượng nghệ thuật và cả về mặt kỹ thuật hát. Về đề tài còn thiếu một số bài hát về Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cũng như về gia đình.

Với một số khảo sát và đánh giá thực trạng nội dung của các ca khúc THCS hiện nay. Nhìn tổng thể các bài hát THCS đều có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, giai điệu và lời ca đẹp, dễ hát, dễ thuộc, có sức biểu cảm, mang đậm bản sắc dân tộc. Các bài hát có cấu trúc không quá khó, tầm cũ giọng của các em. Các ca khúc THCS thực sự có ý nghĩa đối với lứa tuổi thiếu niên. Mong rằng, dưới sự quan tâm của các nhạc sĩ, các nhà làm khoa học giáo dục, nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác bài hát dành cho học sinh THCS từ ngay trong nhà trường và những người sáng tác chính là những người thầy, người cô, hàng ngày giảng dạy các em sẽ khai thác được nhiều đề tài gần gũi với cuộc sống tâm hồn các em hơn. Với hướng đi đó, chúng ta sẽ được đón nhận những bài hát mang hơi thở mới phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi các em để các em được hòa mình trong nên âm nhạc hiện đại nhưng không mất đi tính dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Lê Tuấn Anh Thiết kế bài giảng Âm nhạc Trung học cơ sở  lớp 6, lớp 7 (2009), lớp 8 (2005), lớp 9 (2008),  Nxb Hà Nội.

2.     Lê Tuấn Anh (2010), Phương pháp dạy học Âm nhạc ở Tiểu học và THCS, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.

3.    Hoàng Long (chủ biên) phần Âm nhạc cùng các tác giả Lệ Minh Châu, Hoàng Lân, Ngô Thị Nam, Sách giáo khoa Âm nhạc và Mĩ  thuật lớp 6 (2002), lớp 7 (2003), lớp 8 (2004), lớp 9 (2005), Nxb Giáo dục.

4.    Nguyễn Hải Phượng (2006), Phương pháp dạy học Âm nhạc tiểu học và THCS, tập I, Nxb Giáo dục.

  1. Hội thảo khoa học (2011), Ca khúc cho nhà trường Phổ thông hiện nay, thực trạng và giải pháp, Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW, Hội Âm nhạc Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc