Nội san

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Ê ĐÊ tại xã DRAY BHĂNG, huyện CƯ KUIN, tỉnh ĐẮK

26 Tháng Mười Hai 2017

Nguyễn Đức Hanh [*]

 

Tộc người Ê đê là một trong những tộc người bản địa có nền văn hóa truyền thống đặc sắc của Đắk Lắk. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống ấy ngày càng có nhiều sự biến đổi, cả về yếu tố tích cực và tiêu cực. Thêm nữa, những năm gần đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk nói chung, tộc người Ê đê ở xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn. Do đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đang là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục lâu dài. Công tác quản lý định hướng phát triển bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số nói riêng là nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân về bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời tạo nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, trong thời gian tới chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp về cơ chế chính sách, về công tác quản lý nhà nước cũng như về vai trò tự quản trong cộng đồng cư dân.

1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

1.1. Hoàn thiện các văn bản quản lý

Đề xuất tỉnh ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, bảo tồn di sản văn hoá theo hướng du lịch - dịch vụ… Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cần huy động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, nhân dân, cộng động dân cư để công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ đạt được kết quả cao.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết của trung ương về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; đưa công tác này vào các chương trình công tác của tỉnh, của các ngành, các địa phương; tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 đến đồng bào các dân tộc nói chung, trong đó có đồng bào Ê đê nói riêng.

Cần có chính sách hỗ trợ, thu hút, ưu đãi cán bộ, các nhà khoa học có trình độ, năng lực nghiên cứu di sản văn hoá đến với Đắk Lắk nói chung, huyện Cư Kuin nói riêng.

Thực hiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa nói chung, đáp ứng một phần nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị của tỉnh.

Chú trọng thường xuyên và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ. Kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, đề án, kế hoạch về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ, hướng tới sự đoàn kết và phát triển trong xã hội cũng như kinh tế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người dân tộc tại chỗ. Tổ chức hoạt động giao lưu, giới thiệu, quảng bá để nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu được những giá trị của di sản, các giá trị văn hóa truyền thống của các các dân tộc tại chỗ, nhằm góp phần phục vụ du lịch, tạo ra một lượng công chúng đông đảo đến với văn hóa, giúp cho các di sản văn hóa được bảo tồn bền vững.

1.2. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn tài chính, nguồn nhân lực

Quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở để cộng đồng dân tộc thiểu số có nơi sinh hoạt, tổ chức các lớp trao đổi kiến thức, kỹ năng sản xuất, cũng như tổ chức các lễ hội văn hóa, các hoạt động thể dục, thể thao cơ sở.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Tỉnh ủy Đắk Lắk cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 26/8/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó chú trọng các mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ như: Xây dựng văn hóa, con người Đắk Lắk phát triển toàn diện, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống hướng đến chân - thiện - mỹ; Tập trung xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại chỗ; từng bước hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; làm cho văn hóa thấm sâu đến từng người, từng nhà, từng gia đình và cộng đồng, xã hội; thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm phối hợp triển khai, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ, trong đó, hàng năm quan tâm bố trí kinh phí cho sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là văn hóa cơ sở.

Cử cán bộ chuyên môn về cơ sở để hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng các chương trình văn nghệ quần chúng, tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nhằm từng bước củng cố và phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa tại cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công tác văn hóa tại cơ sở, nhất là cán bộ văn hóa là người đồng bào dân tộc tại chỗ về tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bon bản, điều hành các lễ hội, tổ chức khôi phục các lớp chế tác nhạc cụ truyền thống, lớp cồng chiêng nâng cao, … nhằm phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng dân tộc thiểu số tại chỗ.

Chăm lo cho đời sống vật chất cho các nghệ nhân có nhiều cống hiến trong công tác bảo tồn, định kỳ tổ chức xét chọn và đề nghị cấp thẩm quyền công nhận các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân đối với nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk.

2. Nhóm giải pháp quản lý nhà nước về văn hóa

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, tạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội, giữa ngành văn hóa với các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển sự nghiệp văn hóa. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các đơn vị trong ngành văn hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa.

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh, đưa các hoạt động văn hóa, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm, dịch vụ văn hóa tuân thủ đúng những quy định của pháp luật.

Kinh nghiệm tạo sự thành công cho việc hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về văn hóa là vấn đề cơ chế tuyển dụng. Bằng cấp là cần thiết để minh chứng cho những người đã qua đào tạo, song thực chất năng lực chuyên môn mới là quan trọng. Vì vậy, Đắk Lắk cần xây dựng cơ chế tuyển dụng sao cho tuyển được người tài, hạn chế được đến mức tối đa các biểu hiện tiêu cực trong tuyển dụng.

Tổ chức các cuộc thi, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân tộc; tổ chức đào tạo cán bộ nghiên cứu là người dân tộc tại chỗ; tổ chức giao lưu với các tỉnh, khu vực và quốc tế… Đẩy mạnh công tác nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể, sưu tầm có hệ thống, tránh trùng lặp, lãng phí.

Tổ chức kiểm kê, bảo quản và trưng bày các hiện vật về lịch sử, về văn hóa mẫu hệ, cồng chiêng, trang phục, ẩm thực, voi, lễ hội… có kế hoạch lưu giữ hiện vật trong dân. Mỗi hiện vật phải có lý lịch gốc.

Duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, gốm, tượng gỗ, chế tác nhạc cụ, rượu cần…). Định kỳ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống ở cơ sở như: Ngày hội Văn hóa Cồng chiêng; Liên hoan dân ca dân vũ; Thi dệt thổ cẩm; Thi chế tác nhạc cụ dân tộc; Thi ẩm thực dân tộc; Giao lưu buôn vui chơi, buôn ca hát …; gắn với sự kiện lịch sử của tỉnh; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa lịch sử mang tầm khu vực và quốc tế. Thông qua đó mà tôn vinh văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, giúp đồng bào có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển chữ viết của tộc người Ê đê gồm từ điển, sách học song ngữ, khuyến khích học tiếng dân tộc, các sáng tác bằng tiếng dân tộc.

Xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa để có điều kiện bảo tồn và phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan (ma lai, tục nói dây) có hại đến di sản văn hóa dân tộc.

Phối hợp với các địa phương, các nghệ nhân trong toàn tỉnh tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu; đồng thời mở lớp truyền dạy diễn tấu chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc, phấn đấu đến năm 2020, 100% buôn đồng bào Ê đê đều có đội chiêng trẻ.

Thống kê một cách chính xác các nghệ nhân là đồng bào tộc người Ê đê, coi họ là bảo tàng nhân văn sống và có chính sách đối với các nghệ nhân này, những người đang nắm giữ trong trí nhớ nhiều di sản phi vật thể quý hiếm.

Chọn lọc xuất bản bằng song ngữ Ê đê - Việt các tác phẩm Khan (sử thi), Lời nói vần, Luật tục, Truyện cổ… xuất bản bộ sưu tập về văn hóa truyền thống tộc người Ê đê gồm: văn hóa cồng chiêng, sử thi, truyện cổ, luật tục, trang phục, nhạc cụ, kiến trúc, lễ hội.

3. Nhóm giải pháp về vai trò tự quản trong cộng đồng cư dân

Trong bối cảnh hiện nay, để củng cố, xây dựng và phát huy vai trò của thiết chế tự quản buôn làng Tây Nguyên theo hướng bền vững cần thực hiện các giải pháp một cách hệ thống, đồng bộ, thống nhất về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính:

Quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc của Đảng, bảo đảm nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng và tương trợ giữa các dân tộc. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của cấp uỷ, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng và những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển Tây Nguyên nói chung, trong đó có đồng bào dân tộc tại chỗ nói riêng theo hướng toàn diện, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Quyết định số 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010”.

Đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông, đặc biệt phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú học liên thông đến tốt nghiệp THPT, để có đủ học sinh dân tộc thiểu số cho đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tạo nguồn cán bộ cơ sở lâu dài và nâng cao dân trí cho người dân trong buôn làng.

Coi trọng bổ túc nâng cao kiến thức chuyên môn, quản lý nhà nước và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ thôn làng đương nhiệm. Đây là giải pháp quan trọng nhằm bổ túc kiến thức tối thiểu và cần thiết cho cán bộ cơ sở ở thôn, làng đang công tác. Các lớp bổ túc nên tổ chức tại cụm xã hoặc huyện, tránh tổ chức tại tỉnh để bảo đảm học viên có mặt đầy đủ và yên tâm học tập.

Tôn trọng và tôn vinh người có uy tín, có chính sách đặc thù cho đối tượng già làng Tây Nguyên. Những năm qua, Chính phủ đã có một số chính sách đối với già làng nói riêng và người có uy tín nói chung, nhưng chủ yếu vẫn dừng lại ở sự tôn trọng, tôn vinh mà chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp, thoả đáng, trong khi vai trò của già làng trong thiết chế tự quản buôn làng rất quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn vai trò của trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội.

Nâng cao vai trò, vị thế của buôn làng, coi mỗi buôn làng như một pháo đài để ổn định và phát triển. Muốn phát triển bền vững, trước hết phải ổn định lòng dân, ổn định xã hội và chính trị, là những vấn đề đang cần kíp ở Tây Nguyên. Tôn trọng và kế thừa những giá trị tốt đẹp trong xây dựng mô hình buôn làng vừa truyền thống vừa cách tân, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Cần cho buôn làng những quyền tự chủ, thậm chí chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho phương án chuyển buôn làng thành đơn vị hành chính cơ sở chứ không chỉ là đơn vị xã hội và cư trú như hiện nay.

Trong xu thế hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong nọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các buôn làng của người Ê đê cũng mỗi ngày mỗi biến đổi. Cùng với những ưu điểm của quá trình hiện đại hóa văn hóa thì vấn đề giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Ê đê cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi vậy, rất cần tăng cường quản lý bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, nâng cao và phát huy vai trò quản lý của nhà nước về văn hóa là rất cần thiết. Bên cạnh đó, đề cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống theo chúng tôi là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong nhiệm vụ quản lý văn hóa tại nơi đây.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Học viện hành chính Quốc gia (2004), Giáo trình Quản lý Nhà nước về văn hóa - Giáo dục - Y tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  3. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X (2001), Luật Di sản văn hóa Số 28/2001/QH10Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật của Luật Di sản văn hóa.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Báo cáo Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
  6. Tỉnh ủy Đắk Lắk (2014), Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 26/8/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
  7. Ủy ban Nhân dân xã Dray Bhăng (2017), Báo cáo Tình hình thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2016 và công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2017 - 2020.
  8. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk (2012), Chỉ thị số 06/2012/CT-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Về việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
  9. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk (2014), Quyết định số 3156-QĐ/UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ngày 29 tháng 12 năm 2014 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Đắk Lắk đến 2020 và định hướng đến năm 2030.
  10. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk (2015), Quyết định số 2591/QĐ-UBND ngày 9/11/2012 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Ban hành Kế hoạch thực hiện “Bảo tồn, phát huy di sản - Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2015”.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa