Nghiên cứu lý luận

Nghiên cứu Kỹ thuật đọc mở rộng bằng tiếng Anh (Extensive reading) cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

08 Tháng Mười Hai 2017

                                                               ThS. Nguyễn Thị Ân

                                                  Giảng viên  Trung tâm Ngoại ngữ

 

Trong tiếng Anh kỹ năng đọc được phân loại thành hai phương pháp chính đó là đọc phân tích sâu (intensive reading) và đọc mở rộng (extensive reading). Trong đọc phân tích sâu, người học thường đọc các bài đọc ngắn và khó. Bên cạnh đó, loại hình đọc này yêu cầu người đọc phải hiểu chính xác về mặt ngữ nghĩa của từ vựng và nắm được thông tin chi tiết trong bài đọc, cho nên người học thường phải sử dụng từ điển để tra cứu từ vựng mới có thể hoàn thành các bài tập đọc hiểu ở cuối bài. Trong khi đó, ở đọc mở rộng, người học chỉ được khuyến khích đọc các tài liệu ở cấp độ thấp hơn khả năng ngôn ngữ của họ, chỉ nên có trung bình từ một đến hai từ mới trong một trang, do đó người học có thể đọc với số lượng tài liệu lớn trong thời gian không bị giới hạn. Trong phương pháp đọc này, người học có thể đọc chỉ để giải trí  hoặc đọc để nắm được nội dung tổng quát của bài đọc và  thông thường không có các bài tập đọc hiểu ở cuối bài. Chính vì vậy, hoạt động thực hành đối với loại hình đọc này thường là viết nhật ký để ghi chép lại những câu, từ trong bài đọc mà họ cảm thấy thú vị hoặc viết về những suy nghĩ của mình về nội dung của bài đọc. Chính điểm khác biệt trong mục đích và hoạt động khiến cho tài liệu đọc trong đọc mở rộng trở nên đa dạng về chủng loại và cấp độ.

Hoạt động đọc trong học tiếng Anh cũng như bất cứ một ngôn ngữ nào cũng đều mang lại những lợi ích giống nhau đó là: thông qua đọc, người đọc  được mở mang về trí tuệ và tri thức. Cụ thể, về trí tuệ: làm nảy nở các ý tưởng và cách lập luận. Về tri thức: giúp nhận thức sâu sắc hơn về con người, xã hội và thế giới. Nó còn giúp người đọc hoàn thiện hơn ngôn ngữ mục tiêu về cách hành văn, cấu trúc câu và sử dụng từ ngữ. Ngoài ra, các tài liệu đọc còn cung cấp cho người đọc chủ đề để thảo luận, khuyến khích việc tham gia vào giao tiếp và góp phần tạo ra một bầu không khí học hứng thú. Kiến thức chung về xã hội của người Việt chúng ta hạn chế do chúng ta chưa xây dựng được văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi đó, muốn có kỹ năng nghe-nói-đọc-viết tiếng Anh tốt, chúng ta cần có sự hiểu biết rộng về các vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị trên thế giới.

Nói về vai trò của đọc mở rộng, Nuttall (1996) trong "Teaching reading skills in a foreign language"  đã nhận định nó là một trong hai cách tốt nhất, sau cách sống chung với người bản ngữ, để làm giàu kiến thức và phát triển khả năng sử dụng một ngoại ngữ. Đọc mở rộng không chỉ giúp người học làm giàu vốn từ, cải tiến tốc độ đọc mà còn giúp củng cố ngữ pháp, phát triển kỹ năng viết và hình thành thói quen đọc cho người học. Đây cũng chính là kết luận của nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, trong đó phải kể đến như: Bamford và Day (2004) trong "Extensive Reading Activities for Teaching Language" đã chỉ ra rằng đọc mở rộng giúp người đọc cải thiện tốc độ đọc rõ rệt nhờ vào việc đọc một số lượng tài liệu đọc lớn ở cấp độ đơn giản (dưới cấp độ ngôn ngữ của họ). Điều này khiến người đọc có thể nhanh chóng đạt được sự trôi chảy trong một thời gian không lâu (thông thường một chương trình đọc mở rộng ngắn hạn chỉ từ 3 đến 4 tháng). Điều quan trọng hơn là, đọc mở rộng có thể giúp người đọc hình thành thói quen đọc. Điều này rất có ý nghĩa với đối tượng học sinh, sinh viên của chúng ta, những người đang được đánh giá là chưa có thói quen cũng như văn hóa đọc trong cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng nước ngoài. Al-Homoud, F., & Schmitt, N. (2009) trong "Extensive Reading in a Challenging Environment" đã so sánh hai phương pháp đọc lớn đọc phân tích sâu và đọc mở rộng. Theo họ thì đọc phân tích sâu là phương pháp truyền thống và nó không thực sự là đọc mà nó chỉ là bài học đọc trên lớp. Bởi lẽ trong đọc phân tích sâu, bài đọc bao gồm một loạt các câu hỏi đọc hiểu được sử dụng như công cụ để kiểm tra khả năng ngôn ngữ chứ không phải là bài tập về hoạt động đọc. Tuy nhiên, Bamford và Day lại cho rằng nên kết hợp cả hai phương pháp đọc phân tích sâu và đọc mở rộng. Bởi vì, với những sinh viên cần có khả năng phân tích ngôn ngữ và kỹ năng làm bài thi đọc thì đọc phân tích sâu là rất cần thiết, trong khi đó đọc mở rộng lại giúp hình thành thói quen đọc. Điều này cũng rất cần thiết đối với tất cả các đối tượng nguời học, đặc biệt là sinh viên.

Để hoạt động đọc mở rộng có thể mang lại những hiệu quả như một số  kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, theo Julian Bamford và Richard R. Day trong Extensive Reading Activities for Teaching Language, người tổ chức và người tham gia trong hoạt động đọc mở rộng cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:

1. Tài liệu đọc phải dễ đọc, ở đó chỉ nên có rất ít hoặc không có từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mới đối với người đọc. Cụ thể hơn là, độ khó của tài liệu chỉ nên bằng hoặc thấp hơn một cấp độ (level) so với khả năng ngôn ngữ của người đọc.Bởi lẽ người đọc sẽ không muốn tiếp tục nếu như gặp quá nhiều từ mới hay cấu trúc khó trong tài liệu đọc.

2. Tài liệu đọc phải đa dạng về loại hình. Đây là yếu tố quan trọng trong việc tạo hứng thú cho người đọc. Trong đọc mở rộng, người đọc phải được chọn tài liệu mà họ thích, do đó tài liệu đọc phải thật đa dạng về loại hình cũng như cấp độ để người đọc có nhiều sự lựa chọn.

3. Khuyến khích người đọc càng nhiều càng tốt vì việc này rất có ích cho việc phát triển khả năng ngôn ngữ của họ. Theo các nhà nghiên cứu, người đọc được khuyên nên đọc 1 cuốn sách ở cấp độ phù hợp trong mỗi tuần.

4. Khuyến khích người đọc nên đọc với tốc độ nhanh dần chứ không nên đọc với tốc độ chậm để cải thiện tốc độ đọc và nhanh chóng đạt được sự trôi chảy. Điều này người đọc hoàn toàn có thể thực hiện được khi tài liệu đọc ở cấp độ dễ.

6. Không yêu cầu người đọc phải trả lời một loạt các câu hỏi đọc hiểu ở cuối bài như trong hình thức đọc phân tích sâu mà có chăng chỉ là một số câu hỏi được thiết kế để kiểm tra về việc bạn có đọc tài liệu hay không. Bởi vì đọc mở rộng được thực hiện với mục đích giải trí hoặc tìm hiểu thông tin chứ không phải đọc để luyện kỹ năng đọc hiểu.

7. Về cách thức, thời gian và địa điểm đọc: Trong đọc mở rộng, người đọc thường đọc thầm ở trên lớp hoặc ở nhà hay bất cứ nơi nào mà họ muốn. Tuy nhiên loại hình đọc này thường được giao như bài tập ở nhà.

Bên cạnh việc đảm bảo những nguyên tắc trên, người giáo viên trong vị trí người tổ chức chương trình đọc mở rộng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nuttall đã chỉ ra những việc giáo viên phải làm với vai trò là người tổ chức một chương trình đọc mở rộng như: Giáo viên cần chuẩn bị cho chương trình đọc mở rộng với kế hoạch và thời gian cụ thể; tìm nguồn kinh phí và xây dựng thư viện nhỏ; là người đọc mẫu tài liệu đọc để có điều chỉnh kịp thời trong việc lựa chọn tài liệu đọc cho thư viện; hướng dẫn sinh viên ( SV) lựa chọn tài liệu đọc và xây dựng chiến lược đọc phù hợp; đọc cùng sinh viên trong suốt quá trình tổ chức chương trình để có thể cùng SV thảo luận về các tài liệu đọc, đồng thời giúp giáo viên (GV) kiểm soát được việc đọc ở nhà của SV.

Để đề xuất kỹ thuật đọc mở rộng, tác giả không chỉ nghiên cứu cơ sở lý luận, thực trạng giảng dạy và chương trình Tiếng Anh 1 tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW mà còn tiến hành điều tra tìm hiểu thái độ, nhận thức của sinh viên và giảng viên đối với việc dạy và học kỹ năng đọc chương trình Tiếng Anh 1 tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW. Kết quả điều tra về thực trạng cho thấy  đọc mở rộng bằng tiếng Anh còn khá xa lạ với sinh viên. Kết quả điều tra thái độ của SV về một số kỹ thuật đọc mở rộng được thử nghiệm trên lớp ban đầu cho thấy rằng các kỹ thuật này là có tính khả thi tại địa bàn nghiên cứu.

Từ các căn cứ lý luận và thực tiễn trên, bài viết đã nghiên cứu và nêu được những nội dung và cách thức tiến hành một chương trình đọc mở rộng bao gồm: Chọn tài liệu đọc; xây dựng chiến lược đọc; thực hiện các kỹ thuật đọc. Đối với các kỹ thuật đọc đề tài đã có hướng dẫn cụ thể đối với từng nội dung để GV và SV có thể làm theo như sau:

 Thứ nhất, với hoạt động đọc mở rộng ở nhà : bỏ qua từ mới, đọc càng nhanh càng tốt, đọc thầm một mình, đọc thường xuyên, đọc đi đọc lại nhiều lần, viết nhật ký đọc.

Thứ hai, với hoạt động đọc mở rộng ở trên lớp: đoán nội dung qua tiêu đề, đoán trình tự của các sự kiện trong một câu chuyện, đoán sự kiện xảy ra tiếp theo, nhận biết những đoạn hội thoại trong bài khóa khi nghe audio hay người khác đọc,  khám phá câu,  thảo luận về tài liệu đọc, đóng kịch,  nghe và viết chính tả,  đọc trong đường đua.

Như vậy, bài viết đã giới thiệu với bạn đọc về lợi ích của đọc mở rộng trong học tiếng Anh. Bên cạnh đó còn có những hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật đọc giúp SV có thể tự thực hiện hoạt động đọc mở rộng ở nhà, từ đó giúp họ dần hình thành được thói quen đọc sách bằng tiếng Anh. Để hoạt động đọc mở rộng có thể được nhân rộng trong nhà trường, tác giả mong muốn nhà trường quan tâm hơn đến việc xây dựng thư viện sách tiếng Anh đa dạng về cấp độ và chủng loại để SV có thể mượn đọc ở nhà.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Al-Homoud, F., & Schmitt, N. (2009). Extensive Reading in a Challenging Environment: A Comparison of Extensive and Intensive Reading Approaches in Saudi Arabia. Language Teaching Research, 13, 4, 383-401.

2. Bamford, Julian and Richard R. Day. Extensive Reading Activities for     Teaching Language. Cambridge: CUP, 2004.

 3. Day, RR & Bamford, J (2002), ‘Top Ten Principles for Teaching Extensive Reading’, Reading in a Foreign Language, vol.14, no.2, pp.136-141.

 4.  Nuttall, C. E. (1996). Teaching reading skills in a foreign language ( (2nd ed.). Oxford: Heinemann English language teaching.