Nghiên cứu lý luận

Âm điệu và ca từ trong ca khúc mang chất liệu dân gian Tây Nguyên

06 Tháng Mười Hai 2017

Chung Quốc Toản - Học viên lớp Cao học KI ở Tây Nguyên

Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

Bài viết đăng Website Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Tây Nguyên, nơi của đại ngàn rừng núi xanh thẳm, những dòng suối mát, những dòng thác nước huyền bí chứa đựng những giai thoại đẹp về tình yêu và buôn làng. Tây nguyên, nơi sinh sống của nhiều tộc người Ê đê, Ja rai, Bah nar, M’nông, Xê đăng, …. với nhiều giá trị bản sắc văn hóa độc đáo, trong đó những nét đặc trưng về âm nhạc vô cùng phong phú và riêng có. Nhiều nhạc sỹ đã tiếp cận, khai thác những giá trị ấy để viết về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Để giúp các học sinh thanh nhạc hiểu hơn về các ca khúc viết về Tây Nguyên, từ đó thể hiện sâu sắc hơn nội dung nghệ thuật khi hát ca khúc mang chất liệu dân gian Tây Nguyên, chúng tôi giới thiệu một số nghiên cứu để nhận diện âm điệu và ca từ trong ca khúc mang chất liệu dân gian Tây Nguyên.

1. Âm điệu

Âm điệu trong âm nhạc dân gian cũng được các nhạc sĩ khai thác để đưa vào sáng tác ca khúc mới. Trong sáng tác, các nhạc sĩ, tác giả thường sử dụng một câu hay một vế câu dân ca, dân nhạc, hoặc phỏng lại một câu hay vế câu dân ca, có trường hợp phỏng lại âm điệu trong dân ca, nhưng cũng có khi sử dụng âm hưởng dân ca chung chung. Với cách thức tư duy ấy, nên khi giai điệu được ngân lên, người nghe dễ nhận biết được sắc thái văn hóa Tây Nguyên qua âm điệu của ca khúc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra một số ví dụ có tính điểm qua để minh chứng cho chất liệu dân gian có trong các ca khúc viết về Tây Nguyên để học sinh nhận biết được vấn đề, giúp cho quá trình dạy học thanh nhạc được thuận lợi và có kết quả hơn.  

1.1. Sử dụng một câu hay vế nhạc

Dân ca các tộc người ở Tây Nguyên là vô cùng phong phú và đa dạng. Chỉ riêng về tộc người Ê Đê, các bài Ei rei cũng nhiều dạng khác nhau. Đa số các bài đều gần tiết tấu của nhịp chiêng. Việc sử dụng một câu hay một vế của câu nhạc Ei rei luôn là điểm mạnh của các nhạc sĩ sống ở Đắk Lắk, mà nhạc sĩ Mạnh Trí là một gương mặt tiêu biểu. Các bài: Khúc hát Ei rei mùa xuân, Rừng núi hát tình ca, Rock cà phê, Chờ em xuống núi, Bơ hơi! Mùa cà phê em hát…là những ví dụ điển hình. Chẳng hạn câu trong bài Eirei Ciriria (Linh Nga Niê Kdăm ghi âm) như sau:

Ví dụ 1.1: Giai điệu Ei rei (trích bài dân ca Ciriria)

Trong ca khúc Nhịp điệu Cao Nguyên, ở bè trên dành cho tốp nữ, nhạc sĩ Mạnh Trí sử dụng giai điệu của bài Ciriria.

Ví dụ 1.2: Giai điệu câu 4 (trích ca khúc Nhịp điệu Cao Nguyên)

1.2. Phỏng lại âm điệu trong dân ca

Việc phỏng lại âm điệu của một bài dân ca của một tộc người Tây Nguyên nào đó, cũng là một trong những phương thức mà các nhạc sĩ thường dùng để sáng tác ca khúc về miền đất này. Nói cách khác, sản phẩm cuối cùng của nhạc sĩ là ca khúc sẽ phảng phất âm điệu của một bài dân ca nào đó có liên quan cụ thể đến nội dung chủ đề mà các khúc phản ánh.

Chẳng hạn Yêu sao Đăk Lăk hôm nay, ngay dưới tiêu đề của ca khúc, nhạc sĩ Đức Hùng có chú dẫn “Phong cách Kữt Ê Đê”. Điều này có nghĩa là bài hát được sáng tác đựa trên âm điệu của điệu Kữt. Thực tế giai điệu của ca khúc, nhạc sĩ đã phỏng lại âm điệu của điệu Kữt như sau:

Ví dụ 1.3: Trích giai điệu ca khúc Yêu sao Đăk Lăk hôm nay

Trong ca khúc Ơi MĐrak, MĐrak nhạc sĩ Nguyễn Cường đã phỏng lại âm điệu của kể khal:

Ví dụ 1.4: Trích ca khúc Ơi MĐrak, MĐrak

Trường hợp phỏng lại âm điệu trong dân ca còn gặp ở nhiều bài như: Rừng núi hát tình ca, Chờ em xuống núi (Mạnh Trí), Chim phí bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru mặt trời (Y Phôn Ksơr)…

1.3. Sử dụng âm hưởng dân ca chung chung

Có nhạc sĩ không sử dụng một thang âm điệu thức trong dân ca của tộc người cụ thể nào, mà sử dụng âm hưởng chung chung, nhưng người nghe vẫn biết ca khúc đó mang chất liệu dân ca Tây Nguyên. Trường hợp này có các bài: Chuyện tình trên thảo nguyên (Trần Tiến), Anh quân bưu vui tính, Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Rừng núi Tây Nguyên chiến công hoa nở (Chu Minh), Cánh cò trên Cao Nguyên (Sĩ Hùng), Mưa Cao Nguyên (Linh Nga Niê Kdăm), Rock Cà phê, Bê mờ tê (Mạnh Trí), Còn yêu nhau thì về Ban Mê Thuột, Ánh mắt Plây Cu (Nguyễn Cường)…

2. Ca từ

Một ca khúc hay là phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ giàu tính hình tượng văn học và giai điệu âm nhạc hay. Ca từ, theo Dương Viết Á là “lời được hát lên theo một giai điệu nhất định” [3, tr.32]. Tuy nhiên, ca từ ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về mặt hình tượng văn học (do quy luật thơ ca chi phối), nó còn phải chịu sự tác động của quy luật âm nhạc, đó cũng là khoảng trống cần có để những từ không có nghĩa hay ít nghĩa (hư từ) của địa phương xuất hiện. Sự xuất hiện của hư từ ngoài việc làm nổi rõ bản sắc văn hóa vùng miền, thì nó còn làm cho giai điệu âm nhạc thêm uyển chuyển, giàu cảm xúc hơn.

2.1. Dùng hư từ

Trong các ca khúc viết về mảnh đất Tây Nguyên (nói rộng ra là Trường Sơn - Tây Nguyên) cũng như các vùng khác, các nhạc sĩ thường khai thác nhiều hư từ trong dân gian để đưa vào ca khúc. Hư từ ở Tây Nguyên thường là: Ô lêu, ê, hê, thênh thênh, a ha, ơ hơ, a hà… Chúng tôi xin lấy một vài ví dụ điển hình để làm rõ vấn đề trên.

Trong bài Chuyện tình trên thảo nguyên của nhạc sĩ Trần Tiến, lời ca có hư từ chu chu ồ lêu thường được điệp lại nhiều lần tạo nên một ấn tượng sâu sắc chẳng hạn: “Chiều chiều người em gái vẫn đi trên thảo nguyên xanh/ chu chu, ô lêu lêu ô lêu ô lêu. Gùi từng bàu nước mát tới chàng trai yêu/ chu chu ô lêu lêu ô lêu ô lêu. Em như con chim hót trên cao nguyên bao la, em như con suối xanh trong/ ô lêu, ô lêu’’ [3, tr.567].

Hư từ ê, hê, ha ha, u  cũng xuất hiện khá nhiều trong các ca khúc viết về Tây Nguyên. Chẳng hạn bài Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “… Một Cao Nguyên ở trong tôi, vừa thật gần, vừa xa xôi/ ê hê/ Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi”. Nhạc sĩ Mạnh Trí là người am hiểu nhiều về văn hóa, dân ca của các tộc người ở Tây Nguyên, do đó khá nhiều ca khúc của ông, trong lời ca có các hư từ của người dân địa phương. Trong lời bài Còn mãi nhịp chiêng Kon HRinh có: “Một tình yêu Cư Mgar! Ê… ề … ê! Ê.. ê… ê. Một tình yêu bao la” [47, tr.13]. Bài Tiếng sáo (Nhạc: Phạm Minh Tuấn; Thơ: Lê Giang) cũng có trong lời ca: “Rồi tiếng lòng anh gọi em như ru, như ru/ u u u” và “Tiếng sáo cũng xa rồi ơ hời. Đêm Đắc Phơi/ Ê ê ê ê!”. Bài Yêu sao Đắk Lắk hôm nay của nhạc sĩ Đức Hùng cũng có: “Ê hê trời Đắk Lắk xanh xanh ngát xanh như hòa chung sắc xanh Cao nguyên ta a hà”. Ca khúc Hát mãi bài trường ca Đam San, nhạc sĩ Mạnh Trí dùng từ ê để đệm lót vô cùng đậm đặc: “Ê hê/ bài trường ca tôi say mê/ ê …ê…ê/ từng nhịp đời đi qua/ ê…ê…ê…/ tôi yêu trường ca và yêu rừng/ ê… ê… ê”…

Bài Bơ hơi! Mùa cà phê em hát của nhạc sĩ Mạnh Trí, ca từ có:” Ơ hơ! Nắng mai lung linh, cô em xinh xinh, chân em nhanh vui, vai em mang gùi, rộn ràng rộn ràng, ma lòng rộn ràng/ hơ hời, ơ hơ”. Hay ca khúc Trăng soi cội nguồn của Mạnh Trí có: “A! bao đời đi qua chiêng còn ngân nga để nhớ/ ơ…Ơ hơ/ Có ánh trăng soi cho tôi tìm về cội nguồn/ ơ hớ”… Rồi Trở về buôn làng xưa trong lời ca Mạnh Trí cũng sử dụng hư từ như vậy: “Tôi trở về buôn làng xưa, nghe nồng nàn tiếng mẹ ru, có tiếng suối hát, có tiếng chim hót/ ơ hớ! ơ hớ/ tìm đàn”.

Có thể nói rằng, phần nhiều ca khúc viết về Tây Nguyên, đặc biệt ca khúc của các tác giả là con em của của đồng bào thiểu số như Linh Nga Niêkdăm, Y Phôn Ksơr, Kar Yan Đick… hoặc các tác giả đã từng sống ở Tây Nguyên nhiều năm như Mạnh Trí, Quang Dũng, Sĩ Hùng, Đức Hùng…trong ca từ, họ thường sử dụng các hư từ. Điều ấy cũng là một trong những điểm để nhận diện chất liệu dân gian trong ca khúc viết về Tây Nguyên.         

2.2. Dùng hình tượng trong văn học dân gian

Mảnh đất Tây Nguyên nhiều nắng gió, ngày xưa đời sống của người dân chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Thiên nhiên ban tặng cho người dân nhiều điều kiện thuận lợi, bên cạnh đó thiên nhiên cũng gây cho họ nhiều nỗi kinh hoàng. Để sống, tồn tại và phát triển trong không gian thiên nhiên đó, người dân Tây Nguyên đã sáng tạo ra văn học, âm nhạc, múa… phục vụ cho đời sống tinh thần của họ. Nhiều anh hùng huyền thoại biểu hiện cho sức mạnh của một số tộc người ở Tây Nguyên đã đi vào sử thi như Đam San, Xinh Nhã. Nhiều mối tình bất diệt như Đam Bri, HLinh, HRing…vẫn còn đậm dấu ấn trong truyền thuyết dân gian. Cũng trong truyền thuyết còn xuất hiện nhiều hình tượng mang tính biểu trưng như chim kơ tia, chim pong ke, chim jông, chim phí, chim chơ rao, cây kơ nia, ngọn Lang Biang, tiếng sáo, tiếng tiêu, tiếng đinh năm, đinh puốt… Những anh hùng, mối tình, biểu tượng trong dân gian ấy đã được nhiều nhạc sĩ khai thác để đưa và ca khúc.

Với Đam San: “Lời của chàng Đam San đi tìm Nữ thần Mặt trời, lời của con tim bao ngày đêm náo nức cuộc đời” - Bài ca trên đồi (Mạnh Trí). “Tôi yêu trường ca và yêu rừng… Mê say lòng tôi hát mãi… Với khúc hát Klei khan. Với khúc hát Đam San” - Hát mãi bài trường ca Đam San (Mạnh Trí). “Sông suối có đầu nguồn, tre đứng vững có gốc già, Cao Nguyên đã có bao đời, Một rừng đại ngàn, kể chuyện Đam San” - Trăng soi cội nguồn (Mạnh Trí) [4, tr.16]. “Bên tôi giọng trầm ấm, cha tôi kể khan, mơ Đam San trở về” - Ơi MĐrăk, MĐrăk (Nguyễn Cường).

Một số loài chim có tính biểu tượng trong dân gian cũng được một số nhạc sĩ đưa vào ca khúc. Ví dụ: “Ê! Con chim Nhông, con chim Kơ tia, con Công tung cánh. Này chim có hay rằng: ai thương quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên” - Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi). Hay: “Chim Kơ tia bay tới, nghiêng cánh chào Đăk Krông. Pơ Lang khoe sắc thắm. Gió đưa hương đôi bờ” - Sông Đăk krông mùa xuân về  (Tố Hải). “Chim phí bay ngang qua, ngang qua bầu trời. Chim Jông, chim Jông vẫn bay, vẫn bay về cội nguồn - Chim Phí bay về cội nguồn (Y Phôn Ksơr). Hoặc: “Con giun sống nhớ đất, Chim Phí sống nhớ rừng. Em và mẹ nhớ anh, uống nước nguồn miền Bắc” - Bóng cây Kơ nia (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu; Thơ: dân tộc Hơ Rê - Ngọc Anh dịch).

Không ít ca khúc còn dùng nhiều hình tượng trong dân gian và trong văn học dân gian như cây Kơ nia trong Bóng cây Kơ nia (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu; Thơ: dân tộc Hơ Rê - Ngọc Anh dịch); Tiếng sáo, tiếng tiêu trong Bài ca trên đồi (Mạnh Trí), Tiếng sáo (Nhạc: Phạm Minh Tuấn; Thơ: Lê Giang); Chiếc vòng cầu hôn (Trần Tiến). Tiếng đinh năm: “Du dương khèn đinh năm. Xa xăm ngọn Chư pâng” - Ơi MĐrăk, MĐrăk (Nguyễn Cường)…

2.3. Lời ca khúc có tên điệu dân ca

Các tộc người ở Tây Nguyên có một kho tàng dân ca với nhiều làn điệu khác nhau như hát ru, kể khal…mà điển hình là điệu Ei rei. Đây là điệu hát có chức năng thực hành xã hội rộng rãi và không phân định rõ ràng. Ei rei là điệu hát vừa dùng lễ tang, vừa dùng để trai gái tỏ tình, giao duyên. Do tính chất đa chức năng như vậy, nên điệu Ei rei rất phổ biến trong một số tộc người ở Tây Nguyên, đặc biệt là tộc người Ê Đê. Điều này cũng là gợi ý để các nhạc sĩ đưa tên điệu hát này vào lời của ca khúc.

Về vấn đề nêu trên, nhạc sĩ Mạnh Trí là người thể hiện được thế mạnh, trong lời nhiều ca khúc của ông có nhắc tới tên của điệu hát này. Chẳng hạn: “Mùa xuân đến, xuân khắp buôn làng, trời rực nắng, ngân nga câu hát Eirei, Eirei, Eirei…” - Khúc Eirei mùa xuân. “Con tim rung tiếng. Già làng kể khal chuyện Đam San bắt Nữ thần Mặt Trời” - Trở về buôn làng xưa. “Nghe âm vang từ buôn xa, nghe mãi khúc hát ngân nga. Lời Ei rei anh yêu rồi và điệu Đinh năm em quen rồi” - Rừng núi hát tình ca. “Xuống đây cùng anh hát Ei rei… Ei rei Ei rei Ei rei..” - Chờ em xuống núi. “Những đêm trăng lên, giọng sáo ngân nga, điệu khal già làng, mang trong tim tôi - Buôn làng thân yêu ơi. “Eirei! Buôn vơi, buôn vơi. Chi ri ria buôn yă, buôn prong” - Nhịp điệu Cao nguyên.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong lời ca khúc Ơi MĐrăk, MĐrăk cũng nhắc đến điệu kể khal: “Bên tôi giọng trầm ấm. Cha tôi kể khal, mơ Đam San trở về”. Tác giả Kar Jan Đick trong ca khúc viết về Đà Lạt với tiêu đề Nồng nàn Cao Nguyên, lời ca có: “Tình yêu Cao Nguyên dâng lên trong ta. Mờ xóa xóa bao muộn phiền, cho dòng suối mát, hòa khúc Ei rei”.

Ca khúc mang chất liệu dân gian Tây Nguyên đã tạo nên sự phong phú cho kho tàng văn hóa nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng của vùng đất Tây Nguyên. Nó tạo đà cho âm nhạc Tây Nguyên phát triển và quảng bá rộng rãi đến công chúng yêu nhạc cả nước đón nhận. Với nội dung nghiên cứu này, chúng tôi đã giới thiệu một số nét đặc trưng tiêu biểu của ca khúc viết về Tây Nguyên, nhận diện những đặc trưng riêng có này sẽ giúp cho học sinh thanh nhạc biểu diễn có chiều sâu nghệ thuật khi hát về mảnh đất Tây Nguyên.

---------------------------------------------------------

 

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á (2000), Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

2. Lê Xuân Hoan (sưu tầm - 2006), Dân ca Jrai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3. Nhiều tác giả (2002), Hát mãi khúc quân hành - Tổng tập các bài hát về người lính, Nxb Thanh niên và Công ty Bản quyền Việt Nam, Hà Nội.

4. Mạnh Trí (2010), Bài ca trên đồi, tập ca khúc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Võ Đức Trí (2001), Tìm hiểu Thang âm - Điệu thức tiêu biểu trong Âm nhạc của một số dân tộc Tây Nguyên, Giáo trình giảng dạy ở Trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk.