Nội san

Vai trò của dạy học đệm đàn Piano cho ca khúc trong đào tạo Sư phạm Âm nhạc

28 Tháng Mười Hai 2017

Trần Quang Nhật [*]

 

 Sư phạm Âm nhạc là một ngành có những đặc thù, đặc trưng đa dạng đòi hỏi người học phải lĩnh hội nhiều kiến thức, kỹ năng và là ngành học có số lượng sinh viên đông đảo nhất. Với nhu cầu xã hội cao, nó là ngành tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho hệ thống giáo dục nghê thuật Âm nhạc phổ thông cơ sở.

Sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc cần phải đạt được rất nhiều kiến thức, kỹ năng về âm nhạc như đàn, hát, dàn dựng hợp xướng, giảng dạy về âm nhạc … Đối với những kỹ năng đó thì môn đệm đàn piano là môn học có vai trò thiết yếu, bao quát giúp phát triển tốt các kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, trong hoạt đông biểu diễn, người học phải luôn làm việc với thể loại ca khúc, độc tấu nhạc cụ, hòa tấu… Việc dàn dựng các bài hát, dàn dựng chương trình là những hoạt động thường xuyên xảy ra và cùng với những hoạt động đó thì việc đệm đàn Piano là không thể thiếu.

Với những điều nêu trên, có thể nêu ra một số vai trò nổi bật của dạy học đệm đàn piano cho ca khúc như sau:

        1. Vai trò trong việc giảng dạy môn Thanh nhạc

Piano là một nhạc cụ thiết yếu phải có trong quá trình giảng dạy Thanh nhạc.

Trong việc luyện thanh, piano giúp xác định cao độ một các chính xác, tạo điểm tựa cho người học khi luyện thanh với cao độ giọng tăng dần. Với đàn piano và kỹ năng đánh đàn piano, sinh viên học sinh có thể tự tập luyện thanh, không cần người hướng dẫn mà vẫn giữ được cao độ chính xác cho giọng hát, hiệu quả học tập đạt được sẽ tốt hơn.

Khi tập dựng một tác phẩm Thanh nhạc, với việc người thầy dùng kỹ năng piano để đàn mẫu giai điệu cùng phần đệm hợp âm phụ họa, học sinh có thể nắm bắt giai điệu nhanh chóng, dựa vào tiếng đàn để kiểm soát cao độ lời ca một cách chính xác. Khả năng diễn đạt sắc thái tinh tế của đàn piano sẽ giúp cho việc điều chỉnh nhịp độ, âm vực và nhạc cảm của người học trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Với việc luyện tập trực tiếp cùng đàn piano, người học có thể tập lại từng câu, đoạn, thậm chí từng từ nhiều lần một cách dễ dàng. Điều này giúp cho sự hoàn thiện tác phẩm sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

Vai trò tổng quát và rõ ràng nhất của đệm đàn piano cho ca khúc theo phong cách Nhạc nhẹ chính là tạo nên phần nhạc đệm cho ca khúc. Đây là điều hầu như phải có trong việc giảng dạy và trình bày ca khúc trong môi trường sư phạm âm nhạc. Nó là thành tố góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh cho tác phẩm ca khúc khi trình diễn. Tác phẩm ca khúc chỉ trở nên hoàn hảo, truyền tải hết được nội dung và cảm xúc đến người nghe khi có được một phần đệm piano hoàn chỉnh.

         2. Vai trò chuyên ngành trong giảng dạy môn Nhạc cụ, Đàn phím

điện tử

Cùng với môn Thanh nhạc, Phương pháp dạy học, Nhạc cụ (hoặc Đàn phím điện tử) là môn học chuyên ngành chính của chương trình giảng dạy ngành Sư phạm Âm nhạc.

Piano là loại nhạc cụ luôn cần phải có trong các chương trình giảng dạy Âm nhạc hiện đại. Với những đặc tính như âm vực cực kỳ rộng, khả năng diễn đạt những tác phẩm có độ phức tạp cao về hòa âm và tiết tấu, khả năng tái hiện, mô phỏng cả một dàn nhạc nên nó giúp cho người học môn này có được rất nhiều lợi thế trong môi trường học tập Âm nhạc. Việc thực hành phối khí trong môn Hòa âm sẽ rất hiệu quả khi bài phối được kiểm định bằng âm thanh thực ngay tại chỗ với đàn piano, và trong môn Phân tích Tác phẩm thì người học cũng cảm thụ được tác phẩm âm nhạc một cách bao quát, đầy đủ nhất khi mà nó được diễn đạt trên đàn piano.

Kỹ năng đệm đàn piano cho ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ là nội dung chủ yếu trong chương trình giảng dạy môn Nhạc cụ. Với đặc tính chứa đựng nhiều loại kỹ thuật trên bàn phím; tiết tấu đa dạng của nhiều thể loại; khả năng hòa âm và ứng tấu trên đàn, kỹ năng này đã đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu của môn học. Hơn thế nữa, nó giúp cho môn Nhạc cụ có tính thực tiễn rất cao trong môi trường hoạt động biểu diễn và luyện tập trau dồi kỹ năng về nghê thuật Âm nhạc, tạo khả năng thích ứng cao cho người học với môi trường nghệ thuật âm nhạc đại chúng ngày nay.

Nhờ học tập đệm đàn piano cho ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ, người theo học ngành Sư phạm Âm nhạc sẽ có được những kỹ năng hữu dụng trong môi trường làm việc sau khi ra trường như thị phạm bài giảng về ca khúc, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy nhanh chóng, hiệu quả. Với việc dễ dàng điều chỉnh nhịp độ bài trên đàn piano cùng với sự linh hoạt về sáng tạo hòa âm so với đàn phím điện tử, kỹ năng đàn piano theo phong cách nhạc nhẹ sẽ làm cho việc giảng bài, luyện tập tại lớp trở nên hiệu quả hơn giúp môn Nhạc cụ đạt được hiệu quả nhanh chóng, nội dung giảng dạy phong phú hơn.

         3. Vai trò xây dựng tư duy sáng tạo về nghệ thuật Âm nhạc

Với đặc trưng riêng là việc hòa âm trên đàn và ứng tấu, việc học tập đệm đàn piano cho ca khúc, đệm theo phong cách nhạc nhẹ sẽ xây dựng nên tư duy sáng tạo cho người học.

Qua mỗi bài đệm, người học đều phải có sự sáng tạo riêng trong cách thức biên soạn phần đệm, tự soạn hòa âm theo từng thể loại và tính chất âm nhạc của tác phẩm, đồng thời cũng tạo ra những nét nhạc; câu nhạc riêng tùy thuộc vào nhạc cảm của bản thân hoặc cảm xúc của người ca sỹ từ đó hình thành nên bài đệm có nội dung, cấu trúc, hình tượng âm nhạc phù hợp với môi trường khách quan của hoạt động giảng dạy hoặc biểu diễn ngay tại thời điểm đó. Và cũng chính những sáng tạo, ứng tấu đó sẽ kích thích cảm xúc của nghệ sỹ solo, làm cho họ trở nên thăng hoa hơn, diễn đạt cảm xúc mạnh mẽ hơn khi biểu diễn. Có như thế, tác phẩm âm nhạc mới có thể được truyền tải đến người nghe một cách sâu sắc nhất, trọn vẹn nhất.

Tư duy sáng tạo còn được thể hiện qua sự biến thể khi soạn bài đệm. Ca khúc nhạc nhẹ với đặc trung là phần lớn tác phẩm đều có hính thức âm nhạc giống nhau ở nhiều thể loại. Người đệm đàn cho ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ có thể tạo ra nhiều biến thể của bài đệm bằng cách thay đổi nhịp điệu, hòa âm của bài đệm từ thể loại này qua thể loại khác (Ví dụ: chuyển kiểu đệm từ Pop sang Rock; từ Cha Cha Cha sang Salsa …) mà vẫn thể hiện đầy đủ nội dung của tác phẩm được trình bày, tạo sự đa dạng trong luyện tập cũng như trong biểu diễn.

Qua việc tiếp xúc thường xuyên với các kỹ năng như trên, người học sẽ dần hình thành được tư duy sáng tạo về nghệ thuật âm nhạc trong môi trường hoạt động của chính mình.

           4. Vai trò trong hoạt động biểu diễn

Hoạt động biểu diễn luôn là một phần không thể thiếu trong việc đào tạo nghệ thuật. Và trong việc trình diễn các loại nhạc cụ hoặc thanh nhạc thì vấn đề đệm đàn piano là điều thiết yếu.

Khả năng thể hiện được các cấu trúc hòa âm, tiết tấu phức tạp, âm vực rộng lớn có thể thay thế cho dàn nhạc đã làm cho đàn piano trở thành một nhạc cụ rất quan trọng trong các chương trình biểu diễn. Nó có thể đơn giản hóa việc luyện tập và biểu diễn trong những mội trường làm việc nhỏ gọn như trường học, nơi mà các nhạc cụ và thiết bị âm thanh không thể đa dạng, đầy đủ như những sân khấu chuyên nghiệp.

Kỹ năng đệm đàn piano cũng là một phương tiện rất cơ động trong việc tập luyện cho biển diễn. Thậm chí với kỹ năng đệm đàn tốt, người chơi đàn piano có thể sử dụng cả đàn phím điện tử cho việc tập luyện. Trong việc luyện tập biểu diễn, khi người tập cần rèn luyện tỉ mỉ từng câu, đoạn thì việc đệm đàn piano sẽ là công cụ hỗ trợ tốt nhất do khả năng ứng biến, bao quát, thể hiện đầy đủ nội dung phần nhạc đệm.

Khả năng tạo được sự tương phản lớn về sắc thái, âm lượng, âm vực rộng và có thể tái hiện được rất nhiều cấu trúc hòa âm, tiết tấu phức tạp đã làm cho đàn piano trở thành một nhạc cụ không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn. Ta có thấy được điều đó trong rất nhiều chương trình biểu diễn từ trường phái âm nhạc cổ điển cho đến các trường phái âm nhạc hiện đại như Acoustic music, Jazz, Blues… Và ngay cả khi có một dàn nhạc đầy đủ thì piano vẫn nhạc cụ cần phải có do những âm sắc đặc biệt và khả năng thể hiện đa dạng cấu trúc hòa âm của nó.

Từ những vai trò được nêu trên, việc đại chúng hóa đàn piano trong môi trường biểu diễn và giảng dạy âm nhạc, phát triển kỹ năng piano nhạc nhẹ trong nghệ thuật Âm nhạc ngày nay đã làm cho việc dạy và học đệm đàn piano theo phong cách nhạc nhẹ trở nên rất quan trọng.

Vì vậy chúng ta cần có một sự quan tâm nghiêm túc về vần đề đào tạo, biên soạn, biểu diễn cũng như khuyến khích những nghiên cứu mang tính học thuật cho việc đệm đàn piano cho các ca khúc và tác phẩm Thanh nhạc của Việt Nam. Bởi điều ấy sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc đào tạo và giúp cho Âm nhạc Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại ngày nay.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Song Minh (2015), Học đệm Piano cơ bản, Nxb Âm Nhạc, Hà Nội.

2. Hồ Đăng Tín (2006), Phương pháp đệm đàn Piano và organ, Nxb Văn nghệ, TP.HCM.

3. John Novello (1986), The Contemporary Keyboardist, Nxb Source Productions, USA.

4. Mark Harrison (1984), The Pop Piano Book, Nxb Hal Leonard, California USA.

5. Russel Hoffman, Paul Schmelling (2001), Get your band together, Nxb Berklee Press, USA.

  •  

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Tây Nguyên