Nội san

Vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa Sen trong trang trí Mỹ thuật Lý - Trần

20 Tháng Mười Hai 2017

Chu Thị Hương Thu [*]

 

Mỹ thuật Lý - Trần là thời kỳ nghệ thuật trang trí kiến trúc phát triển mạnh nhất do thời kỳ này Phật giáo hưng thịnh được coi như quốc giáo hoa sen là vật thiêng liêng về tâm linh đối với các tôn giáo, là họa tiết đi theo thời gian của các công trình kiến trúc và điêu khắc cổ Việt Nam. Hoa sen trở thành một mô típ trang trí phổ biến rộng khắp trên các công trình nghệ thuật và được sử dụng nhiều trong các họa tiết trang trí liên quan đến Phật giáo như các bệ tượng Phật, các công trình kiến trúc, điêu khắc, những tảng đá kê chân cột, diềm cửa tháp, diềm bệ tượng...

  1. Hoa sen trong trang trí kiến trúc

            Nói đến kiến trúc thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất đối với một công trình là phải đáp ứng được ba yêu cầu: đó là yếu tố công năng, yếu tố kỹ thuật và yếu tố nghệ thuật. Ba yếu tố này luôn liên hệ chặt chẽ với nhau. Một công trình được thiết kế vừa thỏa mãn các yêu cầu về công năng sử dụng vừa thỏa mãn mắt nhìn về nghệ thuật thì được gọi là thành công. Trong đó hình tượng hoa sen cũng là một trong những hình tượng nằm trong ý tưởng thiết kế của nhiều công trình. Sen là loài hoa gắn bó với đời sống con người từ rất lâu, đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo hoa sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Vì thế trong các công trình kiến trúc truyền thống, nhất là kiến trúc phật giáo Việt Nam, hoa sen luôn là một hình tượng nghệ thuật mang tín ngưỡng tôn giáo. Ban đầu sen được trồng ở trước tam quan và hai bên cạnh chùa tạo cho không gian và cảnh quan ngôi chùa sự tĩnh lặng và thanh cao. Sau đó trong quá trình phát triển hình tượng hoa sen được lồng vào trong các chi tiết kiến trúc và trở nên quen thuộc. Hình tượng hoa sen thể hiện tập trung trong các nơi thờ tự chính của ngôi chùa, từ các phù điêu hoặc đá kê chân cột, bệ tượng Phật đến các dáng gốm và họa tiết trang trí rất phong phú. Các công trình kiến trúc lại có sự sáng tạo riêng, đặc biệt và cô đọng ở hình khối hay cả một tổng thể kiến trúc. 

             Hoa sen còn xuất hiện trong các huyền thoại về những vị vua gắn bó nhiều với Phật giáo. Chùa Diên Hựu, một trong những ngôi chùa ra đời sớm nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, (có nghĩa là sống lâu muôn tuổi, tên chữ là Liên Hoa Đài). Ở đó hình tượng hoa sen hiện lên trong nghệ thuật kiến trúc một cách đặc sắc - là sự mô phỏng một bông sen được đặt chính giữa hồ sen.

                      

                            Theo tác giả Chu Quang Trứ: “Riêng cây cột đá, có tài liệu nói cao 10 trượng, phù hợp với độ cao đủ chạm bông sen nghìn cánh ở đầu cột, và tòa điện Phật ở trên đầu cột phải to tương xứng, tất cả cớ vương lên vài chục mét như một cây tháp. Có ý kiến lấy bình đồ chùa Diên Hựu so với tháp Phật giáo Mật Tông, nhận ra nhiều điểm tương đồng và coi chùa Diên Hựu là kiến trúc tháp Phật giáo” [1, tr 149].

            Mỗi kiến trúc tháp lại mang trong mình dấu ấn riêng của từng thời kỳ lịch sử. Tháp Phổ Minh - tháp của vua Trần Nhân Tông với danh phong là Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Phật. Những cây tháp này trước khi đi vào các tầng chính thức đều có phần bệ được chạm vòng quanh cả 4 mặt thành 1 đài sen lớn. Phần đài sen này được cấu tạo một cách rất đặc trưng theo kiểu hình vuông, tương tự như cấu tạo các bệ đá hoa sen thời Trần tìm thấy vào các giai đoạn sau này.

                    

            Nếu chùa Diên Hựu là hình tượng hoa sen nghìn cánh được dựng trên một cột trụ làm trung tâm thì tháp chùa Phổ Minh gợi cho chúng ta một cái nhìn mới về sự phát triển một mô hình tháp nhiều tầng, với dáng vẻ của hoa sen thông qua các trang trí chạm khắc trên thân tháp.

  1. Hoa sen trong điêu khắc

       Nghệ thuật điêu khắc đã góp phần rất lớn tạo nên giá trị nghệ thuật cho các công trình kiến trúc. Có thể thấy điêu khắc luôn luôn gắn bó và là những tác phẩm tạo hình không thể thiếu trong các công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, những nghệ nhân điêu khắc đã đưa những cảm nhận của họ về thiên nhiên vào trong tác phẩm của mình, và sáng tạo, cách điệu chúng theo cảm thức dân gian. Ở di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), hình tượng hoa sen được sử dụng trên nhiều chất liệu khác nhau: vàng, đá, gạch... Có khi được dập nổi trên các lá vàng được chôn trong trụ giới ở các đền tháp, có khi hoa sen lại là vật cầm tay của các vị thần hoặc khắc tạc trên gạch làm hoa văn trang trí trên tường tháp.

cua da cham 5 bong sen- dt cat tien

 

 

 

 

 

 

 

 

Cửa đá chạm 5 bông sen – di tích Cát Tiên, Lâm đồng

            Chúng ta thường được tìm hiểu và tận mắt thấy được tạo hình của hoa sen trên các chất liệu gỗ, đất, gốm… còn biểu tượng hoa sen trên chất liệu vàng thì rất hiếm nhìn tác phẩm điêu khắc trên mang tính tạo hình đơn giản, nhưng vẫn tạo được hình khối cơ bản và ý nghĩa của tác phẩm.

            Hoa sen là một trong những hình tượng được thể hiện khá nhiều trong kiến trúc và điêu khắc Chăm, gần như hầu khắp các tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm “Đản sinh Thần Brahma” ở phòng triển lãm tháp Mỹ Sơn đã thể hiện thần Visnu cầm một cành sen đang nở, hoa đã nở xòe nhiều cánh và thần Brahma ngồi trên các cánh sen đã được cách điệu. Tác phẩm gắn với sự tích tái sinh một cách sáng tạo của thần Brahma - được gọi là thần sáng tạo. Thần Visnu là thần bảo tồn và thần Siva là thần hủy diệt ( ý nghĩa là hủy diệt cái cũ để tái tạo ra cái mới). Do đó hoa sen ở đây mang yếu tố triết lý luân hồi của sự sống. Pho tượng đời Lý nổi tiếng nhất là tượng A Di Đà của chùa Phật Tích. Bức tượng thể hiện dáng vẻ Đức Phật đang ngồi thuyết pháp trên tòa sen. Tòa sen và bệ tượng được tạo hình thành một hình tháp nhiều tầng cho người xem cảm giác như đang nâng bổng Đức Phật lên. Đài sen có 15 cánh to nở rộ, mỗi cánh sen chạm một đôi Rồng chầu vào hình Phật ngồi thiền trên đài sen hào quang tỏa sáng hình lá đề. Nhìn toàn bức tượng sẽ thấy ấn tượng về sự giác ngộ cao siêu và tâm hồn tĩnh tại.

Tượng Phật Adida ở chùa Phật Tích (Tiên Du - Bắc Ninh)

Nguồn ảnh: tác giả chụp

            3. Hoa sen trong hội họa và dạng thể khác

        Hoa sen là một đề tài muôn thuở và gần gũi với rất nhiều thế hệ họa sỹ tạo hình Việt Nam. Đã có rất nhiều họa sỹ vẽ về hoa sen và hình ảnh phụ nữ đẹp bên hoa sen, từ Nguyễn Gia Trí vẽ “Thiếu nữ bên đầm sen” (sơn mài – 1938) mô tả cảnh các thiếu nữ mặc áo dài thướt tha đang tung tăng dạo chơi bên đầm sen; Tô Ngọc Vân “Thiếu nữ bên hoa sen”, (sơn dầu – 1944) đến Nguyễn Sáng “Thiếu nữ bên hoa sen” (sơn dầu – 1972), được coi là tiêu biểu cho giai đoạn cuối của họa sỹ trong sự nghiệp sáng tác theo xu thế lãng mạn. Một chiếc bình cổ cắm hoa sen đặt trên bàn màu đỏ ở ngay cận cảnh, những bông sen phớt hồng vươn cao phía sau là cô gái mặc áo dài màu vàng nhạt đứng tựa tay vào tủ như đang mơ màng tận hưởng hương sắc tỏa ra từ nụ sen đang hé nở. Sáu bông sen khá lớn được sắp xếp dàn trải với các hướng khác nhau, có bông nụ, có bông đã nở tạo cho không gian tĩnh tại tự nhiên tươi vui và sinh động. Một sự đồng điệu giữa người và hoa tạo cho thiếu nữ trong tranh một vẻ đẹp kín đáo nhưng rất đỗi đằm thắm, dịu dàng.

            Có thể khẳng định họa tiết hoa sen trên băng dài kết hợp với nhiều họa tiết khác tạo thành tổ hợp hoa văn mà dựa vào đó ta có thể thấy rõ phong cách từng thời. Nếu băng cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, dài mập đều đặn, chau chuốt là thuộc phong cách trang trí gốm thời Lý. Phong cách thời Trần thì cánh sen bản dẹt, đầu cánh tròn trên mặt cánh lại xuất hiện cả mặt nhẫn. Đặc biệt là hoa sen trên phù điêu như các băng cánh sen, chạm khắc nổi trên vai ấm, thạp liễn, đĩa sen, chân đế lọ, hộp, tầng đế tháp. Nghệ thuật gốm thời Lý và Trần thể hiện một bước tiến đặc biệt trong lịch sử gốm cổ và giữ vị trí rất quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam, đạt đỉnh cao trong cách thức tạo dáng và hoa văn trang trí rất phong phú.

            Mỹ thuật hiện đại Việt nam đã được kế thừa từ nền mỹ thuật truyền thống rất nhiều di sản quý báu và độc đáo. Hình tượng hoa sen trong mỹ thuật cổ hàm chứa cả tính triết lý, tính tư duy và tính thẩm mỹ dân tộc. Rất nhiều thế hệ họa sỹ đã đạt được thành công nhờ biết cách khai thác vốn cổ một cách có chọn lọc, sáng tạo. Các tác phẩm của họ vừa mang đậm tính dân tộc, vừa mang hơi thở của nhịp sống hiện đại đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao trong cuộc sống hội nhập với xu thế phát triển của thế giới.

Tài liệu tham khảo

1. Chu Quang Trứ (2001), Mỹ thuật Lý - Trần Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

2. Hoàng Minh (2001), Hoa văn trang trí thông dụng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Triệu Thế Hùng, Hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình thời Lý, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 294), Hà Nội.

4. Nguyễn Du Chi (2002), Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

5. Trần Lâm Biền(2011), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuậtnghệ  trình nghghệ thuật