Nội san

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống đình Thạch Khoán, Thanh Sơn, Phú Thọ

03 Tháng Mười 2017

Đinh Thị Nguyệt [*]

 

Phú Thọ  là một vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, là trung tâm sinh tụ của người Việt cổ. Thanh Sơn là huyện miền núi thuộc phía Tây nam của tỉnh Phú Thọ, có 17 dân tộc cùng chung sống. Các dân tộc ở đây vốn có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời, lưu trữ được nhiều tri thức văn hóa dân gian, dân ca, múa, lễ hội. Các loại hình nghệ thuật này có giá trị cao như: Lễ cơm mới, hội ném còn, chàm thau (đánh trống đồng), chàm đuống (đâm đuống) của người Mường, hát lượn của người Tày, tết nhảy, lễ cấp sắc của người Dao, tập tục ở nhà sàn, tang ma của người Mường, được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong phong tục tín ngưỡng của họ.

Thạch Khoán cách trung tâm huyện khoảng 10km; có đường tỉnh lộ 316 chạy qua, thuận lợi cho giao thông và phát triển kinh tế xã hội. Xã Thạch Khoán còn lưu giữ nhiều loại hình diễn xướng dân gian phong phú: diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống…nơi đây có đình Thạch Khoán được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, hàng năm vào ngày 24, 25 tháng Giêng âm lịch diễn ra lễ hội truyền thống thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương tham dự. Lễ hội thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng đã giúp cho nhân dân hiểu rõ về nhân vật được thờ phục tại đình và giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình yêu lao động, truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Lễ hội là dịp để bà con dân làng quây quần tụ họp, làm cỗ, tế Thành hoàng, tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống sau bao ngày lao động vất vả và cực nhọc.

Đình Thạch Khoán huyện Thanh Sơn là ngôi đình cổ của dân tộc Mường nhưng kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật trang trí đều giống các ngôi đình cổ của người Kinh ở vùng trung du Bắc Bộ, vùng đất Tổ vua Hùng. Đình Thạch Khoán là nơi thờ Tản Viên Sơn - con rể vua Hùng thứ 18, một vị thần của đồng bào Mường. Nơi đây thờ bốn vị thổ tù: Hà Công Ban, Phiên Thần Đại Vương, Đức ông đại vương, Vũ Quận Công và ba mị nương (con gái của vua Hùng) là Mỵ Nương, Ngọc Hoa, Tiên Dung. Trong số các vị được thờ tự ở đây thì Vũ Quận Công Đinh Công Mộc được nhắc nhớ nhiều nhất bởi lẽ ông đã có công đánh đuổi giặc Minh thế kỉ XV, là vị tù trưởng người Mường sinh ra ở làng Thạch Khoán.

            Trong những năm qua, với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện Thanh Sơn, Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND xã Thạch Khoán đã tổ chức thành công lễ hội truyền thống đình Thạch Khoán.

 

Ảnh: Lễ hội truyền thống đình Thạch Khoán

 

Ban tổ chức lễ hội đình làng Thạch Khoán đã điều hành lễ hội theo đúng chương trình đã xin phép, đảm bảo không khí trang nghiêm trong phần lễ, vui tươi lành mạnh trong phần hội, phù hợp với kinh tế của địa phương, đảm bảo Quy chế tổ chức lễ hội của Nhà nước, đảm bảo các yếu tố: tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tổ chức lễ hội đảm bảo tính trang nghiêm, tiết kiệm, an ninh trật tự - an toàn xã hội, thu hút được nhiều người tham gia hòa mình vào không khí chung của lễ hội, tạo nên động lực tinh thần to lớn và khơi dậy lòng tự hào về quê hương đất nước qua các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là dịp để người dân Thạch Khoán nói riêng và nhân dân huyện Thanh Sơn nói chung và những người xa quê tụ hội trong một tinh thần lễ hội, cầu cho cuộc sống yên bình, nhân khang vật thịnh, cầu cho quê hương, đất nước phát triển. Lễ hội đình Thạch Khoán đang phát huy sức mạnh của một tinh thần, tâm hồn dân tộc, góp phần bảo vệ bản sắc văn hoá quê hương, văn hoá dân tộc. Đặc biệt trong phần hội nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được đầu tư khôi phục, tổ chức đã góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân và thể hiện bản sắc văn hóa như: ném còn, chọi gà, đu xà, các trò diễn…

Kết quả hoạt động lễ hội đình làng Thạch Khoán thời gian vừa qua cho thấy lễ hội đã phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của văn hóa để phục vụ cho việc phát triển du lịch, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, giải trí của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Ngoài ra, lễ hội được tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và trùng tu lại di tích, tránh sự xuống cấp di tích.

Nhìn chung, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đình làng Thạch Khoán trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Thông qua việc tổ chức lễ hội góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tổ chức lễ hội đã tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, đồng thời phát huy được giá trị của di tích cũng như lễ hội trong đời sống của người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức, quản lý lễ  hội đình Thạch Khoán vẫn còn những tồn tại, hạn chế do đó cần có những giải pháp phù hợp để quản lý lễ hội được tốt hơn đó là:

Một là: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân

            Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với việc duy trì và phát triển lễ hội đình làng của dân tộc mình. Chính quyền xã cần coi trọng công tác giáo dục pháp luật, tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến văn hóa, quản lý văn hóa và lễ hội nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành, phổ biến các giá trị lễ hội truyền thống đặc sắc, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương.

Tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu khôi phục những trò chơi dân gian truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá, bảo vệ công trình di tích lịch sử văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hai là: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và gắn tổ chức quản lý lễ hội với phát triển du lịch.

Tăng cường nghiên cứu khoa học về lễ hội truyền thống đình Thạch Khoán chính là nghiên cứu toàn diện về lễ hội dựa trên các nguồn tư liệu từ truyền thuyết dân gian, các thần tích, sắc phong…Nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử lễ hội, nhân vật tưởng niệm trong lễ hội, địa điểm diễn ra lễ hội, không gian thiêng nơi diễn ra các nghi lễ, không gian tự nhiên nơi tổ chức các trò chơi trò diễn dân gian như diễn xướng, cồng chiêng hát ví hát giang, thi gói bánh chưng giã bánh giầy, kéo co bắn nỏ…

Xây dựng dịch vụ giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch trọng tâm trong tuyến du lịch (Đền Hùng - Vườn quốc gia Xuân Sơn - đình Thạch Khoán - Khu du lịch Đảo ngọc xanh, suối khoáng nóng Thanh Thủy), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.

Ba là: Chỉ đạo tốt công tác thu hút nguồn lực và quản lý nguồn tài chính

Cần có các chính sách kêu gọi các danh nghiệp, các nhà hảo tâm công đức cả về vật chất và tinh thần (các tài liệu liên quan đến di tích) để tôn tạo di tích, mở rộng khuôn viên, làm phong phú thêm về nguồn tư liệu về di tích và lễ hội đình Thạch Khoán; chỉ đạo các phòng chuyên môn, các cơ quan đơn vị có văn bản hướng dẫn cụ thể thu chi, quản lý và sử dụng nguồn xã hội hóa tại lễ hội; hướng dẫn định mức thu phí một số dịch vụ kinh doanh, buôn bán đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.

Công tác quản lý, sử dụng nguồn xã hội hóa cần đảm bảo thu, chi công khai minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Tăng cường hiệu quả, chất lượng trong sử dụng nguồn tài chính thu từ lễ hội. Xây dựng kế hoạch chi nguồn xã hội hóa vào tu bổ, tôn tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho tổ chức lễ hội. Xây dựng thiết chế văn hóa sao cho đúng với chủ trương của Đảng, nhà nước và phù hợp với địa phương.

Bốn là: Tăng cường quản lý an ninh trật tự, các hoạt động kinh doanh dịch vụ và vệ sinh môi trường

Quản lý an ninh trật tự, an toàn và phòng chống cháy nổ. Ban Tổ chức lễ hội cần xây dựng nội quy, quy định, tuyệt đối không để xảy ra mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và các tai, tệ nạn khác làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ tăng cường công tác kiểm tra, giám định chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá cả sản phẩm hàng hóa và các loại hình dịch vụ. Cần chỉ đạo và đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường như: Tăng cường bố trí các thùng đựng rác có dung tích lớn đặt ở những nơi thuận tiện trên các tuyến giao thông, đường đi lại, nơi nghỉ ngơi, mua bán, ăn uống của du khách và nhân dân dự hội. Duy trì trên hệ thống loa truyền thanh có nội dung phổ biến nội quy, quy chế lễ hội nâng cao ý thức tự giác vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường và trên các phương tiện cổ động trực quan.     

         Năm là: Đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích và lễ hội.

Công tác bảo tổn, tôn tạo di tích phải đi đúng hướng giữ được các yếu tố gốc của di tích đình, đền và lễ hội, bảo tồn trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, có chọn lọc. Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ cảnh quan di tích. Cần xây dựng kế hoạch trùng tu và giữ gìn, bảo quản di tích đình làng, hiện vật theo thời hạn, theo cấp độ và giá trị của di tích. Tổ chức điều tra, khảo sát, phân loại, đánh giá hiện trạng lễ hội, đánh giá hiện trạng di tích, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thương mại - du lịch.

Sáu là: Nâng cao chất lượng tổ chức quản lý, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại địa phương

Cần ổn định tổ chức bộ máy cán bộ và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội ở các cấp nói chung và ở xã Thạch Khoán nói riêng.

Xây dựng kế hoạch, chương trình lễ hội. Ban tổ chức cần phải xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với thực tế địa phương. Nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng các thể chế văn hóa mang tính tự quản của nhân dân. Các hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức trên cơ sở khai thác, phục dựng các trò chơi dân gian kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Kết hợp tổ chức các hoạt động kinh tế văn hóa như giới thiệu sản phẩm hàng hóa địa phương và tạo ra những món quà lưu niệm của các tộc người cư trú trên địa bàn xã, huyện.

Bảy là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Hoàn thiện và bổ sung các văn bản quản lý làm cơ sở pháp lý cho các chủ thể kinh doanh dịch vụ. Kiện toàn, đổi mới đội ngũ thanh tra, giám sát của ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường phối hợp, bổ sung, bố trí lực lượng tham gia đoàn kiểm tra có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thanh tra.

Ban tổ chức lễ hội thực hiện khen thưởng vật chất và tinh thần nhằm động viên, khuyến khích các cá nhân, địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội. Đồng thời, phê bình và xử lý những tập thể, cá nhân chưa làm tốt trách nhiệm.

Đối với tổ chức tự quản của cộng đồng

Để nâng cao vai trò của cộng đồng trong tổ chức và quản lý, theo tôi cần chú ý những điểm sau:

Nâng cao vai trò của nhân dân địa phương trong việc bảo tồn, trao truyền lễ hội, công tác xã hội hóa lễ hội.Cần khuyến khích sự tham gia của nhân dân về vật chất cũng như sức sáng tạo văn hóa, văn nghệ quần chúng vào hoạt động lễ hội, nâng cao trình độ và hiểu biết của nhân dân về lễ hội.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Kêu gọi các cá nhân, dòng tộc trong và ngoài địa phương đóng góp tiền, đồ vật để tổ chức lễ hội. Xây dựng các dự án đấu thầu các dịch vụ kinh doanh hoạt động trong lễ hội và kêu gọi các nhà thầu tham gia.Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động lễ hội với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm thu hút các nguồn vốn các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhân dân cho hoạt động văn hóa. Tích cực khai thác và huy động nguồn thu qua các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa - du lịch để lại chi bổ sung cho hoạt động lễ hội nói riêng và hoạt động Văn hóa Thông tin nói chung.

Hiện nay, khi đồng bào Mường ở Thạch Khoán đang hoà nhập một cách tích cực vào sự phát triển chung, lễ hội đình có phần cải biến ít nhiều cho phù hợp cuộc sống cộng đồng hiện tại. Trong khi những giá trị văn hoá khác dần mai một như tiếng nói, trang phục,…thì ngược lại, đình Thạch Khoán cũng như các ngôi đình khác là nơi bảo vệ và lưu giữ những tục lệ, trò chơi truyền thống tốt đẹp. Đình Thạch Khoán với tầm quan trọng của nó chẳng những có vai trò quan trọng trong cuộc sống dân nhân còn tồn tại như là một nhân chứng lịch sử, xứng đáng là một di tích lịch sử văn hoá, một biểu hiện đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Mường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Dương Hà Hiếu, (2001), Lễ hội đình làng ở Thạch Khoán, Tạp chí Dân tộc và thời đại số 31.

2. Cao Khang, (24/3/2014), Lễ hội đình Thạch Khoán, trang thông tin điện tử báo Phú Thọ,

3. Nguyễn Quang Lê, (1999), Khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ trong xã hội hiện nay, Nxb Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Hà Nội.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, (2009), đề án số 3020/DA-UBND ngày 28/9/2009, Xây dựng điểm du lịch tạo tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 -2020, Phú Thọ.

5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2009), Quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, Phú Thọ.

6. Hàm Yên (sưu tầm), (10/10/ 2016), Thạch Khoán - Ngôi đình cổ duy nhất của người mường trên đất Phú Thọ, phuongnam@.plus.vn

7. Tiểu Yến, (4/4/2013), Độc đáo lễ rước thành hoàng đình làngThạch Khoán, suckhoemoitruong.com.vn.

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa