Nghiên cứu lý luận

Giá trị tạo hình trên trang phục truyền thống người Dao Đỏ

07 Tháng Mười Hai 2017

                                                                              Lê Thị Thúy

                 Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Mĩ thuật

 

Khai thác kiểu dáng, sự kết hợp màu sắc, mẫu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ trong giảng dạythiết kế thời trang ấn tượng cho sinh viên ngành thời trang nhằm mục đích giúp cho những nhà thiết kế thời trang tương lai có thể tiếp thu được những giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của người Dao Đỏ và tạo ra những bộ trang phục hiện đại, phong cách mà mang dáng vẻ của truyền thống dân tộc.

1. Nghiên cứu trang phục truyền thống người Dao Đỏ

Trang phục truyền thống người Dao Đỏ xuất hiện của màu đỏ tươi rực rỡ ở hầu hết các chi tiết của trang phục như khăn, bông trên ngực áo, cổ áo, nẹp ngực áo, yếm, tua, chi tiết hoa văn thêu trên quần,… cùng với các đồ trang sức bằng vật liệu bạc, nhôm, hạt cườm có tác dụng phát sáng tạo nên màu sắc lung linh, lóng lánh càng làm tăng thêm vẻ rực rỡ cho bộ trang phục đầy bản sắc của người Dao Đỏ. Theo quan niệm của người Dao Đỏ thì trong bộ trang phục quan trọng nhất là chiếc áo, loại áo được thiết kế dài đến gần đầu gối, cổ áo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo cũng được thêu hoa. Qua trao đổi với một số phụ nữ Dao Đỏ ở Sa Pa, ngoài màu sắc mang tính chất riêng, tác giả được biết phần ấn tượng nhất của chiếc áo người Dao Đỏ chính là những nét hoa văn thêu ở phần đuôi áo bởi theo truyền thống của người Dao Đỏ những chi tiết này cho biết sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ mặc áo. Phần hoa văn thêu trên áo thường là những hoa văn có hình cỏ cây hoa lá nhưng trên mỗi trang phục lại được thể hiện theo những cách làm và sự khéo léo khác nhau. Có thể nhận thấy rằng đặc điểm ấn tượng qua nghiên cứu trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Sa Pa thể hiện ở một số đặc điểm sau:

Một là, tạo hình của trang phục: phụ nữ Dao Đỏ mặc áo dài tứ thân màu chàm, không khoét nách, tay đấu thẳng vào thân áo, nẹp cổ liền nẹp ngực. Quần phụ nữ Dao Đỏ cắt theo kiểu chắp đũng, cạp lá tọa hoặc luồn dây rút.

Hai là, về kết hợp màu sắc: trên nền màu đơn sắc (chàm hay đen) có sự kết hợp nhiều màu rực rỡ, trong đó lấy màu đỏ là chủ đạo, tạo nên điểm nhấn ở những vị trí bắt mắt. Ví dụ như trên cả mảng xẫm màu chàm của quần thì có băng hoa văn ở gấu quần tạo nên điểm nhấn.

Ba là, về hoa văn trang trí: trên nền trơn của trang phục có sự kết hợp của nhiều chi tiết hoa văn tạo nên sự cân bằng, ví dụ như các hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ thường là đường diềm hay đăng đối nên luôn tạo nên cảm giác cân bằng.

 Bốn là, cùng với sự tương phản trong bố trí màu sắc thì cũng có sự đồng nhất trong bố trí hoa văn. Ví dụ trên cùng một bộ trang phục thì có sự nhắc lại hoa văn ở khăn quấn đầu, áo và quần.

Năm là, màu sắc và hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ cũng đạt đến sự đơn giản cần thiết trong nghệ thuật trang trí, đó là tính ước lệ và bỏ qua tất cả các yếu tố không cần thiết trong việc tạo hình hoa văn. Khi quan sát các hoa văn, chúng ta nhận thấy sự tinh tế ở chỗ khó có thể thêm được một chi tiết nào vào trong cấu trúc của hoa văn đã có.

Sáu là, sự tương phản trong cảm giác về chất liệu của trang phục như nhẵn của nền vải – xốp của hoa văn trang trí; nổi của hoa văn trang trí – chìm của nền vải; tĩnh của nền vải – động các hoa văn trang trí,…

2. Khai thác những giá trị tạo hình trên trang phục người Dao Đỏ trong giảng dạy và thiết kế thời trang ấn tượng

Hiện nay, quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế giúp chúng ta được tiếp cận với nhiều xu hướng thời trang trên toàn thế giới nhưng cũng chính điều này đã thách thức đến yếu tố tạo nên sự khác biệt, nổi trội trong thiết kế thời trang trong nước. Những bộ thiết kế thời trang của các nhà thiết kế tên tuổi có xuất phát từ nhu cầu thật sự của cộng đồng mà họ sinh sống, cũng như theo nền tảng văn hóa mà họ tích lũy trong đời sống. Do đó, những bộ trang phục được thiết kế lấy ý tưởng từ trang phục của người dân tộc nói chung hay người Dao Đỏ nói riêng phải là trang phục giữ được tinh thần của trang phục lấy làm ý tưởng nhưng có tính ứng dụng phù hợp với xu hướng thời trang.

            Bước 1: Tổ chức cho sinh viên nghiên cứu nữ phục người Dao Đỏ, qua ảnh hoặc nếu có mẫu thật thì tính hiệu quả càng cao. Các nhóm thảo luận và tìm ra được những đặc điểm riêng của mỗi bộ trang phục hay nói cách khác là trả lời cho những câu hỏi như: Kiểu dáng của bộ trang phục này là gì? chúng có kết cấu như thế nào? Chất liệu của bộ trang phục này là gì? Nếu nhiều vật liệu thì chúng được kết hợp với nhau như thế nào? Sự kết hợp này tạo nên hiệu quả gì? Màu sắc của bộ trang phục được phối kết hợp như thế nào? Màu nào là màu chủ đạo, tông màu nào là chính và tại sao sử dụng những màu kết hợp như vậy? Việc sử dụng hoa văn trang trí trên trang phục để làm gì? Xử lý thế nào để chúng không bị rối mắt? Tại sao lại bố trí những họa tiết hoa văn ở vị trí đấy? Chúng giúp gì cho bộ trang phục?

Để làm rõ hơn nội dung này, chúng ta quan sát một số bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng bằng loại vải dệt tay của đồng bào, kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo. Kết hợp giữa họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc với những đường cắt cúp, tạo hình hiện đại đã mang tới cho người xem cảm giác thú vị, sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hay có thể hiểu nhà thiết kế Minh Hạnh muốn đưa giá trị truyền thống dân tộc vào từng mẫu thiết kế mới, theo xu thế thời trang của thời đại.

Nhà thiết kế Minh Hạnh và một số trang phục được thiết kế khai thác tạo hình của trang phục dân tộc. Nguồn: Sưu tầm.

Bước 2: Xây dựng ý tưởng. Với những hiểu biết ban đầu về nữ phục người Dao Đỏ, mỗi nhóm tiếp tục tìm hiểu, làm rõ và trả lời cho những câu hỏi như:  Khai thác yếu tố nào của nữ phục người Dao Đỏ vào thiết kế trang phục của mình? Tại sao lại khai thác những yếu tố đấy? Thiết kế tạo dáng trang phục của nhóm (hay cá nhân) theo kiểu cải biên, tiếp thu hầu hết các yếu tố tạo hình trên nữ phục người Dao Đỏ hay chỉ khai thác một vài điểm tạo nên sự ấn tượng như ở gấu áo, gấu quần, yếm, thắt lưng, khăn quần đầu,...

Việc thiết kế trang phục lấy ý tưởng từ những giá trị tạo hình trên bộ nữ phục người Dao Đỏ hướng đến đối tượng là ai, sử dụng trong dịp nào hay là một thiết kế đa dụng, có thể đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng khác nhau?

Nhà thiết kế Võ Việt Chung đã khai thác thành công sự kết hợp của màu sắc, những họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ. Trong thiết kế của mình, Võ Việt Chung đã sử dụng màu đỏ làm điểm nhấn ở khăn quấn tóc, thắt lưng và gấu áo, kết hợp nên nền ghi tạo nên những điểm hút của thị giác. Một số hoa văn được cách điệu ở phần khăn và váy cũng tạo nên những nét trang trí vui mắt, phá vỡ đi sự trơn lì của chất liệu vải lanh. Rõ ràng, việc lồng ghép, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong thiết kế trang phục luôn là một hướng đi phù hợp, tạo nên sự thú vị, hấp dẫn nhất định trong mỗi sáng tạo.

 

Bộ sưu tầm của nhà thiết kế Võ Việt Chung lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ . Nguồn: Sưu tầm

Bước 3: Sau khi tìm được ý tưởng thì mỗi bạn sinh viên cần cụ thể hóa ý tưởng bằng việc xây dựng biểu tượng về bộ trang phục riêng của mình. Để xây dựng được biểu tượng trang phục, sinh viên cần nắm vững những vấn đề đã đặt ra ở bước 1, 2 và khái quát lại cô đọng bằng ngôn ngữ đồ họa như đường nét, hình, mảng, màu sắc để diễn tả lại ý tưởng một cách trọn vẹn nhất và giúp cho sinh viên có cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về đối tượng.

Bước 4: Xây dựng các phương án tiến hành thi công bản thiết kế của mình, từ kết cấu của kiểu dáng đến sự kết hợp chất liệu. Bản thiết kế càng chi tiết, theo nhiều góc độ, cụ thể từng chi tiết thì việc thi công càng hiệu quả, thể hiện rõ ý đồ thiết kế ban đầu.

Bước 5: Sau khi có bản thiết kế, mỗi sinh viên sẽ lên thuyết trình về ý tưởng thiết kế của mình theo những câu hỏi ở bước 1, 2.

Việc khai thác giá trị tạo hình trên trang phục người Dao Đỏ vào giảng dạy và thiết kế trang phục ấn tượng góp phần làm phong phú bài giảng, tạo sự hấp dẫn cho người học và hình thành ở người học khả năng khai thác vốn quí trong văn hóa dân tộc. Trong quá trình học tập và sáng tạo của mình, mỗi sinh viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thư nhất, phải có ý tưởng rõ ràng và đạt được một yêu cầu nhất định trong việc kết hợp đường nét, màu sắc, các tông màu và sắc thái biểu cảm.

Thứ hai, việc khai thác, sử dụng các giá trị trong tạo hình trang phục của người Dao Đỏ cần lưu ý đến tính đặc thù riêng và giá trị đặc trưng.

Thứ ba, trong thiết kế ấn tượng của mình, nhà thiết kế cần tuân thủ các nguyên tắc trong tạo dáng, không sử dụng những chiêu trò gây “ấn tượng” mà cần chú ý đến nguyên tắc tạo nên sự ấn tượng trong mẫu thiết kế nằm trong quá trình nhận thức ban đầu về đối tượng, đáp ứng được sự tri nhận ngay lập tức của người xem (hay của người sử dụng trang phục).

Thứ tư, nhà thiết kế cần lưu ý đến đối tượng sử dụng trang phục và nếu là sản xuất hàng loạt thì phải có mẫu số chung nhất. Không lấy một trường hợp đơn lẻ để làm điển hình. Từ đó hướng đến việc sử dụng các màu sắc và kiểu dáng cho phù hợp với công năng sử dụng, sao cho mẫu thiết kế thời trang gây được ấn tượng mạnh cho người nhìn, ở các yếu tố như màu sắc, kết cấu, chất liệu và đưa ra một thông điệp rõ ràng về thiết kế của mình.

Như vậy, việc đưa ý tưởng, cảm hứng sáng tạo từ giá trị tạo hình trên trang phục người Dao Đỏ vào giảng dạy thiết kế trang phục ấn tượng là một hướng đi cần thiết, giúp cho sinh viên có hiểu biết đầy đủ về vốn văn hóa truyền thống và vận dụng những giá trị này trong sáng tạo, thiết kế của mình. Điều này không chỉ góp phần quảng bá, bảo tồn những giá trị có nguy cơ bị mai một mà còn tạo nên những thiết kế hiện đại, ấn tượng những vẫn ấn chứa trong đó những giá trị truyền thống được tích lũy của mỗi tộc người.

                                                      Tài liệu tham khảo

1. Ngô Đức Thịnh (2000), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

2. Nguyễn Khắc Tụng, Nguyễn Anh Cường (2011), Trang phục cổ truyền của người Dao ở Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.