Nội san

Hoạt động văn hóa nghệ thuật của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Đắk Lắk

28 Tháng Mười Hai 2017

Lương Thị Vân [*]

 

  Nhà văn hoá thanh thiếu nhi là thiết chế văn hoá thực hành giáo dục ngoài nhà trường, có tính đặc thù dành riêng cho thiếu nhi và là một trong những yếu tố giữ vai trò nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu, rộng trong xã hội với mục tiêu, chiến lược xây dựng con người phát triển một cách toàn diện. Hoạt động Nhà văn hoá thể hiện ở chức năng tổng hợp vừa tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị, thỏa mãn các nhu cầu vui chơi, giải trí, sáng tạo và thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Nhà văn hoá là nơi quần chúng được phổ biến kiến thức chính trị, nâng cao tri thức, tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, hưởng thụ những giá trị đã có do con người sáng tạo nên, bồi dưỡng năng khiếu, sở trường,  được nghỉ ngơi, giải trí trong thời gian nhàn rỗi, giao lưu kết nối cộng đồng. Ở một khía cạnh khác, V.I. Lê Nin đã nói: “Công tác giáo dục ngoài nhà trường rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng toàn bộ cuộc sống”. Đó cũng chính là nhiệm vụ phát huy chức năng giáo dục của văn hóa góp phần xây dựng còn người Viêt Nam phát triển toàn diện.

       Có thể thấy cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa những năm gần đây đã diễn ra vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm là hoạt động văn hóa dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi. Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Đắk Lắk là đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Tỉnh đoàn Đắk Lắk. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong những năm qua đã có nhiều chương trình cụ thể góp phần quan trọng vào công tác giáo dục, bồi dưỡng hình thành những thế hệ công dân tương lai cho đất nước.

  Để thực hiện mục tiêu đó, trong những năm qua, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Đắk Lắk đã quản lý các hoạt động văn hóa tương đối tốt, đào tạo, bồi dưỡng ra những tài năng văn nghệ phục vụ nhiều hoạt động chính trị lớn của tỉnh và trung ương; thực hiện triển khai các hoạt động hợp tác với sở, ban, ngành, đoàn thể để biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đón các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm tỉnh Đắk Lắk; tham gia dàn dựng các chương trình ca nhạc và sân khấu, chương trình lưu diễn tuyên truyền, các liên hoan và hội thi đạt thành tích cao, thu hút được đông đảo các em thiếu nhi đến học tập, vui chơi. Đặc biệt, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Đắk Lắk là một thiết chế văn hóa góp phần quan trọng vào công tác giáo dục, bồi dưỡng hình thành những thế hệ công dân tương lai cho đất nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Văn hóa nghệ thuật là một trong những hoạt động đặc trưng, thế mạnh của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi. Để làm tốt vấn đề này, Nhà văn hóa đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động các CLB, đội, nhóm, thường xuyên đổi mới nội dung chương trình sinh hoạt hàng tuần, tháng, quý, tạo điều kiện để các em được tham gia sinh hoạt năng khiếu theo khả năng, sở thích. Hàng năm có cơ chế ưu đãi, miễn giảm phù hợp đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có những giải pháp phù hợp nhằm động viên, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt, hoạt động ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Thường xuyên duy trì và củng cố các CLB, đội, nhóm về văn hóa nghệ thuật như: CLB Hội họa, Đội Tuyên truyền măng non, Đội kịch rối Voi con, Đội Nghệ thuật măng non, Đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, Nhóm Hiphop, Ban nhạc điện tử và Nhóm nhạc cụ dân tộc,… Nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nhân các ngày lễ trong năm, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan Tỉnh đoàn, phục vụ cơ sở.

Tuyển chọn được các em có năng khiếu về ca hát để tham gia cuộc thi ĐôRêMi khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Tp. Buôn Ma Thuột. Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi đã phục vụ tốt cho Tỉnh Đoàn tổ chức các hoạt động lớn như: Chương trình văn nghệ sân khấu hóa “Bản hùng ca tuổi trẻ” kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (năm 2011); Đại hội Đoàn toàn tỉnh (năm 2012); Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (năm 2014 - 2017).

Phối hợp với các ban, ngành tổ chức và tham gia các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn ở cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao như: Liên hoan Búp sen hồng các Nhà Thiếu nhi khu vực phía Nam, Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam, Liên hoan Ca nhạc Tuổi thơ “Thiếu nhi đàn và hát dân ca” toàn quốc năm 2014... Chương trình tham gia Liên hoan của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Đắk Lắk luôn được hội đồng cố vấn nghệ thuật đánh giá cao và là đơn vị xuất sắc, được quần chúng nhân dân các địa phương đón nhận nồng nhiệt và dành được nhiều tình cảm thân thiện của nhà thiếu nhi các tỉnh bạn.

Ngoài ra, hàng năm Nhà văn hóa còn tổ chức cho các em tham gia tốt các hoạt động gặp gỡ, giao lưu và liên hoan văn hóa nghệ thuật như: Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Liên hoan Chim non mùa Xuân dành cho lứa tuổi mầm non, Liên hoan “Tiếng hát măng non truyền hình”, Liên hoan giọng hát hay “Tiếng hát đại ngàn”...

Cuộc thi“Tìm kiếm tài năng” là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực, tạo môi trường giao lưu văn hóa văn nghệ cho học sinh. Qua đó phát hiện những tài năng trẻ có tư duy sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, có nhiều triển vọng, tiếp tục bồi dưỡng và góp phần phát triển phong trào, tạo nguồn biểu diễn, làm phong phú, đa dạng các chương trình trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật của lứa tuổi học sinh các trường TH, THCS, THPT và thanh thiếu niên trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk, tháng 12/2017 Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” tỉnh Đắk Lắk năm 2017.

Một loại hình hoạt động khác cũng được Nhà văn hóa chú trọng duy trì và phát triển tốt, đó là văn hóa đọc. Hàng năm, phòng đọc của Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi luôn được quan tâm, bổ sung lượng đầu sách đáng kể để kịp thời phục vụ nhu cầu đọc sách của thanh thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt, học tập. Đây cũng là một loại hình hoạt động được các bậc phụ huynh nhiệt tình ủng hộ và thu hút được từ 500 - 1000 lượt thanh thiếu nhi đến nghiên cứu, tham khảo, học tập.

Dưới sự chỉ đạo, định hướng của Ban thường vụ Tỉnh đoàn và Ban Giám đốc Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi, khoa Văn hóa nghệ thuật luôn bám sát vào kế hoạch của năm để xây dựng chương trình, triển khai kịp thời, đảm bảo thời gian và đạt chất lượng cao. Việc quản lý, duy trì và phát triển các CLB, đội, nhóm được thực hiện thường xuyên, phương thức tổ chức hoạt động có nhiều đổi mới, nội dung sinh hoạt phong phú, sát thực đáp ứng với nhu cầu của lứa tuổi, thu hút đông đảo các em đến tham gia sinh hoạt tại Nhà văn hóa, tạo môi trường thuận lợi để các em tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi, con người có ích cho xã hội. Cán bộ của khoa luôn phát huy tính sáng tạo, đầu tư về chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất và phối hợp chặt chẽ với các khoa phòng chuyên môn, các đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhà văn hóa thanh thiếu nhi là nơi để lực lượng thiếu nhi nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật từ đó giảm thiểu các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm cảnh quan đô thị... Các hoạt động văn hóa nghệ thuật chính là môi trường thuận lợi để các em thiếu nhi mạnh dạn tham gia, hưởng ứng để tránh xa các tệ nạn của xã hội.

Như vậy, trong thực tế hiện nay các nhà văn hóa đang góp phần phát triển xã hội một cách bền vững, cơ sở vật chất của nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phù hợp với tư tưởng, chuẩn mực đạo đức, lối sống . Xã hội phát triển kéo theo không chỉ dừng lại ở các nhu cầu ăn, mặc, đi lại mà đang ngày càng hướng tới lối sống lành mạnh, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Minh Đạo (2012), Một số vấn đề cơ bản của xã hội Tây Nguyên trong phát triển bền vững, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Phạm Duy Đức (2009), Phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Hy (chủ biên) (2010), Đại cương Nhà văn hóa - Câu lạc bộ, Tổng cục Chính trị và Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

5. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

6. Nhà văn hóa thanh thiếu nhi  Đắk Lắk (2017), Báo cáo Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017

________________________

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa tại Tây Nguyên