Nội san

Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Quản Bạ và những tiềm năng phát triển kinh tế

27 Tháng Mười Hai 2017

Nguyễn Tuấn Vũ[*]

 

Quản Bạ là huyện miền núi biên giới phía Bắc tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang 46km, là huyện cửa ngõ của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây được biết đến với danh thắng nổi tiếng là Núi Đôi, Cổng Trời, hang Khố Mỷ, động Lùng Khúy, đền Bình An… cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ, giống như Sa Pa hay Đà Lạt.

Huyện Quản Bạ có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông với gần 60% dân số, khoảng 14% là dân tộc Dao, dân tộc Tày chiếm 11%, còn lại là các dân tộc khác; đặc biệt Quản Bạ là địa phương duy nhất có dân tộc Bố Y.

Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt và các lễ hội lớn như: Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội Gầu tào dân tộc Mông... Ngoài nghề nông, họ còn có thêm thu nhập từ các nghề thủ công như: đan lát, dệt,  sản xuất nông cụ, mộc, làm đồ gốm,...; họ sống trong những ngôi nhà sàn, lợp gianh hoặc cọ với nét trang phục độc đáo, phụ nữ chít khăn mỏ quạ, chủ yếu là sắc chàm, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng, tay, cổ, chân bằng bạc. Cộng đồng dân tộc Tày Quản Bạ có một kho tàng về các loại thần thoại, truyện thơ, dân ca... và những làn điệu hát lượn, hát then.

Dân tộc Dao thôn Nặm Đăm thuộc nhóm Dao Chàm. Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm được du khách biết đến bởi những làn điệu dân ca, dân gian truyền thống như hát đối, hát giao duyên, hát đám cưới... cũng như các lễ hội tiêu biểu như lễ Cấp sắc, lễ cúng Cơm mới, lễ hội Cầu mùa... Tại đây du khách sẽ có dịp thưởng thức các món ăn dân tộc địa phương do người dân tự chế biến. Ngoài ra, người Dao ở đây còn có nghề thêu hoa văn trên trang phục dân tộc, tự may những bộ đồ với những nét hoa văn độc đáo được trang trí hài hoà trên quần áo của người phụ nữ, cùng với đồ trang sức bằng bạc như hoa tai, vòng cổ, vòng tay và khăn quấn đầu đã tạo nên sự duyên dáng khác biệt cho người phụ nữ dân tộc Dao.

Tuy nhiên, để mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại được bền chặt đầu tiên phải nói đến lợi ích kich tế, khi áp dụng loại hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm. Người Dao ở Nặm Đăm còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt truyền thống (những ngôi nhà trình tường mộc mạc, đậm nét văn hóa kiến trúc của đồng bào người Dao đã thu hút được rất nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với thôn. Khách du lịch không chỉ đến tham quan, ngắm cảnh, họ đến để ở và sinh hoạt luôn cùng với người dân, để thưởng thức không khí trong lành, hoặc cưỡi ngựa đi một vòng quanh thôn, trưa đến hoặc chiều về được cùng chuẩn bị, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào người Dao); khắp quanh thôn, hầu hết các gia đình không chuyên làm du lịch vẫn kê ra đôi ba bộ bàn ghế ra trước hiên để du khách có thể ghé qua và nghỉ ngơi…những dịch vụ này đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân ở Nặm Đăm.

Bên cạnh đó, để phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm, cần phải chú ý tới các mục tiêu:

Thứ nhất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa là các sản phẩm đến từ trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, nấu rượu của nhân dân trong thôn qua các hoạt động dịch vụ, du lịch: các lễ hội cúng cơm, cấp sắc, cầu mùa, các đêm giao lưu văn nghệ, dân ca truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa, lương thực, thực phẩm, dược liệu, sợi dệt, đồ cúng, trang phục, hoạt động cúng lễ... đều cần được duy trì tổ chức đảm bảo văn hóa truyền thống của người Dao thôn Nặm Đăm.

Thứ hai, phát triển kỹ năng giao tiếp cho nhân dân trong phục vụ khách du lịch. Văn hóa trong giao tiếp phát triển, nhân dân bớt rụt rè và sẽ tự tin hơn. Về ngôn ngữ cũng sẽ được cải thiện (trước đây, ít người biết tiếng phổ thông, chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ của dân tộc Dao, cho đến nay hầu như đã thành thục tiếng phổ thông, thậm chí còn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh).

Thứ ba, coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa, các tập tục, lễ hội, các làn điệu dân ca, ca dao của người Dao thôn Năm Đăm (vận động người già trong thôn truyền lại cho thế hệ trẻ tại các buổi giao lưu văn nghệ hằng đêm).

Thứ tư, áp dụng khoa học kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động du lịch, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất hàng hóa, đảm bảo công tác vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; định kỳ phát quang, quét dọn, vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, quét dọn nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, thu gom rác thải đúng quy định, tạo thói quen, lối sống, sinh hoạt phục vụ cuộc sống của người Dao và phục vụ phát triển du lịch.

Thứ năm, thực hiện phân chia hợp lý lợi ích kinh tế trong thôn đối với thu nhập từ các hoạt động du lịch cộng đồng (những hộ có nhiều đất đai, nhiều kinh nghiệm, tiếp cận với kiến thức phục vụ hoạt động du lịch nhiều hơn, sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn...).

Thứ sáu, du lịch cộng đồng người Dao thôn Nặm Đăm ra đời cùng với sự phát triển của du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, từ khi mới bắt đầu cũng như bao thôn bản bình thường khác, cũng có sự chấp thuận, có phản đối, cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân trong thôn nhận thức được lợi ích về nhiều mặt qua hoạt động du lịch cộng đồng; từ đó, biết gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình (những làn điệu dân ca, dân gian truyền thống như hát đối, hát giao duyên, hát đám cưới, lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, lễ hội cầu mùa, những bộ trang phục tuyệt đẹp của phụ nữ Dao với hoa văn thêu bằng tay cực tinh xảo, kết hợp với trang sức vòng tay, hoa tai, vòng cổ bằng bạc và khăn quấn đầu); gìn giữ các nét bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc bản địa.

Văn hóa dân tộc Dao là bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao là góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình thực hiện công tác này đòi hòi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Chính yếu tố truyền thống là cái được chắt lọc, khẳng định qua thời gian làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, vì vậy cần phải giữ gìn và phát huy. Do đó, sự phát triển đúng hướng phải dựa trên cơ sở đó và lấy đó làm nền tảng.

Nhưng phát triển không có nghĩa là “Tây hóa” trong phạm vi quốc gia, cũng không có nghĩa là “Kinh hóa” trong phạm vi vùng, khu vực. Mọi giá trị văn hóa đều có tính độc lập tương đối, nhưng sự phát triển của nó phải được đánh giá bằng trình độ, cấp độ và ý nghĩa của nó đối với đời sống mỗi con người và cộng đồng. Dĩ nhiên, không có chân lý chung cho mọi thời đại, nên cái truyền thống muốn tồn tại được cũng cần phải kế thừa và phát triển cho phù họp với điều kiện mới, đó là một tất yếu. Hiện đại hóa cái truyền thống là nhân tố cơ bản, đảm bảo cho sự tồn tại và nối tiếp bền vững các giá trị văn hóa truyền thống theo dòng lịch sử. Yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại phải được kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, nhuần nhuyễn để tạo ra một chỉnh thể văn hóa thống nhất mới, tiến bộ hơn, phù hợp hơn nhưng vẫn không mất đi bản sắc của nó.

Để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn của mâu thuẫn: giữa truyền thống không phù hợp với thời đại, hiện đại hóa mất đi truyền thống, cần có một bước đi rõ ràng, chắc chắn, không cực đoan. Trước hết, dựa vào mục tiêu của văn hóa để xác định rõ: Những yếu tố nào còn phù hợp, còn tiến bộ nên giữ gìn và phát huy. Những gì là truyền thống đã lạc hậu, tiêu cực hay đã hết vai trò lịch sử cần phải vượt qua. Những giá trị văn hóa mới nào là tích cực, phù hợp với truyền thống dân tộc có thể tiếp thu, giá trị nào không phù hợp cần ngăn chặn sự xâm nhập tự phát của chúng. Từ đó kết hợp các yếu tố tích cực của truyền thống và hiện đại bằng hình thức và cách thức hợp lý, hay hiện đại hóa cái truyền thống với những nội dung và hình thức mới phù hợp.

Như vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của người Dao ở Nặm Đăm là việc cần thiết, để làm được điều đó việc trước tiên phải nâng cao trình độ dân trí, kế thừa và tiếp nhận các giá trị văn hóa phải thực hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Đó là bảo đảm thống nhất giữa truyền thống và hiện đại trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Sau 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Quản Bạ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng gắn liền quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả. Ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Quản Bạ cho biết: “Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, trong giai đoạn vừa qua, huyện đã khôi phục được lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, đang trùng tu nhà truyền thống của dân tộc Dao gắn với xây dựng nông thôn mới, xã nào cũng thành lập được đội văn nghệ. Đặc biệt các lễ hội của người Mông, Dao, Tày... đã được phục dựng lại và bước đầu tạo niềm tin đối với nhân dân, được người dân nhiệt tình tham gia, thông qua đó khơi dậy và phát huy được những nét độc đáo của các loại hình nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng làng bản”. Các mô hình hoạt động Hội nghệ nhân dân gian được tổng kết đánh giá thường xuyên và nhân rộng, đã thành lập 13 Hội nghệ nhân dân gian ở 13 xã, thị trấn, với 935 hội viên; hoạt động của Hội đã góp phần bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc và đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc huyện Quản Bạ.

Các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được đầu tư; phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh" đi vào chiều sâu, gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường... Năm 2017, tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 51,4%; số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa đạt 93,3%, đạt 100% nghị quyết. Huyện có 5 di sản được công nhận xếp hạng di tích, danh lam thắng cảnh (trong đó có 2 danh thắng cấp Quốc gia là Núi đôi Quản Bạ và hang Khố Mỷ xã Tùng Vài; 3 danh thắng được công nhận cấp tỉnh là: Thạch sơn thần, di tích lich sử Cổng thành Cán Tỷ và di chỉ khảo cổ học xã Cán Tỷ). Bên cạnh đó, huyện Quản Bạ đã tập trung khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; an ninh chính trị ổn định, đường biên, mốc giới được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đặc biệt là quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc.

Có thể nói, việc bảo tồn các loại hình văn hóa dân tộc đang là một hoạt động được tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Quản Bạ nói riêng đặc biệt quan tâm, song bảo tồn dưới hình thức nào lại cũng là một vấn đề đáng bàn. Đối với huyện Quản Bạ, việc bảo tồn đó đã gắn liền với việc đưa vào sử dụng trực tiếp, lồng ghép với phát triển du lịch, dịch vụ; những sản phẩm hoặc trưng bày tại các làng văn hoá, các điểm du lịch đang được khích lệ, vừa để đề cao vai trò và tầm quan trọng của các loại hình văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Nguyễn Trùng Thương, (2010), Sự đa dạng và nét độc đáo về văn hóa tộc người trên Cao Nguyên Đá Đồng Văn - tiềm năng phát triển du lịch, Kỉ yếu Hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư "Vì Hà Giang phát triển".

2.   Trần Hoàng Tiến (2015), Các tộc người ở Việt Nam, đặc điểm văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội

3.   Nguyễn Toàn Thắng (2016), Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hiện nay, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 345.

4. Báo cáo số 1074-BC/UBND ngày 11/10/2017 của UBND huyện Quản Bạ về “Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Quản Bạ”.

5. Nguyễn Văn Quang (2010), Du lịch Hà Giang - tiềm năng, cơ hội trong tiến trình hội nhập và phát triển, Kỉ yếu Hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư "Vì Hà Giang phát triển".

 

______________________

[*] Lớp Cao học k3 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa