Nội san

Biện pháp dạy hát dân ca Mường cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình

08 Tháng Mười 2017

 

Đỗ Khắc Sơn [*]

 

Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có nhiều tộc người cùng sinh sống như Kinh, Mường, Mông, Dao, Thái, Tày, Hoa. Phía Bắc giáp với tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, phía Đông và Đông Bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam giáp tỉnh Sơn La, Thanh Hóa. Nơi đây được biết đến là cái nôi của văn hóa Hòa Bình, miền đất sinh sống của người Việt cổ cách đây hàng vạn năm, với những di chỉ khảo cổ có giá trị, những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo.

Với nền văn hóa bản địa lâu đời, người Mường ở Hòa Bình có những nét văn hóa độc đáo riêng, đặc biệt là dân ca Mường - một loại hình đặc sắc của nghệ thuật âm nhạc dân gian Mường. Dân ca Mường gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt thường ngày của người Mường, bởi vậy dân ca Mường rất phong phú về thể loại, làn điệu. Mỗi làn điệu, thể loại dân ca đều là những bức tranh sinh động về cuộc sống lao động, tình yêu đồng loại và thiên nhiên tươi đẹp của người dân nơi xứ Mường.

          Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, với vai trò là cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh Hòa Bình, ngoài công tác đào tạo chuyên môn thì việc nâng cao giá trị cũng như bảo tồn, phát huy văn hóa địa phương trên mảnh đất Mường cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

          Việc nghiên cứu thực trạng dạy học dân ca trong Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cũng cho thấy những ưu điểm:

  Nhà trường có đội ngũ cán bộ giảng viên có khả năng đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình dạy và học được đảm bảo: có phòng học riêng cho việc dạy và học các phân môn về âm nhạc, các trang thiết bị cần thiết như: Máy tính, máy chiếu, đàn Organ, trang âm, loa đài, có sân khấu phục vụ cho tập luyện, biểu diễn. Tuy nhiên, việc dạy hát dân ca nói chung và dân ca Mường còn gặp một số khó khăn như: Việc tìm hiểu, sưu tầm, hệ thống bài bản, tài liệu về dân ca Mường còn chưa đầy đủ, chưa có tài liệu hệ thống bài bản các bài hát dân ca phục vụ cho việc giảng dạy trong nhà trường. Biên chế lớp học đông từ 30 đến 40 sinh viên/lớp. Cơ sở vật chất tuy khá đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế do một số trang thiết bị đã xuống cấp, cần bổ sung, thay thế. Trang phục, đạo cụ dùng cho biểu diễn và các hoạt động ngoại khóa còn chưa được đầu tư.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một vài biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy phân môn hát dân ca tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.

1. Đưa hệ thống các làn điệu dân ca Mường vào giảng dạy

          - Danh sách những bài dân ca đề xuất đưa vào chương trình dạy của ngành Sư phạm Âm nhạc: Hát đối đáp, U hạy, Ru hạy 2, Hát ví số 2, Đập bôông bôông, Ru em số 3, Thường rang mừng, Hát ví số 4, Hội tháng giêng, Thường kể lể.

          - Danh sách những bài dành dân ca đề xuất đưa vào chương trình dạy của

các ngành Tiểu học - Mầm non: Đập nàng khọt, Thường ca ngợi, Hát ví số 3, Ru ún, Hát ví số 1, Hát mời nói chuyện, Ru em số 1, Ru em số 2, Da ơi da ò.

2. Đề xuất một số phương pháp phù hợp để dạy dân ca Mường

Thứ nhất, hoạt động khởi động giọng

 Để việc học hát dân ca đạt được hiệu quả cao, chuẩn bị cho quá trình dạy học hát, cần luyện tập một số kỹ năng ca hát như:

Hát liền giọng (Legato): Đây là kỹ năng hát mà các âm thanh nối tiếp nhau phải có sự liên kết, nối liền nhau, không đứt quãng để tạo nên vẻ đẹp của sự mượt mà, mềm mại, tinh tế của giọng hát.

Hát nhanh: Đây là kỹ thuật thể hiện những ca khúc có tính chất vui tươi, hài hước, dí dỏm, châm biếm. Những bài hát mang phong cách này thường được viết ở tốc độ nhanh, đòi hỏi âm thanh phải linh hoạt, sáng sủa, gọn, trôi chảy, nhấn đều các trọng âm và đảm bảo đúng tốc độ.

Thứ hai , sử dụng phương pháp trình bày tác phẩm

 Phương pháp trình bày tác phẩm có vai trò quan trọng, là phương pháp đặc trưng trong dạy học âm nhạc, góp phần xây dựng, định hướng, dẫn dắt sinh viên đến gần hơn với tác phẩm âm nhạc, làm giảm tính trìu tượng, dễ tiếp cận hơn. Có thể nói, nếu giảng viên thực hiện được tốt phương pháp này, không những giúp sinh viên có khả năng tiếp cận với tác phẩm âm nhạc nhanh hơn mà quá trình lĩnh hội được kiến thức cũng nhanh chóng, trọn vẹn.

Có nhiều cách khác nhau để thực hiện phương pháp này, giảng viên có thể cho sinh viên nghe băng, đĩa nhạc hay thông qua các phương tiện giảng dạy hiện đại khác, nhưng cách hiệu quả nhất theo chúng tôi, nếu thực hiện tốt vẫn là giảng viên trực tiếp trình bày tác phẩm.

Để chuẩn bị cho phương pháp này, người giảng viên cần nghiên cứu để phân tích kỹ bài hát: về thể loại, về tính chất âm nhạc, cấu trúc, xem xét kỹ các ký hiệu về sắc thái, cần phân câu, phân đoạn (nếu có) để xác định có chỗ lấy hơi cho hợp lý. Bên cạnh đó, cần phân tích nội dung, ý tưởng trong lời ca của bài hát... để đảm bảo có phần thể hiện mang tính chính xác về âm nhạc và kỹ thuật, phù hợp về nội dung, sắc thái, tư tưởng, tình cảm của bài hát.

            Thứ ba, sử dụng phương pháp truyền khẩu kết hợp với đọc bản nhạc         Phương pháp truyền khẩu là một trong những phương pháp quan trọng trong việc giảng dạy đặc biệt là giảng dạy các môn thực hành như nhạc cụ và hát. Thông qua phương pháp này, sinh viên mới cảm nhận hết được cái “hơi”, cái “chất” của dân ca, đảm bảo tính truyền thống ẩn chứa trong mỗi bài dân ca. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác của bài bản, khơi gợi sự say mê, phát huy tính tích cực trong việc tìm tòi, chủ động của sinh viên thì việc kết hợp tốt giữa sử dụng phương pháp truyền khẩu với văn bản (bản nhạc) sẽ không chỉ giúp sinh viên hát được bài dân ca mà còn giúp sinh viên củng cố kiến thức, kỹ năng về âm nhạc như lý thuyết âm nhạc, nghe nhạc, đọc nhạc...

Trong thực tế, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc sinh viên học dân ca theo cách đọc xướng âm trước rồi ghép lời làm giảm đi sự mềm mại, mượt mà của giai điệu. Thực ra, không phải sinh viên nào cũng có khả năng cảm thụ âm nhạc giống nhau, vậy nên việc hình thành, tái tạo kiến thức nếu chỉ thông qua phương pháp truyền khẩu cũng khó có thể giống nhau. Vì vậy, sinh viên khá giỏi cũng chưa chắc tái tạo được chính xác kiến thức, chứ chưa nói đến sinh viên có năng lực ở mức trung bình, nếu chỉ áp dụng phương pháp truyền khẩu truyền thống.

Mặt khác, trong quá trình giảng dạy thực tế trên lớp, người dạy cũng không thể hát mẫu cho đến khi sinh viên thuộc lòng. Vậy nên, việc áp dụng văn bản, bản nhạc trong quá trình giảng dạy dân ca vẫn có ý nghĩa quan trọng, bởi chính nó là thước đo cho tính chính xác, là cách thức để sinh viên tiếp cận một cách nhanh nhất và cũng là phương tiện để sinh viên có thể thực hành - luyện tập sau quá trình giảng dạy của giáo viên.

         Thứ tư, mời nghệ nhân tham gia giảng dạy.

Trong môn hát dân ca, để đạt được hiệu quả cao, không chỉ được đặt ra với mục tiêu sinh viên biết hát, hát đúng những bài bản, làn điệu, mà còn cần sinh viên tiếp thu được cái hồn, cái chất, vốn là điều cốt lõi, tinh túy của mỗi loại hình dân ca. Dân ca Mường cũng cần ở mỗi sinh viên sau khi học, được tiếp thu, được lĩnh hội phải hát làm sao cho thể hiện được “chất” trong dân ca Mường. Vì thế, trong quá trình dạy học, có thể nghiên cứu mời thêm các nghệ nhân hát dân ca Mường tham gia công tác giảng dạy ở nhà trường tại một số tiết học của học phần dân ca hoặc tham gia công tác trợ giảng trong giảng dạy.

Nghệ nhân là những người có thể không được đào tạo bài bản, chính quy, song lại nắm giữ cái hồn của âm nhạc dân gian, có khả năng truyền lửa, truyền cảm xúc đến với người học, do vậy, trong quá trình dạy học, nếu có được sự kết hợp giảng dạy giữa giảng viên âm nhạc và nghệ nhân dân ca sẽ làm nội dung môn học sống động hơn, tăng sức hút hơn đối với sinh viên.

Bên cạnh đó, việc mời các nghệ nhân tham gia công tác giảng dạy cũng là điều kiện, cơ hội tìm hiểu, học tập sâu sắc hơn cho chính các giảng viên giảng dạy bộ môn dân ca tại nhà trường. Không phải giảng viên nào giảng dạy bộ môn hát dân ca cũng có thể tìm hiểu được hết các loại hình dân ca của các vùng miền, các dân tộc, nhất là việc dân ca Mường chưa được chính thức đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Vì vậy, việc tìm hiểu sâu, nghiên cứu để giảng dạy dân ca Mường của các giảng viên dạy âm nhạc là điều hết sức cần thiết.

         Thứ năm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa về dân ca Mường

          Hoạt động ngoại khóa được hiểu là những hoạt động được tổ chức ngoài giờ lên lớp, không nằm trong chương trình chính khóa. Hoạt động ngoại khóa, nếu được tổ chức tốt có tác dụng bổ sung, hỗ trợ cho chương trình chính khóa, giúp nâng cao chất lượng, tạo môi trường học tập có áp dụng thực tiễn cho sinh viên.

          Để dân ca Mường phát huy tốt được hiệu quả, có thêm cơ hội tiếp cận cho sinh viên, thì phải gắn được dân ca Mường vào các hoạt động ngoại khóa thông qua những hoạt động cụ thể như:

         Một là, thành lập câu lạc bộ dân ca. Đây chính là cơ sở, điều kiện cho sinh viên có thêm cơ hội được trau dồi, được bồi dưỡng, được luyện tập bổ sung kiến thức cho chính hoạt động giảng dạy - học tập ở trên lớp. Tại đây sinh viên có thể học tập thêm từ thầy cô, từ chính những người bạn của mình, tạo động lực thúc đẩy quá trình tự học - tự bồi dưỡng của sinh viên.

          Hai là, tổ chức hoạt động giao lưu nghệ thuật. Trước hết, hoạt động này nhằm tăng cường khả năng thẩm mỹ về dân ca Mường cho sinh viên, sau đó là cơ hội cho sinh viên tự thể hiện mình, thể hiện kiến thức, khả năng, kỹ năng đã được học tập. Trên cơ sở đó, sinh viên cũng tự đánh giá được khả năng, năng lực của mình để có cách thức học tập, trau dồi nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục những điểm còn yếu, còn chưa hoàn thiện. Đồng thời cũng là cơ hội để học hỏi thêm ở những đơn vị mời tham gia hoạt động này.

Ba là, tổ chức hội thi hát dân ca Mường và sáng tác lời mới cho dân ca Mường. Có thể nói đây là một trong những hoạt động chính của hoạt động ngoại khóa và mang tính thực tiễn cao bởi: Hoạt động này tập trung rõ nét vào đối tượng là dân ca Mường. Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở, phân môn âm nhạc khuyến khích học sinh đặt lời mới cho các bài dân ca đã được học, vì thế nó có tính thực tiễn cao, gắn với nhiệm vụ giảng dạy sau này, giúp sinh viên bước đầu làm quen với cách làm, cách thực hiện và phát triển năng lực tư duy.

Dân ca Mường là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Với sự phong phú về thể loại, bài bản, với những đặc điểm đa dạng, phản ánh đời sống, tâm tư từ bao đời nay của người Mường. Đây chính là bản sắc người Mường, là bản sắc địa phương. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc đó thông qua các cơ sở giáo dục đào tạo là hết sức cần thiết. Vì vậy, việc lựa chọn các bài bản để đưa vào dạy cho sinh viên của trường cũng cần những tiêu chí phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, cần tiếp thu những phương pháp hát dân gian truyền thống, điển hình trong các kỹ thuật luyện thanh, lấy hơi, phát âm, nhả chữ... Để hỗ trợ tốt điều này, cần quan tâm đến vai trò của các nghệ nhân và những hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ có liên quan đến dân ca Mường.

   Trong tương lai gần, việc đưa dân ca Mường vào giảng dạy cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, nhất thiết phải được xây dựng thành chương trình hệ thống, sắp xếp thời gian dạy một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với thời gian biểu của trường. Có như vậy mới khẳng định được tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc, cũng như sự gắn kết giữa những giá trị truyền thống của địa phương với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nhà trường.

 

Tài liệu tham khảo

1. Quách Giao, Văn Quỳnh, Thanh Sơn, Bùi Thiện, Thương Diễm dịch (1965), Dân ca Mường, Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Đặng Văn Hà (1995), Một số nét đặc trưng của thể loại Hát ru trong dân ca Mường Hòa Bình, Luận văn tốt nghiệp Đại học ngành Lý luận, Nhạc viện Hà Nội.

3. Trần Đăng Hòa (1995), Tìm hiểu thể loại hát Thường rang - hát ru trong dân ca Mường Hòa Bình, Luận văn tốt nghiệp Đại học ngành Lý luận, Nhạc viện Hà Nội.

4. Chu Viết Luân (chủ biên) (2005), Hòa Bình thế và lực mới trong thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc Gia.

5. Kiều Trung Sơn (chủ biên) (2014), Hát ví đúm của người Mường ở Mường Bi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6. Tô Ngọc Thanh (2007), Ghi chép về Văn hóa và Âm nhạc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc