Nội san

Đặc điểm âm nhạc trong dân ca Jrai

06 Tháng Mười Hai 2017

Phan Thị Thanh Hiền [*]

 

Trong kho tàng nghệ thuật dân gian truyền thống, dân ca bao giờ cũng giữ một vai trò quan trọng. Trong lao động sinh hoạt, chỉ bằng ngôn ngữ, dân ca vẫn mang tính phổ biến và lưu truyền trong nhân dân rất nhanh nhạy, đó là những bài ca sản xuất tình tứ, sôi nổi, rộn ràng. Dân ca của người Jrai cũng vậy. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, tiếng hát ru thấm đượm tình đời của mẹ nâng niu, dìu dắt cho đến khi khôn lớn. Những bài dân ca trong các lễ hội, lễ thổi tai, lễ hội mùa mừng lúa mới, mừng năm mới, nhà mới, lễ cưới, lễ tang… Tất cả những bài ca ấy gắn bó với con người nơi đây theo một chu kỳ như những vòng tròn năm tháng, khép kín theo mùa vụ…, tiếng hát dân ca luôn là người bạn đồng hành. Nó thật sự là người bạn tâm tình và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một thứ bảo bối của dân gian. Chúng tôi xin giới thiệu một số đặc điểm về thang âm điệu thức, lời ca, giai điệu, tiết tấu trong dân ca Jrai.

            1. Thang âm điệu thức

Trải qua nhiều thế hệ nghiên cứu về thang âm điệu thức người Jrai, hầu hết các đề tài nghiên cứu mà học viên thu thập được thì rất ít tác giả khẳng định về điệu thức chính xác trong thang âm dân ca Tây Nguyên nói chung, dân ca Jrai nói riêng. Qua sưu tầm và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các bài dân ca Jrai sử dụng thang âm rất phong phú. Những bài giai điệu đơn giản có từ 3 hoặc 4 âm. Các bài có 5 âm thường được sử dụng phổ biến. Các bài có 6 hoặc 7 âm cũng có dùng, nhưng ít hơn.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu thang 5 âm được sử dụng phổ biến của người Jrai. Đây không phải là thang 5 âm duy nhất nhưng được người Jrai sử dụng rộng rãi: Đô 1 – Mi 1 – Fa 1 – Son 1 – Si 1.

Ví dụ: Bài hát Mùa xuân sử dụng thang 5 âm Đô 1 – Mi 1 – Fa 1 – Son 1 –  Si 1

        Thang âm của bài như sau:                                             

            2. Lời ca

Lời ca trong các làn điệu dân ca Jrai rất mộc mạc, giản dị, trong sáng. Thông qua ngôn ngữ của dân tộc mình, người Jrai mô tả thiên nhiên và cuộc sống rất sinh động. Nội dung lời ca trong các làn điệu dân ca Jrai diễn đạt các trạng thái tình cảm của con người trong đời sống với từng thời gian và không gian nhất định, giữa các mối quan hệ của con người với con người, con người với thiên nhiên.

Trong các bài dân ca lao động, lời ca mang tính chất động viên, khuyến khích sản xuất.

Ví dụ: Trích bài Gọi con gái đi xuống giã lúa

Ơ em ơi, xuống đây.

Hãy xuống chòi mau mau giã lúa.

Ơ em ơi, mau mau xuống đây giã lúa.                                                        

Các bài dân ca tín ngưỡng ca ngợi các vị thần, khấn cầu thần linh làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người thoát khỏi dịch bệnh, khóc thương người đã mất.

Ví dụ: Trích bài Khóc con voi chết

Ôi thương tiếc con voi trắng của nhà tên là Khăm Thơng.

Nhà đã chôn nó rồi nhưng còn thương tiếc nó mãi

Như nhớ người thân trong gia đình.

Các bài dân ca phong tục tập quán sinh hoạt thì ca ngợi buôn làng, ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi cuộc sống, thiên nhiên tươi đẹp, dỗ dành em bé đừng khóc…

Ví dụ: Trích bài Ca ngợi quê hương

Quê hương ta xinh đẹp.

Bát ngát một màu xanh.

Sáng chiều vui tiếng hát,

Cuộc sống cứ dâng đầy.

        Ngoài ra, những yếu tố góp phần gây ấn tượng về tính dân tộc, tính địa phương của dân ca Jrai chính là tiếng đệm, dân ca Jrai thường hay dùng từ đệm la, bơ, ơ, u…

Ví dụ: Trích bài Đi thăm bạn

            3. Giai điệu

      Giai điệu của dân ca Jrai thường nồng nàn, sâu đậm thiết tha, vui buồn tột cùng, dễ đi sâu vào lòng người. Hát ru Jrai cũng mang tính chất chung giai điệu mềm mại, ít thấy có những bước nhảy quãng rộng, tốc độ chậm vừa. Sự tiến hành của các giai điệu có thể thay đổi nhưng tiết tấu thì ít khi thay đổi tạo cho câu nhạc tròn trĩnh và tạo cuốn hút cho người nghe.

Quãng đặc trưng trong dân ca Jrai là quãng 4. Người Jrai thường sử dụng quãng 4 trong âm nhạc của mình, dân ca Jrai thường kết thúc bằng chủ âm, tạo cho người nghe cảm giác ổn định.

Ví dụ: Trong bài Nhớ về nguồn cội sử dụng các quãng 4: Đồ - Sol, Si – Mi. 

Một đặc trưng trong lối tiến hành giai điệu của dân ca Jrai là sự tiến hành giai điệu theo quãng 5 đi xuống liền bậc tạo cảm giác dễ chịu cho người nghe.

Ví dụ: Bài Bà Giác sử dụng quãng 5 đi xuống liền bậc Sol – Fa – Mi – Đồ.

            4. Nhịp điệu, tiết tấu

 Nhịp điệu trong dân ca Jrai là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện rõ tính chất của bài hát, tình cảm của con người qua các trạng thái như: buồn rầu, vui mừng, tức giận, thỏa thích, yêu thương, căm ghét, …Vẻ đẹp nguyên sơ trong âm nhạc của người Jrai được thể hiện trong từng làn điệu dân ca và trong từng nhịp điệu của bài hát, không chỉ có ý nghĩa về  giá trị của lịch sử, của văn hóa tộc người, mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt và sáng tạo của người dân Jrai.

Đa số những bài dân ca Jrai sử dụng nhịp điệu 2/4; 2/2; 4/4; những nhịp điệu phức tạp hơn như 3/4; 3/8… ít được sử dụng hơn. Thường sử dụng các tiết tấu đơn giản như hình nốt trắng, đen, đen chấm dôi, móc đơn, móc kép là chủ yếu.

Những bài dân ca lao động, nhịp điệu thường nhanh, hối hả, như thúc giục mọi người khẩn trương.

 Ví dụ: Trích tiết tấu bài Đi hái rau rừng

Các bài hát giao duyên được hát trong những buổi hẹn hò, bên ché rượu cần, trong đám hội pơ thi nhịp điệu lại thong thả, tạo cảm giác dễ chịu cho người nghe.

            Ví dụ: Trích tiết tấu bài Hỡi chàng trai yêu dấu

Trong các bài dân ca tín ngưỡng, tiết tấu dàn trải, tự do, tùy theo tâm trạng và ngẫu hứng của người hát.

Ví dụ: Trích tiết tấu bài Khóc con voi chết do nghệ nhân Ksor Wan, ở buôn Tùng Thăng, xã EaRal, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk hát mà học viên ký âm như sau:

Đặc điểm âm nhạc trong dân ca Jrai đã tạo nên sự phong phú cho kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói chung, dân ca Jrai nói riêng, mang nét đẹp mộc mạc của con người Tây Nguyên. Với nội dung nghiên cứu này, chúng tôi đã giới thiệu một số đặc điểm về thang âm điệu thức, lời ca, giai điệu, tiết tấu dân ca Jrai nhằm làm rõ đặc điểm dân ca Jrai, giúp học sinh Sư phạm Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, tương lai là những giáo viên Âm nhạc phục vụ giảng dạy tại các buôn làng ở Tây Nguyên, hiểu rõ hơn về dân ca dân tộc Jrai. Từ đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Xuân Hoan (2006), Dân ca Jrai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Lê Xuân Hoan (2014), Tìm hiểu thang âm – Điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar, Nxb Âm nhạc.

3. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Lâm Tâm, Linh Nga Niê Kđăm (1996), Một số nét đặc trưng của phong tục các dân tộc Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

5. Đào Huy Quyền (2005), Tìm hiểu đặc trưng trong dân ca Jrai – Bahnar, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Tây Nguyên