Nội san

Vai trò, tác dụng của Đồng dao trong giáo dục học sinh tiểu học

06 Tháng Mười Hai 2017

 Nguyễn Bình An [*]

 

Đồng dao là một trong những di sản tinh thần quí báu của dân tộc Việt Nam. Đến với đồng dao, chúng ta như hòa mình vào một nguồn suối mát vô tận. Đồng dao với sự giản dị, hồn nhiên, tìm về với đồng dao như để tìm lại sự thanh thản, gạt bỏ mọi xô bồ, tất bật, tranh đua trong cuộc sống thường nhật.

Đồng dao giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa Việt Nam. Đó chính là những chiếc nôi, ấm áp nghĩa tình, sưởi ấm tâm hồn trẻ thơ. Trẻ em chính là những mầm non của đất nước, là tương lai của dân tộc. Mà đồng dao lại là nguồn “sữa tinh thần” nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn các em.

Những bài hát đồng dao giản dị, mộc mạc, nhưng thông qua môi trường “không thầy - không sách” đó ông cha ta đã truyền dạy cho các thế hệ khôn lớn và trưởng thành trong môi trường lao động, những con người chất phác, hồn nhiên, chăm chỉ, thật thà, đoàn kết. Như vậy, cùng với các thể loại âm nhạc dân gian khác, đồng dao chính là chất dinh dưỡng bồi bổ đời sống tâm hồn, tình cảm, là những “mạch ngầm” gắn kết tình cảm yêu thương, gắn kết cộng đồng trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Đồng dao xuất hiện từ rất sớm và phát triển gắn liền với từng giai đoạn lịch sử xã hội loài người.Có nhiều ý kiến khác nhau khi bàn về khái niệm đồng dao, chẳng hạn: “đồng dao là những bài hát dân gian phù hợp với trẻ em” và một Số bài gắn với một trò chơi nhất định, các em vừa làm trò, vừa hát [3; tr.5]; Vũ Ngọc Khánh cho rằng “đồng dao là lời ca dân gian trẻ em bao gồm cả những lời trong các trò chơi” [2; tr.11]…Theo tác giả Tô Ngọc Thanh: “Đồng dao là một trong những hoạt động văn hóa dân gian có tầm quan trọng, ví đó là những “nét bút văn hóa đầu tiên” của truyền thống dân tộc được viết lên tâm hồn trong trắng của trẻ thơ” [4; tr.368]...

Dù có nhiều quan niệm khác nhau song có thể thống nhất rằng, đồng dao là những bài hát dân gian được trẻ em hát nơi cửa miệng từ bé và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng có khi chúng là những câu đố giản dị mà ý nhị, lý thú hoặc nó có thể chỉ là vần điệu hát của đám trẻ, câu hò vè trong các trò chơi dân gian, bài đồng dao như có nhạc và thơ hiện diện trong trò chơi dân gian.

            Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm nhiều thể loại các bài hát, câu hát trẻ em. Thường gặp nhất là các bài hát gắn liền với các trò chơi của trẻ. Hơn nữa, học sinh ở độ tuổi tiểu học về mặt sinh lý các em đang phát triển về cơ thể cũng như trí óc. Về tâm sinh lý các em cũng rất hiếu động, ham chơi, ham hiểu biết, thích bắt chước, vừa chơi vừa học. Qua đó, việc cho các em hát những bài hát đồng dao kết hợp với trò chơi giúp các em thoải mái tinh thần, giảm bớt những căng thẳng trong giờ học, đồng thời giúp các em học tốt những môn học khác trong chương trình giáo dục bậc tiểu học.

Về nội dung, những bài đồng dao thường không có một đề tài tập trung. Các bài hát trẻ em, phần lớn gần như chỉ là những đoạn chắp vá, gặp đâu nói đó, cốt cho vần vè. Ví như đang “cái trống nằm trong, cái ong nằm ngoài”, lại chạy sang “củ khoai chấm mật”, rồi “phật ngồi phật khóc”. Nhưng, vì nó được trẻ em thích, phù hợp với đặc điểm trí lực của các em. Điều cơ bản dành cho các em là tiếp thu ngoại vật bằng ấn tượng, chứ không thể bằng lý luận.

Học sinh Tiểu học thuộc lứa tuổi từ 6 đến 11 tuổi, đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong sự hình thành, phát triển về nhận thức và nhân cách của mỗi con người.

Trong nhà trường, thầy cô có ảnh hưởng rất lớn đến các em, học sinh thừa nhận uy tín tuyệt đối của giáo viên.

Học sinh đã biết tỏ thái độ yêu thích môn học này hoặc không yêu thích môn học khác.

Đời sống tình cảm của học sinh bước đầu phát triển phong phú, chủ yếu mang tính tích cực, hồn nhiên, trong sáng.

Khả năng tập trung của học sinh chưa cao, các em không muốn nghe người khác thuyết trình, diễn giảng kéo dài.

Học sinh rất thích tham gia trò chơi, xem tranh ảnh, phim hoạt hình và nghe kể chuyện. Đa số học sinh đều ưa thích hoạt động, vận động [5; tr.7].

Điểm dễ thấy là, đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học là ham thích sự vui nhộn, thích khám phá những điều mới lạ, đặc biệt là các trò chơi. Các em muốn hòa mình vào các trò chơi tìm sự thoải mái thư giãn sau tiết học căng thẳng.

Để dạy môn âm nhạc nói chung và dạy đồng dao nói riêng cho học sinh bậc tiểu học đạt hiểu quả cần tìm hiểu đặc điểm tâm lí, nhận thức và năng lực âm nhạc của học sinh. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học. Nếu giáo viên tác động vào học sinh mà không hiểu tâm lí và năng lực âm nhạc của các em thì chỉ thu được hiệu quả rất thấp. Giáo viên phải căn cứ vào những đặc điểm tâm lí, nhận thức và năng lực âm nhạc của học sinh để lựa chọn và xây dựng những phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, hiệu quả. Và khi đó, đồng dao sẽ thực sự mang lại những hiệu quả giáo dục của nó đối với học sinh tiểu học ở những phương diện sau:

Trong giáo dục nhân cách cho học sinh bậc Tiểu học

Khi hát đồng dao, không những các em được hát mà còn được chơi, được vận động giúp cho các em hoạt động hào hứng hơn. Bởi trong mỗi bài hát đồng dao, ngoài việc có giai điệu và tiết tấu nhịp nhàng, dễ hát đồng dao còn có những nội dung cụ thể có thể gắn với một trò chơi và những động tác chơi đơn giản nhưng vui nhộn, hấp dẫn. Loại hình hát - múa - vận động theo nhạc đối với trẻ là rất quan trọng. Bởi, theo nhiều nghiên cứu về giáo dục trẻ em, nhảy múa - vận động theo nhạc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện trí tuệ của trẻ. Vận động theo nhạc là một trong những kỹ năng không những giúp trẻ phát triển về mặt thị lực (vận động tay chân, cơ thể và các bộ phận trên cơ thể) mà còn hỗ trợ cho trẻ phát triển chức năng giao tiếp xã hội và ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nhảy múa - vận động theo nhạc giúp trẻ đẩy mạnh quá trình phát triển óc tư duy, sáng tạo, khả năng quan sát, trí nhớ thông qua khả năng kết hợp các động tác, kết hợp nhịp điệu với cử động, tăng cường khả năng tập trung, giúp cơ thể phát triển cân đối và phản xạ nhạy bén. Đồng dao thật sự là một hoạt động vui - chơi, giáo đục toàn diện cho trẻ. Trẻ có thể hoạt động, vui chơi, học tập thỏa thích trong thế giới đồng dao bởi đồng dao chính là cuộc sống đầy màu sắc, lý thú và hấp dẫn của trẻ.

            Tuổi thơ ở các làng quê gần như đều gắn bó với đồng dao. Từ thưở trong bụng mẹ, theo mẹ đi làm đồng cho tới lúc lọt lòng, trẻ em đã được mẹ, được bà, thậm chí cả chị, cả dì hát ru, tập cho trẻ lẫy, tập bò tập đi tập nói trong những bài hát đồng dao. Lớn thêm nữa, trẻ cũng vui chơi nô đùa cùng bạn bè bằng những bài hát đồng dao. Trẻ trong làng trên, xóm dưới có ngày nào mà không tụ tập vui đùa, ca hát? Dù trời nắng hay trời mưa dù trong nhà hay ngoài trời, khi đi cắt cỏ chăn trâu, khi tắm mưa nghịch nước, khi lội ruộng tắm sông... trẻ đều tranh thủ tụ tập đánh đáo trốn tìm, chơi chuyền, ô quan, lò cò... trong tất cả những hoạt động của các bé đều rộn rã khúc đồng dao.

            Không thể phủ nhận, điều đầu tiên đồng dao mang lại là giúp cho trẻ phát triển mạnh mẽ về khả năng ngôn ngữ bởi vì đồng dao đặc biệt rất phong phú về từ vựng. Đồng dao đặc biệt giúp cho trẻ phát triển mạnh về cảm xúc, tình cảm gia đình, người thân, bạn bè, tình yêu thiên nhiên, môi trường, yêu lao động và yêu thế giới tự nhiên.

Đồng dao còn cung cấp cho các em rất nhiều kiến thức dưới dạng liệt kê, miêu tả một cách đơn giản, dễ hiểu để các em dễ so sánh và dễ nhớ. Hay những bài đồng dao giúp cho trẻ biết trông thời tiết để làm việc, biết nhận định về thiên nhiên một cách đơn giản…

Ngoài ra đồng dao còn giáo dục, răn dạy các em ngay từ nhỏ có một ý thức sống làm người có trách nhiệm với cha mẹ, ông bà tổ tiên, với quê hương đất nước.

Đồng dao giáo dục các em những “khoa học” hết sức đời thường, đó là các em có thể đếm số thứ tự, thứ bậc, biết tính nhẩm trong khi hát - chơi với đồng dao. Điều đặc biệt là việc học toán, học đếm, học tính nhẩm khi ngồi ở trong lớp học có thể khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, nhưng với việc “học” này diễn ra trong một không gian hết sức thoải mái, tự nhiên chỉ có các “thầy” là các bạn cùng chơi với nhau và trong chính hoạt động vui chơi lặp đi lặp lại đó, chính việc vừa “hát toán”, “hát đếm” ấy sẽ khiến trẻ dần dần có một kiến thức toán hết sức tự nhiên.

Đồng dao còn giúp các em có thêm nhiều bạn bè, trở nên gần gũi thân thiết, hiểu biết nhau và hiểu chính mình hơn trong khi chơi cùng một trò chơi hát cùng một bài hát. Trong việc hát tập thể, hát và chơi theo nhóm đòi hỏi trẻ phải biết lắng nghe nhau để đọc cho đều, khi đọc sai có bạn “nhắc” sẽ sửa sai và chơi lần sau tốt hơn, có như vậy mới có thể chơi cùng với các bạn được.

Rõ ràng, thông qua đồng dao - một hoạt động vui chơi hết sức đơn giản nhưng trẻ lại có thể phát triển rất nhiều mặt: Trí tuệ, ngôn ngữ, cảm xúc, thể chất, thẩm mỹ, đạo đức… những kiến thức về thiên nhiên, tự nhiên, xã hội. Trẻ học được tính cách trung thực, công bằng thông qua cách cư xử trong quá trình chơi. Từ đây, hình thành nên một nhân cách toàn diện.

Trong giáo dục thể lực cho học sinh tiểu học

Trong các bài đồng dao, phần lời bài hát luôn gắn liền với những động tác vận động nhất định của trò chơi. Khi trẻ muốn tham gia vào trò chơi đồng dao này thì các em bắt buộc phải vận động, khi vận động các em sẽ được rèn luyện thể lực một cách tốt nhất.

Với các động tác trong bài “Cắp cua”, “Dung dăng dung dẻ"… giúp các bé luyện gân, các cơ ở ngón tay, cổ tay, cánh tay, khuỷu tay cho mềm mại, dẻo dai. Những trò chơi như “Mèo đuổi chuột”, “Rồng rắn lên mây”... đòi hỏi trẻ phải chạy, nhảy, đuổi bắt... mới có thể chơi được. Hơn thế, những trò chơi như “Nhảy lò cò”, “Chồng nụ chồng hoa”... còn được sắp xếp từ dễ đến khó, từ thấp đến cao theo từng bàn (bàn 1, bàn 2, bàn 3...) như vậy đáp ứng cho việc trẻ được rèn luyện một cách từ từ, nâng bậc dần dần cho thể lực, sức khoẻ và sức bền của mình.

Qua trò chơi, các em được dịp rèn luyện mắt, luyện chân tay, luyện thính giác, thị giác... Tất cả các giác quan, các bộ phận trong cơ thể đều cùng lúc được tham gia hoạt động một cách tích cực trong trò chơi đồng dao của trẻ. Ví dụ ở trò chơi “Tập tình tang” với động tác bật tại chỗ, rèn luyện cơ chân, rèn sức bật cho trẻ, bên cạnh đó còn giúp trẻ rèn luyện đôi tai nghe cho nhạy, cho chính xác. Yêu cầu của trò chơi là đến đúng thời điểm, khi các bạn đọc tới chữ “nhảy” thì các em mới được nhảy, không được nhảy sớm hơn và cũng không được nhảy trễ hơn. Như vậy, rõ ràng ở đây việc rèn luyện thể lực được kết hợp với rèn luyện thính giác cho khả năng nghe, đặc biệt hơn lại là loại âm thanh có tiết tấu hết sức sinh động.

Bên cạnh đó, trò chơi còn giáo dục các em tinh thần đoàn kết, biết làm việc tập thể. Ví dụ, trong trò chơi “Đi cầu đi quán”, khi chơi các em xếp thành một hàng, các em phải bám vào vai nhau thật chắc, mỗi em đều phải giữ thăng bằng, giữ tốc độ để bạn sau không bị đứt rời khỏi bạn trước, đồng thời người đứng đầu khi tăng hay giảm tốc độ đều phải dựa vào sức của các bạn mà tăng giảm tốc độ không quá đột ngột... Như vậy, ở trò chơi này không những giúp các em rèn luyện về thể lực, mà còn giúp các em biết phối hợp cùng nhau trong khi chơi, giúp trẻ có được khả năng nhạy bén, tinh ý trong quan sát, lắng nghe đồng đội, bạn chơi...

Đối với trẻ thơ, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện. Âm nhạc là phương tiện hữu hiệu để giáo dục thẩm mỹ, hình thành phẩm chất đạo đức ở trẻ, giúp trẻ phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, khả năng nhận thức, tăng khả năng ghi nhớ và tư duy logic. Đặc biệt, quá trình cảm thụ và thể hiện âm nhạc sẽ giúp trẻ được trải nghiệm những cảm xúc, từ đó phát triển tốt những tình cảm tích cực.

Ngoài việc cung cấp cho học sinh có những kỹ năng và kiến thức sơ đẳng về âm nhạc, học đồng dao còn đem lại sự hài hòa, cân bằng, thư giãn trong quá trình học tập, giáo dục cho các em tính tập thể, tính lạc quan, sự linh hoạt. Việc học âm nhạc qua các bài đồng dao có liên quan trực tiếp đến bồi dưỡng tư duy, tình cảm, thẩm mỹ, nhân cách tác phong con người. Mặt khác, nó cũng có tác động hỗ trợ cho việc học tập các môn học khác nhằm phát triển năng lực, trí tuệ, tư duy sáng tạo toàn diện cho các em.

Những bài hát đồng dao là những bài hát qua nội dung, các em được giáo dục hiệu quả những bài học sống, kinh nghiệm, kiến thức trong sinh hoạt hằng ngày. Đồng dao là một kho tàng những tri thức phong phú, bình dị và có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ thơ. Qua những bài hát đồng dao tưởng chừng như đơn giản mộc mạc đó, ông cha ta đã dạy cho các thế hệ được trưởng thành, có kiến thức đa dạng biết cách quan sát sự vật xung quanh cuộc sống đời thường, biết yêu thương và kính trọng gia đình, ông bà, cha mẹ và biết trân trọng cuộc sống.

Có thể nói, đồng dao là một trong những hình thức giáo dục có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của trẻ em. Chính bài hát đồng dao góp phần đào tạo, bồi dưỡng con người có những hiểu biết để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Nghĩa Dân (2007), Đồng dao và Ca dao cho trẻ em, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Vũ Ngọc Khánh (1999), Thi pháp Đồng dao, Tạp chí Văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Trần Gia Linh (1997), Đồng dao Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội học, Viện Âm nhạc Hà Nội.

4. Tô Ngọc Thanh (2007), Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

5.  Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở tiểu học và trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Tây Nguyên