Tin tức – Sự kiện

Nghệ thuật tạo hình trang trí gốm hoa nâu thời Trần

22 Tháng Mười Hai 2017

                                                         Mai Thị Diệp [*]

 

Triều đại nhà Trần bắt đầu từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XIV (1226- 1400) là một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh nhất nước ta. Thắng lợi huy hoàng của ba cuộc chiến đấu chống quân Nguyên-Mông có tầm quan trọng tới sự tồn tại và phát triển của dân tộc, đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần và văn hóa nghệ thuật của người dân Việt.

Nếu như mỹ thuật thời Lý được đánh giá là tinh vi, trau chuốt, trang nghiêm, thì mỹ thuật thời Trần lại có phong cách khoáng đạt, đơn giản, khỏe khoắn, muốn vươn thoát  khỏi khuôn khổ lễ nghi, thể hiện cảm xúc chân thật. Được thừa hưởng những tinh hoa nghệ thuật của thời Lý, kết hợp với tinh thần hào khí Đông A quật cường đã tạo nên một nền nghệ thuật đặc sắc với nhiều thành tựu độc đáo, trong đó có nghệ thuật Gốm.

Gốm là những sản phẩm làm từ đất sét, có thể tráng thêm lớp men và được nung qua lửa mà tạo thành những sản phẩm trang trí hoặc đồ gia dụng. Gốm đất nung, gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm men nâu… đều được xuất hiện trong thời kì này. Nhưng nổi trội trong các loại gốm, thời Trần đánh dấu mốc sự phát triển thăng hoa về gốm hoa nâu với nhiều sản phẩm và hoa văn trang trí đa dạng.

 “Gốm hoa nâu là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các loại sản phẩm tráng men trắng ngà và trang trí chủ yếu bằng hoa văn màu nâu”[1,tr 66] là loại gốm độc đáo rất phổ biến trong thời đại nhà Trần. Gốm hoa nâu có dáng to khỏe, phóng khoáng, cốt gốm dầy dặn, chất gốm thô xốp hơn gốm men ngọc, phủ ngoài một lớp men màu trắng ngà hay vàng nhạt.

                                 Kết quả hình ảnh cho thạp gốm hoa nâu thời trần

H1.Thạp gốm trang trí hoa dây và chim - [Nguồn bảo tàng lịch sử Việt Nam]

 

Mỗi một loại gốm đều có đặc điểm và kĩ thuật chế tác khác nhau, tạo nên những vẻ đẹp riêng. Song đúc kết lại, gốm hoa nâu có các kỹ thuật trang trí chính, đó là:  đắp nổi, khắc chìm và tráng men. Các sản phẩm gốm có màu men trắng ngà tô họa tiết màu nâu, hoặc nền nâu, họa tiết màu trắng. Màu nâu được lấy từ đá son, đá thối, gỉ sắt, và phù sa mang hàm lượng sắt cao. Các họa tiết trang trí chủ yếu sử dụng kĩ thuật khắc chìm lên thân sản phẩm. Trong giai đoạn này, gốm Việt Nam xuất hiện kĩ thuật tô màu lên các họa tiết trang trí, mặc dù màu sắc còn hạn chế. Sau khi đã hoàn chỉnh xương đất và tráng một lớp men, người thợ dùng vật nhọn vẽ họa tiết bằng nét lên thân gốm, sau đó mới dùng màu nâu tô lên đó rồi đem nung. Cũng có thủ pháp thứ hai đó là tạo hoa văn bằng nét chìm rồi cạo lớp men phủ lên hình hoa văn, và sau đó dùng bút tô màu nâu lên. Ngoài ra, gốm hoa nâu còn có những kĩ thuật đắp nổi, chạm lộng lên những chi tiết ở phần phụ sản phẩm. Khi nguyên liệu màu nâu trở nên dư thừa hơn, gốm hoa nâu chuyển thêm sang giai đoạn mới là tráng men màu nâu lên toàn bộ sản phẩm chứ không phải tô nữa. Một số những cổ vật tìm được trong giai đoạn này là chiếc bát có hình hoa thị ở dưới đáy. Điều đáng chú ý ở đây chính là hình hoa đó được vẽ trực tiếp bằng bút lông. Như vậy, đây là bước đầu có một kĩ thuật mới đó là vẽ thay vì tô màu như trước đó. Nó đánh dấu một thời kì phát triển mới trong nghệ thuật trang trí gốm.

Gốm thời Trần tiếp nối tinh hoa từ gốm thời Lý. Vẫn là những họa tiết về tứ linh, về hoa lá, muông thú, con người, về thiên nhiên, song hoa văn thời Trần toát lên vẻ giản dị, thô mộc nhưng rất duyên. Chúng ta đã biết, nghệ thuật thời Lý được đánh giá là chau chuốt, trang nghiêm, quy phạm thì đến thời Trần chúng ta lại cảm thấy khoáng đạt, khỏe khoắn và đơn giản hơn. Về cơ bản, những hoa văn trang trí trên gốm thời kì này như hoa lá, động vật...đều được đơn giản hóa và cách điệu cao. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất đó là nó mang tính hiện thực. Những bông hoa sen, hoa cúc không chỉ có tạo hình nghiêng, đăng đối nữa, mà nó được thể hiện với nhiều bố cục, có khi là cả khóm hoa với đầy đủ lá, hoa, nụ. Hay như hình tượng của con người, của muông thú cũng hiện ra với những hoạt động như chiến đấu, luyện tập võ nghệ, gánh nước hổ voi đuổi nhau, cò bắt cá… Tất cả những họa tiết được hiện ra theo cảm nhận của người vẽ về cuộc sống, về thiên nhiên một cách sống động.

Dáng gốm thường dầy dặn, to mập, chắc khỏe nhưng lại kết hợp với họa tiết trên thân gốm khá thoáng, mềm mại uốn lượn tạo nên vẻ đẹp giản dị nhưng không thô kệch.

                                 http://baotanglichsu.vn/Uploaded/image/data%20Hung/thang%201%20nam%202015/gom%20hoa%20nau%20dong%20gom%20tieu%20bieu%20thoi%20tran%20luu%20giu%20tai%20bao%20tang%20quoc%20gia/13.jpghttp://baotanglichsu.vn/Uploaded/image/data%20Hung/thang%201%20nam%202015/gom%20hoa%20nau%20dong%20gom%20tieu%20bieu%20thoi%20tran%20luu%20giu%20tai%20bao%20tang%20quoc%20gia/15.jpg

                                                     2                                       3

H2,3. Thạp trang trí đấu sĩ và voi- [Nguồn bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Có thể nói, từ kĩ thuật trang trí gốm thời Lý, gốm thời Trần vận dụng và sáng tạo hoa văn dựa trên chính tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, tình cảm chân chất và ước mơ trong sáng của họ.

Các họa tiết trên gốm thời Trần thể hiện những chủ đề rất thân thuộc với người Việt. Đó chính là hình ảnh của cuộc sống hàng ngày, nên khi vẽ lên mặt gốm, họ không hề sao chép vụng về mà dựa vào trí nhớ, bắt lấy cái thần của sự vật bằng nét điển hình, chọn lọc,  đó chính là tính cách điệu cao. Hoa và động vật chủ yếu được nhìn dưới hai góc độ: nghiêng và chính diện từ trên xuống. Chính thế có thể chọn lọc ra đặc điểm bao quát, trình bày dưới dạng đơn giản nhất mà vẫn đảm bảo tính đặc thù và trang trí cao. Các họa tiết hoa lá chim muông được diễn tả một cách chân thật, giản dị và rõ ràng. Có thể dễ nhận thấy từ cách nhìn đó đã hình thành nên các quy tắc đăng đối qua trục, nhắc lại của nghệ thuật trang trí.

                                                                    Kết quả hình ảnh cho thạp gốm hoa nâu thời trần

H4.Thạp gốm vẽ hoa dây và người chèo thuyền

[Nguồn bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Gốm thời Trần còn trang trí kết hợp hình khối của điêu khắc với đường nét và màu sắc của hội họa. Gốm thời kì này khá ít màu, do vậy những nét khắc chìm trên thân gốm rất linh hoạt, lúc to, lúc nhỏ, cạnh thẳng, cạnh nghiêng, nét nông, nét sâu, tự do, phóng khoáng kết hợp với màu tô chỗ dầy mỏng không đều nhau tạo vẻ đẹp linh hoạt, sống động cho sản phẩm.

Hình vẽ trang trí thiên về gợi ý hơn là sao chép. Một khoảng không trên đầu các võ sĩ, người ta nhận ra đó là khoảng trời. Hay vài cành lá cho ta tưởng tượng ra con hươu đang đi trong rừng.  Đó chính là không gian ước lệ, không câu nệ vào tỉ lệ thực, mà chỉ diễn đạt sao cho thuận mắt.

Bố cục được thể hiện nhiều kiểu khác nhau: tự do, thoáng, họa tiết được quy thành những mảng lớn sắp xếp theo đường lượn, có chính phụ, to nhỏ rõ ràng. Mảng và đường nét cân đối, mô típ giản lược cao độ, không rườm rà. Một số những dạng bố cục là: bố cục thành dải bao quanh sản phẩm, bố cục thành ô dọc trên thân gốm, có thể là hoa văn nhắc lại hoặc xen kẽ nhau, ngoài ra còn kết hợp với dạng bố cục phức tạp trong các họa tiết hoa lá liên kết dây nối dây, cành nối cành trông rất đẹp mắt.

Về màu sắc thì có rất ít, chủ yếu là trắng ngà trên thân sản phẩm và màu nâu trên họa tiết ở gốm hoa nâu (hoặc ngược lại), song có sự kết hợp về bố cục, mảng và đường nét linh hoạt, men đọng chỗ dày chỗ mỏng nên tạo nhiều sắc độ trên một nền màu chung, tạo vẻ đẹp giản dị, nồng hậu, gần gũi cho cho gốm Trần.

Hoa lá là đề tài trang trí phổ biến của gốm thời Trần. Chủ yếu được trang trí trên các sản phẩm gốm tráng men, những đồ gia dụng như bát,đĩa, liễn, lọ, thạp… rồi các sản phẩm xây dựng như gạch, ngói…với họa tiết hoa cúc, hoa sen, hoa chanh, hoa thị.Trong đó họa tiết hoa cúc và hoa sen cách điệu có nhiều mẫu đẹp, độc đáo.

Hoa sen đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt, nên không lấy gì làm lạ khi họa tiết hoa sen lại rất phổ biến như vậy. Hoa sen trên gốm thời Trần được vẽ với nhiều hình dạng và trạng thái khác nhau.

Bông sen có nhiều cánh cách điệu, đăng đối sang hai bên với lối nhìn nghiêng. Hoa sen nhìn từ trên xuống thấy trọn gương sen và các hạt, các lớp cánh cách đều, nhiều lớp, so le với nhau. Hoa văn hoa sen kết hợp hoa cúc, trong đó hoa sen cách điệu kết hợp với những vòng dây lá. Ở loại đồ án này, hoa sen theo kiểu bổ dọc nhìn nghiêng, nhưng độ nghiêng hơi chếch để có thể nhìn thấy gương sen với một số hạt. Các cánh sen dài, cong, vòng ôm trọn lấy phần trên của gương sen. Lá là hình hài của hoa cúc. Họa tiết mang tính cách điệu khá cao, có bố cục cân đối, đơn giản nhưng vẫn lột tả được vẻ đẹp của hoa sen.

Hoa văn bố cục cả cụm sen bao gồm hoa, lá, nụ đứng thành khóm rất tự nhiên.Trong đó, hoa sen chủ yếu được nhìn trong bố cục nghiêng với các cánh cách điệu, đăng đối với nhau. Lá sen cái nhìn nghiêng, cái nhìn chính diện từ trên xuống với nhiều chi tiết gân lá theo đúng cấu trúc lá sen. Cành sen cái thẳng, cái nghiêng, cái cong xuống phía dưới báo hiệu sắp héo tàn. Có bố cục còn điểm xuyết thêm cây cỏ, sóng nước trông thật tự nhiên và sinh động.

                                                                       http://baotanglichsu.vn/Uploaded/image/data%20Hung/thang%201%20nam%202015/gom%20hoa%20nau%20dong%20gom%20tieu%20bieu%20thoi%20tran%20luu%20giu%20tai%20bao%20tang%20quoc%20gia/12.jpg

H5. Chum khắc trang trí khóm sen - [Nguồn bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Ngoài hoa lá, hoa văn động vật cũng được mô tả rất sinh động với nhiều loài và nhiều động tác khác nhau trên gốm thời Trần. Hoa văn động vật thường được kết hợp với các dạng hoa văn khác như hoa lá hay con người với các hoạt động mang tính hiện thực. Hình vẽ các loài động vật ở đây chủ yếu được vẽ theo bố cục nhìn nghiêng với đầy đủ các đặc điểm giống loài kết hợp với các tư thế phù hợp với nội dung trang trí trên gốm.

 Hoa văn loài chim thể hiện khá nhiều loài chim khác nhau: chào mào, cò, gà, vẹt,…Mô tả chú chim đang đi, cúi đầu tìm kiếm thức ăn với đặc điểm hình dáng tương đối thực, hay chú gà chọi kiếm ăn đang ngậm được con mồi.

 Hoa văn hình ngựa thể hiện chú ngựa đang chạy rất nhanh, hai vó chi trước tung vào không trung, đầu lao về phía trước, hai chân sau tung về phía sau. Trên có yên ngựa cho thấy đây là ngựa dùng để cưỡi. Cũng có những họa tiết ngựa có người cưỡi đi rất thong dong.

Hoa văn hình voi diễn tả chú voi với dáng tương đối thực đang đi, có những tấm thảm phủ lên thân voi. Cũng có hình dạng voi xung trận với những chiến sĩ ở trên mình voi.

 

                                         http://baotanglichsu.vn/Uploaded/image/data%20Hung/thang%201%20nam%202015/gom%20hoa%20nau%20dong%20gom%20tieu%20bieu%20thoi%20tran%20luu%20giu%20tai%20bao%20tang%20quoc%20gia/8.jpg

                                                               5                                 6

H6,7. Thạp gốm trang trí hình voi và ngựa

[nguồn bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Con người trên gốm thời Trần được thể hiện rất hiện thực, sinh động và phong phú về cuộc sống. Có bố cục hình người đơn lẻ, bố cục hai người, hay bố cục cả một nhóm người, tất cả đều nhìn trong tư thế nghiêng với những nét đơn giản và mộc mạc kết hợp với các họa tiết cây cỏ hoặc động vật. Họa tiết diễn tả về các hoạt động thường nhật của con người với lối nhìn ước lệ, khoáng đạt và mang tính hiện thực.

 VD: Hình người múa khiên với nhiều nét cách điệu. Tay trái cầm khiên, tay phải cầm kiếm với thế đứng chiến đấu

Hai người đấu kiếm, luyện tập võ nghệ với các động tác rất thực thể hiện tinh thần thượng võ.(H2,3)

Con người với những hoạt động như săn bắn, ghánh nước, rước lễ thành những nhóm dài nối nhau vòng quanh thân gốm.

                                                    Kết quả hình ảnh cho thạp gốm hoa nâu vẽ người

               H8.Thạp gốm trang trí hình người – [nguồn bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Các họa tiết mây sóng nước trên gốm chủ yếu dùng để bổ trợ cho những dạng họa tiết khác. Các họa tiết này mang tính cách điệu cao, có thể lặp đi lặp lại thành một đường diềm hoặc kết hợp nhiều nét đồng dạng với nhau với nhiều biến thiên lên xuống mềm mại tạo vẻ đẹp bay bổng, ổn định, cân bằng cho bố cục.

Nghệ thuật gốm hoa nâu thời Trần mang vẻ đẹp chân thực, mộc mạc với những hoa văn trang trí thể hiện cuộc sống, thiên nhiên, con người nhưng không kém phần duyên dáng, tinh tế và độc đáo. Nó là một điểm sáng, một dấu mốc khẳng định lịch sử phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam. Bảo tồn và phát huy vốn cổ, đó là điều hết sức cần thiết để nền văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những điều thiết thực khi gìn giữ và phát huy giá trị tạo hình của hoa văn trên gốm thời Trần là đưa vào trong các bài học trang trí của sinh viên các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, trong đó có Thiết kế Thời trang. Ứng dụng vốn cổ dân tộc lên trang phục là điều mà bấy lâu giới thời trang quan tâm thể nghiệm. Các bài tập trang trí sử dụng họa tiết trên gốm thời Trần sẽ là nguồn tư liệu quý giá hình thành nên các ý tưởng thiết kế trang phục sau này.

 Mặc dù hiện tại gốm hoa nâu không phổ biến trên thị trường, nhưng những giá trị nghệ thuật mà nó mang lại vẫn là một niềm tự hào của người dân Việt.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Trần Khánh Chương (2001),Gốm Việt Nam từ đất nung đến gốm sứ, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2.  Nguyễn Du Chi (2011), Hoa văn Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc.

3.  Chu Quang Trứ (2001), Mỹ thuật Lý – Trần, Nxb Mỹ thuật

4. Trương Minh Hằng (2011), Văn hóa gốm của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Khoa học Xã hội

5.  Trần Lâm Biền (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, tạo chí văn hóa nghệ thuật.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuậtnghệ  trình nghghệ thuật