Nội san

Giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa đọc của sinh viên các trường đại học, cao đẳng

21 Tháng Mười Hai 2017

                                                                            Trần Thị kim Huệ  [*]

 

Đọc sách là một hoạt động văn hóa ở tầm cao của con người, không chỉ để giải trí mà còn để nâng cao kỹ năng sống. Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, có trí tuệ hơn, cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn và cũng góp phần mang lại cho cộng đồng dân tộc một sức mạnh trí tuệ trong công cuộc  xây dựng và phát triển của đất nước.

            Đối với sinh viên, văn hóa đọc có vai trò vô cùng quan trọng tạo góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu và thu nhận kiến thức cả về thời gian và phương thức. Văn hóa đọc hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, giúp cho sinh viên tự học, phát triển óc tư duy và sáng tạo rèn luyện kỹ năng học tập và tính độc lập trong quá trình học của sinh viên. Vì vậy, cần có những giải pháp để nâng cao quản lý văn hóa đọc, cụ thể như sau:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức về văn hóa đọc

            Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, có tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, xã hội của các quốc gia nói chung và của Việt Nam ta nói riêng. Quá trình này, một mặt tạo cơ hội, tạo thuận lợi cho sự giao thoa văn hóa khác nhau, của các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới, tạo cơ hội nhiều sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng, tiến bộ hơn và hiện đại hóa các nền văn hóa. Bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức và cạnh tranh nhiều hơn, nhiều nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, coi nhẹ những giá trị văn hóa, hay những nét đẹp truyền thống dân tộc. Trong đó, một kênh quan trọng để tiếp thu thông tin cập nhật, tinh hoa thế giới, văn hóa các nước, để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu học tập, mang lại thành công và hiệu quả cao trong công việc, đó chính là sách và đọc sách. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sách, của việc đọc sách cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung, cho sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nói riêng.

Đối với sinh viên, các trường nên thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức và phát triển văn hóa đọc; khuyến khích họ tham gia nghiên cứu khoa học, hoặc có sáng kiến, sáng tạo trong quá trình học tập. Thông qua việc tìm tòi tài liệu, thu thập và xử lý thông tin, sinh viên dần dần hình thành thói quen đọc, thói quen đến thư viện.

Thứ hai là xây dựng hệ thống văn bản quản lý văn hóa đọc

            Xây dựng các hệ thống văn bản quản lý văn hóa đọc là một bước cần thiết và cấp bách trong việc tạo nền tảng cho một quá trình quản lý hoạt động văn hóa đọc, tạo nên sự thống nhất trong quản lý, giúp việc quản lý, kiểm tra, giám sát, hiệu quả thực hiện để được thuận lợi để nâng cao chất lượng văn hóa đọc.

Các trường đại học, cao đẳng cần xây dựng văn bản về bộ máy tổ chức quản lý văn hóa đọc, quy định cụ thể các chức năng nhiệm vụ, quyền lợi và trách nhiệm của từng bộ phận cụ thể. Ngoài ra, nhà trường cần xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn đọc sách như: kỹ năng đọc, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin.

Bộ phận thư viện cần xây dựng các nội quy, quy định, các văn bản mượn, trả sách báo, hướng dẫn khai thác  cũng như sử dụng thư viện một cách có trình tự và hiệu quả. 

Thứ ba là tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý

Trang bị cơ sở vật chất và áp dụng thế mạnh của công nghệ thông tin

            Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có môi trường học thuận lợi thì cơ sở vật chất là một nhân tố vô cùng quan trọng. Do vậy, cần xây dựng hệ thống phòng đọc hiện đại, có kết nối internet để sinh viên tra cứu bằng điện tử nhằm tiếp nhận và xử lý thông tin được nhanh hơn; Bổ sung tài liệu, giáo trình, sách chuyên ngành cho hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên. Nếu có thể, trong phòng đọc nên trang trí các tác phẩm nghệ thuật để sinh viên được vừa thư giãn vừa tự nâng cao nhận thức về thẩm mỹ.

Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý

Người cán bộ quản lý phải có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách. Hàng năm, cán bộ quản lý phải bồi dưỡng tập huấn và tham gia các khóa đào tạo về năng lực quản lý trong và ngoài nước. thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo có tính chất định hướng và phát triển cũng như quản lý hoạt động văn hóa đọc. Với cán bộ Thư viện, là người có nhiệm vụ quan trọng cho hiệu quả văn hóa đọc của sinh viên, họ là người thu thập, xử lý, bảo quản, giới thiệu và cung cấp nguồn thông tin cho sinh viên, để sinh viên có thể sử dụng được tất cả các dịch vụ của Thư viện. Để thực hiện được những điều này, cán bộ thư viện cần luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, nắm bắt những công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ cho quá trình xử lý thông tin và hướng dẫn sinh viên tra cứu tài liệu bằng Thư viện điện tử.

Thứ tư là tăng cường tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc

            - Thông qua các loại hình nghệ thuật để tổ chức quản lý hoạt động đọc

            Ngoài việc đọc để nghiên cứu giáo trình, tài liệu trên giảng đường, cần hướng cho sinh viên quan tâm tới việc đọc qua các buổi tham quan triển lãm tác phẩm nghệ thuật, biểu diễn các loại hình nghệ thuật. Qua đó cũng giúp sinh viên nâng cao tay nghề, thêm yêu nghề mà mình đã lựa chọn. Tùy đối tượng sinh viên mà tổ chức các loại hình nghệ thuật khác nhau, ví dụ:

            + Đối với sinh viên ngành Âm nhạc: tổ chức các cuộc thi âm nhạc, các buổi biểu diễn nghệ thuật……

             + Đối với sinh viên ngành Mỹ thuật:  tổ chức các cuộc thi vẽ,  tổ chức các buổi triển lãm, tham quan triển lãm và tổ chức cho  sinh viên  đi thực tế.

            + Đối với ngành Quản lý Văn hóa: tổ chức cho sinh viên tham gia các lễ hội văn hóa của tỉnh tổ chức như: Lễ hội cà phê hàng năm, lễ hội đua voi, lễ hội cồng chiên…. Tham quan thực tế các hoạt động của các thiết chế văn hóa.

            - Tổ chức, quản lý hoạt động đọc thông qua Thư viện:

            Tuyên truyền cho sinh viên nhận thức tầm quan trọng của việc đọc sách để hình thành thói quen đọc, qua đó giáo dục và hình thành nhân cách,  khuyến khích đọc, tạo nền tảng quan trọng trong việc tự học, học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng con người mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa; hưởng ứng ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) để tôn vinh sách, tác giả, tác phẩm, tôn vinh những người làm việc ở lĩnh vực xuất bản, phát hành, thư viện và tuyên truyền tới công chúng..

            Với thực trạng sinh viên lười đọc sách như hiện nay, việc mở rộng các loại hình Thư viện giúp đưa sách tới gần sinh viên, hình thành thói quen đọc sách trong sinh viên là một hoạt động mới tích cực.

Thứ năm là xây dựng thói quen đọc sách cho sinh viên

Với sinh viên, để định hướng được nhu cầu và thói quen đọc, cần giúp sinh viên biết chọn lọc nội dung tài liệu họ cần đọc, phù hợp cho nhu cầu của bản thân, biết lĩnh hội nội dung đã đọc, biết vận dụng các kỹ thuật đọc, quan sát và ghi chép, hệ thống nội dung để vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đọc được.

            Hiện nay, để nâng cao chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo đại học, cao đẳng đã được đổi mới, từ phương pháp đào tạo theo niên chế, sang tín chỉ. Vì thế, phương pháp học tập của sinh viên cũng phải thay đổi theo. Đào tạo theo tín chỉ sinh viên phải chủ động tìm tài liệu, chủ động đọc tài liệu trước khi lên lớp. Đây chính là phương pháp học tập chủ động, tích cực, lấy người học làm trung tâm, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành và tự học. Vậy, xây dựng thói quen học tập tích cực, chủ động và tự giác là mục tiêu của hoạt động đổi mới giáo dục và môi trường học tập. Giải pháp chung đó chính là tạo thói quen đọc sách cho tất cả mọi người nói chung, cho sinh viên nói riêng, thì sẽ chủ động học tập, nghiên cứu và rèn luyện bản thân mỗi người.

            Tóm lại, việc quản lý và nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên trong các trường đại học cao đẳng là một trong những điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng chuẩn đầu ra, giúp cho các giảng viên, dặc biệt là sinh viên đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2002), Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện kèm Nghị định 72/2002/NĐ-CP.

2. Thủ tướng Chính phủ (2009), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 581/QĐ-TTg.

3. Như Thủy (2006), “Văn hóa đọc trong xu thế phát triển mạnh mẽ của văn hóa nghe nhìn”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, (số4).

4. Lê Mộng Đài Trang (2007), Nghiên cứu phát triển văn hóa đọc cho học sinh phổ thông bậc trung học cơ sở tỉnh Cà Mau, Luận văn thạc sĩ khoa học thư viện, trường Đại học Văn hóa, Hà Nội.

5. Trường Cán bộ quản lý thông tin (2011), Tập bài giảng bồi dư­ỡng kiến thức quản lý văn hóa, thể thao, du lịch.

6. Trung tâm Thông tin - Thư viện (2013), Kế hoạch ngày Hội đọc sách.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - chuyên ngành Quản lý Văn hóanghệ  trình nghghệ thuật