Nội san

Vai trò của âm nhạc và những yếu tố ảnh hưởng đến dạy học âm nhạc trong trường Trung học cơ sở

26 Tháng Mười Hai 2017

                                                                                                   Đỗ Hữu Sinh [*]

 

Âm nhạc không đơn thuần chỉ là giải trí mà âm nhạc còn có những chức năng giá trị khác, đặc biệt là “Chức năng giáo dục nhân cách và thẩm mỹ cho con người”. Các tác phẩm âm nhạc có giá trị sẽ giúp tâm hồn con người sống cao thượng, vị tha và giàu lòng nhân ái. Từ đó con người sống có ý nghĩa, có trách nhiệm, có ích đối với xã hội, với dân tộc và với chính mình.

Hơn bao giờ hết, hiện nay vấn đề thị trường hoạt động âm nhạc và giáo dục âm nhạc tại các trường phổ thông lại được đề cập rất nhiều bởi sự quan tâm xã hội, báo chí và những người làm công tác giáo dục âm nhạc.

Có thể nói, âm nhạc và văn hóa có mối liên hệ biện chứng với nhau, âm nhạc đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, vào sự nghiệp giáo dục đặc biệt là giáo dục làm người.

Việc dạy học âm nhạc ở các trường trung học cơ sở hiện nay chủ yếu mang tính  đối phó mà chưa phát huy được vai trò giáo dục nhân cách thật sự. Vì thế phần lớn thanh thiếu niên hiện nay rất hạn chế về khả năng thưởng thức âm nhạc, thích nghe những loại nhạc vô bổ, độc hại, lệch lạc về nhân cách. Từ đó dẫn đến lối sống thực dụng, sống vội, thiếu hoài bảo và thiếu lý tưởng. Điều này rất nguy hại cho tương lai của đất nước.

Trước thực trạng như thế, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục âm nhạc cần có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc trong nhà trường phổ thông, tăng cường giáo dục văn hóa âm nhạc là việc làm cần thiết và cấp bách.

  1. Sự cần thiết của âm nhạc và việc dạy học âm nhạc

 “Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, gồm âm thanh của giọng hát và âm thanh của các loại nhạc cụ” [2,tr.9].

Âm nhạc xuất hiện từ rất lâu đời, gắn bó mật thiết với con người suốt từ nhỏ đến lớn, cho tới khi qua đời. Loài người đã sử dụng âm nhạc như một phương tiện để làm cho đời sống tinh thần phong phú, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Âm nhạc là nghệ thuật thời gian có tính truyền cảm trực tiếp.

Âm nhạc có tính hấp dẫn, tính tập hợp, tính cổ vũ động viên, tính liên tưởng, sự hòa nhập cộng đồng và sự phát huy óc tưởng tượng sáng tạo.... Âm nhạc đem đến cho con người những khoái cảm thẩm mĩ, khả năng phổ cập, truyền bá của âm nhạc hết sức rộng lớn.

Xét về bản chất, âm nhạc thuộc về nghệ thuật biểu hiện, nó sử dụng âm thanh làm phương tiện, như một thứ ngôn ngữ riêng, tác động mạnh mẽ đối với tình cảm của con người. Âm nhạc thường không mô tả hiện thực khách quan như một số ngành nghệ thuật khác mà thường gợi lại qua sự liên tưởng mang tính ước lệ. Nội dung âm nhạc khó có thể phiên dịch sang ngôn từ. Mỗi người có thể cảm thụ tác phẩm âm nhạc mới một cách khác nhau với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là đối với âm nhạc không lời.

Âm nhạc có một số đặc trưng cơ bản như: “Tính truyền cảm trực tiếp; tính trừu tượng, tính thời gian” [2,tr.14;].

 “Dạy học là quá trình tác động qua lại giữa người dạy và người học nhằm giúp cho người học lĩnh hội những tri thức khoa học, kỹ năng hoạt động nhận thức và thực tiễn, phát triển các năng lực hoạt động sáng tạo, trên cơ sở đó hình thành thế giới quan và các phẩm chất nhân cách của người học theo mục đích giáo dục” [4,tr.139].

Dựa vào những khái niệm đã có (dạy học, âm nhạc) chúng tôi cho rằng: Dạy học âm nhạc là quá trình tác động qua lại giữa người dạy và người học nhằm giúp cho người học lĩnh hội những tri thức khoa học, kỹ năng hoạt động nhận thức và thực tiễn, phát triển các năng lực hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, trên cơ sở đó hình thành thế giới quan và các phẩm chất nhân cách của người học theo mục đích giáo dục nói chung và mục đích giáo dục âm nhạc nói riêng.

Qua khái niệm trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng:

Dạy học âm nhạc là một quá trình toàn vẹn, được cấu trúc bởi những thành tố cơ bản sau: Mục đích, nhiệm vụ dạy học âm nhạc; nội dung dạy học âm nhạc; phương pháp, phương tiện dạy học âm nhạc; hình thức tổ chức dạy học âm nhạc; kết quả dạy học âm nhạc. Vậy để nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc trong trường phổ thông thì phải chuẩn bị cho tốt những yếu tố cơ bản này.

2. Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy học âm nhạc và định hướng thẩm mỹ - nhân cách cho học sinh trong trường phổ thông

Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học âm nhạc trong trường phổ thông chính là: Năng lực giáo viên, năng lực học sinh, nội dung chương trình, phương tiện dạy học,…Theo tác giả Lê Anh Tuấn viết trong sách Phương pháp dạy âm nhạc ở tiểu học và trung học cơ sở, thì năng lực của giáo viên và học sinh trong dạy học môn âm nhạc như sau:

Năng lực của giáo viên âm nhạc: Mỗi giáo viên âm nhạc cần có hai mảng năng lực, đó là năng lực sư phạm (nghiệp vụ sư phạm) và năng lực chuyên môn (âm nhạc).

Năng lực sư phạm

Sư phạm nghĩa là người thầy khuôn thước, mẫu mực. Năng lực sư phạm là những năng lực mà mọi giáo viên đều phải có, dù để dạy bất cứ môn học nào. Tuy nhiên, môn học nào cũng có đặc thù riêng và giáo viên phải có những năng lực phù hợp với môn học đó. Học sinh là một trong những giám khảo tốt nhất để đánh giá về năng lực của giáo viên, các em thường quan tâm đến những biểu hiện nhân cách của thầy cô như: sự đồng cảm, lòng nhân hậu, tính nhẫn nại, khả năng tự kiềm chế, tính chân thật, nhiệt tình, sáng tạo và hài hước. Học sinh sẽ không bao giờ quên các thầy cô đã từng nhiệt thành giúp đỡ các em khi còn đi học, thậm chí còn muốn bắt chước cử chỉ và việc làm của những người đã dạy mình.

Những phẩm chất quan trọng của người giáo viên là tấm lòng trong sáng chân thật và tính khiêm nhường, thân thiện. Đó là người thầy không khoe khoang, không tô vẽ về bản thân, không dạy, không nói và làm những điều giả dối, biết lắng nghe và là chỗ dựa tin cậy của học sinh. Giáo viên phải là một tấm gương tốt cho học sinh, trong cả lời nói và hành động. Nếu muốn các em áp dụng những qui định nào đó, chính giáo viên phải áp dụng qui tắc này. Không có ai hoàn hảo, nhưng trước học sinh, giáo viên cần phải tốt hơn những gì bản thân họ có. ...[5,tr.23-25]

Năng lực âm nhạc

 Một giáo viên dạy âm nhạc có thể là người nhân hậu, thân thiện và chăm lo cho học sinh của mình. Nhưng đó không phải là yếu tố đảm bảo sự thành công trong nghề dạy học, nếu họ thiếu những năng lực về âm nhạc.

Hiểu biết kiến thức âm nhạc tổng hợp

Giáo viên cần nắm vững những kiến thức âm nhạc tổng hợp như: nhạc lí, lịch sử âm nhạc, phân tích tác phẩm, hoà âm,... Như vậy, có thể lí giải, phân tích các kiến thức trong phân môn Học hát, Nhạc lí, Tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức. ...[5,tr.31-32]

Năng lực âm nhạc của học sinh : Năng lực âm nhạc là một trong tám năng lực tư duy của con người. Đó là: năng lực tư duy (tính toán, phân tích, tổng hợp, nhận định…); năng lực ngôn ngữ (nói, viết, diễn đạt, thuyết trình...); năng lực biểu diễn (phát huy khả năng các bộ phận cơ thể); năng lực âm nhạc (tai nghe tinh nhạy, khả năng cảm nhận, diễn tả âm thanh); năng lực thị giác (vật thể, không gian); năng lực tương tác (biết phối hợp, phán đoán cảm xúc, có khả năng thuyết phục, ảnh hưởng cao); năng lực nội tâm (đời sống tinh thần phong phú, khả năng giữ cân bằng tốt); năng lực thiên nhiên (hiểu biết và sống hoà hợp với tự nhiên).

Học sinh trung học cơ sở được tiếp xúc với nhiều môn học, nhiều giáo viên, nhiều phương pháp dạy học khác nhau. Vì vậy, các em dần tách khỏi ảnh hưởng của một giáo viên, các em muốn mọi người coi mình là người lớn. Các em thường kết bạn ở trong và ngoài lớp, phù hợp với tính cách của mình, cũng như có nhận xét đánh giá, so sánh về các thầy cô giáo.[5,tr.6-7]

2. Nội dung dạy học âm nhạc

Nội dung dạy học âm nhạc phải phù hợp với bậc học, lứa tuổi. Nội dung âm nhạc phải xác định được mục tiêu rõ ràng, được phân bổ hợp lý cho từng cấp học, lớp học. Nội dung âm nhạc cũng phải có tính hệ thống và kế thừa và phát triển, mang tính hiện đại.

3. Phương tiện dạy học âm nhạc

Phương tiện dạy học âm nhạc bao gồm đồ dùng dạy học và thiết bị dạy học. Dạy học âm nhạc ở trường phổ thông phải có những phương tiện cần thiết, nếu thiếu chúng, hiệu quả việc dạy học sẽ rất hạn chế. Bên cạnh việc cho học sinh được nghe âm thanh, thưởng thức bài hát, bản nhạc, giáo viên cần tạo điều kiện để các em được xem tranh ảnh, video, phim âm nhạc..., điều đó gây được hứng thú học tập tích cực của học sinh. [5,tr.181]

Vậy để nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề ảnh hưởng trên thì việc dạy học âm nhạc ở trường phổ thông sẽ tốt hơn, tạo cho các học sinh được sự hứng thú học tập, phát huy tính tích cực học tập của học học sinh, thông qua đó giáo dục thẩm mỹ và nhân cách cho các em.

Tóm lại, việc đưa âm nhạc vào giáo dục là một việc hết sức cần thiết và quan trọng cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai tới. Những người dạy học, chịu trách nhiệm hướng dẫn và truyền tải nội dung, giá trị giáo dục thông qua âm nhạc phải luôn tìm tòi, học hỏi, nắm vững kiến thức về âm nhạc, hiểu được tâm lý học sinh và nhạy bén, tìm ra những phương pháp dạy mới mẻ, phù hợp với tâm lý các em, và bắt kịp thời đại. Như vậy, giáo dục mới đạt được hiểu quả tối ưu, hoàn thành được sứ mệnh cao cả là dẫn dắt và lái con thuyền tri thức đến đường vinh quang, tươi sáng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Xuân Hà (1990), Giáo dục thẩm mỹ và giáo dục nghệ thuật, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

2. Hoàng Long - Hoàng Lân (2010), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb  Đại học Sư phạm, Hà Nội

3. Nhiều tác giả (2003), Trao đổi về chương trình và sách giáo khoa âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Hội thảo khoa học, Viện nghiên cứu giáo dục TP. Hồ Chí Minh

4. Trần Thị Tuyết Oanh (2006) (chủ biên), Giáo trình Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội

5. Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy âm nhạc ở tiểu học và trung học cơ sở, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc