Nội san

Biện pháp đổi mới dạy học môn Lý thuyết cơ bản cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai

19 Tháng Mười Hai 2017

Hà Thị Thu Thủy [*]

 

            Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm của con người. Nó có những đặc thù riêng mà nhiều môn khoa học khác không có như tính thời gian, tính trực giác, tính khái quát cao… Trong xã hội hiện nay tồn tại nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: Sân khấu, Điện ảnh, Mỹ thuật, Múa, Điêu khắc… Mỗi loại hình nghệ thuật phản ánh hiện thực, đời sống con người theo phương thức riêng và Âm nhạc cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.


        1. Vai trò của phân môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản

Có thể nói Lý thuyết âm nhạc là một trong những môn học quan trọng và cơ bản nhất trong dạy và học âm nhạc, môn học này có mối liên quan chặt chẽ với nhiều môn học khác. Chẳng hạn, với môn Thanh nhạc, người học phải biết đọc nốt nhạc, biết giải mã các kí hiệu thuộc về kĩ thuật thanh nhạc, biết các kí hiệu cường độ, sắc thái của bản nhạc. Với môn Phân tích tác phẩm Âm nhạc thì phải nắm chắc các kiến thức về quãng, hợp âm… Để đảm bảo và đáp ứng những nhu cầu giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non sinh viên cần phải nắm chắc kiến thức âm nhạc trong đó có phân môn Lý thuyết âm nhạc. Là người giáo viên trong tương lai, đầu tiên các sinh viên (SV) ngành Giáo dục Mầm non cần phải nắm vững nội dung Lý thuyết âm nhạc cơ bản bởi lẽ đặc thù ngành đào tạo của các em trước hết đòi hỏi đọc nhạc chuẩn xác và mẫu mực cho học trò.

 Một số hạn chế thường gặp trong các giờ học lý thuyết:

 Thứ nhất về phương pháp dạy của giảng viên (GV):  Sử dụng các phương pháp dạy học chưa thật phù hợp: nặng phần lý thuyết, ít chú trọng đến những phương pháp và kĩ thuật dạy học mới tạo hứng thú cho SV. Vì vậy trong giờ học Lý thuyết Âm nhạc mang tính hàn lâm, khó hiểu dẫn đến SV chưa biết áp dụng lý thuyết vào thực tế.

Thứ hai, về việc học của SV: Như ta đã biết, nếu chỉ biết học lý thuyết mà không hề biết đến thực hành thì những lý thuyết ta học không có tác dụng đối với đời sống. Đó là khi lý thuyết đạt điểm tốt nhưng khi thực hành vào thực tế thì lại lúng túng, hoàn toàn không có kĩ năng thực tế. Họ không biết ứng xử sao cho hợp hoàn cảnh thực tế, không tự đọc được một bài nhạc, không xử lý được sắc thái một bài nhạc … Như vậy, chúng ta không chỉ học lý thuyết mà còn phải biết áp dụng những lý thuyết đó phục vụ thực tế.

Sinh viên chưa chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu, còn thụ động trong xây dựng kế hoạch học tập.

Thứ ba, các yếu tố khác: Thời gian và nội dung chương trình chưa phù hợp, chưa đạt yêu cầu về tính vừa sức cho SV; Giáo trình sử dụng chưa thực sự phù hợp giữa nội dung và thời gian thực hiện. Bài tập thực hành cho từng nội dung còn nghèo nàn, chưa phù hợp với đối tượng SV mầm non chủ yếu là người dân tộc thiểu số cũng là một khó khăn không nhỏ.

Từ những hạn chế trên cần đưa ra những biện pháp cụ thể, tuy nhiên các biện pháp đó phải đảm bảo nguyên tắc về tính mục đích, trình tự và kế thừa.

2. Các biện pháp đổi mới cụ thể

Thứ nhất, tái cấu trúc lại đề cương chi tiết theo hướng tiếp cận năng lực người học.

- Tìm hiểu đối tượng, môi trường giáo dục, khảo sát khả năng âm nhạc của SV, tìm hiểu đặc điểm hoạt động, đặc điểm tâm lí học sinh mầm non để có hoạt động dạy phù hợp.

- Tiếp cận năng lực chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống đặt ra.

- Khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.

- Đề xuất thay đổi cách xác định hệ thống năng lực ở từng học phần trong chương trình đào tạo

Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học (PPDH)

Đổi mới PPDH góp phần khắc phục những biểu hiện trì trệ trong giáo dục hiện nay, chỉ có đổi mới PPDH chúng ta mới góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và tham gia được vào “sân chơi” quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và tiếp cận phương pháp giáo dục mới theo quan điểm giáo dục hiện đại.

- Phương pháp tăng cường sử dụng phương tiện trực quan: Giáo viên chỉ đóng vai trò là người gợi mở, dẫn dắt và giải đáp những thắc mắc những điều SV không thể trả lời. Sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học có hiệu quả sẽ tạo điều kiện giúp trẻ dễ tiếp nhận, ghi nhớ sâu hơn những biểu tượng, hình ảnh; tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn làm cho giờ học sinh động. 

Ví dụ: Dạy phần nội dung về hình nốt, trường độ có thể sử dụng dụng cụ trực quan rất cụ thể

 

 

        - Với nội dung về quãng

STT

Tên quãng

Viết tắt

Số cung hợp thành

1

Quãng một

0 cung

2

Quãng hai

2t

0,5 cung

3

Quãng hai trưởng

2T

1 cung

4

Quãng ba thứ

3t

1,5 cung

5

Quãng ba trưởng

3T

2 cung

6

Quãng bốn đúng

2,5 cung

7

Quãng bốn tăng

4+

3 cung

8

Quãng năm giảm

5-

3 cung

9

Quãng năm đúng

3,5 cung

10

Quãng sáu thứ

6t

4 cung

11

Quãng sáu trưởng

6T

4,5 cung

12

Quãng bảy thứ

7t

5 cung

13

Quãng bảy trưởng

7T

5,5 cung

14

Quãng tám đúng

6 cung

              Phương pháp trực quan thính giác: Phương pháp này gắn liền với đặc thù của nghệ thuật âm nhạc - nghệ thuật âm thanh tác động vào tai nghe gợi lên những cảm xúc, tình cảm, tâm trạng… ở người nghe. Phương pháp trực quan thính giác được vận dụng vào tất cả các nội dung dạy học âm nhạc như dạy hát, tập đọc nhạc, thưởng thức âm nhạc…

Quy trình thực hiện gồm 2 bước: Giới thiệu tác phẩm: Xuất xứ, nội dung, tác giả… và trình bày tác phẩm: Bằng giọng hát, tiếng đàn (có thể do GV thể hiện hoặc băng đĩa).

           Phương pháp dạy học hợp đồng:

      Bước thứ nhất: lập kế hoạch, bao gồm lựa chọn chủ đề; Xây dựng tiểu chủ đề (sử dụng sơ đồ tư duy, còn gọi là phương pháp động não); Gợi hứng thú của HS; HS thảo luận để lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập.

           Bước thứ hai: SV thực hiện nghiên cứu, thông qua việc tìm kiếm và thu thập thông tin như tham vấn GV hướng dẫn, tìm kiếm trên Internet, đọc tài liệu, tìm trong thư viện, thực nghiệm, quan sát, điều tra, phỏng vấn, luyện tập cách trình diễn…

            Bước thứ ba: SV tổng hợp kết quả, bao gồm việc xây dựng sản phẩm, trình bày kết quả và HS nhìn lại quá trình học tập.

            Thiết kế bài tập thực hành về lý thuyết âm nhạc phù hợp với đối tượng:

            Vấn đề rèn luyện kĩ năng làm bài tập trong môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản là rất quan trọng. Người học phải tiến hành làm bài tập nhiều lần mới nắm vững được lý thuyết, để áp dụng vào trong việc đọc hiểu bản nhạc cũng như phục vụ cho việc giảng dạy sau này.

             Đổi mới kiểm tra đánh giá

            Đánh giá theo năng lực là đánh giá theo kiến thức, kĩ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học.

                  Cấp độ các câu hỏi: Chia câu hỏi đánh giá năng lực thành 3 cấp độ

                                             Cấp độ 1 - Tái tạo (30% số điểm);

                                              Cấp độ 2 - Kết nối (40% số điểm);

                                              Cấp độ 3 - Phản ánh khái quát (30% số điểm)

3. Kết luận

Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và những hạn chế riêng. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, người GV phải biết kết hợp và vận dụng các phương pháp ấy một cách linh hoạt, tinh tế, phù hợp với đối tượng nghiên cứu để việc giảng dạy phân môn Lý thuyết âm nhạc đạt được hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo

 1. Phạm Thị Hòa (2006), Phương pháp giáo dục âm nhạc - Dùng cho khoa giáo dục Mầm non, Nxb ĐHSP.

2. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Nhiều tác giả (2007), Giáo trình những vấn đề giáo dục hiện nay, quan điểm và giải pháp, Nxb Tri thức

5. Nguyễn Anh Tuyết (2015), Tâm lí học trẻ lứa tuổi Mầm non, Nxb Đại học Sư phạm.

  •  

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc