Nội san

Dạy học ca khúc nghệ thuật cho giọng nữ trung, ngành Sư phạm âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

18 Tháng Chín 2017

     Vũ Thanh Thủy -  Khoa Thanh nhạc

 

            Trong nghệ thuật âm nhạc nói chung tồn tại hai khái niệm: Âm nhạc nghệ thuật (art music) và âm nhạc phổ thông (popular music). Âm nhạc phổ thông  là loại âm nhạc không đòi hỏi người sáng tác phải nỗ lực đưa ra những phát kiến mới về kỹ thuật và mỹ học âm nhạc. Trong nhạc phổ thông, người sáng tác thoải mái sử dụng những yếu tố kỹ thuật và mỹ học âm nhạc sẵn có từ trước và được quần chúng yêu thích. Xét về bản chất, âm nhạc phổ thông, cũng như văn chương phổ thông, chủ yếu nhắm đến những mục đích mang tính xã hội, chính trị và thương mại, thay vì hướng đến những mục đích thuần túy nghệ thuật. Khi nghe một bản nhạc phổ thông, đọc một bài thơ, một tiểu thuyết phổ thông, hay xem một bức tranh bình dân, người nghe, người đọc hay người xem không cần phải được trang bị vững vàng về vốn liếng kiến thức, cũng không cần phải nỗ lực vận dụng trí năng để hiểu và cảm thụ tác phẩm. Nói tóm lại, một tác phẩm phổ thông, dù là nhạc, văn, thơ hay hoạ, cũng đều là việc sử dụng những công thức sẵn có. Do đó, nó dễ hiểu và dễ cảm thụ.

            Tác phẩm nghệ thuật đích thực thì ngược lại. Nó đầy tính độc sáng, mới lạ, và khó khăn. Ca khúc nghệ thuật đích thực là một thử thách to lớn về nhiều phương diện đối với cả người sáng tác lẫn người nghe. Ca khúc nghệ thuật là thể loại ca khúc được viết theo những chuẩn mực nhất định, có phần đệm độc lập nhưng kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng với phần hát, phần ca từ giàu chất thơ. Ca khúc nghệ thuật phải thể hiện được tính khoa học trong cấu trúc, hình thức phát triển, lối tiến hành giai điệu và ca từ; phù hợp với từng loại giọng hát nhất định, nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt cảm xúc, tình cảm, sắc thái. Muốn thể hiện các ca khúc nghệ thuật một cách hoàn chỉnh đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật thanh nhạc tốt.

            Trong nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đã có rất nhiều những ca khúc nghệ thuật bất hủ, gắn liền với tên tuổi của các nhạc sĩ sáng tác. Nhiều ca khúc đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn khẳng định được sức sống mãnh liệt và cho đến nay vẫn là ước mơ chinh phục của rất nhiều giọng ca từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Đó là điều vô cùng quý giá và rất đỗi tự hào đối với nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc nghệ thuật tiêu biểu phải kể đến như là: Xa khơi của NS Nguyễn Tài Tuệ, Bài ca hy vọng của NS Văn Ký, Người Hà Nội của NS Nguyễn Đình Thi, Tiếng hát anh tìm em của NS Hoàng Dương, Tháng Giêng mùa xuân còn sót lại, Ballade Con đường sầu đông của NS Hoàng Cương,...

Trong những năm gần đây, âm nhạc Việt Nam nói chung và các ca khúc nghệ thuật nói riêng đã có những bước chuyển mình cùng với nhiều thành tựu đáng kể. Nối tiếp thành công từ những ca khúc nghệ thuật bất hủ đã đi vào lịch sử. Ngày nay, các nhạc sĩ trẻ vẫn tiếp tục sáng tạo và cống hiến thêm rất nhiều những ca khúc nghệ thuật mới, mang hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ được những quy cách, thần thái, chất liệu nghệ thuật truyền thống quý báu của lịch sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam trong những giai đoạn trước.

            Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một tổ chức Chính trị - Xã hội - Nghề nghiệp của những người hoạt động âm nhạc trong lĩnh vực sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo âm nhạc trong phạm vi toàn quốc và trong các quan hệ trao đổi về âm nhạc với các tổ chức âm nhạc quốc tế. Hàng năm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chấm giải các tác phẩm mới sáng tác về thanh nhạc, khí nhạc; các công trình nghiên cứu lý luận và chương trình biểu diễn của các hội viên. Ca khúc nghệ thuật là một trong những nội dung tham gia dự giải thưởng thuộc lĩnh vực thanh nhạc. (Lĩnh vực thanh nhạc bao gồm các nội dung: ca khúc, ca khúc thiếu nhi, ca khúc nghệ thuật, hợp xướng, thanh xướng kịch, kịch hát, nhạc kịch)

            Số lượng các tác phẩm thuộc thể loại ca khúc nghệ thuật tham gia giải thưởng không nhiều so với ca khúc và ca khúc thiếu nhi, tuy nhiên đây lại là những tác phẩm được các nhạc sĩ vô cùng tâm huyết và đầu tư quy mô về chất lượng. Như đã nói ở trên, ca khúc nghệ thuật là thể loại ca khúc được viết theo những chuẩn mực nhất định, có phần đệm độc lập nhưng kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng với phần hát, phần ca từ giàu chất thơ. Ca khúc nghệ thuật phải thể hiện được tính khoa học trong cấu trúc, hình thức phát triển, lối tiến hành giai điệu và ca từ; phù hợp với từng loại giọng hát nhất định, nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt cảm xúc, tình cảm, sắc thái.

Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương là  một trong những cái nôi đào tạo ra các ca sĩ và giáo viên âm nhạc cho cả nước. Trong chương trình học của ngành Sư phạm Âm nhạc, các ca khúc nghệ thuật Việt Nam luôn là một thể loại đuợc quan tâm, là nội dung không thể thiếu trong chuơng trình giảng dạy. Tuy nhiên, những ca khúc mới được sáng tác trong thời gian gần đây ít được biết đến. Mặt khác, sinh viên ngày nay phần lớn chỉ thích những ca khúc phổ thông, dễ hiểu, dễ hát và đa phần mang tính giải trí. Thiết nghĩ, việc đưa các ca khúc nghệ thuật mới vào trong chương trình học môn Thanh nhạc của trường là điều vô cùng cần thiết, vừa góp phần phổ biến rộng rãi các ca khúc, vừa làm phong phú thêm chương trình học cũng như tạo cảm hứng mới cho sinh viên. Đây cũng là nhiệm vụ của một Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần phải hoàn thành.

            Trong phạm vi nghiên cứu, tôi xin được lựa chọn 04 ca khúc nghệ thuật đã được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để làm tài liệu khảo sát và nghiên cứu, gồm có: “Lỡ làng”, "Những tiếng ru", "Tây Hồ hoài niệm", "Tháng mười Đà Lạt".

            Ca khúc "Lỡ làng" được giải C năm 2010 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho danh mục ca khúc nghệ thuật. Đây là một bản romace rất trữ tình với giai điệu đẹp và lời ca bay bổng, nữ tính. Ngay từ tiêu đề của bài hát đã gợi cho người nghe một cảm giác man mác buồn và đầy sự tiếc nuối. Tác giả ví người con gái là "biển" và người con trai là "trời". Cùng bao la, cùng rộng lớn, cùng trong trẻo, cùng tươi xanh những thật tiếc khi "biển" và "trời" chỉ có thể nhìn thấy nhau mà lại không bao giờ gặp được nhau.

            Bài hát được viết ở giọng đô thứ (c moll), nhịp C, tốc độ andante rubato, hình thức một đoạn nhưng không theo những quy tắc của âm nhạc cổ điển. Với cấu trúc khá nhỏ bé, chỉ 24 ô nhịp cho phần hát, được chia làm hai câu với ý nhạc mộc mạc, giản dị nhưng da diết, mãnh liệt.

            Đây là một ca khúc có giai điệu đẹp, âm vực vừa phải phù hợp với giọng nữ trung trữ tình kịch tính (Spinto mezzo - soprano).

Tác phẩm "Những tiếng ru" của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - lời: Phan Đan: Đây là một bản romance hoàn chỉnh, viết ở giọng Đô trưởng (C dur), nhịp 6/8, âm vực không quá rộng, phù hợp với giọng nữ trung kịch tính (Dramatic mezzo - soprano).

            Ca khúc là một nỗi niềm tự sự của tác giả về một ký ức tuổi thơ mà tất cả chúng ta đều được trải qua. Đó là những tiếng ru của bà, của mẹ. Theo tác giả, có những tiếng ru vui, có những tiếng ru buồn. Nhưng đều là cội nguồn dân tộc, đều là hành trang để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ lúc bé thơ cho đến khi trưởng thành.

            Bài hát viết ở giong đô trưởng, phần cao trào chuyển điệu sang đô thứ. Với tuyến giai điệu phần đầu chậm với các âm bình ổn ở âm khu thấp nhưng sang phần sau lại mạnh mẽ, sôi nổi (poco pìu mosso - Animato). Phần cao trào được tác giả quay lại hai lần như một điểm nhấn của bài. Khi thể hiện ca khúc này, yêu cầu người hát cần phải chuẩn bị hơi thở rất chắc chắn. Đặc biệt ở đoạn cao trào, với những nốt cao liên tục.

Tác phẩm "Tây Hồ hoài niệm" của nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình – Thơ:  Đinh Phạm Thái, được viết ở giọng la thứ (amoll), nhịp 2/4, tốc độ vừa phải, âm vực quãng 13. Ca khúc có giai điệu đẹp, uyển chuyển, mềm mại với lối tiến hành chủ yếu là liền bậc và các bước nhảy quãng thuận lợi, tiết tấu không quá phức tạp và rất phù hợp với giọng nữ trung trữ tình (Lirico mezzo - soprano).

            Đây là một bản romance được tác giả vô cùng tâm huyết. Ông đã biên soạn phần đệm cho cả piano, Cello và Clarinet. Giai điệu mang âm hưởng nhạc hiện đại, trẻ trung nhưng chứa đầy nỗi niềm suy tư, sâu lắng về một Hà Nội xưa trầm mặc, duyên dáng nhưng cũng rất đa tình. Tác phẩm đã đạt giải C của Hội nhạc sĩ Việt Nam trong kỳ xét giải thưởng hàng năm năm 2011.

Tác phẩm "Tháng mười Đà Lạt" được tác giả viết trong một lần đi trại sáng tác tại Đà Lạt do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và ca khúc đã được giải C năm 2009 cho danh mục Ca khúc nghệ thuật.

            Tác phẩm được tác giả viết ở giọng Rê giáng trường (Des dur), nhịp 6/8, tốc độ vừa phải, giai điệu mượt mà, trong sáng, là lời tâm sự về một tình yêu lãng mạn. Bài hát có âm vực khá rộng (quãng 14), tiết tấu chủ yếu là nốt đơn, nốt đen, đôi khi có đảo phách. Giai điệu tiến hành bình ổn, đôi chỗ kết hợp với các bước nhảy quãng thuận, lời ca mộc mạc, giản dị, dễ hát và dễ thuộc. Tuy nhiên, khi thực hành bài hát này, cần phải chọn sinh viên có chất giọng khá tốt, quãng tương đối rộng và dày dặn, phù hợp với giọng nữ trung trữ tình kịch tính (Spinto mezzo - soprano).       

Trong đời sống xã hội hiện nay, những ca khúc nghệ thuật mới rất cần một chỗ đứng để truyền tải được những giá trị nghệ thuật và thời đại đến người nghe.. Ngoài nhiệm vụ giải trí, những ca khúc này còn đóng một vai trò rất lớn trong việc giáo dục đạo đức thẩm mỹ, hình thành ngôn ngữ và nhân cách của mỗi một con người.

Tìm hiểu, nghiên cứu sâu về từng loại giọng hát cùng với những bài hát phù hợp là công việc có ý nghĩa cả về tính khoa học lẫn thực tiễn, là cơ sở khoa học để định hướng phát triển giọng hát cho sinh viên. Những nội dung mà đề tài phân tích là cơ sở khoa học để đáp ứng việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng giảng dạy và học tập cũng như khả năng thanh nhạc của giọng nữ năm thứ ba ngành đại học Sư phạm âm nhạc của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tôi mạnh dạn đưa những ca khúc nghệ thuật mới được sáng tác trong những năm gần đây vào giảng dạy. Vừa để giúp các nhạc sĩ có cơ hội quảng bá cũng như giới thiệu các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao tới công chúng. Vừa giúp sinh viên có cơ hội nghiên cứu, khám phá và luyện tập những ca khúc mới, có giá trị nghệ thuật và mang hơi thở mới của thời đại. Đặc biệt, với 04 tác phẩm được chọn lọc nghiên cứu trong đề tài này, dù khá ít ỏi nhưng tôi hi vọng tìm ra nguồn cảm hứng giúp cho các em phát triển được kỹ thuật thanh nhạc, cũng như tính thẩm mỹ cao trong việc thể hiện các tác phẩm thanh nhạc