Hoạt động nghiên cứu

Truyền thống Văn hóa âm nhạc Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến cuối thế kỷ thứ X

29 Tháng Chín 2017

Nguyễn Đăng Nghị

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm Nghệ thuật

 

Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa kiến thức ở công trình của các tác giả đi trước là một điều tất yếu. Không nằm ngoài quy luật đó, trong loạt bài viết này, chúng tôi chủ yếu sử dụng tư liệu trong công trình của các nhà nghiên cứu: Trần Quốc Vượng, Dương Viết Á, Nguyễn Thụy Loan, Tô Vũ, Trần Ngọc Thêm... Tất nhiên, bằng cách tiếp cận mới, chúng tôi sẽ hướng bài viết sang nội dung mới, đó là tìm ra truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, với khởi đầu là thời đại Hùng Vương đến cuối thế kỷ thứ X – thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

Truyền thống văn hóa âm nhạc được ươm mầm ngay từ những ngày dựng nước. Trải qua hàng nghìn nămvới những biến cố của lịch sử dân tộc, truyền thống đó đã tạo thành một dòng chảy không ngừng với những khúc đoạn quanh co, nhiều ghềnh thác. Theo Dương Viết Á thì đó là một quá trình “vừa có sự ngắt đoạn, vừa liên tục, vừa chuyển đổi, vừa tiếp biến”. Bởi lẽ “văn hóa nghệ thuật trong đó có âm nhạc  đều diễn tiến trên tảng nền lịch sử - xã hội. Diến tiến này không nên hiểu theo nghĩa đơn giản, như thông thường ta hiểu xưa nay (từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hoàn chỉnh...). Diễn tiến văn hóa nghệ thuật vừa liên tục, vừa gián đoạn, vừa chuyển (thay đổi “mô hình”), vừa tiếp (trong quá trình hình thành và định hình một mô hình trong sự bảo lưu một số tồn tích của mô hình cũ đã giải thể cấu trúc)”[1].

Tính đứt đoạn, gián đoạn là do hoàn cảnh lịch sử - xã hội chi phối, vậy nên, nhìn lại một quá trình, một chặng đường vận động của truyền thống văn hóa nói chúng và văn hóa âm nhạc nói riêng,tùy theo từng mục đích yêu cầu mà có thể chia ra những thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhìn chung, đa phần đều phải dựa vào những sự kiện lịch sử, coi đó là cái cớ tạo thành điểm ngắt để việc tiếp cận được dễ dàng hơn. Khi nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã có những cách chia khác nhau [2]. Tất cả cách chia đó đều có những hạt nhân hợp lý. Ở đây, để nhìn nhận truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam thông qua truyền thống văn hóa Việt Nam, chúng tôi chia thành hai thời kỳ chính đó là: trước thế kỷ XX, và thời kỳ của thế kỷ XX. Việc làm này hoàn toàn không mâu thuẫn với cách chia của các nhà nghiên cứu đi trước, ngược lại chúng tôi đã kế thừa những thành tựu của họ để đảm bảo cho tính hợp lý của nó.

1. Thời đại Hùng Vương

Ngược dòng lịch sử, trên cơ sở những phát hiện và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học đã cho thấy, cách đây khoảng 4000 năm, nhiều khu thuộc địa phận của bộ lạc Văn Lang là nơi tập trung đông đảo cư dân sinh sống. Họ là những người sớm định hình, tạo dựng một nền văn hóa riêng hết sức độc đáo. Cư dân của vùng đất này, do những điều kiện tự nhiên, môi trường mà trời đất ban tặng, nên họ sớm xây dựng một tinh thần đoàn kết quây quần bên nhau và nhận biết được âm nhạc có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của họ. Bằng những chạm khắc trên các trống đồng và đồ đồng Đông Sơn, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan cho rằng: “Ca nhạc đã gắn bó với cư dân Văn Lang - Âu Lạc như một thành tố không thể thiếu được trong cuộc sống tinh thần của họ. Nó theo sát họ trong những sinh hoạt hàng ngày, trong lao động và đặc biệt là trong những nghi thức tế lễ, cầu cúng. Đó là niềm vui, là nguồn tăng sức mạnh cho họ trong lao động và chiến đấu với thiên nhiên, với kẻ thù, là phương tiện để giao tiếp với thần linh trong trí tưởng tượng của họ”[3].

Cho dù có khó khăn về mặt thời gian, vì những cư dân của Văn Lang - Âu Lạc cách chúng ta khoảng 4000 năm, nhưng có thể thấy, dẫu sinh hoạt văn hóa đó chưa phải là một hoạt động âm nhạc dân gian thuần túy, nhưng  nó nằm trong một tổng thể nguyên hợp của sinh hoạt văn hóa dân gian. Những dấu vết còn sót lại trong đời sống âm nhạc của nhiều tộc người trên đất nước ta hiện nay, cũng đủ bằng chứng để tin rằng lời định đoán trên là hoàn toàn có cơ sở.

Như vậy thì, ngay từ những ngày đầu trứng nước ấy, cư dân nơi đây đã tạo dựng cho mình, đầu tiên là một phong cách văn hóa ứng xử trong âm nhạc mang tính mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với từng hoàn cảnh, môi cảnh nhất định. Trong sản xuất, trong các hội làng của người Việt cổ đã xuất hiện nhiều bài dân ca, đó là cả một quá trình sáng tạo, phát triển, tinh lọc, lĩnh hội từ mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường thiên nhiên, xã hội. Hình thức khấn kể trong nghi thức cầu cúng thần linh - theo các nhà khoa học thì - sau này qua những chặng thời gian, nó dần trở thành dân ca nghi lễ, mà hiện nay chúng ta còn gặp nhiều trong nghi thức cúng lễ của người Việt và một số tộc người khác.

Nhà sử học Trần Quốc Vượng đưa ra một luận điểm quan trọng để đóng góp với giới âm nhạc. Ông đã sắp xếp âm nhạc thời Hùng Vương vào mô hình Đông Sơn hay mô hình trống đồng. Sự sắp xếp như vậy hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, bởi nhà sử học này đã dựa vào tư liệu cũng như kết quả của ngành khảo cổ học để chiết xuất và đưa ra cách sắp xếp ấy. Chúng tôi quan tâm tới cách đặt vấn đề, khi ông tự nhận mình là người ngoại đạo, đứng bên lề, “can thiệp sâu “sợ” các anh chị “mắng”. Mặc dù vậy, ông vẫn răn dạy giới âm nhạc: “Nên nhớ rằng những nền văn hóa trước Đông Sơn và tiền ĐôngSơn có sự đóng góp của những lớp cư dân Da Đen cổ (đã phát hiện được nhiều di cốt cổ ở trên đất Việt Nam). Mà như chúng ta đều biết, Nhạc Đen là âm nhạc tiết tấu, xoay quanh trung tâm bộ gõ”[4]. Nếu đúng như vậy thì, ngay những ngày đầu sơ khai ấy, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng cho mình một truyền thống  văn hóa trong âm nhạc.  Đó là sự linh hoạt trong cách tiếp nhận và biến cải các yếu tố ngoại sinh, để làm giàu thêm, phong phú thêm cho nền âm nhạc nước nhà. Nói cách khác, đó cũng là bản lĩnh trong văn hóa của con người Việt Nam, sẵn sàng chấp nhận trước những biến động "ngoài ta” rồi gạn lọc, sau đó làm giàu cho âm nhạc của ta.

Một biểu hiện rõ nhất minh chứng cho điều vừa nói trên đó là trống đồng loại I (theo cách phân loại của Heghơ), và nhiều thạp đồng với đường nét chạm khắc tinh tế mà nghệ nhân đất Việt đã ký gửi những thông điệp vào đó, tất nhiên trong đấy có cả âm nhạc. Điều vừa nói trên rõ ràng không phải là chung chung, vì nhiều người cho rằng không riêng gì Việt Nam  mà các nước ở châu Á nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng đều có trống đồng. Rõ ràng là như vậy, nhưng trống đồng Việt Nam là sự thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của con người Việt cổ về nhân sinh, về vũ trụ, vạn vật đất trời. Tác giả Dương Thiệu Tống[5], khi nghiên cứu về trống đồng trên nền tảng của kinh dịch, bằng trực giác phân tích những họa tiết trên trống, ông cho rằng giá trị tư tưởng của trống đồng là Dịch. Từ vành 1 đến vành 5 là nguyên khí của trời. Từ vành 11 đến vành 16 là nguyên khí của đất. Từ vành 6 đến vành 10 là chim, hươu, người...

Như vậy, từ sự khác biệt giữa trống đồng của Việt Nam và trống đồng của Trung Hoa, Ấn Độ, phần nào giúp chúng ta khẳng định được  sắc thái văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam trên những hiện vật tưởng chừng giống nhau ấy.

Trở lại luận điểm của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan, khi bà cho rằng: cư dân nơi đây sớm xây dựng cho mình một nền móng âm nhạc. Sinh hoạt âm nhạc diễn ra dù dưới hình thức đơn lẻ hay hình thức cộng đồng cũng đều vô cùng phong phú và sinh động. Hệ thống nhạc cụ đã có nhiều họ với nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Nhạc khí gõ họ màng rung có trống da lớn, trống da nhỏ, nhạc khí họ tự thân vang có cồng chiêng, lục lạc, sênh... Nhạc khí hơi có cây khèn bè - có lẽ đây là một biểu hiện khá sớm của âm nhạc đa âm trong tư duy âm nhạc người Việt Nam - và một số nhạc khí thổi đơn giản khác như kèn lá, tù và... Đối với nhạc khí dây, mặc dù chưa có tư liệu nào viết về nó, nhưng chắc chắn rằng, với điều kiện tự nhiên, môi trường ở nước ta thuở ấy thì nhạc cụ dây xuất hiện cũng là lẽ đương nhiên.

Bằng hệ thống nhạc cụ phát triển như trên, đặc biệt là nhạc cụ gõ, nên “trong những đặc điểm âm nhạc của tổ tiên ta thời xưa: thích tiết tấu và các nhạc khí gõ (...). Khả năng thẩm âm của tổ tiên ta thời đó cũng khá phát triển”[6]. Chính thẩm âm phát triển, nên dù rằng có sử dụng nhiều nhạc cụ gõ đi chăng nữa thì “âm nhạc Đông Sơn hùng tráng, trong trẻo. Đó cũng là hai chỉ tiêu nền tảng vẫn nằm trong mẫu số chung của âm nhạc Việt Nam"[7]. Một nhận xét khác cũng làm chúng tôi đáng quan tâm, đó là: nghệ thuật thanh sắc Việt Nam mang tính biểu trưng như một đặc trưng tiêu biểu... mục đích là thông qua những biểu tượng ước lệ để diễn đạt nội dung chứ không phải hình thức, cái cốt lõi chứ không phải chi tiết phụ trợ (...). Âm nhạc cổ truyền Việt Nam không có loại nhịp lẻ mà chỉ có nhịp chẵn (2,4) phách, từng câu nhạc cũng chia thành các ô chẵn (...)[8]. Tuy cách nhận xét mang tính định đoán trên của một nhà khoa học không được thật đúng với âm nhạc, nhưng ta có thể hiểu được điều mà tác giả muốn nói, đó là tính hài hòa, cân xứng, có trước có sau của văn hóa nông nghiệp ảnh hưởng vào trong âm nhạc.

Tóm lại, thời đại mở nước và dựng nước - thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc - còn gọi là thời đại Hùng Vương, được coi như là sự đặt nền móng đầu tiên cho truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung và truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam nói riêng. Nó “có một ý nghĩa lịch sử quan trọng, một ảnh hưởng sâu xa đối với toàn bộ lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung cũng như toàn bộ lịch sử âm nhạc Việt Nam nói riêng.  Nhờ ý thức dân tộc sớm định hình và một bản lĩnh vững vàng, tổ tiên ta đã sớm xây dựng được một truyền thống âm nhạc dân tộc có sức bền vững trước mọi thăng trầm của lịch sử...[9].

2. Thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc

Sau nhiều lần tấn công Âu Lạc không thành công, Triệu Đà dùng kế sách “bang giao hòa hoãn” để đưa con trai mình sang làm rể Âu Lạc. Đó là cái cớ, còn thực chất là để tìm hiểu cách chế tác nỏ của người Âu Lạc, rồi lợi dụng thời cơ trốn về nước. Sau đó chúng mở cuộc tấn công chiếm nước ta vào năm 179 trước công nguyên. Năm 111 trước công nguyên, khi Âu Lạc chuyển sang tay nhà Hán, thì cũng kể từ đó, nước ta bước vào đêm trường nô lệ dưới chế độ phong kiến Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm. Tất nhiên trong quãng thời gian ấy, nước ta cũngnhững năm tháng giành được độc lập, nhưng đó chỉ là sự thoáng qua.

Sau khi đã chiếm được nước ta, phong kiến phương Bắc tìm mọi cách để đồng hóa dân tộc ta, nhằm xóa bỏ ý thức cũng như truyền thống văn hóa mà nhân dân ta đã xây dựng vững chắc từ thời đại Hùng Vương. Có thể nói, đây là cả một thời kỳ dài của lịch sử mà truyền thống văn hóa của dân tộc ta tưởng chừng bị lấn lướt, bị áp đặt bởi những định chế, luật lệ của ngoại bang. Nhưng với truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, nhân dân ta không chịu khuất phục, mà ngược lại, một cuộc chiến đấu bền bỉ, dai dẳng mang tính mềm dẻo vẫn diễn ra khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp nhằm bảo vệ lãnh thổ cũng như truyền thống văn hóa, trong đó có truyền thống văn hóa âm nhạc.Tính mềm dẻo ấy không phải là sự né tránh, mà mang tính linh hoạt, ứng biến cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Hát Dô, hát Chèo Tầu, Hát Xoan, Hát Ghẹo... vẫn còn hiện diện đến ngày nay là một bằng chứng cụ thể sống động cho truyền thống ấy.

Truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam không bao giờ chấp nhận  sự áp đặt thô thiển bằng thế lực, bạo lực quân sự của kẻ mạnh, ngược lại càng áp đặt bao nhiêu thì nhân dân Việt Nam càng kiên trì bảo vệ những tinh hoa truyền thống âm nhạc bấy nhiêu. Điều này có thể thấy rõ là: “Sau ba thế kỷ đương đầu với chính sách đô hộ và đồng hóa của nhà Đường - một đế chế rất thịnh đạt cả về vật chất cũng như văn hóa từng gây ảnh hưởng khắp viễn đông, chúng ta không tìm thấy trong âm nhạc Việt Nam những thời kỳ sau dấu ấn sâu sắc của âm nhạc nhà Đường như một vài nước khác”[10].

Yếu tố mở của truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam

Nếu chỉ nhìn nhận như trên, thì  có lẽ hóa văn hóa âm nhạc Việt Nam sẽ bị co cụm, ngưng đọng? Ngày nay khi nhìn lại, vẫn thấy âm nhạc Việt Nam có nhiều yếu tố từ bên ngoài, trong đó có cả yếu tố của văn hóa Hán. Như vậy, có thể nói rằng, ngoài bản lĩnh kiên cường quyết tâm bảo vệ những tinh hoa truyền thống văn hóa âm nhạc, người Việt Nam còn biết tự bồi đắp cho nội dung truyền thống đó thêm phần phong phú với nhiều sắc màu hơn. Cách thức mà người Việt Nam lựa chọn đó là: Hòa - Nhập - Ngấm - Biến thành cái của mình trên cơ sở cái vốn có của truyền thống dân tộc. Cách Hòa - Nhập - Ngấm - Biến đó cũng không phải là sự chộp giật hay áp đặt, mà phải diễn ra trong quá trình với sự giao lưu mang tính hữu hảo ở những không gian văn hóa nhất định.

Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã trải qua nhiều biến động về cư dân, kinh tế và lãnh thổ... Đó là những cuộc di cư của không ít sĩ phu, địa chủ và của người dân Hán - mà mạnh mẽ nhất là vào khoảng cuối thế kỷ thứ II - sang Giao Châu. Sự việc ấy tạo điều kiện cho người Việt, người Hán sống xen kẽ lẫn nhau. Như vậy, lúc đó sẽ có sự giao lưu văn hóa một cách tự nhiên hơn bất cứcách áp đặt, sắp đặt văn hóa của kẻ đô hộ. Bởi thế, ở đấy diễn ra sự giao thoa, dung hòa, chuyển hóa giữa hai phương thức văn hóa: Hán - Việt, mà người Việt Nam là chủ thể, chủ động lĩnh hội những gì có tính hợp lý của người Hán để đưa vào, làm giàu cho văn hóa âm nhạc Việt Nam.

Trong thời kỳ này, thế lực phong kiến phương Bắc dùng nhiều chính sách để o bế làm cho kinh tế nước ta không có cơ hội phát triển.  Để phục vụ cho việc vơ vét của cải, chúng tăng cường mở các đường giao thông thủy, bộ. Các nước phương Tây muốn thông thương với Trung Hoa đều phải đi qua con đường Giao Chỉ. Có con đường bộ nối liền từ phía Nam nước ta với Chămpa, Chân Lạp. Nhiều đường thuỷ bộ nối nối Trung Hoa với Miến Điện, Ấn Độ và các nước khác... Sự phát triển của giao thông thủy, bộ đã tạo điều kiện cho nước ta có những cơ hội tiếp xúc văn hóa nói chung và văn hóa âm nhạc nói riêng với các nước ngoài Trung Hoa.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay từ đời Hán, Khổng, Nho, Đạo, Đạo Phật đã dần dần du nhập vào nước ta. Nho giáo được coi là công cụ nô dịch của phong kiến phương Bắc, nhưng thực ra, trên phương diện văn hóa nó không có ảnh hưởng sâu đậm như Đạo giáo và Phật giáo. Bởi trong Đạo giáo, Phật giáo có nhiều điểm phù hợp với tư tưởng của con người Việt Nam; bởi trong nội dung của chính nó đã chứa đựng cái không gian mà người Việt Nam có thể ký thác tâm tưởng và lòng tin của họ vào giai điệu âm nhạc ở những bài tán, tụng, hát thờ. Đó cũng là địa chỉ, lối rẽ một cách hợp lý của dòng chảy truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam.

Một địa chỉ khác cho thấy sự bảo tồn, phát huy các giá trị của truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam, đó là các hội ngành nghề ngày càng phát triển. Ở đó, nhiều bài dân ca đã phản ánh tâm tư tình cảm cũng như ước nguyện của người dân lao động.

Nhìn dưới góc độ lịch sử, ở phía Nam có sự biến động đáng kể của Phù Nam - Chân Lạp và Lâm Ấp - Chăm pa. Ở đây cũng có một nền văn hóa âm nhạc vô cùng phong phú và đa dạng với những yếu tố nội ngoại sinh, và theo đó càng làm văn hóa âm nhạc Việt Nam theo năm tháng được bồi đắp với nhiều nhân tố, sắc màu mới.

Nhìn một cách tổng thể, với cuộc Hán hóa kéo dài hơn 10 thế kỷ, mặc dù mô hình văn hóa Đông Sơn khoảng trước sau công nguyên đã đôi phần bị giải thể cấu trúc, nhưng với truyền thống văn hóa mềm dẻo của người Việt Nam đã làm cho âm nhạc không thể mất đi, mà ngược lại nó vẫn trường tồn trong nhân dân dưới các dạng lễ hội, hay trong sinh hoạt hoặc trong tiềm thức của mỗi người dân. Sự trường tồn ấy có thể ví như con đường quanh co, khúc khuỷu với những biến đổi phức tạp, lúc ẩn, lúc hiện, nhưng vẫn chảy theo một dòng, truyền qua các thế hệ cho tới tận bây giờ.

Đánh giá về truyền thống văn hóa nói chung và truyền thống văn hóa âm nhạc nói riêng, trong giai đoạn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan cho rằng: “Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân ta một mặt vừa kiên trì bảo tồn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống, chống lại sự đồng hóa của phong kiến Trung Hoa, mặt khác vừa cởi mở đón nhận một số  yếu tố văn hóa nghệ thuật Hán và của những nước khác để rồi dần dần dân tộc hóa những yếu tố vay mượn (...) Nếu như các nhà khảo cổ học và sử học nhận thấy truyền thống cũ kết hợp với tinh thần mới, những yếu tố Việt Hán phương Nam xen kẽ, đan lồng vào nhau là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam thời Bắc thuộc, thì quá trình tiếp thu những yếu tố ngoại sinh trong thời kỳ này cũng chính là tiền đề cho sự hình thành những đặc điểm mới với nét nổi bật là sự hòa quyện yếu tố Ấn - Hoa trên nền tảng Việt truyền thống trong văn hóa nghệ thuật cũng như âm nhạc Việt Nam ở thời đại tiếp sau”[11].

Như vậy có thể thấy,  truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam đã được định hình trên cơ tầng của điều kiện tự nhiên, xã hội thời Hùng Vương, thì ở giai đoạn này nó lại được lĩnh hội nhiều nhân tố mới. Điều đó càng minh chứng cho dòng chảy của truyền thống văn hóa Việt Nam: nó không cứng nhắc mà mềm dẻo, chen lách để trường tồn trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử, thời đại nào.



[1]Trích theo Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, Nxb Hà Nội, Hà nội, 2005, tr.6.

[2] Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội,  Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1993; Trần Quốc Vượng, Văn hóa ViệtNam tìm tòi và suy Ngẫm, Nxb Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, bài Ba mô hình âm nhạc Việt Nam (Mấy luậnđiểm của nhà sử học đóng góp với giới âm nhạc), tr.466 - 472.

 

[3] Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Sđd, tr.12.

 

[4] Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam..., Sđd, tr.468.

[5]Dương Thiệu Tống, Trống đồng lạc Việt và kinh dịch Trung Hoa, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, Số 3 năm 1999.

 

[6]Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc..., Sđd, tr.15.

[7] Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam..., Sđd, tr.469.

[8] Trần Ngọc Thêm,  Cơ sở văn hóa...,Sđd, tr.164.

[9] Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc..., Sđd, tr.15.

 

[10]Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc..., Sđd, tr.17.

[11] Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc..., Sđd, tr.21.