Nghiên cứu lý luận

Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Trang trí trong bộ môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Liên Khê - Khoái Châu - Hưng Yên

06 Tháng Mười Hai 2017

Đỗ Thị Hồng Nhung [*]

 

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thẩm mỹ cũng ngày càng cao. Bởi vậy, việc đào tạo con người biết nhận thức, cảm thụ cái đẹp ngày càng quan trọng. Việc giảng dạy môn Mỹ thuật tiểu học nhằm đảm bảo cho các em có thể giải quyết được các bài tập hàng ngày và hiểu về cái đẹp của nền mỹ thuật truyền thống, ngoài ra nó còn tạo điều kiện cho học sinh học có hiệu quả cao hơn các môn học khác.

Trong chương trình môn Mỹ thuật, phân môn Vẽ trang trí là phân môn tạo cho người học có một kiến thức thẩm mỹ cơ bản và toàn diện nhất. Tuy nhiên, thực tiễn dạy học phân môn Vẽ trang trí cho thấy, giáo viên hiểu biết rất ít về nghệ thuật trang trí và phương pháp để đạt được hiệu quả trong dạy học phân môn này.

 Thời gian vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu và khảo sát việc dạy và học tập phân môn Trang trí trong bộ môn Mỹ thuật tại trường Tiểu học Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Chúng tôi nhận thấy, ngoài việc đảm bảo đầy đủ nội dung chương trình giáo dục Mỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường đưa ra kiến thức bài học một cách khái quát, chưa chú ý đúng mức đến việc phát huy khả năng sáng tạo của học sinh... Do vậy, kết quả học tập của học sinh thấp, bài vẽ thiếu tính sáng tạo về bố cục, họa tiết và màu sắc.

Làm thế nào để áp dụng phương pháp dạy học vào phân môn Vẽ trang trí trong bộ môn Mỹ thuật đạt được hiệu quả? Đó là vấn đề đặt ra cho mỗi giáo viên dạy học Mỹ thuật ở cấp tiểu học nói chung cũng như trường Tiểu học Liên Khê nói riêng.

  1. Vai trò Phân môn Trang trí trong dạy học bộ môn Mỹ thuật

Vẽ trang trí là thể hiện cái đẹp của sự trình bày bằng nghệ thuật sắp xếp đường nét, màu sắc, hình mảng. Trang trí bắt nguồn từ thực tế đời sống xã hội. Mỗi thời đại, trang trí có những đặc điểm và yêu cầu khác nhau, cũng như nhìn nhận cái đẹp của trang trí qua từng thời kỳ xã hội, tôn giáo cũng có nhiều vẻ riêng biệt. Nó luôn là một nhu cầu thiết yếu của con người, của xã hội, của nền kinh tế quốc dân và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống. Từ xa xưa trang trí luôn luôn gắn bó với đời sống con người, bất kỳ dân tộc trên thế giới cũng có những màu sắc và đường nét riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc của mình. Nhìn vào lịch sử chúng ta thấy thể hiện rõ nhất ở các hoa văn, họa tiết trong các đồ dùng (trống đồng, mũi tên, thuyền bè, cán dao, thổ cẩm..), trên các đình chùa lăng tẩm (hoa văn trên bia đá, họa tiết chim lạc ở trống đồng, họa tiết rồng phượng, họa tiết trên các kèo cột,...). Xung quanh chúng ta bất kỳ một đồ vật nào cũng được trang trí. Từ những vật nhỏ như quyển sách, quyển vở, cây bút đã có hình dáng màu sắc trang trí khác nhau đến quần áo, vải vóc, bàn ghế, ấm chén, gạch hoa các công trình văn hóa (nhà hát, công viên...) thì hình dáng màu sắc càng muôn vẻ và tinh tế. Những kết quả đó nói lên sự sáng tạo về trang trí vô cùng phong phú và to lớn của con người.

Vẽ trang trí là một phân môn quan trọng. Đây là một trong những phân môn được học sinh thích thú vì nó gắn liền với cuộc sống, học tập, vui chơi. Trang trí không chỉ giúp cho học sinh tạo ra cái đẹp muôn màu, muôn vẻ mà còn phát triển khả năng suy nghĩ, tìm tòi để luôn luôn có cái mới, cái lạ… Học trang trí giúp học sinh được rèn luyện, bồi dưỡng, phát triển phẩm chất của người lao động sáng tạo không ngừng.

          Trong chương trình môn Mỹ thuật, phân môn Trang trí không được đặt thành một phần riêng mà nó được sắp xếp xen kẽ với các phân môn khác: Vẽ theo mẫu, Nặn tạo dáng, Vẽ tranh theo đề tài, Thường thức Mỹ thuật góp phần làm phong phú nội dung bộ môn Mỹ thuật ở Tiểu học.

          Phân môn trang trí có một đặc điểm nổi bật là yêu cầu người học phải luôn suy nghĩ, sáng tạo không ngừng để có những bài tập phong phú, đẹp về hình dáng, đẹp về màu sắc. Vì thế, học trang trí giúp cho học sinh năng lực làm việc: dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi phương pháp làm việc khoa học, tư duy khoa học, tư duy sáng tạo. Vẽ trang trí mang tính giáo dục rất lớn - bồi dưỡng và phát triển ở học sinh phẩm chất của con người lao động - lao động sáng tạo.

  1. Đề xuất một số phương pháp lên lớp

Để nâng cao chất lượng dạy học, chúng tôi xin đề xuất một số phương pháp dạy học mà thực tế ở trường Tiểu học Liên Khê chưa áp dụng nhằm phù hợp với thực tế giảng dạy, phát huy những ưu điểm sẵn có, khắc phục những mặt hạn chế.

  1. Phương pháp hợp tác trong nhóm nhỏ

Nhiệm vụ phân môn Trang trí chủ yếu là phát huy tính độc lập cá nhân, thể hiện cái tôi, cái riêng của từng học sinh..., nhưng với lứa tuổi học sinh tiểu học vẫn cần thể hiện đầy đủ các vấn đề. Cụ thể để hoàn thiện một bài vẽ trong tiết Mỹ thuật ở tiểu học quy định thời gian từ 35 đến 40 phút thì việc để một cá nhân hoàn thành là rất khó hoặc hoàn thành thì cũng chỉ ở mức độ sơ sài, chưa đạt yêu cầu tối thiểu. Vì vậy, việc tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ học thì hiệu quả sẽ cao, tạo được hứng thú cho học sinh.

Tổ chức dạy học theo nhóm trong môn Mỹ thuật ở tiểu học sẽ nâng cao được vai trò của giáo viên, giáo viên đóng vai trò là người gợi mở, hướng dẫn, kích thích và hỗ trợ học sinh.

Tổ chức dạy học theo nhóm trong phân môn Trang trí sẽ tạo cho học sinh hoàn thành bài vẽ của mình trong khoảng thời gian quy định, giáo viên có bài để đánh giá học sinh ngay tại cuối tiết học, nếu được nhận xét nhiều bài trong tiết học học sinh sẽ biết được những điểm đã làm được và những điểm cần phải bổ sung, so sánh với các bài trong lớp, giúp giáo viên phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về môn học. Đồng thời, phát huy được tính tập thể, phối hợp cùng suy nghĩ, cùng làm việc, tranh luận thảo luận để cùng có hướng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, cụ thể hoàn thành yêu cầu bài vẽ.

Tổ chức dạy học theo nhóm trong phân môn Trang trí sẽ có lợi cho học sinh, giúp học sinh biết cách quan sát, nhận xét; Đánh giá sự vật một cách đầy đủ hay theo đúng yêu cầu của bài học, theo sự gợi ý của giáo viên.

Đem lại cho học sinh cơ hội sử dụng các kiến thức và kỹ năng mà các em được lĩnh hội và rèn luyện.

Cho phép học sinh diễn đạt những ý tưởng, những khám phá của mình.

