Nội san

Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Ê Đê với phát triển du lịch tại Đắk Lắk

19 Tháng Mười Hai 2017

Hồ Thị Thảo [*]

 

Là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, với dân số 1.733.113 người (tính đến năm 2009), Đắk Lắk từ lâu đã được biết đến là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số chiếm khoảng 33% dân số toàn tỉnh. Riêng đồng bào dân tộc Ê Đê là dân tộc tại ch có dân đông nhất chiếm 17,2% tổng dân số và 52,2% dân số người dân tộc thiểu số [2, tr.217]. Những di sản văn hóa đặc trưng của người Ê Đê góp phần hình thành nên bản sắc riêng có của vùng đất cao nguyên này so với các địa phương khác trong cả nước.

Mặc dù còn còn gặp nhiều khó khăn do quá trình đô thị hóa, sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trên cả nước và sự giao lưu hội nhập quốc tế nhưng thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Ê Đê tại Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả: Hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể của người Ê Đê được sự quan tâm của chính quyền đã có những bước chuyển biến trong việc sưu tầm, nghiên cứu cũng như truyền dạy lại cho thế hệ sau. Từ đây một số lễ hội truyền thống được khôi phục, các lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng được tổ chức, các nghề thủ công truyền thống được khôi phục… Có được những thành công đó bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với chính quyền các cấp, doanh nghiệp trong tỉnh là ý thức tự quản của cộng đồng ngày càng được nâng cao.

 Du lịch văn hóa là một xu thế đang rất được ưu chuộng trong thời gian gần đây. Nhận thức được điều đó, các nhà quản lý văn hóa và du lịch của Đắk Lắk cũng đã có những giải pháp cụ thể tiến hành khai thác tiềm năng của các giá trị văn hóa trong đó có văn hóa của người Ê Đê để phục vụ cho du lịch góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, vai trò của cộng đồng là không thể thiếu bởi di sản văn hóa không thể đứng ngoài cộng đồng hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó.

Các thành viên cộng đồng địa phương và công chúng vừa là nhà cung cấp dịch vụ, vừa là đối tượng của du lịch. Bản thân cộng đồng địa phương thường được xem là tài nguyên du lịch chính, bản sắc văn hóa, lối sống và các phong tục tập quán của họ chính là yếu tố đặc trưng tạo nên sự trải nghiệm du lịch thú vị [5].

Trong thời gian qua, cộng đồng đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như gắn với du lịch. Để phát huy tối đa vai trò này trong thời gian tới tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng, để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa. Đồng thời nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò của văn hóa với du lịch để góp phần tô đậm, bồi tụ cho bản sắc văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Công tác tuyên truyền, vận động cần phải được thực hiện đồng bộ, với nhiều phương thức khác nhau, tránh làm ồ ạt. Bên cạnh việc đa dạng hóa các chương trình tuyên truyền, cần đưa vào nội dung chương trình những thông tin cụ thể, sát thực và gần gũi với đời sống, sinh hoạt của người dân, nhằm mang lại hiệu quả cao.

 Cần có chính sách đặc thù để gắn giáo dục với văn hóa Ê Đê, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ Ê Đê - những chủ nhân tương lai của vùng đất đỏ ba-zan. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các vấn đề về văn hóa dân tộc; giải pháp về giáo dục được coi là tiên phong và là yếu  tố then chốt, quyết định đến sự phát triển bền vững của Đắk Lắk.

Thứ hai, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nơi mà cuộc sống của cộng đồng gắn liền. Bởi chính cộng đồng mới là người có những hiểu biết phong phú và cụ thể về mảnh đất mà họ gắn bó. Họ cần được biết những gì sẽ biến đổi trên mảnh đất của họ; những gì họ có thể tham gia vào hoạt động phát triển du lịch để có được cuộc sống tốt hơn, và để cộng đồng có được sự chuẩn bị tốt hơn cho những công việc mới cùng với trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch, đồng thời góp phần đảm bảo cho quy hoạch đi vào cuộc sống.

Thứ ba, làm  rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Phải đặt lợi ích mà cộng đồng nhận được từ việc phát huy giá trị di sản được bảo tồn thông qua phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư là đối tượng hưởng lợi lớn từ du lịch cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Trước hết là cơ chế chính sách của chính quyền tỉnh, sự sáng tạo của cấp địa phương. Chính quyền cần phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để đảm bảo một phần từ thu nhập du lịch sẽ “quay lại” hỗ trợ cho cộng đồng và cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên môi trường, du lịch nơi diễn ra hoạt động du lịch với sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, cần xây dựng một số mô hình và cơ chế cụ thể nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch như hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch…

Thứ tư, bảo tồn di sản văn hóa cần phải được thực hiện ngay chính trong đời sống cộng đồng, điều đó nghĩa là cần lấy bảo vệ chỉnh thể làm nguyên tắc, trong đó cần chú ý đến bảo vệ chỉnh thể đối với môi trường văn hóa sinh thái truyền thống. Bởi, nếu đem di sản văn hóa tách ra khỏi môi trường văn hóa và bối cảnh xã hội của nó, làm thay đổi môi trường nhân văn theo ý muốn chủ quan hoặc đưa những người kế thừa ra khỏi nơi họ đang sinh sống, chắc chắn sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực đối với các nghệ nhân, những người truyền thừa di sản văn hóa phi vật thể. Không có môi trường nào nuôi dưỡng và làm phong phú giá trị của di sản bằng chính môi trường nơi nó sinh ra. Những di tích còn giữ được nhiều nét nguyên bản, thường có giá trị hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách.

Văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các ngành, lĩnh vực đặc biệt là đối với ngành du lịch. Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương để phục vụ du lịch đang là một xu thế mới hiện nay được các nhà quản lý văn hóa hết sức chú trọng, đặc biệt trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương đường lối chính sách của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Để công tác bảo tồn giá trị văn hóa người Ê Đê gắn với phát triển du lịch ở Đắk Lắk thật sự hiệu quả và bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa du lịch với bảo vệ môi trường, với bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa thì mới có văn hóa phát triển bền vững, mới có du lịch góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là phải chú trọng đến vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa đó.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Hồng Lý (chủ biên); Dương Văn Sáu, Nguyễn Hoài Thu (2010), Quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Tỉnh ủy - HĐND - UBND Tỉnh Đắk Lắk (2015), Địa chí Đắk Lắk, Nxb Khoa học Xã hội.

3. Trần Đức Thanh (2000), Nhập môn khoa học du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

4. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.

5. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2016), Kỷ yếu hội thảo phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng Tây Nguyên: những vấn đề lý luận và thực tiễn, Đắk Lắk

6. http://thegioidisan.vn/vi/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-dan-toc-e-de-o-dak-lak.html

________________________

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa tại Tây Nguyên