Nội san

Truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX

12 Tháng Mười 2017

Nguyễn Đăng Nghị

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm Nghệ thuật

 

Tóm tắt

Nằm trong loạt bài về truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam theo dòng chảy lịch sử, bài viết này đi vào nghiên cứu về văn hóa âm nhạc dân tộc trong thời kỳ hiện đại. Thế kỷ XX với những biến động lớn về lịch sử của đất nước, có hòa bình, có chiến tranh, có thống nhất…Và cùng với đó, văn hóa nghệ thuật nói chung cũng như văn hóa âm nhạc cũng có sự biến động không ngừng.  

Từ khóa: Truyền thống văn hóa âm nhạc, thế kỷ XX, hiện đại

Cũng như những giai đoạn trước đây, lịch sử dân tộc ta ở giai đoạn này với nhiều biến động mang tính gấp khúc, có hòa bình, có chiến tranh và có thống nhất đất nước. Theo chiều dài của thời gian, dựa vào sự biến động của văn hóa và lịch sử có thể chia lịch sử thế kỷ XX thành ba giai đoạn như sau:

Từ đầu thế kỷ đến 1954

Bước vào đầu thế kỷ XX, truyền thống văn hóa văn hóa âm nhạc của Việt Nam tuởng như bị nghẹt thở, ngưng đọng không có đường ra trước những áp chế đè nặng của văn hóa văn minh phương Tây, mà chủ yếu là văn hóa Pháp. Ở thành thị nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày một tăng và luôn đòi hỏi những cái mới lạ, phù hợp với nhịp sống nơi thị thành. Âm nhạc phương Tây mà chủ yếu là âm nhạc Pháp, văn hóa Pháp đã đáp ứng phần nào được nhu cầu thị hiếu đó.

Nếu nhìn nhận như vậy, thực ra mới chỉ thấy bề ngoài mà chưa thấy chiều sâu. Trên thực tế, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi bình định xong về mặt quân sự, thực dân Pháp nhận ra khó có thể bình định về mặt tinh thần bằng sức mạnh quân sự, bởi dân tộc ta tuy đất không rộng người không đông nhưng lại có một truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm và truyền thống văn hóa từ lâu đời. Nhận biết được điều đó, thực dân Pháp chọn con đường để chinh phục tinh thần của dân tộc ta bằng văn hóa nghệ thuật, mà trong đó âm nhạc là một trong những mũi nhọn đi tiên phong, vừa mang tính câu dầm ở những thế kỷ trước, vừa mang tính ồ ạt ở đầu thế kỷ XX. Cũng ở đầu thế kỷ này, cuộc xâm lăng mang tính toàn diện của thực dân Pháp đã gây được một sự biến động lớn trong xã hội nước ta. Một cuộc xung đột giữa phái cũ và phái mới, giữa Tây học và Nho học diễn ra gay gắt, và cuối cùng phái Tây học đã thắng thế, đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để văn hóa nghệ thuật phương Tây trong đó có âm nhạc - nhất là âm nhạc Pháp - có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc nước nhà.

Thế là một mặt vừa tiếp thu văn hóa âm nhạc nước ngoài, một mặt bằng tâm thức của người Việt, nhiều nghệ sĩ dân gian cũng như chuyên nghiệp đã tìm cách khai thông dòng chảy âm nhạc truyền thống bằng nhiều cách, mà cách điển hình nhất là âm nhạc nương theo các loại hình nghệ khác như Tuồng, Chèo, Cải lương, ca Huế.

Cải lương hí kịch, đầu tiên là xuất phát từ việc tự vệ để chống sự áp đặt của nghệ thuật phương Tây, nhưng phong trào này lại được thực dân Pháp ủng hộ, bởi chúng muốn lợi dụng Cải lương hí kịch để đánh bật ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo ra khỏi truyền thống văn hóa mà dân tộc ta đã bao năm xây đắp. “Sự phát triển của phong trào cải lương hí kịch nói trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xây dựng và hình thành của một số thể loại ca kịch dân tộc mới, dựa trên những vốn nghệ thuật, âm nhạc có sẵn của dân tộc với sự tiếp thu phần nào những yếu tố mới của nghệ thuật âm nhạc và sân khấu Tây phương”[1].

Với nghệ thuật Chèo, nó luôn du nhập những nhân tố mới và trên đường đi ấy, một mặt Chèo tìm mọi cách để tồn tại, một mặt vừa tiếp thu và chỉnh lưu những nhân tố mới để cho phù hợp với thẩm mỹ của công chúng ở từng giai đoạn nhất định. Thế là từ Chèo Sân đình đến Chèo Văn minh, về âm nhạc nó đã du nhập thêm một số giọng Tuồng. Đến những năm 20 của thế kỷ trước, khi Chèo Văn minh phần nào đã phai nhạt trước công chúng, thì một biến thái mới của Chèo ra đời, đó là Chèo Cải lương.

Về phần âm nhạc của Chèo Cải lương, ngoài việc giữ lại một số làn điệu cổ, nó còn du nhập thêm một số làn điệu dân ca của cư dân châu thổ Bắc bộ, của Huế như: Bồng mạc, Sa mạc, Trống quân, Ru em, Hành vân, Kim tiền, Tứ đại cảnh... và cả một số bài Tây đang thịnh hành lúc bấy giờ.

Thời gian sau cho dù Chèo Cải lương lại rơi vào con đường bế tắc, nhưng rõ ràng, nó cũng là một địa chỉ đáng tin cậy để cất giữ những tinh hoa của âm nhạc dân tộc trong những lúc dòng chảy truyền thống văn hóa âm nhạc dân tộc tưởng chừng như bị tắc nghẽn nhất.

Giống như Chèo, nghệ thuật sân khấu Tuồng cũng là đặc sản tinh thần không thể thiếu được đối với người dân từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Do sự chi phối mạnh mẽ của hoàn cảnh xã hội nước ta những năm đầu của thế kỷ XX, mà trên chặng đường ấy, Tuồng luôn có sự chỉnh lưu mềm dẻo để tồn tại và phát triển. Từ Tuồng Cổ đến Tuồng Tiểu thuyết, Tuồng Cải lương... đó là cả một quá trình và cũng là một diễn trình vận động của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, theo con mắt của các nhà nghiên cứu sau này, đặc biệt là nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan cho rằng: “Về diễn xuất, tuy có sự chú trọng đến việc đặt vở, soạn vở và luyện tập, tránh cương ẩu hơn trước, nhưng nói chung nghệ thuật biểu diễn truyền thống từng đạt những đỉnh cao trong những giai đoạn cực thịnh của nó, tới nay càng đi vào con đường thoái hóa, pha tạp lai căng Tây, Tầu...  Sự pha tạp trên sân khấu tuồng truyền thống bộc lộ việc du nhập lối hát giọng mé theo kiểu giọng mé Trung Quốc... Âm nhạc phương Tây bị gán ghép, gượng ép, gán ghép vào sân khấu Tuồng một cách lạc lõng”[2].

Khi nhìn vào hiện tượng thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên, nhưng khi nhìn vào chiều sâu của nó thì sự pha tạp ấy chính là cách lựa chọn trong văn hóa mà người Việt Nam hằng làm. Đó là quá trình tiếp thu những yếu tố mới rồi gạn lọc để làm giàu thêm cho âm nhạc nước nhà. Và trong những hoàn cảnh khó khăn ấy, bằng cách thích ứng ấy, âm nhạc tuồng vẫn giữ lại được những nét cơ bản nhất cho đến ngày nay.

Bên cạnh Chèo, Tuồng là sân khấu Bài chòi, đặc biệt là sân khấu Cải lương được hình thành từ phong trào Đờn ca tài tử Nam bộ phát triển. Qua sân khấu Cải lương càng minh chứng cho sự vượt lên hoàn cảnh trong lúc khó khăn nhất để sáng tạo nghệ thuật. Ở sân khấu này, những điệu, bài bản âm nhạc thông qua cách diễn đã thể hiện một cách rõ ràng truyền thống văn hóa của con người Việt Nam là biết dung hòa giữa cái mới và cái cũ. Vì tính hợp lý đó, nên nó đã tồn tại được ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và phát triển cho đến ngày nay.

Như vậy giai đoạn này, mặc dù văn hóa cũng như âm nhạc phương Tây dù có tràn ngập trên khắp nẻo đường, ngõ phố của đất nước ta, tưởng rằng  dòng chảy âm nhạc truyền thống rơi vào thế tắc nghẽn, nhưng nó vẫn có chỗ trú ngụ ở các loại hình nghệ thuật khác, để rồi khi điều khiện thuận lợi, âm nhạc dân gian lại hòa chung với âm nhạc mới tạo thành dòng mang đậm sắc thái Việt Nam chảy ra biển cả mênh mang.

Từ 1954 đến 1975

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử đất nước ta bắt đầu bước sang trang mới. Miền Bắc bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam mặc dù phải sống dưới sự kìm kẹp của quân thù, nhưng vẫn một lòng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Bác trong công cuộc giải phóng đất nước.

Trong hoàn cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh như vậy, thì nội dung chiến lược của Đảng chỉ đạo về văn hóa là: xây dựng một nền văn hóa mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa ấy phải mang tính dân tộc. Đặc biệt trong thư của BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam gửi Đạihội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai đã nhấn mạnh: “Xuất phát từ quan điểm quần chúng nhân dân lao động là người sáng tạo ra lịch sử, chúng ta chủ trương văn nghệ phục vụ nhân dân, chủ yếu là phục vụ công nông binh... Nền văn nghệ mới ấy cần thu hút những tinh hoa của văn nghệ cổ truyền, của văn nghệ tiến bộ trước cách mạng tháng Tám và phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn nghệ kháng chiến trước đây. Nó phản đối thái độ khinh miệt di sản văn nghệ dân tộc... Nền văn nghệ mới ấy cần hấp thụ những tinh hoa văn học, nghệ thuật của thế giới từ xưa đến nay...”[3].

Thế là đã rõ, định hướng của Đảng vừa mang tính chiến lược là xây dựng nền văn hóa để phục vụ nhân dân, vừa mang tính truyền thống văn hóa dân tộc là chắt lọc những tinh hoa nền nghệ thuật cổ truyền cũng như tinh hoa nghệ thuật tiến bộ của các nước trên thế giới. Với định hướng ấy, giai đoạn này truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam bao năm chen lách, ẩn tiềm nơi thôn xã, ẩn tiềm ở các loại hình nghệ thuật anh em, thì giờ đây mới có cơ hội thực sự để tiếp nối mạch nguồn ngày xưa. Cũng phải nói rằng, mặc dù dòng chảy của truyền thống âm nhạc giai đoạn này không hề bị tắc nghẽn, nhưng trên  đường đi, nó vẫn dung nạp nhiều yếu tố mới, mà cụ thể ở đây là dung nạp thêm văn hóa âm nhạc của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa - chủ yếu là văn hóa Nga trên tinh thần tự nguyện. Thế là bên cạnh âm nhạc nhạc cổ truyền như các điệu hò, lý, hát ru và ca khúc đã xuất hiện ở giai đoạn trước, giai đoạn này xuất hiện thêm âm nhạc cải biên: dùng nhạc cụ dân tộc chơi những bài sáng tác theo khuôn mẫu của châu Âu trên cơ sở âm điệu của Việt Nam, đặc biệt là sự xuất hiện một thể loại mới, đó là khí nhạc. Điều đó cũng phần nào nói lên được truyền thống văn hoá, dù trong hoàn cảnh lịch sử dẫu có khắc nghiệt đến bao nhiêu thì nó không bao giờ mất đi, mà luôn luôn tồn tại với những hạt nhân hợp lý.

Từ 1975 đến nay

Chiến thắng lịch sử năm 1975, đưa đất nước ta bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiêm vụ chủ yếu mang tính chiến lược là, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù đất nước đã thu về một mối, nhưng trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn chưa có sự thống nhất trong cách nhìn nhận và lĩnh hội giữa hai miền Nam - Bắc. Nhận biết được điều đó, nên ngay sau khi giải phóng được một năm, trong Báo cáo chính trị tại đại hội lần thứ IV của Đảng, vào tháng 12 năm 1976, Đảng ta đã chỉ rõ: “Cách mạng cả nước đang đặt ra những vấn đề mới, cuộc sống đang có những đòi hỏi mới đối với văn học nghệ thuật. Nền văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa của ta cần ra sức phấn đấu nhằm sáng tạo những hình tượng cao đẹp...”[4].

Năm 1993, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ Đảng (khóa VII) có đề ra một số nhiệm vụ của văn hóa văn nghệ trước mắt: “Nền văn hóa mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Định hướng này được nhắc lại và nhấn mạnh một lần nữa vào năm 1998 trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của BCHTƯ Đảng (khóa VIII). Nền văn hóa tiên tiến phải bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường và tinh thần đoàn kết dân tộc. Nền văn hóa tiên tiến biểu hiện ở trình độ phát triển dân trí cao, kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc và gắn bó mật thiết với sự văn minh tiến bộ của nhân loại. Đậm đà bản sắc dân tộc, đó là cái không nằm ngoài truyền thống văn hóa dân tộc, “là hạt nhân sáng tạo được đúc kết từ lâu đời và được làm giàu thêm bằng những kinh nghiệm sống và sức sáng tạo của các thếhệ nhằm phát huy những đặc điểm của giá trị truyền thống của 54 cộng đồng tộc người cùng chung sống trên giải đất Việt Nam”[5].

Định hướng về văn hóa nghệ thuật như trên, rõ ràng là kịp thời và phù hợp với một giai đoạn lịch sử mà xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển mọi mặt, cả về kinh tế lẫn văn hoá. Cho dù có nhiều thuận lợi khi đất nước không còn cảnh bom rơi đạn lạc, nhưng do cơ chế mở cửa, Việt Nam làm bạn với bất kỳ nước nào trên tinh thần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, nên văn hóa Việt Nam nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng cũng đang đứng trước những thử thách đầy cam go.

Nếu tính từ đầu thế kỷ XX, thì đây là lần thứ ba diễn ra cuộc tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam và các nước khác. Cuộc tiếp biến văn hóa lần này diễn ra với quy mô rộng, tính chất thì sôi động và cởi mở hơn. Chính sự tràn ngập văn hóa âm nhạc của các nước Âu, Mỹ, lần nữa đánh thức ý thức về văn hóa của người dân đất Việt. Một sự lựa chọn nằm trong truyền thống văn hóa lại được tái hiện, biết loại bỏ những cái không cần thiết, và tiếp thu những tinh hoa văn hóa âm nhạc của các nước để làm giàu cho nền văn hóa âm nhạc nước nhà.

Cho dù trên dòng chảy ấy, không phải lúc nào cũng êm chèo mát mái, mà đôi lúc còn gặp nhiều khúc khuỷu, nhưng hệ quả cuối cùng của đợt tiếp biến lần này đã hình thành thêm một thể loại âm nhạc mới mà vốn dĩ nó đã có manh nha từ thời trước ngày giải phóng: đó là dòng nhạc nhẹ Việt Nam.

 

 

 



[1]Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc..., sđd, tr.55.

[2] Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc..., sđd, tr.62.

 

[3] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam, Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng văn hóa, tập 1 (1930-1986), Hà Nội, tr. 99 - 100.

 

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Một số văn kiện..., sđd, tr.102.

 

[5] PGS.TS Tú Ngọc - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - TS Vũ Tự Lân - Nguyễn Ngọc Oánh - Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu,Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2000, tr. 679.