Nội san

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

28 Tháng Mười Hai 2017

Trần Thị Tuyết [*]

 

Nhà dài một trong những di sản văn hóa của dân tộc Ê Đê, là nơi rất thân thiết, gắn bó với nhiều sinh hoạt hàng ngày trong buôn làng. Đó là nơi để già làng dạy dỗ con em trong làng, tiếp khách các buôn làng khác đến thăm, là nơi già làng đêm đêm kể các câu chuyện xưa và truyền lại các tục lệ nhằm giáo dục con em. Đặc biệt đây là nơi cả buôn làng tiến hành các nghi lễ, hội hè, vui chơi, cũng là một trong những biểu tượng về di sản văn hóa dân tộc mang tính đặc thù của dân tộc Ê Đê ở cao nguyên tỉnh Đắk Lắk.

Tuy mang trong mình những ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định trong bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê, nhưng đáng tiếc thay khi giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, hình ảnh những ngôi nhà dài ấy đang dần dần trở nên xa lạ ngay với chính dân tộc Ê Đê. Tuy trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản này đã được các cấp và các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, bộ máy nhân sự, tài chính... Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các cộng đồng chưa được quan tâm nhiều. Việc hưởng ứng tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa nhà dài tại địa phương của người dân còn hạn chế.

Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn, được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Cư M’gar. Trong thời gian qua phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’gar đã chủ động triển khai khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê tại địa phương như: công tác khảo sát, sưu tầm, kiểm kê hiện vật, công trình nhà dài, hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công tác văn hóa; hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng... Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và thực hiện, vẫn còn một số tồn tại cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình cũng như tập quán của người Ê Đê tại địa phương. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có các giải pháp góp phần hiệu quả cao trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê tại huyện Cư M’gar.

  1. Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý của chính quyền địa phương

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc ở các xã, thị trấn các buôn gắn với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng dân tộc Ê Đê.

Xây đựng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa về số lượng cũng như về chất lượng, hình thành ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý có trình độ chuyên môn theo kịp và thích ứng với sự phát triển của đất nước; Thực hiện quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa theo hướng chuyên môn hóa và ổn định nhân sự; Chăm lo xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và khả năng tham mưu, giúp việc, quản lý tốt các hoạt động văn hóa trên từng địa bàn.

Giải quyết đồng bộ vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong công tác dân tộc và mặt trận văn hóa, Nhà nước cần quan tâm tăng mức đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn trùng tu và phục dựng những ngôi nhà dài truyền thống tại buôn; đẩy mạnh công tác sưu tầm, tiếp tục tiến hành phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các nghi lễ văn hóa, các vật dựng văn hóa tồn tại bên trong không gian nhà dài, song song với việc xây dựng chiến lược dài hạn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nhà dài.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá: Hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai các nội dung; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh các nội dung triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thực hiện mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở để nâng cao nhận thức, nghiệp vụ về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách

Tổ chức các cuộc thi, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa nhà dài người Ê Đê; tổ chức đào tạo cán bộ nghiên cứu là người dân tộc tại chỗ; tổ chức giao lưu với các tỉnh, khu vực và quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê, sưu tầm có hệ thống, tránh trùng lặp, lãng phí.

Tổ chức kiểm kê, bảo quản và trưng bày các hiện vật trong nhà dài như ghế Kpan, chiêng, ché, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa lễ hội, văn hóa mẫu hệ gắn với không gian văn hóa nhà dài bên cạnh đó cần có kế hoạch lưu giữ hiện vật trong dân.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ người dân tộc Ê Đê là hoạt động có ý nghĩa quyết định đến tương lai lâu dài của di sản văn hóa này. Vì thế các tổ chức, các cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách phù hợp về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo tồn di sản văn hóa cần phải được chú trọng. Công tác tuyên truyền có hiệu quả, sẽ góp phần ngăn chặn việc di sản bị xâm phạm; từ đó tạo tiền đề cho các hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu về văn hóa nhà dài bảo đảm đi đúng định hướng, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về quản lý di sản văn hóa nói chung.

Phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa để có điều kiện bảo tồn và phát huy các giá trị phong tục tập quán trong lối sống, nếp sống của đồng bào từ đó bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan gây ảnh hưởng đến giá trị văn hóa nhà dài của đồng bào tại địa phương.

Xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng già làng, tăng cường giáo dục và giám sát của Hội đồng già làng với các cộng đồng đồng bào tại buôn; làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước của buôn trên cơ sở kế thừa tính tích cực của các luật tục phù hợp và cụ thể hóa các quy định của pháp luật, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của nhà dài đối với đời sống văn hóa của đồng bào đồng thời cương quyết giữ gìn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc đó.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, sưu tầm

Trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mỗi di sản văn hóa, công tác nghiên cứu cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Muốn sửa sang, tu bổ di sản văn hóa nhà dài của người Ê Đê mà vẫn giữ được nguyên giá trị của nó thì không thể thiếu sự đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, những nghệ nhân người Ê Đê giàu kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư. Do vậy, bên cạnh việc giải quyết vấn đề kinh phí, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần huy động sự tham gia của lực lượng nghệ nhân và thợ chuyên nghiệp trong việc sửa sang, tu bổ di sản văn hóa nhà dài của người Ê Đê. Ðó phải là những nghệ nhân, những người thợ giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có khả năng phục hồi, tái tạo những giá trị nguyên gốc đã bị hư hỏng do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài.

Cần thực hiện công tác tư liệu hóa, ghi âm, sưu tầm tài liệu về văn hóa nhà dài của người Ê Đê tại, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với chính người đồng bào Ê Đê. Sự phối hợp đó nhằm phát huy chức năng của từng cơ quan, ban, ngành vào mục tiêu chung là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê các giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê tại đây.

4. Giải pháp về giáo dục nhận thức

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức tự giác, giáo dục nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn giá trị văn hóa nhà dài. Trước hết, phải tuyên truyền đến các trưởng buôn, già làng, nghệ nhân và tầng lớp trí thức người đồng bào dân tộc Ê Đê. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng đối với việc định hướng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ con cháu tương lai trong buôn.

Do địa bàn cư trú thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk nên đông bào Ê Đê ở huyện Cư M’gar có đời sống kinh tế, giao thông đi lại khó khăn nên việc học tập, nâng cao trình độ của con em đồng bào gặp rất nhiều khó khăn kèm theo ý thức về bảo tồn văn hóa còn thấp, nhiều gia đình đông bào ở đây đã bán đi nhiều thứ được coi là “bảo vật” của người Ê Đê như chiêng, ché, ghế Kpan, những ngôi nhà dài cổ… Điều này dẫn đến nguy cơ mai một các giá trị văn hóa vật chất, cũng như giá trị về văn hóa tinh thần. Để tránh được tình trạng này, các con em của đồng bào người Ê Đê rất cần được đào tạo, truyền dạy nâng cao nhận thức của mình về việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vấn đề đào tạo, truyền dạy cần có sự tham gia và kết hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể, nhà trường và gia đình, cần tiếp tục tham mưu, đề xuất với Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Đắk Lắk. Về cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân dân gian, già làng có công lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thì nghệ nhân còn nắm giữ nhiều giá trị văn hóa của nhà dài phải được động viên, khích lệ và tiếp tục phong tặng những danh hiệu nghệ nhân dân gian để họ dốc lòng hơn nữa cho việc bảo tồn văn hóa nhà dài cho thế hệ trẻ; tập trung đầu tư trí tuệ, nguồn lực vào việc phổ biến và truyền dạy vốn di sản đã được sưu tầm, nghiên cứu cho nhân dân, đặc biệt cho lớp trẻ của địa phương nơi di sản ra đời và tồn tại.

Gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với giáo dục di sản trong các nhà trường, nhất là các nhà trường phổ thông trong huyện Cư M’gar và nhất là những trường nơi có tập trung đông người Ê Đê sinh sống. Tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh quan tâm, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa.

Kết luận

Nhà dài của người Ê Đê đã được hình thành, tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều biến đổi của thời cuộc, xã hội, đã bị thời gian, khí hậu, thời tiết, con người làm cho mai một. Do đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê là một vấn đề cấp thiết. Công việc này cần phải có thời gian thực hiện lâu dài, kiên trì, cần có sự chung sức của cả cộng đồng dân cư và cơ quan quản lý nhà nước. Trên đây là một số giải pháp về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê ở huyện Cư M’gar. Các giải pháp nêu trên sẽ góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhà dài của người Ê Đê tại huyện Cư M’gar trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Phân viện Đà Nẵng (1996), Giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá Tây Nguyên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

2. Lương Thanh Sơn (2011), Góp phần bảo tồn văn hóa người Bih Tây Nguyên, Nxb thời đại, Hà Nội.

3. UBND Tỉnh Đắk Lắk, Kế hoạch triển khai đề án, Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

4. UBND Tỉnh Đắk Lắk, Chỉ thị số 06/2012/CT-UBND Về việc bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

5. UBND huyện Cư M’gar, Kế hoạch số 60/KH-UBND kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 38-CTr/HU ngày 8/9/2014 của Ban thường vụ huyện ủy thực hiện nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trên địa bàn huyện Cư M’gar.

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa tại Tây Nguyên