Nội san

Sử dụng hiệu ứng và kỹ xảo điện tử trên đàn Electric Guitar

25 Tháng Chín 2017

Dương Thanh Hải [*]

 

Dạy học các chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ chuyên nghiệp hình thành và phát triển ở Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ, khi trường âm nhạc Việt Nam (tiền thân Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tổ chức đào tạo nghệ sĩ độc tấu chuyên ngành nhạc cụ. Quy trình, phương pháp học biểu diễn các loại đàn như: Piano, Violin, Guitar.. (còn gọi là nhạc cụ phương Tây) rất bài bản, mang tính hàn lâm với khối lượng học tập cao. Ngành biểu diễn Guitar được phát triển trong môi trường chuyên nghiệp như trên đã ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

Những chương trình biểu diễn âm nhạc hiện nay ở Việt Nam có sự tham gia chủ đạo của nhiều loại nhạc khí phương Tây như: Violin, Piano, Viola, Cello, Trumpet, Saxophone, Drum... trong đó đàn Guitar là thành phần không thể thiếu, đặc biệt đối với ban nhạc điện tử. Âm thanh và nghệ thuật biểu diễn đàn Guitar được khẳng định uy tín, giá trị từ nhiều nghệ sĩ Guitar nổi tiếng trên thế giới tạo nên những làn sóng học đàn Guitar từ Mỹ đến các nước châu Âu, châu Phi, châu Á, trong đó có Việt Nam.

Dạy học đàn Guitar nói riêng hay dạy học âm nhạc nói chung mang tính đặc thù, bởi âm nhạc là nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tư tưởng và tình cảm của con người. Qua cây đàn, người nghệ sĩ chuyển tải những hình tượng âm nhạc sống động, mang đến cho người nghe nhiều xúc cảm. Người giảng viên - nghệ sĩ đàn Guitar phải hiểu rõ vai trò người thầy trong truyền đạt cho người học những phương pháp, kỹ thuật chơi đàn để có thể dùng âm thanh diễn đạt nhiều cung bậc, sắc thái tình cảm khác nhau của con người. Ngoài những yếu tố kỹ thuật thì phương pháp thể hiện những cảm xúc trong tác phẩm âm nhạc thông qua tư duy, nhận thức của người nghệ sĩ biểu diễn là nguồn sức mạnh đi sâu vào tình cảm người nghe, phát triển khả năng thẩm mỹ, tình yêu quê hương đất nước... trong đó, phản ánh tâm hồn người Việt Nam hiện đại đóng vai trò rất quan trọng, nhằm hướng đến cho người nghe tính thẩm mỹ của nghệ thuật âm nhạc.

Từ những năm 30 thế kỷ XX, Electric Guitar trở thành nhạc cụ phổ biến trong biểu diễn nhạc Jazz, xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi người nghệ sĩ Guitar tìm các thủ pháp nhằm khuyếch đại âm thanh khi chơi trong những ban nhạc lớn. Đến thập kỷ 50, 60 thể kỷ XX, sự phát triển của công nghệ đã hoàn thiện đàn E- Guitar, điều này là cơ sở để E- Guitar trở thành một trong những nhạc cụ quan trọng nhất khi trình diễn nhạc Pop (phổ thông, đại chúng). Sự nhảy vọt về lượng và chất của đàn E- Guitar tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc đường phố, sân khấu, nhạc phim, múa... Nhìn theo chiều xã hội, đàn E- Guitar nhanh chóng phát triển thành một nhạc cụ mở rộng khả năng tạo âm thanh với nhiều phong cách khác nhau. Cụ thể: đàn E- Guitar là yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển loại nhạc Rock and roll và nhiều thể loại, phong cách khác, đặc biệt trong biểu diễn nhạc nhẹ.

Về nguyên lý, hoạt động của đàn E- Guitar được diễn ra dưới sự tác động của người chơi làm dây đàn kim loại rung lên, bộ phận truyền âm với 6 miếng nam châm nằm dưới 6 dây đàn. Sự rung động của dây đàn tác động tới từ trường của miếng nam châm, sự nhiễu từ tạo ra dòng điện trong cuộn dây quanh nam châm. Ở bộ phận “cầu” đàn, dòng điện đi qua bộ phận điều khiển âm thanh, âm lượng. Qua đó, cho phép người chơi có thể tùy biến dòng điện thay đổi âm thanh, âm lượng cần thiết. Tín hiệu cuối cùng đi qua máy khuyếch đại đạt được mức độ theo ý đồ của người chơi khi phát ra loa. Trên thực tế, tại các nước ở châu Âu và châu Mỹ, loại đàn E- Guitar rất phong phú kiểu, dáng, hình thức, là nhạc cụ diễn tấu độc lập (soloist), làm cây đàn đệm chủ đạo trong ban nhạc nhẹ, dàn nhạc hòa tấu và là thành phần chủ chốt với tư cách một thành viên ban nhạc điện tử, đàn E- Guitar nổi bật lối chơi solo/độc tấu trong ban nhạc. Những ưu điểm của đàn E- Guitar cùng với khả năng biểu hiện âm nhạc đa dạng đã nhanh chóng trở thành nhạc khí phổ biến thế giới, đóng vai trò chính trong các ban nhạc/band với nhiều phong cách như: Jazz, Pop, Rock, Country/nhạc đồng quê.

   Không như loại nhạc cụ khác, những hiệu ứng và kỹ xảo trên đàn E- Guitar là sự tiếp nối, bổ sung và đổi mới liên tục trong suốt nửa cuối thế kỷ XX do các nghệ sĩ E- Guitar nổi tiếng trên thế giới sáng tạo. Mặt khác, kỹ xảo đàn E- Guitar thừa hưởng những ứng dụng, thành tựu công nghệ số (digital) tiên tiến, hiện đại. Lối diễn tấu đàn E- Guitar tập trung vào những nội dung: hiệu ứng và kỹ xảo biến đổi âm thanh từ Fuzz/Phơ, tạo legato (liền tiếng), kỹ thuật đẩy dây đàn (String Bending), Vibrato (rung dây), Slide (trượt dây), Sweeping (quét dây), Harmonics (bồi âm)... Tất cả những hiệu ứng, kỹ xảo nêu trên là đặc điểm riêng của đàn E- Guitar, rất khác so với nhạc khí như: Piano, Violin. Những cải tiến, đổi mới không ngừng trong công nghệ đã đem lại cho đàn E- Guitar khả năng biểu hiện âm nhạc vô cùng phong phú, đa dạng.

Phơ/Fuzz trên đàn Electric Guitar

Fuzz hoặc Effect pedal (tiếng Việt gọi là cục Phơ) là thiết bị chuyên dụng biến đổi sóng âm của E- Guitar nhằm tạo ra những hiệu ứng âm thanh/sound, ảnh hưởng/effect khác nhau. Đây là tổ hợp các loại tiếng phổ biến của đàn E- Guitar, yếu tố cơ bản để so sánh giữa kỹ xảo dùng kỹ thuật số trên E- Guitar với Acoustic Guitar, Guitar Classic và nhiều loại Guitar khác. Fuzz ở Việt Nam hiện có hai loại chính: Fuzz bàn (Multi Effect Pedal) và Fuzz cục (Compact Pedal hay Stompbox). Đa số Fuzz bàn/Multi effect sử dụng công nghệ digital nhằm tối ưu hóa và tích hợp cùng lúc các chức năng khác nhau như: thuận tiện trong sử dụng (gọn, nhẹ, dễ bảo quản), giản hóa động tác mix/phối trộn âm thanh trên bàn Phơ. Nếu thành thạo sử dụng Fuzz bàn sẽ đem lại những dạng âm thanh bất ngờ, hiệu quả khi đàn E- Guitar là thành phần ban nhạc. Fuzz cục là loại fuzz chuyên dụng một hiệu ứng/Effect đặt dưới đất, người sử dụng dùng bàn chân giẫm vào Pedal/công tắc: on/bật hoặc off/tắt. Khi dạy học, giảng viên luôn hướng dẫn người học  cách sử dụng Fuzz cục hiệu quả tùy theo yêu cầu tác phẩm hay trong các câu ngẫu hứng. Đây là loại Phơ/Fuzz có chất lượng âm thanh cao hơn so với Phơ bàn/Multi Effect Pedal.

Tạo âm thanh liền tiếng (legato)

Những âm thanh liền tiếng/Legato rất quan trọng và được áp dụng nhiều trong tất cả các phong cách/style nhạc nhẹ, đặc biệt trong các loại nhạc: fusion, jazz, rock...Đặc trưng của lối chơi liền tiếng/legato trên đàn E- Guitar yêu cầu tay trái bấm và di chuyển linh hoạt để tạo ra những âm thanh mượt mà, điều này liên quan đến kỹ thuật ngón tay với đặc điểm ngón tay bấm chắc chắn, chính xác ở nhiều tốc độ từ chậm đến nhanh. Trên đàn E- Guitar, âm thanh liền tiếng/legato là sự kết hợp giữa Hammeron (gõ hoặc ấn vào dây đàn để tạo ra âm thanh) và pulloff (ngón tay bung ra trước khi ngón bấm khác phát ra tiếng) khi dùng ngón tay trái kết hợp với tay phải, ít dùng phím gảy

Ví dụ 1: liền tiếng/legato kết hợp đánh dây

 

- Đẩy dây/String Bending

Ví dụ 2: 6 dạng kỹ thuật bend/đẩy dây trên đàn Guitar

Là dạng kỹ xảo sử dụng các hiệu ứng điện tử, đẩy dây/bending tạo âm thanh độc đáo, có hiệu quả đặc biệt trong thể loại nhạc Rock, Pop, đồng thời kết hợp với động tác biểu diễn hấp dẫn, cuốn hút và rất phổ biến với các nghệ sĩ đàn E- Guitar hiện đại. Kỹ thuật bending sử dụng lực từ cổ tay để đẩy dây phát ra tiếng trên một cao độ khác với nốt ban đầu, có thể từ 1/2 cung đến 1,5 cung (đi lên). Sự cộng hưởng lớn hơn khi bending phối hợp với kỹ thuật Vibrato, tùy vào phong cách Rock hay Blue để tạo biên độ bending với vibrato rộng, nhanh hoặc ngắn, chậm.

 Rung dây/Vibrato

Đàn E- Guitar có dạng kỹ thuật vibrato dùng ngón tay trái tạo âm rung trực tiếp trên dây. Có 3 cách vibrato để luyện tập, tạo độ rung khác nhau:

- Rung theo chiều lên, xuống (phổ biến): ngón tay bấm và đẩy dây liên tục theo hai chiều đi lên và đi xuống, tạo âm thanh vibrato có độ rung nhanh.

- Rung theo chiều dọc dây đàn: ngón tay bấm và đẩy cổ tay theo chiều dọc dây tạo âm thanh vibrato rung lên không nhanh.

- Rung xoay ngón tay theo chiều kim đồng hồ (như vẽ một vòng tròn), cách rung dây này tạo âm thanh vibrato nhẹ nhàng, thanh thoát.

Nhưng phổ biến nhất là cách rung dây/vibrato bằng cần rung

Ví dụ 3: ký hiệu vibrato

- Trượt dây/slide

Trên đàn E- Guitar có nhiều thủ pháp trượt dây/slide, bởi khi trượt dây ngón tay di chuyển từ vị trí cao độ đầu tiên sang vị trí cao độ khác. Trượt dây là dạng kỹ xảo không giống đẩy dây/bend khi dùng Pick/miếng gảy âm thanh trượt dây nghe biến hóa, tạo sự ổn định vị trí cao độ. Có 3 dạng trượt dây chính với ký hiệu gồm: Picked slide/trượt đi lên, đi xuống bằng miếng gảy; Legato slide/trượt liền tiếng (đi lên, đi xuống); Short slide up and down/trượt ngắn đi lên và xuống.

- Quét dây/Sweeping, bồi âm/Harmonics và búng dây/Hammer on, Pull- off:

Sweeping theo tên gọi tiếng Anh đầy đủ là Sweep picking/quét dây bằng miếng gảy hoặc economy picking với cách hiểu dùng miếng gảy bên tay phải đánh vào các nốt trên dây đàn theo hai hướng đi lên và đi xuống

Ví dụ 4: ký hiệu Sweep picking

Để đạt hiệu ứng tiếng đàn vang lên đều đặn, các động tác gảy lên, xuống đòi hỏi người chơi đàn E- Guitar nắm vững nhiều kỹ năng khác nhau. Với đàn E- Guitar, sự kết hợp giữa sử dụng miếng gảy và ngón tay phải đánh vào 6 dây đàn luôn được sử dụng thường xuyên, là lối chơi mang đặc điểm của đàn E- Guitar. Tính phức tạp ở chỗ, các động tác lên xuống trong nhiều tác phẩm đòi hỏi người học phải có trình độ thành thạo và điêu luyện mới hình thành sự chủ động độc tấu/solo hoặc ngẫu hứng tạo các đường nét giai điệu độc đáo, mới lạ. Hiệu ứng harmonic/bồi âm trên đàn E- Guitar có đặc điểm khác với các đàn Guitar không dùng Pickup (bộ biến đổi tần số để khuếch đại âm thanh phát ra loa), đồng thời có nhiều kỹ xảo khác nhau như: Pick harmonic có nghĩa là dùng miếng gảy kết hợp với ngón cái tay phải tạo bồi âm, Tapping harmonic: dùng ngón tay chấm (hoặc vỗ) vào dây đàn đang phát ra âm thanh tạo bồi âm.

Âm thanh bồi âm trên đàn E- Guitar có hiệu quả vô cùng to lớn, trước hết đó là kỹ xảo phô diễn trình độ điêu luyện của người chơi đàn E- Guitar, đồng thời các động tác phối hợp 2 tay khéo léo gần như làm ảo thuật/magic, người nghe không biết nghệ sĩ đàn E- Guitar dùng thủ pháp gì để tạo âm thanh như ý muốn.

Để lối chơi Tapping harmonic thành thạo phải luyện tập và nắm vững dạng kỹ xảo búng dây/Hammeron và Pulloff. Kỹ xảo Hammeron được hiểu là búng vào dây với cách sử dụng ngón tay phải và trái kết hợp để tạo âm thanh. Pulloff là kỹ xảo ngược lại với Hammeron với cách hiểu là búng ngón tay ra khỏi dây. Cả hai kỹ xảo này cùng thực hiện đồng thời với nhau, chỉ khác ở thủ pháp búng vào dây và búng ra khỏi dây.

Sử dụng hiệu ứng và kỹ xảo điện tử trên đàn E- Guitar là một nội dung quan trọng trong xây dựng các biện pháp nâng cao dạy học đàn E- Guitar. Việc ứng dụng hiệu ứng và kỹ xảo tạo âm thanh trên đàn E- Guitar sẽ đóng góp nhiều thủ pháp phóng phú diễn tấu đàn E- Guitar, góp phần nâng cao chất lượng dạy học đồng thời đáp ứng tốt những nhu cầu, đòi hỏi cao của xã hội Việt Nam hiện đại. Những hiệu ứng, kỹ xảo âm thanh trên đàn E- Guitar được vận dụng vào đệm hát, chơi ngẫu hứng, đặc biệt tạo nên các câu, đoạn nhạc solo/độc tấu của đàn E- Guitar trong ban nhạc nhẹ. Nếu thiếu hoặc không dạy học các hiệu ứng, kỹ xảo âm thanh trên đàn E- Guitar, người học sẽ không được trang bị đầy đủ công cụ, biện pháp diễn tấu đàn E- Guitar đến từ công nghệ kỹ thuật số tiên tiến trên thế giới.

                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Lê (1999), Giáo dục học đại cương, (tái bản lần thứ nhất có bổ sung), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Phạm Tú Hương, Vũ Nhật Thăng (1993), Hoà thanh, Nxb Âm nhạc.

3. Phạm Thu Hường (2011), Ngôn ngữ hòa âm của Fréderic Chopin qua 19 bản Nocturnes, Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

4. Nguyễn Mai Kiên (2005), Hoà thanh nhạc nhẹ, Trường ĐHVHNT Quân đội.

5. Phạm Viết Vượng (2007) Giáo dục học (in lần thứ 2), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc