Nội san

Biện pháp nâng cao hứng thú học tập môn khiêu vũ thể thao cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

18 Tháng Chín 2017

Bùi Thị Huyền

Khoa Tâm lý giáo dục và Giáo dục thể chất

 

Trong khoa học giáo dục, Hứng thú là vấn đề được nghiên cứu rất nhiều đây là một trong những động lực quan trọng trong hoạt động nói chung của con người và hoạt động học tập nói riêng. Hứng thú là sự thể hiện xúc cảm ở con người khi nhu cầu được đáp ứng một lĩnh vực nào đó. Do đó việc thoả mãn các hứng thú sẽ khiến cho định hướng tìm hiểu các sự kiện, hiện tượng có ý nghĩa đối với cá nhân trở nên đầy đủ và sâu sắc hơn. Nói cách khác, hứng thú là một cơ chế thúc đẩy thường xuyên đối với sự nhận thức của con người.

Trong hoạt động học tập, tác dụng của hứng thú được thể hiện rất rõ vì đây là loại hoạt động căng thẳng, kéo dài và huy động toàn bộ các chức năng tâm lý của cá nhân tham gia vào. Nếu không có hứng thú, hoạt động học tập sẽ trở nên căng thẳng và kém hiệu quả. Khi có hứng thú, hoạt động học tập sẽ nhẹ nhàng và sinh động, làm cho người học chăm chỉ học tập, tích cực tìm tòi để thực hiện các nhiệm vụ học tập và thể hiện kiến thức về môn học đó, từ đó sẽ mang lại kết quả cao. Đặc biệt đối với môn Giáo dục thể chất, trong xã hội phần lớn các phụ huynh và người học luôn hình dung ra hình tượng những người thầy giáo, cô giáo dạy môn Giáo dục thể chất chỉ biết làm mẫu những kỹ thuật động tác cho học sinh, sinh viên bắt chước, làm theo và tập cho xong nhiệm vụ nhưng đây là một suy nghĩ, một nhận định sai lầm, môn Giáo dục thể chất cũng giống như các môn học khác, nó là một môn khoa học, nó không chỉ có thực hành mà bao giờ cũng là phần lý thuyết đi đôi vơi thực hành để người học khi thực hành các kỹ thuật, động tác biết cách thực hiện sao cho đúng, đẹp mà không mất nhiều sức lực và có thành tích cao mà lại hạn chế những chấn thương trong tập luyện. Không còn đơn giản là giáo viên làm mẫu, học sinh, sinh viên làm theo mà theo phương pháp dạy học mới, giáo viên phải là người biết kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, sử dụng các phương tiện, kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của sinh viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả môn học. Giảng viên nêu ra một số định hướng mới để thúc đẩy hứng thú của sinh viên và tích cực tìm tòi sáng tạo trong quá trình học tập. Sự sáng tạo có thể diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau: Từ lòng khát khao hiểu biết những tri thức mới đến việc tìm đọc, xem thêm các tài liệu tham khảo để mở rộng và đào sâu tri thức, tiến tới việc tìm tòi ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Cụ thể với nội dung Khiêu vũ thể thao khi được giáo viên là người trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn như: hệ thống luật Khiêu vũ thể thao và hướng dẫn các em các kỹ thuật, động tác cơ bản, cách chọn nhạc, đếm nhạc và cách vào nhạc của mỗi vũ điệu khiêu vũ để trên cơ sở đó các em tự xây dựng thành một bài Khiêu vũ thể thao hoàn chỉnh dưới sự quan sát, hướng dẫn, chỉnh sửa của giáo viên để hoàn thiện nội dung môn học tốt nhất. Tuy nhiên qua bốn năm giảng dạy môn Giáo dục thể chất - nội dung Khiêu vũ thể thao tôi nhận thấy nhu cầu học tập môn Khiêu vũ thể thao của sinh viên trường ta tương đối cao nhưng khi bước vào học thì các em chưa thất sự hứng thú với nội dung học do một số nguyên nhân như:

-    Sinh viên chưa hiểu rõ về tác dụng và vai trò của Khiêu vũ thể thao với sức khỏe và đời sống nên hứng thú tập luyện trong các em chưa có hoặc chỉ mang tính bột phát, theo trào lưu hay nhu cầu của một cá nhân nào đó.

- Nội dung chương trình Khiêu vũ thể thao sử dụng chung cho sinh viên toàn trường với các chuyên ngành như: Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Quản lý văn hóa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa và đặc thù của sinh viên các ngành là khác nhau nên dẫn đến chương trình học chưa phù hợp.

-     Cơ sở vất chất phục vụ cho nội dung Khiêu vũ thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu học tập và tập luyện của sinh viên như chưa có phòng tập riêng với sàn tập trơn, nhẵn và gương.

-     Nhà trường chưa tổ chức được nhiều hoạt động như giao lưu, biểu diễn, thi đấu thể thao để khích lệ nhu cầu tập luyện thể thao của các em...

Từ những thực trạng đó tôi đã nghiên cứu và đưa ra một số biện pháp để cải thiện những thực trạng trên giúp cho sinh viên nâng cao hứng thú học tập với môn Khiêu vũ thể thao đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng học tập nội dung Khiêu vũ thể thao nói riêng và môn Giáo dục thể chất nói.

Hứng thú của sinh viên với môn Khiêu vũ thể thao được thể hiện qua nhiều mặt của vấn đề như: Đặc điểm nghề nghiệp, nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của môn học, thái độ của sinh viên đối với môn học, thái độ của sinh viên đối với hình thức học và thái độ của sinh viên trong giờ học, các biểu hiện về hành vi của sinh viên với môn học... Chủ nhiệm đề tài đã sử dụng các các phương pháp như quan sát, bảng hỏi, phiếu phỏng vấn để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm hứng thú học tập môn Khiêu vũ thể thao trong sinh viên. Cụ thể như:

- Qua bảng hỏi về nhu cầu của sinh viên đối với môn học Khiêu vũ thể thao, tác giả nhận thấy tỷ lệ phần trăm ở các yếu tố như do ham thích, nâng cao sức khỏe  và nhu cầu tham gia câu lạc bộ có giáo viên hướng dẫn chiếm tỷ lệ phần trăm khá cao lần lượt là 61,3 %; 71,03 % và 64,92%. Đây là các yếu tố tích cực thể hiện nhu cầu muốn tham gia tập luyện môn Khiêu vũ thể thao của các em sinh viên. Tuy nhiên yếu tố điều kiện tập luyện chưa đáp ứng nhu cầu học tập rất được các em quan tâm chiếm 83,88 % và đây cũng là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến nhu cầu học tập môn Khiêu vũ thể thao của các em. Ngoài ra, việc nhận thức được tầm quan trọng của việc học lý thuyết đi đôi với thực hành của các em chưa cao chiếm tỷ lệ 26,9%. Con số đáng báo động này cho chúng ta thấy rằng sinh viên học theo một cách máy móc và không quan tâm đến phần học lý thuyết. Nguyên nhân này đòi hỏi chủ nhiệm đề tài cần tìm ra biện pháp để khắc phục tình trạng trên và giúp cho sinh viên có nhu cầu tham gia học tập và tập luyện môn Khiêu vũ thể thao.

- Qua bảng hỏi những biểu hiện về hành vi của sinh viên với môn học cho thấy, biểu hiện về mặt hành vi của hứng thú học tập môn Khiêu vũ thể thao không đồng đều, rất đa dạng và xếp thành các thứ bậc khác nhau. Cao nhất là biểu hiện “đi học đầy đủ” chiếm 93,1% xếp bậc thứ nhất, thấp nhất là “ muốn tăng số tiết của môn học” chiếm tỷ lệ 14,68% xếp bậc thứ 12; chênh lệch nhau 78,42%. Điều này cũng dễ hiểu vì theo quy định trong đề cương môn học nếu sinh viên nghỉ quá 20% số giờ học sẽ không được tham dự kỳ thi học phần; còn việc sinh viên không muốn tăng số tiết môn học do đây không phải môn học chuyên ngành của các em, cũng không tính vào điểm toàn khóa nên việc các em không muốn có thêm tiết học của môn cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, tỷ lệ các em hứng thú tập môn Khiêu vũ thể thao thông qua biểu hiện “học lý thuyết đi đôi với thực hành” chiếm tỷ lệ khá cao 86,51% và “tích cực tập luyện” chiếm tỷ lệ 81,43%. Điều này có thể giải thích như sau: các em được tập trên diện tích rộng, không bị gò bó trong phòng học, được vận động để thoải mái đầu óc sau những giờ học chuyên ngành căng thẳng, tập luyện Khiêu vũ thể thao không những tốt cho sức khỏe mà nó còn có tác dụng chỉnh hình rất tốt, sau khi học xong các em vẫn có thể vận dụng vào trong đời sống hằng ngày... đây cũng là nguyên nhân chính giải thích cho biểu hiện “cảm thấy hứng thú, sảng khoái với giờ học”...

Từ những nguyên nhân, những bảng hỏi, phiếu phỏng vấn chủ nhiệm đề tài đã đề ra năm biện pháp nhằm nâng cao hứng thú học tập môn Khiêu vũ thể thao, đồng thời cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng học tập của môn học đó là:

- Biện pháp 1: Nâng cao giáo dục ý nghĩa, vai trò, mục đích môn học trong đời sống và học tập.

- Biện pháp 2: Lựa chọn các vũ hình phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.

- Biện pháp 3: Giảng viên chủ động xây dựng các cuộc giao lưu, thi đấu cho sinh viên được thể hiện khả năng Khiêu vũ thể thao.

- Biện pháp 4: Trang bị thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, sân bãi dụng cụ phục vụ cho việc giảng dạy và học tập môn Khiêu vũ thể thao.

- Biện pháp 5: Tổ chức xây dựng câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao.

Sau 06 tháng ứng dụng các biện pháp với 40 sinh viên nhóm thực nghiệm và 33 sinh viên nhóm đối chứng chúng tôi nhận thấy:  

Kết quả kiểm tra trước và sau thực nghiệm của các nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Do đây là môn thể thao mới phổ biến nên việc kiểm tra đầu kỳ chỉ mang tính chất xác định năng lực ban đầu cho sinh viên đối với môn Khiêu vũ thể thao như: đánh hông số 0, đánh hông số 8, dáng người, mũi chân và các tư thế tay... Đa số sinh viên ở cả 2 nhóm thực nghiệm và đối chứng đều có thể thực hiện được các kỹ thuật giáo viên yêu cầu.

Với mục đích cuối cùng là xác định tính hiệu quả của các biện pháp đề xuất ứng dụng, chúng tôi tiến hành đánh giá hứng thú học tập của sinh viên qua chất lượng học tập của hai nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm ở kết quả học tập (lý thuyết + thực hành) và kết quả xếp loại học tập môn Giao dục thể chất sau giai đoạn thực nghiệm.

Kết quả của đề tài đã cung cấp những biện pháp mang tính thực tiễn và khả thi góp phần nâng cao hứng thú học tập của các em như: biện pháp nâng cao giáo dục về vai trò, ý nghĩa, tác dụng, mục đích của môn học trong đời sống và trong học tập; biện pháp lựa chọn các vũ hình phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau; biện pháp giảng viên xây dựng các cuộc giao lưu, thi đấu cho sinh viên được thể hiện khả năng Khiêu vũ thể thao; biện pháp trang bị những kỹ thuật cơ bản, kiến thức cơ bản và phư­ơng pháp tập luyện Khiêu vũ thể thao cho sinh viên.... Qua thời gian thực nghiệm, kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Kết quả thi các bài kiểm tra thường xuyên và thi học kỳ của nhóm sinh viên thực nghiệm cao hơn hẳn nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, đề tài còn có thể là tài liệu tham khảo cho giảng viên trong quá trình giảng dạy và học tập môn Khiêu vũ thể thao.

 


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Bộ Giáo dục và Đào tạo (1998), Phân phối chương trình giáo dục thể chất trong các trường Đại học (quyết định 203/QĐ - GDTC ngày 23/01/1998).

2.  Dương Diệu Hoa (1980), Bước đầu tìm hiểu hứng thú học tập bộ môn tâm lý học của sinh viên khoa Tâm lý, Giáo dục.

3.       Imkock (1990), Tim hiểu hứng thú đối với môn Toán của học sinh lớp 8 – Phrompenh, Luận án ĐHSP Hà Nội.

4.       Lê Thị Lâm (2008), Hứng thú học tập môn Tâm lý học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

5.       Mai Văn Hải (2005), Tìm hiểu hứng thú học tập môn GDTC của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN.

6.       Nguyễn Thị Kim Thục, Hồ Đắc Sơn (2006), Định hướng đổi mới phương pháp thực hiện chương trình môn học thể dục nhằm tích cực hóa người học ở các trường THCS quận Cầu Giấy, Hà Nội.

7.       Nguyễn Thị Bích Thủy (2010), Hứng thú học tập của sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Văn hiến Thành phố Hồ Chí Minh.

8.       Trương Gia Quân (2001), Các phương pháp gây hứng thú cho sinh viên trong giờ học thể dục.