Nội san

Biện pháp dạy học dân ca Đông Anh cho sinh viên thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa

22 Tháng Chín 2017

 Phạm Thị Hải [*]

 

Thanh Hóa không chỉ được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng mà còn là mảnh đất của dân ca. Nhắc đến dân ca Thanh Hóa làm ta nhớ đến những làn điệu dân ca đặc sắc, trong đó không thể không kể đến dân ca Đông Anh, cùng với đó là dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số như làn điệu Xường của dân tộc Mường, Khặp của dân tộc Thái, Cự xia của dân tộc Mông, Tơm của dân tộc Khơ Mú, hát ru của dân tộc Dao, hát đối đáp của dân tộc Thổ... đã làm phong phú thêm cho kho tàng âm nhạc dân gian xứ Thanh.

Để việc đưa dân ca Đông Anh vào giảng dạy trong trường Đại học văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, từ khảo sát thực trạng cộng thêm thực tiễn giảng dạy tại trường, chúng  tôi nhận thấy thực trạng còn nhiều bất cập bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được.

Về phía nhà trường, việc đầu tư về các điều kiện cho việc dạy và học của giáo viên và sinh viên luôn được quan tâm. Hiện nay cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập của tại trường đã được trang bị tương đối đầy đủ gồm: phòng biểu diễn âm nhạc được đầu tư trang bị hệ thống cách âm, ánh sáng và các phương tiện nghe nhìn khác đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho các chương trình biểu diễn đạt kết quả tốt. Các phòng học thanh nhạc được trang bị đàn Piano, tủ đựng tài liệu, gương treo tường… Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc dạy và học của thầy trò tại trường. Tuy nhiên thực hành nghề nghiệp hát dân ca đòi hỏi cần phải bổ sung đạo cụ, trang phục biểu diễn, các phòng dạy thanh nhạc cần trang bị thêm máy vi tính, đài catsset, hệ thống giáo trình, tập bài giảng, băng đĩa cần được bổ sung nhiều thể loại hơn nữa, đặc biệt chúng tôi quan tâm đến vấn đề giáo trình và bài giảng. Bởi hiện nay Nhà trường chưa có giáo trình giảng dạy hát dân ca cho hệ đại học cụ thể, các tài liệu về dân ca Đông Anh ở thư viện đang còn rất thiếu, chỉ có số ít khác được giảng viên thanh nhạc nhà trường sưu tầm làm tài liệu giảng dạy. Trong hệ thống bài tập dành cho hệ đại học thanh nhạc từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, những bài hát dân ca xuất hiện trong chương trình chủ yếu là dân ca vùng núi phía Bắc, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Bắc bộ, dân ca Nam Bộ... 

Với đặc thù về loại hình đào tạo, sinh viên cần có năng khiếu nghệ thuật (chất giọng hay, nhạy cảm về âm nhạc...), là điều kiện để các em có thể tiếp thu tốt môn học này. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập: đó là tình trạng có những sinh viên (SV) đầu vào chưa được học kỹ thuật thanh nhạc cơ bản cho nên rất bỡ ngỡ khi bắt đầu luyện thanh, nhiều em còn ngại mở khấu hình, phát âm tiếng địa phương... Không ít SV còn mơ hồ về kiến thức âm nhạc, đặc biệt là những kiến thức chung về âm nhạc dân gian. Có những sinh viên học hát dân ca một cách thụ động, không chịu đầu tư sáng tạo trong biểu diễn, ỷ lại sự hướng dẫn của giảng viên (GV). Một số sinh viên  khả năng cảm thụ âm nhạc kém cho nên khi học hát  dân ca Đông Anh, những nốt luyến, cao độ khó... ảnh hưởng đến khả năng ca hát...

Từ thực tiễn nêu trên, tác giả mạnh dạn đề xuất một vài suy nghĩ về giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học dân ca Đông Anh tại trường Đại học Văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

1. Bổ sung các làn điệu Dân ca Đông Anh vào trong chương trình giảng dạy Thanh nhạc 

            Sau khi khảo sát thực tiễn, chúng tôi lựa chọn một số bài/ làn điệu thuộc những thể loại: Diễn xướng Múa đèn Đông Anh ( trong đó gồm có 10 bài ), trò Tiên Cuội trong dân ca Đông Anh để đưa vào Hệ thống bài tập thanh nhạc dành cho hệ Đại học Thanh nhạc chính quy và môn thực hành nghề nghiệp.

- Tổ khúc  “múa đèn” gồm  10 bài: Đi cấy (hiện đã có trong chương trình giảng dạy) ,Thắp đèn, Luống bông luống đậu, Vãi mạ, Đan lừ, Nhổ mạ, Kéo sợi, Dệt cửi, Xe chỉ vá may, Đi gặt

            - Tổ khúc ca múa “Tiên cuội” gồm 11 bài: Hát chúc mừng (Tiên đồng ca), Cải tử hoàn sinh (Tiên đồng ca), Ở chốn bồng lai (Tiên đồng ca), Dạo chơi hồ sen (Trò tiên cuội, Cuội tỏ tình (Trò tiên cuội), Tiên cuội tỏ tình (Trò tiên cuội), Cuội than A (Trò tiên cuội), Cuội than B (Trò tiên cuội), Cải tử hoàn sinh A (Tiên đồng ca), Cải tử hoàn sinh B (Tiên đồng ca), Hát chúc (Tiên đồng ca).

2. Vận dụng kỹ thuật thanh nhạc vào dạy học dân ca Đông Anh

Kỹ năng ca hát là những yếu tố kỹ thuật tác động đến giọng hát con người làm cho giọng hát của họ phát triển với âm thanh vang sáng, có niềm vui truyền cảm, chính xác, âm vực rộng, có khả năng biểu hiện thành công ý tưởng của tác phẩm, có sức sống mạnh mẽ, có sức thuyết phục người thưởng thức, làm cho con người yêu cuộc sống hơn, phấn đấu học tập, lao động có hiệu quả hơn. Để hát dân ca tốt hơn, SV cần phải nắm vững các kỹ năng ca hát cơ bản sau:

Kỹ năng ca hát cơ bản

Sinh viên thanh nhạc thì đều có thể hát dân ca song hát chạm vào trái tim người nghe thì không phải em nào cũng biết. Có những bài hát khó, cần thể hiện đúng giọng, điệu, hay những nốt luyến láy. Dựa trên kỹ năng ca hát dân tộc và tiếp thu phư­ơng pháp thanh nhạc phương Tây, đổi mới giảng dạy thanh nhạc trong công tác đào tạo theo hướng: dân tộc - hiện đại để vận dụng kỹ thuật thanh nhạc vào dạy học dân ca Đông Anh, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật thanh nhạc phương Tây áp dụng cho việc dạy học Dân ca Đông Anh như sau:

 Thứ nhất, kỹ thuật Cantilena (Hát liền giọng)

Đây là kiểu hát cơ bản nhất trong kỹ thuật thanh nhạc, không những trong các tác phẩm nghệ thuật ở trên thế giới mà ở nước ta, những ca khúc nghệ thuật cho đến các bài dân ca đều mang tính chất giai điệu phong phú, uyển chuyển và duyên dáng. Xét về phương diện âm nhạc, hát liền giọng cũng mang ý nghĩa legato nhưng yêu cầu thêm về âm thanh sao cho thanh thoát và trong sáng. Rèn luyện kỹ thuật hát liền giọng nhằm hai mục đích cơ bản: giúp cho giọng hát có được những tính chất thiếu yếu như: vang, khỏe, tròn, đều đặn, hơi thở sâu và tiết kiệm. Từ đó, giúp cho cơ quan phát âm hoạt động đúng và phù hợp. Ngoài ra còn để biết hát liên kết giai điệu. Trong các bài hát dân ca Việt Nam, giai điệu còn chứa đựng ngay cả trong lời hát với những ca từ uyển chuyển duyên dáng nên cách hát phải mềm mại, rõ ràng. Đặc biệt phải chú ý những phụ âm kép ở cuối chữ, không nên khép lại quá sớm mà phải cố kéo dài đủ trường độ nốt nhạc trên những nguyên âm, rồi khép phụ âm và chuyển nó thành một nguyên âm vang ở mũi. VD như âm : c, ch, nh, ng, p, t....

 

Ví dụ:                             ĐI CẤY

 (trích dân ca Đông Anh)

 

         Thứ hai,  kỹ thuật Passage (Hát lướt nhanh)

Đây là một kỹ thuật xử lý bài hát một cách linh hoạt, rõ ràng với tốc độ nhanh, nhằm diễn tả những tình cảm, tính chất vui tươi, sôi nổi, không khí rộn ràng, náo nức. Kỹ thuật hát lướt nhanh giúp cho giọng hát phát triển nhất là đối với giọng nữ cao màu sắc.

Khi hát phải hít hơi thở sâu và nhanh, vì hít chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ của bài hát, sẽ làm cho âm thanh chậm, nặng nề. Khi đẩy hơi phải nhẹ nhàng không nên tống hơi đột ngột, âm thanh được bật nhẹ nhàng, dứt khoát, vị trí âm thanh phải nông và cao. Không được hát hời hợt, lướt qua hoặc bỏ nốt mà phải rõ ràng, nét tiếng, hát chính xác cao độ, trường độ và tính chất của bài hát.

Ví dụ: CUỘI TỎ TÌNH – TIÊN ĐỒNG CA

                                                                                            (Trích Trò tiên cuội )

 Thứ ba, kỹ thuật Crescendo;  Decrescando (Hát to dần, hát nhỏ dần)

Trong thanh nhạc, để thể hiện tốt một bài hát thì ngoài yếu tố kỹ thuật, việc xử lý sắc thái tình cảm trong bài là yếu tố quyết định sự thành công của người hát, để biểu hiện những hình thức và nội dung tác phẩm. Hai kiểu hát Crercendo và Decrescando (Hát to dần, hát nhỏ dần) là hai kỹ thuật quan trọng của quá trình rèn luyện giọng hát.

Hát to dần hay nhỏ dần là cách hát âm thanh đều đặn, liên tục, không bị gãy, không ngắt quãng, không thay đổi vị trí cộng minh của âm thanh. Luyện tập hát to dần, nhỏ dần, nhỏ dần là một vấn đề khó, phải có quá trình luyện tập thường xuyên không phải chỉ tăng cường âm lượng, mà điều quan trọng là làm sao khi thay đổi ân lượng, tính chất tiêu biểu của âm thanh được ổn định trong suốt độ dài của nốt nhạc.      

Thứ tư, kỹ thuật Portamento:  Kỹ thuật luyến - ngắt, chuyển từ 1 note cao ngân dài sang các note khác mà không làm gián đoạn hơi thở. Nó có tác dụng không làm gián đoạn dòng cảm xúc liền mạch ngay cả ở đoạn cao trào. Kĩ thuật này được các ca sĩ sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm thanh nhạc để giúp ca sỹ phô diễn kĩ thuật và làn hơi dài.

Ví dụ:                               CUỘI THAN

(Trích Trò tiên cuội)

 

 

3. Xây dựng chương trình dạy học Dân ca Đông Anh áp dụng vào môn thực hành nghề nghiệp

Thực hành nghề nghiệp là quá trình rèn luyện nhằm hình thành tổ hợp các kỹ năng nghề của sinh viên đảm bảo cho họ thực hiện có hiệu quả và chất lượng cao các hoạt động nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ở đây, việc hướng dẫn thực hành nghề nghiệp được tổ chức như sau:

Bước 1: Hướng dẫn mở  đầu

Hướng dẫn mở đầu gồm những nội dung cơ bản như GV nêu nhiệm vụ của bài thực hành, kiểm tra những kiến thức, kỹ năng có liên quan đến bài thực hành, trang bị cho SV những hiểu biết và kỹ năng mới cần thiết. GV nêu khái quát trình tự các bước công việc, các động tác, thao tác và phương tiện ... GV biểu diễn hành động mẫu và kiểm tra kết quả, nêu các sai sót mà SV dễ mắc phải, phân công nhiệm vụ cho nhóm SV hoặc cá nhân.

Bước 2: Hướng dẫn trung gian (thường xuyên)

SV luyện tập, tái hiện hành động mẫu theo trình tự công việc, chú ý khâu tự kiểm tra và điều chỉnh hành động. GV uốn nắn, kiểm tra từng bước, từng phần công việc của SV. Hướng dẫn trung gian thường thực hiện bằng thực hành có GV hướng dẫn.

Bước 3: Hướng dẫn kết thúc

GV nhận xét, đánh giá quá trình luyện tập và sản phẩm mà SV đã thực hiện, nhận xét các lỗi SV thường mắc phải; giao bài tập về nhà và nhiệm vụ cho bài thực hành kế tiếp.

 Bước 4: Thực hành định kì

 Được thực hiện sau một thời gian nhất định như hàng tuần hoặc hàng tháng SV trình diễn lại các kỹ năng đã học. Việc làm này sẽ giúp người học có thể thực hiện công việc như một thói quen.

Bước 5: Các hoạt động giải quyết vấn đề

 Sau khi học xong một nhóm kỹ năng, GV đưa ra vấn đề cho người học giải quyết. SV phải lựa chọn những kỹ năng cần thiết, sau đó điều chỉnh hoặc áp dụng chúng theo yêu cầu đặt ra. Có thể yêu cầu người học thực hiện các kỹ năng trong những điều kiện khác nhau nhưng càng sát với thực tiễn càng tốt. Kết quả hoạt động giải quyết vấn đề này sẽ đem lại sự tự tin và dần hình thành kỹ năng cho người học.

Từ môn thực hành nghề nghiệp, cần phải xây dựng một chương trình hát dân ca Đông Anh cụ thể dựa trên những nguyên tác thực hành nghề nghiệp và phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tiễn đang có.

 Trong quá trình rèn luyện, thực hành nghề nghiệp, GV huớng dẫn lựa chọn những tiết mục dân ca Đông Anh có chất lượng để tham gia vào đội nghệ thuật nhà trường (Có sự hướng dẫn của các nghệ nhân mời) yêu cầu SV phải có kỹ thuật hát cơ bản đảm bảo, có khả năng biểu diễn khá trở lên, được tập luyện thường xuyên các chương trình với các chủ đề, nội dung tham gia các hoạt động biểu diễn ngoài trường để quảng bá và tuyên truyền nét đẹp của dân ca Đông Anh đến với công chúng.

Ngoài các hạt động trên, cần thành lập câu lạc bộ Dân ca, nhóm hát do chính các em sáng tạo nên, tạo sân chơi cho các em được biểu diễn, sáng tác, và phát huy khả năng bản lĩnh biểu diễn của mình. Bên cạnh đó, cần tổ chức cho SV đi thực tế để tham gia trực tiếp một - hai sinh hoạt ca nhạc dân gian cổ truyền, tham quan Bảo tàng Dân tộc học ở địa phương để gặp gỡ các nghệ nhân, hiểu biết thêm về đạo cụ, nhạc cụ, hình ảnh về các thể loại ca nhạc dân gian cổ truyền.

Để gìn giữ kho tàng dân ca phong phú của mình, hiện nay huyện Đông Sơn - Thanh Hóa đã khôi phục và văn bản hoá được khá nhiều trò diễn, diễn xướng. Vấn đề cần được đặt ra là phải làm sao phát huy được những giá trị của nó phục vụ cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc dạy học dân ca Đông Anh cho sinh viên tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là vô cùng cần thiết. Việc làm đó chẳng những cung cấp những kiến thức cơ bản về âm nhạc dân gian cho sinh viên, trang bị cho sinh viên một số bài dân ca đặc trưng, phù hợp với khả năng âm nhạc để các em làm hành trang trên bước đường công tác sau này, mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của dân ca Đông Anh trong thời kỳ hội nhập.

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Bộ văn hóa Thông tin, Nhạc Viện Hà Nội, Viện Âm nhạc.

2. Nguyễn Trung Kiên (2001), Giáo trình giảng dạy thanh nhạc hệ Trung Cấp, Bộ Văn hóa Thông tin, Nhạc Viện Hà Nội, Viện Âm nhạc.

 

3. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Vĩnh Long (1976), “Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật số 12, Hà Nội.

5. Lê Văn Tạo (2013), 45 năm Truyền thống trường Đại học văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa