Nội san

Giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk

20 Tháng Mười Hai 2017

Võ Quang Trường [*]

 

Vấn đề xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đến nay đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân ở mọi miền đất nước. Nhưng đó cũng là mối quan tâm đau đáu của những người làm công tác văn hoá nói chung, nhất là cán bộ văn hoá các địa phương như ở cấp huyện và cơ sở. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đã chỉ ra rằng: Phải đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, nông trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan trường học, bệnh viện, cửa hàng, mỗi xã, hợp tác xã, phường… đều có đời sống văn hoá” [5]

Là một trong những huyện lớn của tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Pắc nằm cách Buôn Ma Thuột 30km về phía Đông, dân số khoảng 217.000 người, với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có trên 69.433 người, chiếm 33,4%. Về tổ chức hành chính có 16 xã, thị trấn với 284 thôn, buôn, tổ dân phố [3, tr.4]. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pắc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác triển khai, thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nên trong những năm qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa sâu sắc tới việc phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương như: Tỷ lệ gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa… chiếm tỷ lệ cao, năm 2015 có 41.968/43.520 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 96,43% hộ đăng ký; có 168/272 thôn, buôn, tổ dân phố đăng ký, đạt 61,76%; có 170/188 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt đơn vị văn hóa chiếm 84,05% [2, tr.12]. Nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng, nhiều tác phẩm nghệ thuật mới được sáng tác, nhiều quy ước, hương ước được bà con nhân dân tích cực hưởng ứng, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của đại đa số người dân được nâng lên rõ rệt… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập, đó là: Môi trường văn hoá bị xâm hại, lai căng, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm còn xảy ra, nạn trộm cắp vẫn thường xuyên xảy ra, tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, nhất là trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Việc thực hiện chính sách xã hội hoá chưa được đẩy mạnh, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao… [1, tr.14]. Để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở về mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng đời sống văn hóa và vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, đa dạng, thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, từng khu vực; phát huy sức mạnh chủ lực của hệ thống thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền... và công tác xây dựng đời sống văn hóa thấm sâu vào mỗi người, từng gia đình, từng thôn, buôn và toàn xã hội.

Chú trọng tuyên truyền, vận động giáo dục giới trẻ học đường và đoàn viên thanh niên hiểu rõ về văn hóa Việt Nam, những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, truyền thống lịch sử của đất nước, địa phương; giáo dục và xây dựng bản lĩnh văn hóa cho giới trẻ để giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế, tránh nguy cơ mất bản sắc dân tộc, lối sống thực dụng, sống gấp, tiếp thu một cách có chọn lọc từ văn hóa phương Tây… thông qua các buổi ngoại khóa, dã ngoại, các hội thi tìm hiểu, giao lưu văn nghệ, đưa môn học về văn hóa vào hệ thống môn dạy bắt buộc trong các trường học, gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, trường học và xã hội trong việc giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ…

            Thứ hai, cần tăng cường đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Huyện ủy, UBND huyện cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến các thôn, buôn, tổ dân phố, phấn đấu mỗi xã, thị trấn có một trung tâm văn hóa - thể thao và mỗi thôn, buôn có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quy hoạch thiết chế văn hóa phải nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo các thiết chế văn hóa phải có đầy đủ trang thiết bi, đủ chuẩn về diện tích đất, diện tích xây dựng, có sân khấu, sân chơi, bãi tập, công viên, đội ngũ cán bộ, kinh phí hoạt động thường xuyên… để phát huy vai trò vốn có của các thiết chế văn hóa.

Hiện nay, toàn huyện có 243/284 nhà văn hóa, hội trường thôn, buôn, tổ dân phố được xây dựng, tuy nhiên trang thiết bị còn thiếu thốn. Huyện cần đầu tư kinh phí để xây dựng những hạng mục kinh phí lớn như: Sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cổng chào, tường rào... Các xã, thị trấn cần chú trọng đầu tư trang bị các thiết bị như: Ampli, loa, đài, ti vi, bàn ghế...; tiếp tục kêu gọi, vận động nhân dân đóng góp mua sắm trang thiết bị, tu sửa các nhà văn hóa, đảm bảo các thiết chế văn hóa phát huy hết tác dụng trong thời gian tới.

            Thứ ba,cần đổi mới về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực văn hóa  -  thể thao.  Đó là tăng cường cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, công tác thanh tra, giám sát, đánh giá hoạt động của các đơn vị, đội ngũ cán bộ. Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, cập nhật và thường xuyên trực tiếp và gián tiếp qua giữa đơn vị quản lý văn hóa, thể thao với các đơn vị sự nghiệp, các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ huyện đến các xã, thị trấn. Từng bước cân đối, sắp xếp, cơ cấu nguồn lực cán bộ (về độ tuổi, giới tính, địa bàn công tác ở huyện và các xã, thị trấn) cho phù hợp. Xây dựng quy hoạch nguồn cán bộ quản lý và chuyên môn dài hạn.

            Thực hiện chế độ đãi ngộ nhằm tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi tham gia các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Có chính sách ưu tiên, thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về phục vụ tại địa phương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cả 02 tuyến huyện và xã về chuyên môn và trình độ quản lý. Có chính sách ưu tiên cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Thứ tư, cần tăng cường hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, là một trong những huyện lớn của tỉnh, được thành lập sau giải phóng, huyện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Đắk Lắk chọn xây dựng huyện điểm văn hóa khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhưng hiện tại huyện chưa có nhà truyền thống. Trước mắt, huyện cần xây dựng nhà truyền thống trong quần thể khu di tích Đồn điền Ca Đa (di tích cấp Quốc gia), phối hợp với Ban quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh tổ chức việc sưu tầm các hiện vật, những giá trị truyền thống của địa phương, để giáo dục truyền thống trên địa bàn huyện.

Người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngoài cư dân bản địa là dân tộc Ê Đê còn có các dân tộc khác như Tày, Nùng, Xơ Đăng, Vân Kiều, H’ Mông... mang những bản sắc riêng. Tuy nhiên, dưới sự tác động của kinh tế thị trường, đồng bào dân tộc thiểu số đang mất dần bản sắc văn hóa của mình, có sự biến đổi các giá trị truyền thống, do đó việc bảo tồn các giá trị văn hóa của họ là hết sức cần thiết. Huyện đã ban hành kế hoạch ngày văn hóa các dân tộc thiểu số đúng vào ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (ngày 19/4) hàng năm, tuy nhiên việc triển khai kế hoạch chưa được triển khai quyết liệt và chủ động. Do đó, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện kế hoạch một cách kịp thời. Thực hiện đề án về bảo tồn, thống kê, khảo sát những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Định kỳ hàng năm tổ chức hội thi, hội thao văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số với hình thức, nội dung phong phú, mang bản sắc riêng để họ có điều kiện tram gia, trình diễn những nét đặc sắc riêng của mình. Có kế hoạch phục dựng các lễ hội của người dân tộc Ê Đê và một số lễ hội của đồng bào dân tộc khác trên địa bàn huyện; hỗ trợ, cấp trang phục, đạo cụ, cồng chiêng và cử các già làng biết đánh, sử dụng cồng chiêng truyền dạy cho các đội cồng chiêng ở xã Tân Tiến, Êa Knuếc, Êa Yiêng, khuyến khích họ tham gia vào các hội thi, hội diễn văn nghệ, quần chúng ở địa phương.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, cho vay không lấy lãi, giáo dục đào tạo, tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số nêu cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình...

                Thứ năm, cần tăng cường nguồn lực để xây dựng và phát triển đời sống văn hóa.

Để tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần thực hiện tốt công tác xã hội hoá, huy động nội lực và ngoại lực trong xây dựng và phát triển văn hóa. Mục tiêu xã hội hóa văn hóa là vận động, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các hoạt động văn hóa; là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của tổ chức Đảng, hội đồng nhân dân, UBND, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân đối với việc phát triển lĩnh vực văn hóa tại địa phương. Từ đó tạo ra sự cộng đồng trách nhiệm để người dân được thụ hưởng những thành quả của văn hóa, đồng thời tham gia sáng tạo văn hóa nghệ thuật với hình thức tổ chức phù hợp.

Với điều kiện hiện nay, huyện cần tập trung huy động nguồn nhân lực, nguồn tài chính rộng rãi theo hướng xã hội hóa để thực hiện việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, đặc biệt là tranh thủ chủ trương của các cấp để có kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí quốc gia, theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước lo xây dựng các hạng mục lớn, người dân lo việc bổ sung trang thiết bị để tự phục vụ.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa - thông tin. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hướng dẫn, định hướng cho các hoạt động văn hóa hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần ngăn chặn kịp thời các tiêu cực phát sinh trên địa bàn, giữ gìn và bảo vệ những thành quả của công tác xây dựng đời sống văn hóa. Để thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát thì phải làm tốt các nhiệm vụ sau: Cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về văn hóa phải xây dựng kế hoạch định kỳ hàng tháng, quý, năm và xem đây là một nội dung quan trọng trong đánh giá thường xuyên. Huyện ủy, UBND huyện phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đưa nội dung quản lý văn hóa vào nội dung giám sát thường kỳ, để văn hóa được quan tâm xứng đáng. Tăng cường sự phối hợp, sự phân quyền, phân cấp giữa phòng Văn hóa và Thông tin huyện với các ngành của tỉnh, của huyện, UBND các xã, thị trấn trong việc kiểm tra, kiểm soát địa bàn, tránh hiện tượng chồng chéo có thể ảnh hưởng đến công tác kiểm tra và đảm bảo quyền kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật văn hóa thông tin và ngành nghề có liên quan theo quy định. Đề nghị tước giấy phép hoạt động đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần, cố ý vi phạm.

Như vậy, để làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp và vận dụng một cách linh hoạt, đồng bộ các phương pháp tuyên tuyền giáo dục, kinh tế, biện pháp hành chính thích hợp ở từng thời điểm cụ thể để phát huy hết tính năng của nó, tránh tâm lý “vi phạm là phạt”, cũng ảnh hưởng rất lớn đến công quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương.

            Bảy là, cần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phong trào xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động khác, xem nhiệm vụ này là nội dung quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước. Nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nếp sống văn hóa để làm gương cho quần chúng noi theo.Thường xuyên củng cố các ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, ban vận động ở các thôn, buôn, tổ dân phố đảm bảo số lượng và chất lượng. Phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên và phân rõ từng địa bàn cho các thành viên để tiện theo dõi, thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú để nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào; quán triệt thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp về lĩnh vực văn hóa, đồng thời phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự quản trong mỗi người dân, gia đình và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện phong trào.Tổ chức tốt việc đăng ký, giao chỉ tiêu hàng năm, nâng cao chất lượng bình xét, công nhận thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Tiến hành bình xét công khai, dân chủ trên cơ sở bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Tận dụng tiềm năng sẵn có, phát huy thế mạnh là huyện lớn của tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, huy động sự đóng góp của nhân dân, các thành phần kinh tế, tranh thủ các nguồn tài trợ, chương trình mục tiêu để đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa.

Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng, học tập gương điển hình tiên tiến, các gia đình văn hóa tiêu biểu nhằm động viên, khen thưởng kịp thời các nhân tố điển hình, phát huy tác dụng đối với phong trào trong toàn huyện. Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là vai trò đoàn Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân… các cấp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; trong xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở và trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tóm lại, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Krông Pắc là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội khóa XI, XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII đã đề ra.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Đắk Lắk, Tài liệu Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào, giai đoạn 2000 – 2015.

2. Báo cáo Tổng kết 10 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Krông Pắc, giai đoạn 2005 – 2015 của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”huyện Krông Pắc.

3. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc (2015), Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pắc, giai đoạn 1975 – 2015.

4. Chiến lược phát triển văn hóa đến 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

5.http://vhttcs.org.vn/newsdetail/372/xay-dung-doi-song-van-hoa-o-co-so--chang-duong-vat-qua-2-the-ky.html.

_____________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa tại Tây Nguyênnghệ  trình nghghệ thuật