Nội san

Âm hưởng của Chèo trong bộ dâng hoa truyền thống tại giáo phận Thái Bình

08 Tháng Mười 2017

Mai Đức Mạnh [*]

 

     Chèo không chỉ được biết đến là hình thức biểu diễn trên sân khấu, mà còn được dùng trong các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là trong Phụng vụ Công giáo tại Thái Bình. Được hình thành từ rất sớm, Chèo gắn liền với đời sống của người dân trong các sinh hoạt Xuân Thu nhị kỳ. Có thể kể đến những vùng chèo như: chiếng Chèo Nam (Nam Định - Thái Bình); chiếng Chèo Đoài (Hà Tây cũ); chiếng Chèo Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang); chiếng Chèo Đông (Hưng Yên - Hải Dương). Ngày nay, nghệ thuật sân khấu Chèo không chỉ được đón nhận rộng rãi trên khắp cả nước mà còn gây được tiếng vang lớn đến với các bạn bè khắp năm châu.

Là một trong 26 Giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo phận Thái Bình có truyền thống lâu đời, theo những tài liệu lưu lại tại thì cách đây khoảng 370 năm, có một vị thừa sai đã đến Giáo xứ Bồ Ngọc (xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ) lập dựng lên họ đạo Bồ Trang. Sau này, Giáo phận Thái Bình được chính thức thiết lập vào năm 1936 (tách từ giáo phận Bùi Chu), được các Linh mục thừa sai Paris đến loan báo tín ngưỡng. Giáo phận Thái Bình nằm trên 2 tỉnh (trọn vẹn địa phận tỉnh Thái Bình và một phần địa phận tỉnh Hưng Yên). Vào những năm chiến tranh, hầu hết các văn kiện, lưu khố tại Tòa giám mục của Giáo phận đã lưu lạc hết.

     Thái Bình là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật Chèo Việt Nam. Nhắc đến các làng chèo nổi tiếng trên đất chèo Thái Bình, không thể không kể tên ba làng: Hà Xá (Hưng Hà), Khuốc (Ðông Hưng) và Sáo Ðền (Vũ Thư). Đối với người giáo dân trong Giáo phận Thái Bình, Chèo được biết đến ngay từ thuở ấu thơ. Âm nhạc chèo đã được bà con giáo dân trong Giáo phận đưa vào trong các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo, phụng vụ tín ngưỡng. Thời gian trôi đi, cuộc sống xã hội đổi thay, các ca khúc mang âm hưởng Chèo trong Phụng vụ Công giáo tại Giáo phận Thái Bình đã bị mai một, và hầu hết thế hệ trẻ không còn mấy ai biết đến. Các ca khúc mang âm hưởng Chèo trong Phụng vụ Công giáo chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời nọ, và cũng chưa có bản văn nào ghi chép lại chính xác các ca khúc ấy.

     Trong những năm gần đây, đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục Giáo phận Thái Bình rất quan tâm đến đời sống sinh hoạt Thánh nhạc của các tín hữu, nhất là loại hình nghệ thuật Chèo trong các sinh hoạt Công giáo. Giám mục đã cổ võ và thúc đẩy làm sống lại các sinh hoạt tôn giáo sử dụng nghệ thuật Chèo truyền thống lâu đời của các vị tiền nhiệm. Cùng với đó, Giám mục đã thành lập nên đội Chèo của Giáo phận, mời các nghệ sĩ nhân dân cố vấn, dàn dựng các vở Chèo. Đội Chèo đã đi biểu diễn nhiều nơi và gặt hái được nhiều thành công rực rỡ.

     Giáo phận Thái Bình là một Giáo phận có truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng. Trong các sinh hoạt Phụng vụ và nghệ thuật của Giáo phận, không chỉ mang những nét văn hóa đặc trưng của tôn giáo “Công giáo” mà còn ảnh hưởng và có nét đặc sắc của văn hóa nghệ thuật vùng miền. Trong đó phải kể đến đó là nghệ thuật Chèo trong đời sống văn hóa của Giáo phận Thái Bình.

Từ lâu nghệ thuật Chèo đã được đưa vào trong các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo của Giáo phận. Cụ thể, trong các ca khúc trong bộ Dâng hoa truyền thống của Giáo phận, cung cách “Ngắm” trong ngắm mười lăm sự thương khó Chúa Giêsu, hay trong Dâng hạt… nhưng thời gian qua nghệ thuật Chèo đã bị mai một lãng quên trong các nghi lễ tôn giáo đó, nhất là các ca khúc trong bộ Dâng hoa truyền thống của Giáo phận hầu hết không còn mấy ai biết đến hoặc nhớ giai điệu nữa.

Theo phân tích của Linh mục Phạm Minh Tâm trong bài viết “Dâng hoa kính Đức Mẹ” thì bố cục của buổi Dâng Hoa rất rõ ràng. Thông thường cấu trúc một buổi Dâng Hoa gồm 3 phần:

Phần I: Sau khi cộng đoàn rước tượng Đức Mẹ vào nhà thờ (hoặc lễ đài - nếu cử hành thánh lễ ngoài trời), đặt tượng lên toà thì bắt đầu cất tiếng hát.

Bái vịnh: Ngũ bái thờ lạy Ba ngôi Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thiên thần và các Thánh.

Phần II: Gồm:

Ca ngợi các nhân đức của Đức Mẹ.

Tiến hoa ngũ sắc: Từng đôi con hoa đỏ, trắng, vàng, tím, xanh.

Dâng 7 loài hoa quí (quì, sen, lê, cúc, mai, mẫu đơn, lan) để ca tụng Đức Mẹ.

Phần III: Cảm tạ - Tạ ơn Chúa. Tạ ơn và cầu khẩn với Đức Mẹ

Ý nghĩa các màu hoa:

Các màu hoa vừa tượng trưng cho các nhân đức của Đức Mẹ vừa diễn tả tâm tình, ước nguyện của con cái muốn dâng lên Mẹ.

Hoa trắng có ý nghĩa biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ và mang tâm tình xin Mẹ giúp con dân gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, sạch tội.

Hoa đỏ có ý nghĩa diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa và mang tâm tình xin Mẹ dạy con dân biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em như Chúa đã yêu ta.

Hoa vàng có ý nghĩa tượng trưng niềm tin sắt đá của Mẹ và mang tâm tình xin Mẹ dạy con dân sống phó thác, tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

Hoa xanh có ý nghĩa tượng trưng cho niềm cậy trông và hy vọng, mang tâm tình xin đừng để ta thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào của cuộc sống.

Hoa tím có ý nghĩa tượng trưng những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn và mang tâm tình xin Mẹ dạy con dân biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gửi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Mở đầu của một buổi Dâng Hoa là phần khai hoa, phần khai hoa được viết theo thể thơ lục bát, đó là phần lời nguyện trong kinh cầu Đức Bà. Thông thường thì cộng đoàn Phụng vụ (bà con giáo dân) sẽ cùng nhau đọc một cách chậm dãi, các em trong dâu Dâng Hoa sẽ tiến lên Cung Thánh, hoặc lễ đài, bên trên lễ đài có đặt tượng Đức Mẹ.

            Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu (Deus - Trời),

          Chúng con trông cậy cùng kêu van Bà.

            (Chúng con trông cậy ở nơi Đức Bà).

Xin hằng bầu cử trước toà,

Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con. …

Sau khi phần khai hoa là phần ngũ bái được tiếp nối trong Dâng Hoa. Bốn câu đầu của phần ngũ bái được viết theo thể thơ lục bát, và là đoạn mở đầu cho phần ngũ bái, hay còn được gọi là mở cảnh. Khác với hình thức của Chèo, trên sân khấu là biểu diễn với những nhân vật và màn cảnh của từng đoạn thì Dâng Hoa trong Phụng vụ Công giáo không có mang nặng về hình thức biểu diễn. Dâng Hoa trong Phụng vụ Công giáo là việc cử hành lễ nghi nên mang đậm việc tôn kính, trang nghiêm, không có nhân vật rõ ràng như trong Chèo.

            Phần ngũ bái mang âm hưởng Chèo không rõ ràng, nhưng phảng phất âm hưởng và những nét đặc trưng của Chèo trong đó. Trong Chèo, ngoài lời ca có nội dung nhất định, chúng ta còn thấy có nhiều nguyên âm như: a, i, ư, ơ, ô được xuất hiện sau câu hát, nhấn đi nhấn lại, luyến lên, vuốt xuống, ngắt, nẩy sinh động, tạo nên nét độc đáo riêng, mang đậm tính trữ tình, trong sáng của nghệ thuật Chèo. Ở bất kỳ làn điệu Chèo nào chúng ta cũng bắt gặp điều này:

 

Phần tiến hoa xin được tạm gọi là bài “Tiến hoa”. Bài “Tiến hoa” được viết theo thể thơ lục bát, gồm 7 trổ hát, trước khi vào hát có vỉa mở đầu. Vỉa mở đầu gồm 2 câu thơ lục bát, giai điệu giống với bài ngũ bái, nhịp tự do. Trong Chèo sử dụng các lối vỉa để tạo nên sự dẫn dắt, chuẩn bị tình cảm vào làn điệu hát không gây nên cảm giác đột ngột. Đặc điểm này của nghệ thuật Chèo ta thấy trong điệu “Hát cách”:

Mở đầu của bài “Tiến hoa” tác giả đã vận dụng khéo léo hình thức vỉa trong Chèo để vận dụng đưa vào trong bài.

Vỉa mở đầu:

            Các trổ tiếp theo được viết theo thể thơ lục bát. Giai điệu được viết theo điệu thức “Sol cung”:

Nhịp 2/4, tiết tấu hơi nhanh, vui tươi, khác với bài ngũ bái mang không khí tôn nghiêm trầm lắng thì ở bài tiến hoa với tiết tấu nhanh vui tạo nên không khí rộn ràng của ngày mùa về, âm điệu trong các trổ của bài tiến hoa giống với “Đào liễu một mình”.

Bài ngũ sắc được viết theo thể thơ lục bát, mỗi sắc có 2 câu thơ. Giai điệu của bài ngũ sắc được nối tiếp, lặp lại lối giai điệu giống với giai điệu của bài tiến hoa. Bài ngũ sắc viết theo điệu Sol cung, nhịp 2/4. Bài ngũ sắc gồm 10 trổ hát. Mỗi sắc hoa được thể hiện qua 2 trổ.

Nam: Trổ thân bài, gồm 18 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,

Nhuộm riêng máu thánh thơm chung lòng người

Nữ: Trổ nhắc lại 1, gồm 18 ô nhịp , lưu không 4 ô nhịp.

Vì thương con gánh tội đời,

Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.

Bài bẩy hoa được viết theo thể thơ lục bát, bài này gồm 7 trổ hát và trước khi vào hát là vỉa mở đầu. Mỗi loài hoa là 1 trổ. Giống với bài tiến hoa, bài bẩy hoa cũng được viết theo điệu thức “Sol cung”, nhịp 2/4 với sắc thái vui tươi, trong sáng. Vỉa mở đầu gồm 1 câu thơ lục bát, nhịp tự do.

            Giai điệu trong các trổ của bài bẩy hoa vẫn được tiếp tục thể hiện rõ những nét nghệ thuật đặc trưng của Chèo như: Ngân đuôi “i”; ngoại nhịp, nội nhịp;…

Trổ thân bài: Gồm 19 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Trổ nhắc lại 1: Gồm 18 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Tội nguyên không nhiễm khác thường,

Hoa Sen trên nước chẳng vương bùn lầm.

Trổ nhắc lại 2: Gồm 19 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Lòng đầy thánh sủng giáng lâm,

Hoa Lê tuyết đượm màu thơm khác vời.

Trổ nhắc lại 3: Gồm 19 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Tuổi cao phúc đức càng đầy,

Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu.

Trổ nhắc lại 4: Gồm 19 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Tòa cao thần thánh kính chầu,

Hoa Mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.

Trổ nhắc lại 5: Gồm 18 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Muôn loài cảm mến câu ca,

Hoa đơn phú quý gần xa vui vầy.

Trổ nhắc lại 6: Gồm 19 ô nhịp, lưu không 4 ô nhịp.

Các ơn Chúa phó trong tay,

Hoa Lan vương giả hương bay ngạt ngào.

Bài diễn ý bẩy hoa đã dâng được viết theo thể thơ lục bát, gồm 9 trổ, được viết theo điệu thức “Fa Cung”:

Bài diễn ý bẩy hoa đã dâng được thể hiện theo lối tính chất của “Nói sử” trong Chèo.

Nói sử chiếm vị trí chủ chốt trong phong cách âm nhạc kể chuyện, trong sân khấu ca kịch truyền thống nó mang tính chất tự sự rõ rệt. Nói sử thường sử dụng ngữ khí và âm sắc nên tạo ra một phong cách độc đáo riêng biệt, nhất là cách luyến vị trí âm thanh lên.

Bài diễn ý bẩy hoa đã dâng có thể nói mang phong cách của lối nói sử rầu, âm nhạc có chuyển điệu đơn giản, có sự chuẩn bị đến cao trào một cách thích đáng. Tiết tấu trong bài diễn ý bẩy hoa đã dâng lúc chậm lúc nhanh, tạo nên những sắc thái, tình cảm trìu mến, những cung bậc cảm xúc khác nhau cho người nghe. Giai điệu thể hiện như lối kể, tự sự, tạo cho người nghe bị cuốn hút theo tiết tấu của bài.

Lối nói sử đã được tác giả sử dụng tài tình khi đưa vào bài diễn ý bẩy hoa đã dâng: 

 

Với tinh thần “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” các ca khúc mang âm hưởng chèo trong bộ Dâng Hoa truyền thống của Giáo phận Thái Bình đã mang lại không chỉ những giá trị về tinh thần đời sống đức tin cho bà con Giáo dân trong Giáo phận Thái Bình, mà còn có giá trị cao về nghệ thuật, nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng miền quê lúa Thái Bình.

Trước bối cảnh hiện trạng các ca khúc ấy đang ngày bị lãng quên bởi sự đổi thay của xã hội và nhất là lối sống mới của thế hệ trẻ, các ca khúc ấy cần được lưu truyền, gìn giữ và phát huy nơi các Giáo xứ, Giáo họ.

     Là một tín hữu công giáo, được sinh ra và lớn lên, được tham dự các nghi thức Phụng vụ Công giáo ngay từ nhỏ, cho đến nay, tôi vẫn đang cùng các anh chị em phục vụ trong các ca đoàn của nhà thờ, luôn ước mong cùng anh chị em tín hữu Công Giáo của Giáo phận Thái Bình phục dựng các Dâu Dâng Hoa theo bộ Dâng hoa truyền thống, để góp phần phục hồi và lưu giữ những ca khúc mang âm hưởng Chèo của quê hương Thái Bình, góp phần bảo tồn và giúp thế hệ trẻ thêm yêu trọng giá trị văn hóa mà các bậc tiền nhân đã dày công sáng tạo. 

Bộ Dâng Hoa truyền thống của Giáo phận Thái Bình là sự kết hợp tài tình của những  người xưa, khi đưa lối âm nhạc Bình ca, là âm nhạc chính thống của Giáo hội Công giáo hòa quyện với những nét đặc trưng âm hưởng của nghệ thuật Chèo, là âm nhạc đặc trưng của vùng miền. Cả hai âm hưởng đan xen trong các ca khúc được sử dụng trong cử hành Phụng vụ của bà con Giáo dân trong Giáo phận.

Không chỉ vậy các ca khúc mang âm hưởng Chèo trong bộ Dâng Hoa truyền thống của Giáo phận Thái Bình còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa đời sống đức tin của bà con và đời sống văn hóa làng xã, quê hương đất nước. Tình yêu đạo và đời được gắn kết để giúp bà con trong Giáo phận cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước và đức tin ngày một tươi đẹp hơn.

Tài liệu tham khảo

1.    Trần Bảng (1979), Chèo - sân khấu tự sự, Nxb Nghiên cứu nghệ thuật.

2.    Nguyễn Thị Hà Hoa (2007), Nhập môn âm nhạc cổ truyền, Nxb Văn hóa thông tin.

3.    Nguyễn Thị Thanh Phương (2004), Âm nhạc Chèo Nửa cuối thể kỉ XX, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Nxb Hà Nội.

4.    Khắc Khoan (1974), Tìm hiểu sân khấu Chèo, Nxb Lửa thiêng Sài Gòn.

5.  Trần Việt Ngữ (chủ biên) (1998), Chèo cổ Thái Bình, Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình, Nxb Thái Bình.

6.    Tòa giám mục Thái Bình (2016), Kỷ yếu Giáo phận Thái bình, Nxb Hồng Đức.

________________________

[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc