Nội san

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cho giọng nữ trung hệ ĐHSP Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

08 Tháng Mười 2017

Nguyễn Thị Hương [*]

 

Thanh nhạc là một bộ môn quan trọng trong đào tạo âm nhạc. Việc giảng dạy và học bộ môn này là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với giảng viên và sinh viên SPAN nói chung, Khoa Thanh nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng. Sinh viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đến từ các vùng miền khác nhau, trong số đó những sinh viên giọng nữ trung chiếm một phần không nhỏ. Trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên ngành SPAN còn tồn tại một số bất cập như: phần lớn các sinh viên thường không coi trọng việc tự rèn luyện giọng hát cũng như đầu tư cho bài học của mình… Để khắc phục những vấn đề trên khi giảng viên đã đưa ra những giải pháp về kỹ thuật thanh nhạc thì sinh viên có giọng nữ trung cần phải lĩnh hội tiếp thu và tự rèn luyện để nâng cao chất lượng học môn Thanh nhạc.

Phương pháp dạy học của người giáo viên (GV) là yếu tố vô cùng quan trọng để quá trình dạy học đạt kết quả cao. Việc người học tiếp thu bài như thế nào phụ thuộc rất lớn vào phương pháp giảng dạy của GV. Chính vì vậy, người thầy phải thật nhạy cảm và linh hoạt trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

            Thanh nhạc là một môn học mang tính đặc thù cao và khá trừu tượng. Việc giảng dạy của GV thường mang tính kinh nghiệm, còn việc tiếp thu của sinh viên (SV) phụ thuộc rất lớn vào khả năng thanh nhạc và sự cảm nhận của mỗi cá nhân. Thêm vào đó SV ĐHSP Âm nhạc đến từ nhiều môi trường khác nhau, không có sự đồng đều về trình độ chuyên môn nên sự tiếp thu là khác nhau ở mỗi người, mỗi môn học. Ngoài ra, từng SV lại có những đặc điểm khác nhau về giọng hát. Có sinh viên phù hợp với những bài có tốc độ nhanh và linh hoạt, có sinh viên lại phù hợp với những bài có nhịp độ chậm… Trong Thanh nhạc phân chia thành nhiều loại giọng khác nhau như giọng nam cao, nữ cao, nam trung, nữ trung… Với mỗi loại giọng đều có những đặc điểm riêng về màu sắc, âm vực… Chính vì vậy, cần phải có sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy của các GV đối với SV ĐHSP.

            Các giọng nữ của sinh viên ĐHSP Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW năm nào cũng có số lượng đông hơn các giọng nam, trong đó giọng nữ trung cũng chiếm một phần không nhỏ. Về mức độ đồng đều ở giọng nữ trung cũng trong điều kiện giống các giọng hát khác. Tuy cùng xác định là giọng nữ trung nhưng mỗi sinh viên lại có mức độ khác nhau. Đa số các em đều ở độ tuổi từ 18 trở lên, thuận lợi cơ bản ở độ tuổi này là các em đã có giọng hát tương đối ổn định, đã qua thời kì vỡ giọng. Có những sinh viên được đào tạo qua hệ trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó cũng có những sinh viên chưa được qua trường lớp, chỉ là giọng hát bản năng sẵn có, có giọng nữ trung vang, dày, khỏe, bên cạnh cũng có những giọng nữ mờ, yếu... Đây là một thực tế mang lại không ít khó khăn cho giảng viên cũng như sinh viên trong quá trình dạy và học môn Thanh nhạc.

Ngoài những cổ tật mà các em thường hay mắc phải thì chúng tôi còn nhận thấy ở giọng nữ trung hầu hết các em còn mắc những lỗi điển hình như: hát không chính xác cao độ, mở khẩu hình sai, vị trí âm thanh chưa chuẩn nên khi hát thường đưa âm thanh vào mũi khiến giọng bị bí, không vang sáng. Hoặc có những em thường ghì âm thanh vào cổ khiến giọng bị cứng và âm thanh phát ra bị gằn lại, không nhẹ nhàng thanh thoát.

Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi xin được đưa ra các bài tập kỹ thuật thanh nhạc và các ví dụ thực hành cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học cho giọng nữ trung hệ ĐHSP Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

            Luyện thanh bằng mẫu âm:

Đây là một nội dung rất quan trọng trong quá trình học hát của SV. Qua việc luyện thanh, SV có thể rèn luyện được các kỹ thuật hát như: Kỹ thuật hát liền giọng, kỹ thuật hát nẩy giọng, hát có sắc thái to, nhỏ… Từ đó có thể áp dụng vào các bài Vocalise, các tác phẩm phù hợp.

Ví dụ 1:

Ví dụ 1 là bài tập có giai điệu và tiết tấu đơn giản, liền bậc, hát cao dần lên và thấp dần xuống từng nửa cung một, có tác dụng bật âm thanh ra ngoài, rèn luyện hơi thở. Khi hát những mẫu âm này, GV cần chú ý hướng dẫn SV lấy hơi thở sâu, âm thanh phát đều đặn, không thay đổi vị trí. Các câu luyện thanh này sẽ ngày càng dài và phức tạp hơn nhằm không ngừng nâng cao và phát triển giọng theo yêu cầu của từng giai đoạn học tập.

Bài tập luyện kỹ thuật liền giọng (Legato)

Đây là kiểu hát cơ bản nhất trong kỹ thuật thanh nhạc, là cách hát chuyển tiếp liên tục đều đặn từ âm nọ sang âm kia, tạo nên những câu hát liên kết không ngắt quãng. Kỹ thuật hát liền giọng là một kỹ thuật khó, đòi hỏi thời gian luyện tập lâu dài không thể có được ngay thời gian đầu khi mới học hát.

Ví dụ 2:

               Na    -           -                      -           -                      -    a.

               Nô -             -                      -           -                      -    ô.

Khi hát bài luyện tập trên, cần lấy hơi thở sâu, đẩy hơi đều đặn, âm nọ liền âm kia, vị trí âm thanh phải nông, gọn. Chú ý khẩu hình mở rộng, không cứng hàm.

Bài tập luyện thanh âm nẩy (Stacato):

Luyện tập hơi thở qua nhiều mẫu luyện thanh chạy nhanh và dài, tập bật cơ bụng bằng các mẫu luyện thanh âm nẩy (Staccato).

Ví dụ 3:

                              Nô….  Na…     nô….   Na…    nô…………….

Với bài luyện tập này, GV hướng dẫn SV lấy hơi thật sâu, chú ý mở khẩu hình đúng, nhếch môi như cười, giữ chắc hơi ở phần bụng và thắt lưng; đặt đúng vị trí âm thanh, hát bật tiếng, nảy tiếng ra ngoài.

Bài luyện thanh (Vocalise):

Đây là những bài hát không lời, có tiết tấu, giai điệu rõ ràng, thậm chí có cả yêu cầu về sắc thái của âm thanh. Trong lịch sử phát triển của Thanh nhạc đã có khá nhiều bài Vocalise được sử dụng như một tác phẩm biểu diễn không lời trên sân khấu. Tại các nhạc viện, trước khi học các ca khúc, Romance và Aria thì các nhà sư phạm cũng thường cho SV học các dạng bài Vocalise này nhằm phát triển kỹ thuật Thanh nhạc trước khi tập bài hát.

Để phục vụ cho việc dạy học giọng nữ trung tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, chúng tôi cũng tham khảo các giáo trình Vocalise quốc tế và nghiên cứu, chuyển soạn hai bản Vocalise do hai tác giả Nguyễn Trung  Kiên và Nguyễn Phúc Linh xuất bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2013. Tác phẩm này được viết cho giọng Soprano và được chúng tôi dịch giọng xuống một quãng 4 đúng cho phù hợp với giọng Mezzo Soprano.

Ví dụ 4: (Trích bản Vocalise số 1, tập II - phỏng Dân ca)

            Khi SV luyện tập bài Vocalise số 1 (tập II) này, giảng viên cần hướng dẫn cho các em kỹ thuật luyến láy cho thật mượt mà, mềm mại và đặc biệt lưu ý những chỗ nhảy quãng 8 (nhịp thứ ba và thứ bảy) cho cao độ thật chuẩn xác. Trong bài, chúng tôi đã ghi các ký hiệu lấy hơi (v), mặc dù cần giữ hơi dài nhưng đối với giọng nữ trung, các em có thể xử lý một cách linh hoạt và có thể chia nhỏ chỗ lấy hơi hơn.

Bên cạnh bài Vocalise có âm hưởng dân ca nói trên, để SV thêm hứng thú và gần gũi với hoạt động biểu diễn hơn, tác giả luận văn đã đưa thêm bản Vocalise số 10 (tập II) phỏng ca khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn vào giáo trình dạy học.

Ví dụ 5: (Trích bản Vocalise số 10, tập II - phỏng ca khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn)

 

Tập bài hát:

Sau các bài tập luyện thanh với các mẫu âm và âm nảy (Staccato) cũng như một số bài Vocalise thì trọng tâm của quá trình dạy học cho giọng nữ trung là việc tập các bài hát. Đây có thể được coi như đích đến của quá trình luyện tập với sự kết hợp các yếu tố kỹ thuật thanh nhạc với sự thể hiện những xúc cảm âm nhạc nhằm tạo sức hấp dẫn đối với SV cũng như đối với thính giả sau này.

Ví dụ 6: (Trích ca khúc Biển cạn của Nguyễn Kim Tuấn)

Bài hát “Biển cạn” của nhạc sĩ Nguyễn Kim Tuấn được chuyển dịch cho giọng nữ trung (Mezzo), khi dạy học bài hát này GV cần chú ý Tempo là Andante hoặc theo tiếng Anh hiện này là Slow. Tốc độ này rất phù hợp với giọng nữ trung mặc dù xét về mặt cao độ có khá nhiều “âm treo” nên tạo ra những khó khăn về mặt kỹ thuật đối với SV.

Đứng về phong cách hát, âm nhạc thể hiện một hình tượng như tiếng thì thầm của biển cả với chất giọng ấm áp và nhả chữ chậm rãi theo phong cách nhạc nhẹ. Người GV cần rất chú ý khi dạy các nhịp 4, 7, 8 của bài hát bởi tính chất đảo phách trong thể hiện âm nhạc. Đảo phách khi hát bài “Biển cạn” này cần thể hiện một cách hơi tự do, thậm chí gần với cách hát “buông lơi” trong nhạc nhẹ. Tuy nhiên, nếu để cho SV quá tự do thì đầu phách mạnh sẽ không còn chính xác đối với phần đệm của Piano hoặc của dàn nhạc. Phần phát âm do tốc độ hát chậm nên không xảy ra hiện tượng “nhòe lời” cũng là một thuật lợi cho việc luyện tập của SV sau này.

Sự phối hợp giữa kỹ thuật phát thanh với ngôn ngữ thời kỳ đầu vào giờ học, giờ luyện thanh phải chiếm một nửa số giờ lên lớp trong tiết học. Mục đích là luyện tập hơi thở, rèn luyện sự hoạt động của thanh đới, dần dần hình thành những khái niệm về vị trí của âm thanh.

Bên cạnh những ca khúc Việt Nam, chúng tôi cũng có ý tưởng đưa một số tác phẩm cổ điển vào làm phong phú thêm giáo trình giảng dạy.

Ví dụ 7: tác phẩm “Ave Verum Corpus” của W.A. Mozart:

            Bài Ave Verum Corpus của W.A. Mozart này có âm cao nhất là f2, tốc độ chậm (Adagio) nên chúng ta có thể sử dụng trong dạy học giọng Mezzo Soprano rất phù hợp. Khi giảng dạy, giảng viên cần chú ý tới nhịp thứ ba với các quãng giai điệu quãng 4, quãng 6 và nhịp thứ tư với giai điệu đi bán âm là một kỹ thuật không dễ trong thanh nhạc, nhất là đối với giọng Mezzo Soprano.

Đối với môn Thanh nhạc để có thể học tốt và đạt chất lượng cao là một công việc khó. Nó đòi hỏi một sự nỗ lực kiên trì không ngừng của giảng viên và sinh viên, bên cạnh đó cùng với sự yêu thích môn học, sự say mê tìm tòi sáng tạo cũng như sự rèn luyện chăm chỉ của SV.

Trong quá trình nghiên cứu chương trình học và phương pháp học của sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, chúng tôi còn thấy những hạn chế trong cách học của sinh viên có giọng nữ trung. Chính những hạn chế đó đã làm cho sinh viên không phát huy được khả năng âm nhạc của mình. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Thanh nhạc cho giọng nữ trung ĐHSP Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhằm mục đích làm cho kết quả học tập môn Thanh nhạc của giọng nữ trung đạt kết quả tốt. Sinh viên có chuyên môn vững vàng, có thể hát bài hát có tính chất nghệ thuật một cách chủ động, mạnh dạn tự tin trên sân khấu. Qua đó, quá trình học tập môn Thanh nhạc đối với giọng nữ trung sẽ thuận lợi, đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, những giải pháp này cũng giúp cho GV đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng như giúp cho SV làm quen với các hoạt động ngoại khóa tại các trường phổ thông sau này.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Anne Peckham (2002), Phương pháp luyện giọng để trở thành ca sĩ, Nxb Âm nhạc, (người dịch: Nguyễn Văn Vĩnh).

2.      Mai Khanh (1982), Sách học Thanh nhạc, Vụ đào tạo - Bộ Văn hóa và Thông tin, Hà Nội.

3.      Nguyễn Trung Kiên (2002), Giáo trình thanh nhạc hệ trung học 4 năm, Nhạc viện Hà Nội

4.      Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

5.      Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

6.      Ngô Thị Nam (2001), Hát, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc