Nội san

Giải pháp quản lý cộng đồng trong hoạt động văn hóa ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

22 Tháng Chín 2017

Triệu Trà My [*]

 

Hy Cương là một xã miền núi thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn xã Hy Cương tọa lạc một di sản văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia đó là Khu di tích lịch sử Đền Hùng - nơi được coi là nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Với đặc thù như vậy, xã Hy Cương  nắm rõ được tầm quan trọng của mình trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị văn hóa cội nguồn cũng như cách quản lý hoạt động văn hóa.

Trong thời đại hội nhập, xã Hy Cương luôn chủ động phát huy nội lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy đã đạt được những kết quả quan trọng về mọi phương diện, đặc biệt là trong giáo dục, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán tiến bộ của nhân dân luôn được giữ gìn và phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại địa bàn xã Hy Cương vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi công tác quản lý cần có sự đổi mới. Không chỉ đổi mới quản lý trong các cấp chính quyền mà quản lý cộng đồng cũng là công việc vô cùng quan trọng. Vì lẽ đó, việc tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cộng đồng trong các hoạt động văn hóa tại xã Hy Cương là rất cần thiết. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp quản lý cộng đồng như sau:

1.   Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý Tiếp tục bảo tồn và phát huy di tích

Ban khánh tiết và cụ từ Đình tiếp tục làm công tác trông coi, giữ gìn và bảo vệ, hướng dẫn nhân dân hành lễ tại các di tích; Tuyên truyền các cá nhân, tập thể tiếp tục tham gia cuộc vận động đóng góp vốn nhằm tu bổ các di tích trên địa bàn. Tranh thủ mọi nguồn lực, nguồn vốn từ các nhà hảo tâm đến từ thập phương; Tiếp tục phát hiện, tố giác các sai phạm ảnh hưởng đến di tích, báo cáo UBND xã giải quyết; Cộng đồng cần tích cực, tự giác hơn nữa trong công tác vệ sinh làm đẹp cảnh quan môi trường di tích.

2.      Giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội

Người dân cần nghiêm chỉnh thực hiện và tiếp thu các yêu cầu của các cấp chính quyền đã đặt ra trong công tác quản lý lễ hội, đặc biệt là trong lễ hội Đền Hùng và Lễ Hạ Điền.

Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong khi diễn ra lễ hội tại địa bàn, không ngừng tuyên truyền cho nhau cách ứng xử đẹp trong đời sống cũng như trong khi diễn ra lễ hội. Không để diễn ra tình trạng ăn xin ăn mày, luôn giữ thái độ thân thiện, cởi mở quý mến khách.

Cộng đồng cần phải tiếp tục phối hợp với chính quyền trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, cần báo ngay cho lực lượng công an, cấp chính quyền khi phát hiện ra hành vi trộm cướp trong khi diễn ra lễ hội.

3.      Cộng đồng tiếp tục hưởng ứng hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Tiếp tục nhiệt tình tham gia các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, thi đua “khu dân cư văn hóa”, “gia đình văn hóa; Cần thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, người dân trong thôn xóm cần đoàn kết, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Có ý thức cùng nhau giữ gìn, vệ sinh đường xóm, sạch từ trong nhà ra ngoài ngõ.

Tiếp tục nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý các hoạt động văn hóa để ngày càng có nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp trong công tác quản lý của các cấp chính quyền.

Vận động lẫn nhau tham gia đăng ký “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” sao cho đạt chỉ tiêu 100%.

Trong tổ chức việc cưới, việc tang cần không ngừng thực hiện đúng theo quy định, không phô trương, lãng phí, loại bỏ các thủ tục lạc hậu.

Tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền cổ động trong phong trào “bình đẳng giới” và bạo lực gia đình. Nhiệt tình hưởng ứng và tham gia các hoạt động thể dục thể thao ở khu dân cư và các phong trào thể thao thành phố Việt Trì, UBND xã phát động.

4.      Cộng đồng gìn giữ và đóng góp nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thông tin

Không dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin từ các đài truyền thanh, người dân cần tự giác thực hiện những hướng dẫn mà các cấp chính quyền đã đề ra.

Vận động nhau hơn nữa trong việc đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa, làm cho nhà văn hóa ngày càng tốt đẹp hơn, đầy đủ trang thiết bị hơn để phục vụ chính bản thân người dân.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ các thiết chế văn hóa, cần nhận thức rõ đó là sản phẩm tinh thần, trí tuệ và văn hóa chung của cộng đồng, cần phải cùng nhau đoàn kết, gắn bó và giữ gìn.

5.             Tiếp tục tham gia quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa

Người dân cần phải ý thức hơn nữa trong việc kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các mô hình hoạt động kinh doanh sản phẩm văn hóa của mình, không sử dụng chất cấm, văn hóa phẩm đồi trụy trong kinh doanh.

Tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền phát hiện các cơ sở kinh doanh trái phép để kịp thời có phương án xử lý.

Để đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng vào quản lý Nhà nước trong thời gian tới, UBND và Ban văn hóa xã hội xã Hy Cương cần phải làm tốt các công việc chủ yếu sau:

Một là, để người dân trực tiếp tham gia vào quản lý nhà nước

Có thể thành lập ra các câu lạc bộ, các tổ chức nhằm xây dựng và thực hiện các hoạt động văn hóa thu hút người dân tham gia. Tiếp tục có biện pháp giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ, nhất là ý thức chính trị, tinh thần pháp luật của người dân, làm cho người dân tự giác và có ý thức hơn nữa trong việc tham gia vào các công việc xã hội và các hoạt động quản lý nhà nước.

Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tham gia của người dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin đại chúng. Mở rộng việc sử dụng các báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp, tham gia của nhân dân. Xử lý các vi phạm và đưa ra kiểm điểm trước dân nếu vi phạm đó chưa được xử lý triệt để.

UBND xã Hy Cương luôn thực hiện đúng các quy định của nhà nước để cộng đồng thông qua các hình thức, phương thức giúp cộng đồng có thể tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước như việc cán bộ xã phải tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của người dân.

Hai là, Lôi cuốn nhân dân tự quản thông qua hương ước

Hương ước là một văn bản hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn hoá, duy trì và phát huy thuần phong mỹ tục bao đời của làng xã; đồng thời là công cụ để huy động sức dân trong việc đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi chung trên cơ sở tự nguyện và đồng tâm, đồng thuận chung như điện, đường, trường, trạm. Ở địa phương, cần tiếp tục thảo ra các quy ước nội bộ, tạo sự ổn định chính trị xã hội trong xã hay khu dân cư, cụm dân cư để cho nhân dân ở địa phương tin tưởng vào chế độ, vào môi trường sống, yên tâm làm ăn, lao động sáng tạo sản xuất, làm giàu trong khuôn khổ pháp luật.

Để quy ước đi vào cuộc sống nhân dân, quy ước cần nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân ngay từ quá trình soạn thảo và xây dựng. Bộ máy quản lý sẽ theo phương thức dân chủ đại diện. Các thành viên hội đồng nhân dân xã, những đại biểu của dân thay mặt dân bầu ra chủ tịch và các chức danh trong UBND như một cơ quan chấp hành của hội đồng vì vậy gắn liền trực tiếp với quyền và lợi ích của người dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân và với vị trí của mình trong hệ thống chính trị, các cấp chính quyền xã cần có sự định hướng cho người dân và xác định đây là khâu quan trọng nhất, bảo đảm việc duy trì để việc thực hiện hương ước, quy ước đạt hiệu quả trong cộng đồng dân cư.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực hoạt động văn hóa

   Đối với xã Hy Cương trong thời gian qua, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cùng các ban ngành đoàn thể khác. Nhiều công trình văn hóa được tôn tạo chỉnh trang, xây dựng cải tạo theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện.

   Trong những năm qua, trên địa bàn xã Hy Cương công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã đạt được những thành tựu nổi bật: việc đầu tư sửa chữa, cải tạo chùa Am Đường, đình Cổ Tích, một số nhà văn hóa trên địa bàn xã. Các câu lạc bộ thơ, ca nhạc, hát xoan được nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp chủ yếu các tiết mục cho các chương trình ca múa nhạc nhân các sự kiện lớn tại địa bàn xã.

   Công tác xã hội hóa hoạt động quản lý cũng có những chuyển biến tích cực. Các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư thường xuyên đôn đốc nhân dân giữ gìn vệ sinh chung, đoàn kết, giữ cho tình nghĩa làng xóm luôn vui vẻ đầm ấm,  rất ít tệ nạn xã hội diễn ra trên địa bàn xã.

   Yêu cầu đặt ra đối với xã hội hóa các hoạt động văn hóa của xã Hy Cương từ nay tới những năm tiếp theo là tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển xã hội hóa văn hóa; xác định mục tiêu và định hướng phát triển xã hội hóa đối với từng lĩnh vực văn hóa tương xứng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động văn hóa phong phú phù hợp với truyền thống, tập quán của địa phương, nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ văn hóa, đổi mới quản lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn xã. Đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện các cơ chế và chính sách nhằm phát triển văn hóa toàn diện, đảm bảo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần nghị quyết TW 5 khóa VIII và kết luận của hội nghị lần thứ 10 ban chấp hành TW Đảng khóa XI.

   Với những thành tựu bước đầu đạt được trong công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa xã Hy Cương. Tin rằng, trong những năm tới với sự quan tâm của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hy Cương, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể và nhân dân chắc chắn các hoạt động văn hóa trên địa bàn xã sẽ có những chuyển biến tích cực.

Bốn là, tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng thực hiện có hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước về văn hóa

   Thực tế khảo sát thực trạng vấn đề ở trên cho thấy việc thực hiện chính sách, cơ chế quản lý trong lĩnh vực văn hóa ở xã Hy Cương còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy thực hiện có hiệu quả văn bản quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn xã là giải pháp quan trọng.

   Trước hết, cần tổ chức các cuộc họp nhằm quán triệt sâu sắc các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý các hoạt động văn hóa, về bảo đảm gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Ngoài việc tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển văn hóa, ban văn hóa xã hội phải thực hiện các văn bản hướng dẫn của UBND thành phố Việt Trì.

   UBND xã cần triển khai đồng bộ các văn bản về lĩnh vực hoạt động và quản lý văn hóa của Đảng, Chính phủ, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh, UBND thành phố, thường xuyên kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện với UBND xã và cấp trên, có ý kiến kịp thời giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong khi thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động văn hóa.

   Đảng và Nhà nước ban hành những văn bản về quản lý văn hóa cần phải phù hợp với thực tiễn từng vùng, miền, dân tộc để phù hợp với nền kinh tế thị trường và định hướng phát triển nền văn hóa trong tương lai. Bên cạnh đó cần bổ sung, hoàn chỉnh những văn bản đã ban hành mà chưa phù hợp.

   Ban văn hóa xã hội cần tham mưu và trực tiếp quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý văn hóa. Xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với từng loại hình hoạt động văn hóa với đặc điểm kinh tế- xã hội của từng khu dân cư.

   Thực hiện có hiệu quả các văn bản về quản lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn xã chính là đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế- xã hội và phát triển văn hóa, con người, nâng cao đời sống cộng đồng.

Kết luận

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận và khảo sát thực tế nhà nước đối với các hoạt động văn hóa của xã,  nắm bắt được thực trạng trong công tác quản lý, tác giả đã đề xuất một số giải pháp của cộng đồng đối với công tác quản lý các hoạt động văn hóa ở xã Hy Cương nhằm nâng cao chất lượng quản lý, để xã Hy Cương ngày càng khởi sắc. Các  giải pháp này sẽ góp phần hữu ích vào sự phát triển sự nghiệp văn hóa của xã Hy Cương nói riêng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nói chung.

                                                 Tài liệu tham khảo

1.  Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hy Cương (2005), Lịch sử Đảng bộ xã Hy Cương, 1947- 2004, Phú Thọ.

2.  Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết lần thứ 5 (1998), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

3.    Dương Văn Tuấn (2016) Quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

4.   Vũ Kim Biên (1999), Văn hiến làng xã vùng Đất Tổ Hùng Vương, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, Hà Nội.

5.         Vũ Ngọc Khánh (2008), Văn hóa gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa