Nội san

Lễ hội đua voi tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk trong những năm trở lại đây

19 Tháng Mười Hai 2017

Dương Thanh Nga [*]

 

Buôn Đôn Có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm. Là một vùng đất có sức sống mãnh liệt, Buôn Đôn có dòng sông Sêrêpôk như một dải lụa trắng vắt ngang ngay giữa đại ngàn, có đường biên giới với nước bạn Campuchia, có dãy núi Chư min hùng vĩ và rộng lớn cả một vùng, có vườn quốc gia Yok Đôn và đặc biệt có lễ hội đua voi đã làm nên tên tuổi của vùng đất Buôn Đôn huyền thoại.

Khi còn Pháp thuộc, các quan Pháp thường tổ chức đua voi nhằm mục đích mua vui, nài voi và các chú voi là nô lệ. Ngày nay, lễ hội đua voi là của cả cộng đồng, mang trong mình những giá trị to lớn về nhiều mặt cả giá trị tinh thần và kinh tế. Lễ hội thường diễn ra 3 ngày. Ngày đầu tiên là nghi lễ cúng sức khỏe cho voi, ngày thứ hai là ngày hội chính diễn ra các phần đua của các chú voi, nội dung thi bao gồm: phần thi voi chạy; thi voi kéo gỗ; phần thi voi đá bóng; Voi kéo co với người; phần thi voi bơi vượt sông và cuối cùng là tái hiện cảnh săn bắt voi rừng, sau đó các chú voi được tập hợp về bến Tha luống để tắm. Ngày thứ ba là các hoạt động du lịch như cưỡi voi thám hiểm rừng, cưỡi voi trên sông, chụp hình lưu niệm cùng voi.

Lễ hội đua voi là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa nơi đây đã tồn tại từ bao đời nay, nó là một mảng văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức, phong tục, tập quán cũng như là một thế mạnh để thu hút, phát triển và đầu tư về du lịch, phát triển kinh tế. Trong những năm trở lại đây, lễ hội đua voi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, đang dần đi đến chỗ có thể sẽ xóa sổ chỉ trong khoảng 15 năm nữa.

Thực trạng của lễ hội đua voi trong vài năm trở lại đây

            Đối với chính quyền địa phương

Tổ chức và quản lý lễ hội đua voi là một dịp hoạt động đòi hỏi sự phối kết hợp nhuần nhuyễn của rất nhiều các cấp, các ngành, đoàn thể. Là dịp thể hiện tính năng động, sáng tạo, nắm bắt và triển khai kịp thời các nội dung hoạt động của Lễ hội, nâng cao năng lực tổ chức và điều hành cho lãnh đạo cũng như cán bộ các ngành, các cấp; Thể hiện sự đồng bộ, nhất quán từ cấp huyện tới cấp cơ sở. Thông qua lễ hội, địa phương cũng đã lồng ghép được các nội dung tuyên truyền về văn hóa đặc sắc của địa phương, quảng bá hình ảnh du lịch của vùng đất Buôn Đôn huyền thoại. Lễ hội đua voi còn là một kênh hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch quảng bá, phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk. Lồng ghép trong các chương trình đi tour, phục vụ du khách cũng được chú trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế như: phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời, việc đi lại tham dự lễ hội còn khá lộn xộn; việc buôn bán các mặt hàng lưu niệm, các đồ trang sức bằng các bộ phận của voi như lông đuôi, ngà, da, cao voi, phổi voi… bị buông lỏng; thu nhập của lễ hội chưa đủ để tái đầu tư trở lại cho lễ hội.

            Cộng đồng dân cư

            Cộng đồng cư dân bản địa đã hết sức ủng hộ và kết hợp với chính quyền các cấp tuân thủ và chấp hành mọi sự sắp xếp của ban tổ chức. Việc tổ chức nghi lễ cúng sức khỏe cho voi vẫn do cộng đồng địa phương đảm nhiệm một cách tự nguyện và giữ nguyên được giá trị tâm linh của nó. Điều này thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng với các ngành chức năng, họ chính là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong quá trình tổ chức lễ hội đua voi. Bản thân cộng đồng đã bảo lưu rất tốt những yếu tố tâm linh của lễ hội, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Họ bảo vệ tài sản chính là những chú voi có trách nhiệm và tình cảm, mặc dù giải thưởng không có giá trị nhiều về mặt vật chất song họ vẫn nhiệt tình mang cả khối tài sản lớn ra để phục vụ vì lòng tự hào và yêu quý, trân trọng những giá có từ đời ông cha để lại.

            Tuy nhiên, cộng đồng cư dân nơi đây chưa được tiếp cận với các mô hình tổ chức lễ hội ở các nơi khác nên chưa có sự sắp xếp cộng đồng tự quản một cách khoa học, thiếu tiếp cận thông tin nên chưa sáng tạo và chưa tận dụng được những cơ hội để phát triển kinh tế.

            Tình hình số lượng voi trong những năm trở lại đây

            Trước đây, mỗi năm tại Buôn Đôn các thợ săn có thể săn được hơn 10 con voi, thời điểm thịnh vượng nhất tại Buôn Đôn, đàn voi nhà luôn sẵn sàng cho việc trao đổi, buôn bán lên tới gần 150 con. Nhưng càng về sau số lượng voi săn bắt được hàng năm cứ bị giảm dần.Theo số liệu của trung tâm bảo tồn voi thì hiện nay trong tổng số 43 con voi nhà còn sống và tất cả đều đã rất già. Con voi là những vật thể sống có sinh ra và có chết đi theo quy luật tự nhiên, nó không thể sống mãi mãi để phục vụ cho cuộc sống cũng như làm linh hồn cho các lễ hội, các nghi lễ tâm linh và tạo nên nhiều giá trị về kinh tế, du lịch của chúng ta. Liệu rằng sau 20 năm nữa, khi đàn voi nhà ở huyện Buôn Đôn không còn, những con voi hoàn toàn biến mất khỏi đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, thì con cháu của chúng ta chỉ còn biết về những lễ hội voi, những nghi lễ cúng voi, những niềm kiêu hãnh tự hào của những gia đình có voi qua những bức ảnh mà thôi.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý lễ hội đua voi ở huyện Buôn Đôn

            Nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực

Về đội ngũ cán bộ quản lý lễ hội phải là những người tâm huyết, có trình độ, có năng lực vững vàng để đáp ứng được những yêu cầu khách quan cũng như chủ quan trong quá trình quản lý và tổ chức lễ hội. Phải cập nhật, nâng cao trình độ quản lý về nhiều mặt, từ quản lý nội dung, diễn biến của lễ hội đến các công tác tổ chức, phục vụ, kêu gọi tài trợ, đầu tư, quảng bá, quản lý nhân sự, quản lý tài sản tham gia phục vụ lễ hội. Tất cả các hoạt động quản lý lễ hội phải được thực hiện có khoa học, hiệu quả, đảm bảo một mặt vẫn gìn giữ được những nét truyền thống, tôn trọng các phong tục tập quán, một mặt vẫn mang được những phúc lợi về tinh thần và kinh tế cho cả du khách và người dân địa phương. Tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó mỗi cán bộ, công chức, viên chức không ngừng tự tìm hiểu, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế công tác để mỗi ngày một dày dạn hơn trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội đua voi.

Nguồn nhân lực trong cộng đồng địa phương là những người trực tiếp nắm giữ di sản sống quý giá, những người có cuộc sống mưu sinh gắn bó chặt chẽ với loài voi. Là một lực lượng vô cùng quan trọng nên cần được quan tâm và phát huy hết hiệu quả gìn giữ và bảo tồn ngay trong dân. Hơn ai hết người dân cần phải hiểu rõ tất cả mọi mặt cả về giá trị tinh thần và giá trị kinh tế để lễ hội đua voi được gìn giữ và phát huy một cách tốt nhất. Phối hợp tổ chức truyền dạy các bài cúng voi cho thế hệ trẻ. Cộng đồng cư dân tại chỗ phải phối hợp với trung tâm bảo tồn voi để có các buổi tham quan, tìm hiểu về voi cũng như thường xuyên liên hệ mật thiết với các hộ nuôi voi riêng lẻ để có định hướng phù hợp cho công tác tổ chức lễ hội đua voi.

            Những chính sách ưu đãi dành riêng cho lễ hội đua voi

Nhà nước cần có những quan tâm đặc biệt dành riêng cho lễ hội đua voi chẳng hạn như: tổ chức lễ hội đua voi riêng lẻ không gộp chung với các ngày lễ khác, hạn chế các phần đua của voi, phối hợp tổ chức các tuần lễ du lịch tại địa phương, phát triển phần hội thành các nội dungvới nhiều chương trình dành cho du khách như: du lịch sinh thái, cắm trại tại khu bảo tồn, tổ chức tham quan thực địa, tắm cho voi, tương tác với voi, tham quan khu chăm sóc, tạo một khu vực tự do đi lại cho du khách, lồng ghép các chương trình sinh hoạt kể chuyện về voi, các câu chuyện để giáo dục và thay đổi ý thức cũng như cách đối xử của con người với loài voi.

Phục dựng các nghi lễ cúng cho voi để phần lễ trở thành phần chủ đạo của Lễ hội voi. Tổ chức các hoạt động ghi chép có hệ thống, thành các tài liệu tham khảo hay tài liệu nghiên cứu, xây dựng Nhà bảo tàng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi để du khách tham quan. Có chế độ hỗ trợ về kinh tế với các nài voi, chủ voi trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà cũng như khi tham gia lễ hội voi.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá cho lễ hội

 

Chuẩn bị trước vạch xuất phát (nguồn: Tác giả)

 

Cần tuyên truyền quảng bá bằng nhiều hình thức, tuyên truyền ở các cấp, tuyên truyền đến các tầng lớp ở mọi lứa tuổi. Định hướng nâng cao nhận thức của người tham dự lễ hội về mọi mặt, ngoài tuyên truyền trực tiếp, tại chỗ cần có nhiều phương thức khác như qua truyền hình, qua internet, qua các trang mạng xã hội, cổ động trực quan. Việc tuyên truyền có thể phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan báo, đài. Ngoài phương thức phát thanh, truyền hình, có thể phát các tờ thông tin nhanh, các bảng giới thiệu nhanh, chỉ dẫn nhanh tới tận tay du khách.

            Công tác tuyên truyền tới nhân dân, khách du lịch về sự cần thiết phải bảo tồn đàn voi nhà là vô cùng cần thiết. Tạo tâm lý đón nhận của công chúng về sự cần thiết của các trung tâm bảo tồn voi, chúng ta phải mang đến cho loài voi sự thấu hiểu, quan tâm, yêu thương, chăm sóc; Mang đến cho voi sự an toàn tuyệt đối về thể chất và tâm lý, đảm bảo những chú voi phải được chăm sóc liên tục, chăm sóc trọn đời..

            Tuyên truyền người dân không vứt rác, xả rác bừa bãi mà phải bỏ đúng nơi quy định. Không làm ô nhiễm nguồn nước, không vứt thức ăn thừa, rác thải xuống sông. Không trèo leo lên cây xanh được trồng hai bên đường để xem voi. Các hàng quán cần phải thực hiện tốt công tác phục vụ các dịch vụ ăn uống đảm vệ sinh cho du khách. Nâng cao ý thức trân trọng giá trị tâm linh của cộng đồng cư dân bản địa. Không mê tín dị đoan, không nghe theo những kinh nghiệm dân gian truyền miệng thiếu khoa học, không săn lùng các bộ phận của voi để làm trang sức hay làm thuốc. Phải tuyên truyền cho người dân tham gia lễ hội có ý thức tôn trọng cộng đồng trong thời gian diễn ra lễ hội.

            Quản lý lễ hội đua voi gắn với phát triển kinh tế, du lịch

            Trước hết cần thiết phải xây dựng một lễ hội đua voi hết sức độc đáo, mang tầm vóc của một sản phẩm văn hóa độc đáo vùng miền. Tổ chức lễ hội đua voi kết hợp đầy đủ mọi yếu tố cần thiết, vừa gìn giữ được những đặc điểm văn hóa riêng biệt, những nét đẹp trong tâm linh, tín ngưỡng vừa đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thời đại, mang đến cho vùng đất Buôn Đôn sự phát triển sâu sắc, phục vụ đắc lực cho những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, khoa học và có hiệu quả hơn. Mục đích đưa ra là cần phải tăng nguồn thu từ các dịch vụ phục vụ cho lễ hội như các dịch vụ du lịch lữ hành, du lịch sinh thái, các dịch vụ kinh doanh phục vụ, dịch vụ trông giữ xe... nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận, đảm bảo cho các dịch vụ kinh doanh du lịch được quay vòng và phát triển lâu dài bền vững chứ không phải chỉ bùng lên trong mấy ngày lễ hội rồi lại thôi.

            Bên cạnh lễ hội chính chúng ta cần phải phát triển du lịch sinh thái. Đây là một hướng phát triển cần được chú trọng hơn, đầu tư thỏa đáng hơn, du khách sẽ được thả mình trong những chuyến du lịch trong rừng, cùng trải nghiệm những sản phẩm du lịch văn hóa có xu hướng hết sức gần gũi. Xây dựng các chuỗi du lịch liên kết, gắn kết chặt chẽ có sự tham gia và hưởng lợi cho người dân bản địa. Có hướng đào tạo con em người dân tộc tại chỗ để sử dụng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho những người dân, giúp cho họ ổn định và nâng cao đời sống trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển có nhiều biến động làm ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống cũ.

   Để lễ hội đua voi ngày càng phát huy được những thế mạnh của mình, trong thời gian tới các cấp các ngành đã và đang đưa ra rất nhiều các giải pháp đồng bộ từ nguồn nhân lực cho đến công tác truyền quảng bá và xây dựng cơ sở vật chất, giải pháp tăng cường quản lý các dịch vụ cũng như công tác an ninh chính trị. Lễ hội đua voi thật sự đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng đất Buôn Đôn, thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn của anh em các dân tộc trong toàn huyện. Lễ hội đua voi còn mở ra một cánh cửa lớn cho vùng đất Buôn Đôn tiếp nhận những luồng gió mới, những cơ hội mới, đồng thời quảng bá hình ảnh lễ hội đua voi đến với bạn bè trong và ngoài nước, dần từng bước hội nhập và phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Huy Bá (2007), Đề án bảo tồn và phát triển đàn voi nhà tỉnh Đăk Lăk. Trung tâm sinh thái, môi trường và tài nguyên – CEER.

2. Nguyễn Chí Bền, Võ Hoàng Lan, Phạm Lan Oanh, Vũ Tú Quyên, Bùi Quang Thanh, Vũ Diệu Trung (2013), Lễ hội Truyền thống các Dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội.

3. Tuyết Hoa niê kdam (2008), Thực trạng và giải pháp kinh tế xã hội chủ yếu phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc ít người tại chỗ vùng đệm vườn quốc gia Yok Đôn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, Luận án tiến sỹ kinh tế, trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội.

4. Hoàng Nam (2005), Một số giải pháp quản lý lễ hội dân gian, Nxb Văn hóa Dân Tộc.

5. Ngô Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, Nxb Trẻ.

________________________

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa tại Tây Nguyên