Mở rộng suy nghĩ và thực hành các kỹ năng tư duy (so sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá...).

Hoạt động nhóm giúp các em rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, tạo điều kiện cho học sinh hỏi lẫn nhau, phát huy vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, các em có thể cùng làm với nhau những công việc mà một mình không thể tự làm được trong một thời gian nhất định.

Phát triển năng lực cộng tác làm việc như tinh thần đồng đội, sự quan tâm đến người khác, tính khoan dung.

Phát triển năng lực giao tiếp thông qua cộng tác làm việc trong nhóm như biết lắng nghe, biết trình bày, biết bảo vệ ý kiến của mình trong nhóm.

Giúp các học sinh nhút nhát, diễn đạt kém,... có điều kiện rèn luyện và dần khẳng định bản thân.

Lưu ý: phương pháp dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ có thể mang lại hiệu quả trong một số hoạt động nhưng không nhất thiết bài nào cũng áp dụng một cách máy móc.

  1. Tăng cường giáo dục Mỹ thuật ngoại khóa

Hoạt động ngoài giờ lên lớp được quy định cụ thể tại Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Điều 29 đã chỉ rõ: “Hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động giáo dục trong giờ lên lớp và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, giúp đỡ học sinh yếu phù hợp đặc điểm tâm lí, sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học”.

Mỹ thuật là một môn học nghệ thuật, do đó nó có nhiều điểm khác môn học khác. Đó là môn học vừa mang tính cụ thể vừa mang tính trừu tượng, đòi hỏi sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Trong đó, phân môn trang trí là phân môn lấy thực hành làm hoạt động chủ yếu. Vì vậy, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong bộ môn Mỹ thuật nói chung và phân môn trang trí nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Hoạt động giáo dục mỹ thuật ngoại khóa có nhiều ưu thế như:

- Có thể tích hợp với kiến thức của nhiều môn học khác, kiến thức xã hội, lịch sử địa phương, với một khối lượng lớn thông tin, kết hợp với trò chơi, giới thiệu thường thức mỹ thuật, thi vẽ tranh theo chủ đề.

- Giúp giáo viên chủ động về mọi phương diện như thời gian, về nội dung và hình thức tổ chức, không bị “khống chế” bởi thời khóa biểu và chương trình chính khóa.

- Truyền tải được nhiều nội dung về các vấn đề giáo dục mỹ thuật cũng như những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá tại địa phương.

- Tổ chức hoạt động ngoại khoá mỹ thuật cho phép người dạy khắc phục được những bất cập trong chương trình giữa thời gian và khối lượng kiến thức cần phải truyền đạt; có thể mở rộng và đào sâu những nội dung quan trọng, bổ sung những vấn đề chưa được đặt ra trong chương trình chính khoá.

2.3. Nâng cao nhận thức của nhà trường, gia đình và xã hội đối với giáo dục Mỹ thuật

  • Đối với nhà trường

Nhà trường cần tạo mọi điều kiện cho đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng cũng như chuyên môn.

Tạo mọi điều kiện tốt về cơ sở vật chất trong quá trình dạy học.

Tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể trao đổi kinh nghiệm, phương pháp cũng như cách thức tổ chức giờ dạy nội khóa và các hoạt động ngoại khóa. Thường xuyên kiểm tra, dự giờ góp ý tiết dạy của giáo viên nhằm rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá.

Khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học dưới nhiều hình thức khác nhau. Tạo ra các sân chơi, cuộc thi để giáo viên học hỏi và thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân.

Động viên, khích lệ giáo viên không ngừng học tập, phấn đấu công tác tốt.

Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học mới thích hợp với môn học, với đặc điểm của học sinh, làm cho phong trào đổi mới phương pháp dạy học ngày càng rộng rãi, thường xuyên và hiệu quả hơn.

  • Đối với giáo viên bộ môn mỹ thuật

Tăng cường nâng cao hơn nữa kiến thức về mỹ thuật cũng như những bộ môn liên quan. Phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề, biết ứng xử tinh tế, biết sử dụng các công nghệ thông tin vào dạy học, biết định hướng phát triển học sinh theo mục tiêu của giáo dục nhưng cũng đảm bảo được sự tự do của học sinh trong hoạt động nhận thức.

Phân môn Trang trí là phân môn dành thời gian chủ yếu để học sinh thực hành, do vậy giáo viên cần thiết kế bài giảng, thiết kế đồ dùng dạy học phù hợp đáp ứng với sự đổi mới của phương pháp dạy học để học sinh chủ động, tích cực tham gia và phát huy hết khả năng, năng lực ở mỗi bài vẽ.

Giáo viên phải nắm được tâm lý, đặc điểm tạo hình của từng lứa tuổi học sinh. Phải có tính kiên trì trong công tác giảng dạy, khéo léo động viên kịp thời đối với học sinh.

Hiểu và tôn trọng ý tưởng trong cách thể hiện của học sinh; Động viên khích lệ học sinh tự tìm tòi, sáng tạo trong thể hiện bài vẽ của mình; Tạo mọi điều kiện để tất cả học sinh chủ động, tích cực tham gia và tham gia có hiệu quả các hoạt động.

Cung cấp thêm kiến thức, tư liệu có liên quan, giúp học sinh có nhận thức phong phú nội dung bài học. Sử dụng linh hoạt trong việc phối hợp các phương pháp dạy học.

Trong quá trình thực hiện các tiết dạy, giáo viên cần lưu ý giúp học sinh hiểu biết về cái đẹp, cảm nhận về cái đẹp làm trọng tâm, không nên đi sâu rèn luyện kỹ năng vẽ.

Tìm hiểu mục đích, yêu cầu môn học, từ đó tìm ra định hướng giảng dạy đúng đắn.

  • Đối với học sinh

Học sinh cần đọc bài và chuẩn bị những đồ dùng học tập đầy đủ.

Học tập cần tư duy, phát huy tính tích cực, sáng tạo. Chủ động học tập, làm việc một cách có quy trình, tổ chức.

Học hỏi từ thầy cô, bạn bè.

  • Đối với gia đình

Quan tâm tới việc học tập của học sinh.

Tích cực hỗ trợ nhà trường khi cần thiết. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của học sinh.

Thường xuyên nhắc nhở, bảo ban các em học tập và rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi.

  • Chương trình và giáo trình

          Giảm bớt khối lượng kiến thức về lý thuyết, tạo điều kiện cho giáo viên tổ chức những hoạt động học tập tích cực.

          Tăng cường các bài tập thực hành; hạn chế những câu hỏi tái hiện, tăng cường loại câu hỏi phát triển trí sáng tạo.

          Giảm bớt những kết luận áp đặt, tăng cường những gợi ý để học sinh tự tìm tòi, nghiên cứu phát triển bài học.

          Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, cập nhật thông tin của những giáo trình để giáo viên cũng như học sinh có tài liệu đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin mới.

  1. Kết luận

Nâng cao chất lượng dạy học nói chung, chất lượng dạy học phân môn Trang trí tại trường Tiểu học Liên Khê đòi hỏi có sự tham gia một cách toàn diện và đồng bộ về phương diện ý chí, quan điểm đó phải xuyên suốt từ cấp quản lý tới giáo viên và người học.

Sự phát triển ngày càng cao của nền giáo dục đòi hỏi cao độ về phương pháp dạy và học. Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đồng thời xây dựng những con người sáng tạo làm chủ khoa học, làm chủ xã hội,... Đây cũng là đòi hỏi có tính chiến lược của xã hội trong nhiệm vụ đào tạo những con người mới, những con người phát triển một cách toàn diện. Việc đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu cấp bách trong thời đại ngày nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Điều lệ Trường tiểu học, Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT.
  2. Nguyễn Kế Hào (2005), Giáo trình tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Bùi Văn Huệ (2014), Giáo trình Tâm lí học tiểu học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Nguyễn Quốc Toản (2008), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình Mĩ thuật và phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật