Nội san

Lễ hội đình Ngọc Tân ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan

14 Tháng Chín 2017

Trần Quang Dũng [*]

 

Ngọc Quan là một trong những địa phương của huyện Đoan Hùng có hai thành phần cư dân chính là dân tộc Kinh và dân tộc Cao Lan. Hàng năm vào những ngày cuối tháng giêng, bà con trong làng lại nô nức chuẩn bị cho ngày hội lớn của đồng bào mình, việc tổ chức lễ hội đình Ngọc Tân người Cao Lan cho rằng: Qua lễ hội để ôn lại sự tích, giáo dục truyền thống văn hóa Cao Lan cho lớp lớp con cháu trường tồn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân trong làng làm ăn được thuận lợi, may mắn và thịnh vượng. Lễ hội đình Ngọc Tân hàm chứa một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa lan tỏa bao trùm là sự thờ cúng các vị Cao Sơn của làng đã có công lao đánh giặc giữ nước, giữ làng.

Niên đại của đình được làm vào năm 1803 dưới triều vua Gia Long năm thứ 2 (1801). Điều này đã được ghi rõ trên câu đầu của ngôi đình bằng gỗ đã được trùng tu vào năm 2000. Như vậy, ngôi đình làng Ngọc Tân có tuổi hơn 200 năm Đình làng Ngọc Tân thờ tam vị đại vương thời Hùng Vương đó là: Cao Sơn, Cao Đạo, Cao Đào. Những danh tướng đã có công giúp vua Hùng dẹp giặc giữ nước. Bản thần phả của đình Ngọc Tân được soạn vào ngày lành tháng Giêng năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) do Hàn lâm Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính Phụng soạn bản chính và được sao lại vào ngày lành tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1738), do Nội các Bộ Lại tuân theo bản cũ sao lại. Đến ngày lành tháng 3 năm Khải Định thứ 3 (1918) lại được phụng sao theo bản chính.

Cùng với phần tế lễ theo nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, với điểm nhấn là tục mổ lợn đen vào 0h sáng ngày 2/2 âm lịch là các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: giao lưu văn nghệ giữa các làng, hát Sình ca, Vèo ca, múa Chim Gâu, múa Xúc tép, ném còn, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy, đốt lửa trại... thể hiện tinh thần yêu cuộc sống, yêu lao động và bản sắc văn hóa riêng biệt của người Cao Lan. Nói đến bà con dân tộc Cao Lan, không thể không nhắc đến món  ăn truyền thống đậm bản sắc dân tộc đó là  “ Xôi ngũ sắc”. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ mà xôi ngũ sắc đã được lưu truyền nhiều đời nay trong làng. Theo quan niệm của các già làng, xôi ngũ sắc ngoài giá trị ẩm thực còn tượng trưng cho thuyết âm dương ngũ hành là Kim- Mộc - Thủy- Hỏa- Thổ.  Xôi được tạo màu bằng các loại lá cây tự nhiên: màu đỏ làm từ lá sơn, mầu đen làm từ lá thau, mầu vàng làm từ củ nghệ, mầu xanh làm từ lá gừng, mầu trắng chính là mầu của gạo nếp có sẵn.

Về nhân lực trong ban tế lễ: Làng cử ra ba ông (trong đó có ông từ), là những người cao tuổi, đức độ, vợ chồng song toàn, không có gia tang, có đủ con trai, con gái và có hiểu biết về mọi mặt để đảm nhiệm công việc tế lễ, tổ chức các hoạt động của hội làng. Do làng Ngọc Tân là một làng nhỏ, số giáp viên ít nên chỉ cử ba ông là đủ.

Trang phục tế: Từ trước đến nay, theo tư liệu các cụ kể lại thì trang phục tế của ban tế đình Ngọc Tân chủ yếu là áo dài đen (bằng vải cư dân nơi đây dệt và nhuộm chàm đen), quần vải trắng, đầu đội khăn xếp (khi có vải the lụa của người Kinh dưới miền xuôi mang lên thì áo dài được may bằng vải the đen).

Giữa chủ tế và bồi tế không có sự khác nhau về trang phục, chỉ phân biệt được chủ tế với bồi tế qua vị trí đứng ở giữa.

Nội dung tế: Vì số lượng ban tế không nhiều, nên hình thức tể ở đình Ngọc Tân cũng đon giản, không kéo dài, hình thức tế lễ không cầu kỳ. Tuy vậy, nội dung và hình thức tế lễ cũng khá đầy đủ và tiến hành rất trang nghiêm với đầy đủ lễ mặn, lễ chay được chuẩn bị chu đáo.

Về lễ vật dâng cúng: Lễ mặn: mỗi năm, làng giao cho 6 hộ gia đình trong làng luân phiên nhau nuôi gà, đồ xôi để mang ra đình làm lễ cúng Thành hoàng làng. Các hộ được giao làm cỗ, phải chú ý nuôi gà sao cho thật đẹp, gà phải béo, lông mượt, màu sắc sặc sỡ, chỉ cho ăn ngũ cốc, kiêng ăn tạp trong những ngày chuẩn bị mổ để làm lễ. Gạo nếp để đồ xôi làm lễ cũng vậy, phải được sàng sẩy thật sạch sẽ, gạo trắng, hạt đều, không có thóc, sạn và nấu thành xôi.

Thông qua lễ hội đình Ngọc Tân, dân tộc Cao Lan đã bộc lộ tinh thần linh thiêng, trần tục, lòng sùng kính với những bậc có công với làng nước, nguyện vọng ước mơ về một cuộc sống thái bình thịnh vượng. Hát Sình ca của đồng bào người Cao Lan có nội dung rất phong phú, đây còn là một đặc điểm nổi bật đặc sắc khác của các dân tộc Mường, Dao…là hình tượng nghệ thuật đỉnh cao của dân tộc Cao Lan với ý niệm ca ngợi một vị nữ chúa thơ ca.

Thực hành nghi thức, nghi lễ

Sau khi hoàn thành xong việc chuẩn bị lễ vật, đúng 18 giờ (giờ chính Dậu); ông từ và hai ông phụ từ, ăn mặc chỉnh tề  trải chiếu xuống nền đình để hành lễ.

Sau khi hồi trống chấm dứt, ông từ và ban tế bắt đầu phủ phục lễ bái ba lần để nghinh báo Tam vị Thành hoàng và các bậc thần linh. Sau đó ông từ bắt đầu bài khấn. Sau mỗi một nội dung khấn vái của thủ từ, các phụ từ làm nhiệm vụ bồi tế lại tiếp tửu (ra rượu). Mỗi lần như vậy, ông từ lại phải phủ phục trước Hậu cung ba lần để thay đổi nội dung bài khấn.

Trong lúc hành lễ, các giáp viên và mọi người có mặt tại đình đều đứng nghiêm và im lặng trong gian Tiền tế để chứng kiến ông từ và ban tế hành lễ, vừa để thể hiện tấm lòng thành kính của mỗi cá nhân đối với Thành hoàng làng và các bậc thần linh, vừa là theo dõi như cách thức và nội dung khấn vái để sau này có thể sẽ đến lượt mình có trách nhiệm với dân làng và cũng là để biết cách cúng lễ tại gia đình, dòng họ cho đúng với nghi thức cổ truyền của địa phương.

Về lễ vật lợn đen, trong thần phả của đình Ngọc Tân đã ghi rất rõ và được hội làng thực hiện rất nghiêm ngặt, truyền nhau thành một nguyên tắc “bất di, bất dịch”. Vì thế, hàng năm làng phân công cho một thành viên chịu trách nhiệm tìm lợn đen tuyền và nuôi từ sau mùa lễ hội của năm trước. Gia đình nào được giao nhiệm vụ nuôi lợn tế thần cho làng đều coi đây là dịp may mắn, mang lại tài lộc cho gia đinh mình. Vì vậy, họ phải cố gắng hết sức chăm sóc cho “ông ỷ” thật tốt.

Theo quy định của làng, sau khi lợn đã được mổ, làng lấy 20 kg móc hàm nhưng dứt khoát phải có cả phần cổ (còn gọi là khoanh bí); phần nậm lợn và nội tạng để làm lễ. Trong quá trình mổ lợn, ông từ tự tay mình lấy một đĩa tiết (đĩa tiết này được thả ít muối trắng và ngoáy đều để không bị đông) và một nhúm lông đen ở gáy “ông ỷ” để làm vật dâng cúng các vị thành hoàng làng.

Người Cao Lan quan niệm đây là lễ tế “mao huyết” đối với các vị thần linh. Sau khi tế lễ xong, ông từ đem đĩa tiết và nhúm lông thực hiện nghi thức cúng trước cửa đình. Nghi lễ này được tiến hành như sau: Ông từ bưng đĩa tiết, dùng chiếc thìa nhỏ múc tiết đổ và dải lông mao thành chữ “Thần”. Nếu trong quá trình đổ chữ “Thần” không thành thì coi như làng năm đó sẽ gặp chuyện không may như: hỏa hoạn, có nhiều người mắc bệnh dịch.

Sau khi thực hành các nghi thức tế lễ xong vào lúc hơn 8h sáng, dân làng tập trung tiến hành các trò chơi, diễn xướng trong phần hội.

Các trò chơi dân gian trong lễ hội

               Ném Còn  tham gia trò chơi này chủ yếu là các nam thanh nữ tú trong độ tuổi tìm hiểu nhưng phải nhanh nhẹn và khỏe mạnh để cướp Còn rồi tung Còn lên cao. Dân làng tụ tập rất đông xung quanh cây Còn để hò reo, cổ vũ cho người chơi. Quả Còn được làm bằng vải thổ cẩm, có màu sắc rất đẹp. Bên trong quả Còn được nhồi đất (hoặc cát) để quả Còn có trọng lượng nặng mà bay lên cao. Ở bốn góc và tâm của quả Còn được gắn các dải lụa màu vừa để trang trí cho đẹp, vừa là chỗ để cho người ném Còn cầm chắc mà ném Còn lên. Đứng ở góc độ tâm linh thì quả Còn mang nhiều yếu tố âm dương rất rõ nét. Đất là âm, được bao bọc bằng vài thổ cẩm có màu đỏ, vàng (dương). Năm dải dây buộc ở quả còn cũng tượng trưng cho quan niệm ngũ hành của tộc người Cao Lan thể hiện qua “âm dương, ngũ hành”, với những quan niệm về vũ trụ thông qua năm dạng vật chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Cuộc vui chỉ kết thúc khi nào có người ném trúng đích; người đó sẽ được ông từ thay mặt cho dân làng trao phần thưởng và đưa quả Còn về nhà đặt lên bàn thờ gia tiên. Người dân nơi đây tin rằng, nếu ném trúng đích thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cả năm.

           Kéo co được diễn ra ngay tại sân chơi ném Còn, họ lấy cây Còn làm tâm điểm giữa hai bên. Theo quan niệm của người dân Cao Lan, việc tổ chức kéo co còn mang ý nghĩa cầu mùa, họ tin rằng, việc kéo mảnh vải đỏ trên dây thừng về phía mình chính là việc kéo thần mặt trời về gần với con người hơn. Đây là một trong tín ngưỡng cổ xưa gắn với tín ngưỡng nông nghiệp của cộng đồng cư dân Việt cổ.

             Thi bắn nỏ, đây là cuộc thi thu hút sự quan tâm của đông đảo trai tráng làng Ngọc Tân. Từ sau tết Nguyên Đán, những chàng trai làng Ngọc Tân lại chuẩn bị căng lại dây nỏ, vót tên và tập các động tác bắn nỏ cho thật thành thục. Có thể khẳng định, trò bắn nỏ trong lễ hội đình làng Ngọc Tân là một trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của dân tộc Cao Lan. Điều này còn thể hiện ở chỗ Ngọc Tân có rất nhiều nam thanh niên biết bắn nỏ và ham thích bắn nỏ. Họ tụ tập thành từng nhóm từ 4 đến 5 người để thường xuyên tập luyện, trao đổi kinh nghiệm nâng cao kỹ thuật bắn nỏ. Vào dịp giỗ tổ Hùng Vương, làng Ngọc Tân cũng có rất nhiều tay nỏ tới tham dự lễ hội và đạt thành tích cao.

Ngoài 03 trò chơi dân gian trên, làng Ngọc Tân còn có trò đi cà kheo, nhưng tiếc là đến nay trò chơi này đã bị mai một. Hiện nay, 03 trò chơi dân gian: ném còn, kéo co và bắn nỏ đang được bảo tồn và phát huy rất tích cực trong dịp lễ hội làng được tổ chức hàng năm.

           Sau nhưng trò chơi dân gian là diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc điển hình như:

           Múa xúc tép đây là điệu múa được cách điệu, mô phỏng các động tác như xúc tép, bắt cá trở thành những điệu dân vũ trình diễn trong dịp hội làng hàng năm, số lượng người tham gia múa không nhất thiết là bao nhiêu mà nó tùy thuộc vào số người tham gia tại diễn xướng của lễ hội. Diễn xướng này thường được bắt đầu sau khi kết thúc trò chơi ném còn, kéo co, bắn nỏ.

Các động tác múa xúc tép cũng rất đơn giản và dễ thể hiện. Nữ thì múa mô phỏng các động tác để bắt tôm với dáng điệu khom lưng, nhún nhảy để nhúp từng con tôm, nhặt từng con tép, còn nam thể hiện những động tác úp nơm, bắt cá với những động tác nhanh mạnh hơn, cao người hơn. Cả hai động tác múa của nam và nữ tạo thành một tổ hợp múa rất sinh động, náo nhiệt và không kém phần hấp dẫn. Vừa múa, họ vừa hát sình ca với lời ca nói về những động tác múa để thể hiện rõ thêm cho mọi người hiểu.

Cứ như thế, nam nữ múa xung quanh thành vòng tròn, khi múa hết vòng thì lại đảo ngược lại. Bên ngoài cuộc chơi là tiếng vỗ tay, hát sình ca hòa nhịp cùng người múa, tao nên không khí rất vui vẻ, nhộn nhịp và sôi nổi tại diễn trường của lễ hội.

Múa chim gâu: Đây cũng là điệu dân vũ mô phỏng cảnh đàn ông đi săn, bắt, bẫy chim gâu. Chính vì vậy, vũ điệu múa chim gâu chủ yếu là đàn ông tham gia, số lượng người tham gia phải ít nhất từ 04 người trở lên. Các động tác thể hiện sự nhanh nhẹn, mưu trí, thông minh và khéo léo của người thợ săn đã bố trí. Sự thông minh và khéo léo của người thợ săn đã bố trí từ trước, họ đặt bẫy và nhử con chim mồi để gọi cả đàn chim gâu sà xuống chỗ đặt bẫy. Khi bẫy sập bắt gọn cả đàn chim gâu béo cùng với niềm vui mừng, hân hoan khi đã săn được những con chim gâu được mệnh danh là: “tinh khôn nhất” trong các loài chim. Điệu múa chim gâu đơn giản, dễ múa, hình thức mô phỏng mang tính chất tả thực nên được rất nhiều người tham gia và là một hoạt động sôi nổi trong lễ hội đình làng Ngọc Tân.

   Đến nay, hai điệu múa xúc tép và múa chim gâu đã được người dân phục dựng lại sau nhiều năm không tổ chức.

Lễ hội đình Ngọc Tân của dân tộc Cao Lan hiện vẫn còn lưu giữ được chất mộc mạc, nguyên sơ của hội làng truyền thống. Nghi thức ném còn chính là sự phát triển của nghi thức thờ mặt trời và thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp. Qua lễ hội phản ánh những nét văn hoá riêng biệt của dân tộc Cao Lan, góp thêm những bông hoa đẹp vào rừng hoa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao đời nay, đồng bào dân tộc Cao Lan đang sinh sống tại làng Ngọc Tân xã Ngọc Quan luôn duy trì và phát huy được bản sắc truyền thống. Hàng năm UBND huyện và phòng Văn hóa thông tin huyện Đoan Hùng đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động để đình làng Ngọc Tân mãi duy trì và phát triển nét truyền thống của dân tộc. Đây là một  trong những chuỗi sự kiện của chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn các dân tộc Việt Nam ” và đại diện cho các đồng bào dân tộc của tỉnh Phú Thọ tham gia Chương trình “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền đất nước” tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội xuân Giáp Ngọ 2014.


 

Tài liệu tham khảo

1.  Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đoan Hùng (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Đoan Hùng 1947 - 2010.

2.     Phạm Xuân Độ (1940), Phú Thọ tỉnh địa chí, Nxb Nam Kỳ, Sài Gòn.

3.  Hương Giang (2008), “Người Cao Lan ở Ngọc Tân đón tết”, Báo Phú Thọ cuối tuần (1227), tr.1-3.

4.       HĐND - UBND xã Ngọc Quan (2006), Lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Quan, Nxb CTQG, Hà Nội.

5.       Nguyễn Thanh Hồng (2009), “Người Cao Lan ở Ngọc Tân”, Dân tộc học, (4), tr.1-2.

6.      Đoàn Hải Hưng, Trần Văn Thục, Nguyễn Phi Nga (2009), Những làng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc ở tỉnh Phú Thọ, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Nxb Khoa học xã hội tái bản (2011), Hà Nội.

7.       Nguyễn Ngọc Lan (2009), “Muốn nghe một làn điệu sình ca, vèo ca Cao Lan có thể đến Ngọc Tân (Đoan Hùng)”, Báo Phú Thọ (1567) tr.1-3.

8.      Sầm Xuân Sinh (1997), Thần phả đình làng Ngọc Tân dịch bản đánh máy 09 trang, khổ A4.

9.      Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ - Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ (2006), Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ, Phú Thọ.

10.  Tỉnh ủy Phú Thọ (2001), Địa chí Phú Thọ, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa