Nội san

Thực trạng học Thanh nhạc của sinh viên Sư phạm Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

08 Tháng Mười 2017

                                                                                               Bùi Thị Thanh Tuyền [*]                                                       

Sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW phần lớn được tuyển chọn từ học sinh tốt nghiệp phổ thông đến từ nhiều tỉnh miền Bắc, một số ít từ miền Trung và một vài em sinh viên Lào được nhà trường phối hợp, hợp tác đào tạo cùng nước bạn. Độ tuổi của các em khoảng từ 18 đến 21. Ở lứa tuổi này các em đã có sự phát triển đầy đủ về thể chất, giọng hát đã có sự ổn định. Đó là những điều kiện thuận lợi để học tập âm nhạc.

Sinh viên hệ ĐHSP Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được xét tuyển môn Văn và tuyển chọn qua kì thi năng khiếu của trường gồm các môn: Lí thuyết âm nhạc cơ bản, Xướng âm, Thanh nhạc, Nhạc cụ. Vì vậy, các em đã có khả năng âm nhạc nhất định. Một số ít em cũng đã từng được đào tạo âm nhạc qua các trường Sư phạm, trung cấp Văn hóa Nghệ thuật ở các địa phương. Điều đó rất thuận lợi, tạo tiền đề để các em tiếp tục học những chương trình đào tạo âm nhạc chuyên sâu hơn trong nhà trường. Tuy nhiên đó chỉ là một số ít sinh viên, còn lại phần lớn các em học sinh vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông nên chưa từng được học thanh nhạc một cách bài bản. Các em chỉ được làm quen với âm nhạc thông qua các buổi mít tinh, sinh hoạt văn nghệ tập thể tại nhà trường hoặc địa phương nơi sinh sống. Chính vì vậy, khả năng tiếp cận thanh nhạc của các em còn nhiều hạn chế. Đa số các em sinh viên chưa từng hoặc rất ít tiếp cận với phương pháp giảng dạy Thanh nhạc một cách cơ bản, mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Vì vậy hầu hết các em còn rất mơ hồ chưa tiếp cận được phương thức lên lớp cũng như cách thức học tập một cách triệt để trong một buổi học hát mang tính chuyên nghiệp.

+ Trình độ đầu vào của sinh viên

Trình độ đầu vào của sinh viên hệ ĐHSP Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là không giống nhau, mang tính chất không đồng đều và có sự phân chia rõ ràng về khả năng thanh nhạc như sau:

Có nhiều sinh viên giọng hát tốt, âm vực rộng, khả năng tư duy âm nhạc nhạy bén, bên cạnh đó cũng có những sinh viên giọng hát yếu, mờ, khả năng tiếp thu thanh nhạc hạn chế. Đặc biệt là sinh viên mới vào học năm thứ nhất, giọng hát phần lớn chưa được luyện, hát chủ yếu bằng giọng tự nhiên, hát theo bản năng sẵn có, hoặc hát còn ngọng, tiếng địa phương.

Đối với những sinh viên có giọng hát bẩm sinh tốt, thông thường các em sẽ phát huy được hết khả năng, năng khiếu học hát của mình và sau thời gian học tại trường các em sẽ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn vững để phục vụ cho nơi công tác sau này. Tuy nhiên năng lực đó phải được kết hợp với sự rèn luyện của bản thân, khả năng trau dồi kiến thức, ham học hỏi thầy cô và bạn bè.

Sinh viên có giọng bẩm sinh không tốt, chủ yếu là những đối tượng sinh viên có giọng hát mờ yếu, thì khả năng tiếp thu những kiến thức về Thanh nhạc còn hạn chế. Tuy nhiên các em lại rất có năng khiếu về những môn Nhạc cụ hay Kí xướng âm, Nhạc lí và đạt điểm cao những môn đó trong kỳ thi tuyển sinh. Vì vậy, trong thời gian đầu học tập môn Thanh nhạc chuyên ngành, phần lớn sinh viên theo học tại trường đã phần nào bộc lộ khả năng nhất định của mình. Những sinh viên có năng khiếu giọng hát thiên bẩm tốt sẽ rất nhanh làm quen với phương pháp học chuyên sâu về thanh nhạc, nhưng có những em vì năng khiếu thanh nhạc còn hạn chế sẽ tiếp cận bộ môn chậm hơn so với các bạn còn lại. Thông thường, đối với tất cả sinh viên bắt đầu học thanh nhạc, các em hay mắc phải một số lỗi cơ bản sau:

Lấy hơi - Nén hơi - Đẩy hơi: Các em thường hít hơi theo bản năng thông thường (theo cơ chế hít thở sinh học của con người) đó là hít hơi và lấy hơi vào phần ngực chứ không lấy hơi vào bụng. Một số em lấy hơi xuống được phần bụng nhưng lại không biết cách khống chế hơi ở vùng thắt lưng. Khi đẩy hơi đa số các em tưởng rằng đẩy hơi thở lên thì sẽ xẹp bụng lại mà thực ra là cần giữ và khống chế bụng và thắt lưng nguyên ở trạng thái căng, rắn, chắc.

Mở khẩu hình sai: Đa số các em đều chưa biết cách mở khẩu hình ở tư thế thả lỏng, giống như ngáp, nhấc hàm ếch mềm trên đồng thời buông hàm dưới tạo thành một khoảng rỗng trong khoang miệng. Phần lớn các em đều trong trạng thái mở khẩu hình chưa hết sẽ dẫn đến tật bị cứng hàm khi hát, âm thanh sẽ không đẹp, không mềm mại và không đáp ứng được yêu cầu “vang, sáng, tròn” của âm thanh khi hát.

Vị trí âm thanh: Việc xác định và hiểu cũng như phân biệt được vị trí âm thanh đúng hay sai quả thật là rất khó so với những sinh viên mới học thanh nhạc. Bởi vị trí âm thanh tốt đòi hỏi người hát phải biết kết hợp linh hoạt các thao tác nhấc hàm ếch mềm trên, buông lỏng hàm dưới, lưỡi gà nhấc cao, lưỡi thả lỏng không co đồng thời hơi thở phải được đẩy lên từ phần bụng sau đó mới phát ra thanh âm. Phần lớn các em thường khó có thể nắm bắt cũng như kết hợp được hết các thao tác cùng một lúc trong những buổi học đầu. Có em giữ được hơi thở thì lại chưa đưa âm thanh vào vị trí cao, có em đưa âm thanh vào vị trí tốt thì lại không giữ và đẩy được hơi thở… dẫn đến âm thanh bị gằn và tì vào cổ làm cho tiếng hát bị chói, không hay, thậm chí người hát có thể còn bị đau họng và cảm thấy mệt mỏi khi hát xong bài hát.

Hát không chính xác cao độ: Đây là một lỗi điển hình mà hầu hết các sinh viên không được đào tạo chuyên sâu về thanh nhạc đều mắc phải. Do ít được tiếp xúc với âm nhạc nên nhiều sinh viên không điều chỉnh giọng theo đúng cao độ của nốt nhạc: đặc biệt là các nốt cao, nốt nửa cung… Ngoài ra, khả năng vận dụng các kĩ thuật staccato, legato, non-legato… còn yếu. Khi hát, do sinh viên phải vừa hát vừa dò nhẩm lời nên dễ bị chi phối, không tập trung trong việc thể hiện các kĩ thuật hát. Khi giảng viên hướng dẫn các kĩ thuật thì sinh viên làm được, nhưng khi phải vận dụng cả 2 thao tác: thuộc bài và vận dụng kĩ thuật thì sinh viên lại không làm được. Thông thường, giảng viên dạy các kĩ thuật hát cho sinh viên thông qua phương pháp luyện thanh  thì các em dễ nắm bắt. Nhưng đối với bài hát lại khác, cấu trúc của một ca khúc ở hình thức một đoạn đơn, hai đoạn đơn, ba đoạn đơn… và thậm chí là những tác phẩm khó của nước ngoài nên việc thuộc ca khúc được coi gần như là điều kiện tiên quyết quyết định kết quả của buổi học.

+ Trình độ năm thứ hai của sinh viên

Năm đầu các em sinh viên  còn không tự tin khi luyện thanh các mẫu âm và mở khẩu hình. Đặc biệt khi hát các bài hát nước ngoài các em còn tỏ ra thiếu tự tin và không muốn học. Bước vào năm thứ hai, các em đã không còn bỡ ngỡ hay ngại ngùng khi luyện thanh, tự tin hơn khi luyện thanh, hát các tác phẩm nước ngoài.

Hầu hết các em đã biết mở khẩu hình, biết cách lấy hơi và nén hơi, đã bắt đầu hiểu một chút về vị trí âm thanh. Tình trạng hát sai cao độ hầu như không còn xảy ra ở những em sinh viên năm thứ hai. Sinh viên đã biết tự vỡ bài hát nước ngoài ở nhà. Tuy nhiên, khi hát chưa biết xử lý kĩ thuật, hát chưa có cảm xúc. Khi hát tác phẩm nước ngoài, lời Ý phát âm còn rất khó khăn và chưa hiểu nội dung và ý nghĩa lời ca.

Khi ghép với phần đệm piano, một số sinh viên còn lúng túng, chưa tự tin dẫn đến không hát, sai nhịp, quên lời ca, quên mở khẩu hình, quên vị trí âm thanh.

+ Trình độ năm thứ ba và năm thứ tư của sinh viên

 Kết thúc hai năm học tập và rèn luyện tại Trường cùng với sự hướng dẫn tận tình của GV về việc học hát các kĩ thuật thanh nhạc và hát các bài hát nước ngoài, các em SV đã có những tiến bộ đáng kể như: tương đối biết cách hát các bài hát nước ngoài, biết phát âm một số từ đơn giản trong tiếng Ý, biết cách áp dụng các kĩ thuật cơ bản vào trong mỗi bài hát. Quan trọng hơn là các em đã thích và hiểu được lợi ích của việc học hát các tác phẩm nước ngoài, các em đã bắt đầu muốn được học hát những romance và aria. Tuy nhiên, các em SV năm thứ ba và thứ tư vẫn còn nhiều hạn chế về kĩ thuật thanh nhạc cơ bản, về hiểu biết tác phẩm nước ngoài cũng chưa hiểu rõ về nội dung của các aria.

*  Kĩ thuật thanh nhạc cơ bản

- Khẩu hình: Đôi khi mở chưa phù hợp với từ và cao độ cần hát, lưỡi gà chưa đưa lên cao.

- Vị trí âm thanh: Chưa hoàn toàn ổn định, lúc cao, lúc thấp. Âm thanh chưa được vang và tròn đều. Nhiều âm còn bẹt.

- Hơi thở: Lấy hơi chưa được đầy, nén hơi chưa chắc khi hát ở những nốt cao. Điều tiết hơi thở chưa được đều đặn.

- Phát âm, nhả chữ: Phát âm chưa rõ lời, nhả chữ còn bị bẹt hay còn thiếu phụ âm khi hát tiếng nước ngoài.

- Lời ca: Đối với lời nước ngoài thì phần lớn các em không hiểu lời ca, nên việc hát không có cảm xúc vẫn tồn lại khá nhiều ở các em SV tại Trường.

- Xử lý tác phẩm: Hát chưa mượt mà và chưa có cảm xúc. Khi xử lí hát nhỏ dần vẫn còn tình trạng gẫy âm thanh, mờ và mất hẳn.

* Hiểu biết về tác phẩm:

Đa số các em SV hát mà không tìm hiểu về nội dung tác phẩm, cấu trúc và hình thức của tác phẩm.  Nên việc cần rèn luyên thêm về các kĩ thuật cơ bản và rèn luyện thêm về cách hát aria là rất cần thiết để nâng cao trình độ và kĩ thuật hát cho các em.

Tóm lại, khả năng học Thanh nhạc của sinh viên Sư phạm Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW là không đồng đều, dẫn tới một số em có giọng hát bẩm sinh tốt khi học thanh nhạc rất thuận lợi về nhiều mặt như giọng sáng ổn định, khả năng hát các tác nước ngoài cũng đạt hiệu quả cao hơn so với các em sinh viên có giọng bẩm sinh yếu. Những em sinh viên có giọng hát bẩm sinh yếu nên việc học thanh nhạc cũng khá khó khăn về việc phát triển giọng hát như: việc nén hơi, lấy hơi, nhả chữ, hát các tác phẩm nước ngoài.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trung Kiên (1982), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa, Hà nội.

2. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

3. Nguyễn Trung Kiên (2002), Giáo trình thanh nhạc hệ trung học 4 năm, Nhạc viện Hà Nội.

4. Nguyễn Trung Kiên (2004), Nghệ thuật Opera, Viện Âm nhạc.

5. Nguyễn Trung Kiên (2006), Chương trình chuyên ngành thanh nhạc Đại học, Bộ Văn hóa Thông tin xuất bản, Hà Nội.

6. Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

7. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

8. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.

________________________

[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc