Nội san

Dàn dựng chương trình ca - múa - nhạc cho trẻ em

28 Tháng Mười Hai 2017

Đinh Thị Trang [*]

 

Các chương trình văn nghệ, các ngày lễ, ngày hội là dịp để trẻ được thể hiện bản thân, được hết mình với niềm đam mê, hứng thú của mình. Chương trình ca - múa - nhạc không chỉ đơn giản là đem lại cho trẻ những niềm vui mà nó còn gợi lên trong trẻ những tình cảm với quê hương, đất nước, với con người và cuộc sống; góp phần mở rộng sự hiểu biết về xã hội. Tuy nhiên công tác dàn dựng chương trình ca - múa - nhạc của các trường mầm non còn gặp rất nhiều khó khăn: từ việc chọn và xử lí nhạc, biên đạo tiết mục đến việc lên ý tưởng dàn dựng chương trình. Chúng tôi xin đưa ra một số quy trình và phương pháp để dàn dựng một chương trình ca - múa - nhạc cho trẻ mầm non.

            1. Định hướng nội dung

Để dàn dựng một chương trình ca múa nhạc cho trẻ 5 - 6 tuổi ở trường mầm non trước tiên cần xác định tư tưởng chủ đề và đề tài của chương trình cho phù hợp. Trong cuộc sống có nhiều đề tài khác nhau chứa đựng nhiều chủ đề. Để thực hiện một chương trình nghệ thuật có chủ đề trước tiên chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm chủ đề và đề tài.

Ví dụ: Trong đề tài Mái trường mến yêu, chủ đề chương trình được xác định là: “Chúng em yêu cô giáo mầm non”. Đó là chương trình nói về tình cảm của các trẻ đối với các cô giáo qua các tiết dạy hát và múa, giờ vui chơi,…

           2. Đặc điểm giọng hát của trẻ các độ tuổi

Trẻ ở trước tuổi học, bộ máy phát âm còn yếu, rất nhạy cảm và còn tiếp tục hoàn chỉnh cùng với sự phát triển chung của cơ thể. So với người lớn, thanh quản của trẻ chỉ to bằng một nửa. Các dây thanh đới mảnh, ngắn, vòm họng còn cứng, chưa linh hoạt. Lưỡi chưa hoàn thiện, lấp khá đầy khoang miệng, hơi thở còn yếu. Vì vậy, giọng trẻ có đặc điểm là cao và yếu.

Âm vực giọng từ âm trầm nhất đến âm cao nhất của trẻ không rộng.

Trẻ 2 - 3 tuổi, có âm vực giọng từ  Mi - La.

Trẻ 3 - 4 tuổi, có âm vực giọng từ Rê - La.

Trẻ 4 - 5 tuổi, có âm vực giọng từ Rê - Xi.

Trẻ 5 - 6 tuổi, có âm vực giọng từ Đô (Rê) - Xi (Đô).

           2.1. Các kỹ năng ca hát

Yêu cầu và nhiệm vụ dạy trẻ hát

Trong trường mầm non, yêu cầu cơ bản của hoạt động ca hát là giúp trẻ biểu diễn tự nhiên, diễn cảm các bài hát phù hợp với độ tuổi trên cơ sở rung cảm thực sự với nội dung bài hát bằng những kỹ năng ca hát nhất định.

Ví dụ: Khi dạy một bài hát ru, cần giúp trẻ nhận thấy tính chất êm dịu, yên tĩnh của thể loại này... Vì vậy, cần phải hát nhẹ nhàng, du dương với tốc độ chậm rãi, tiết tấu đều đặn, âm lượng vừa phải. Với bài hát hành khúc, cần phải nhấn mạnh tiết tấu nhịp đi, dồn dập, âm thanh vang và sáng.

           Các kỹ năng ca hát cơ bản

Các kỹ năng hát gồm có: tư thế hát, tổ chức âm thanh, hơi thở, hát chính xác, đồng đều khi hát tập thể.

Tư thế hát: Tư thế đẹp khi hát là đứng thẳng hoặc ngồi thẳng. Trong tư thế đó, hơi thở tốt hơn cả. Khi tập hát, trẻ ngồi, không dựa lưng vào thành ghế, tay đặt lên đùi, đầu giữ thẳng, không căng cứng, không vẹo cổ. Miệng cần phải mở tròn, không mở quá to. Hàm dưới rơi tự do, môi linh hoạt, co giãn mềm mại.

  Tổ chức âm thanh: Trẻ phải hát bằng giọng tự nhiên, âm thanh sáng và nhẹ nhàng, không gào thét và căng thẳng. Âm thanh đúng có nghĩa là việc tổ chức các cơ quan phát thanh hoạt động chính xác (hàm dưới, môi, hàm ếch mềm cùng lưỡi nhỏ ở phía trong). Luyện tập thường xuyên, có hệ thống trẻ sẽ dần dần biết điều khiển các cơ quan phát thanh, hướng âm thanh về phía trước (đến chân răng)…

Hơi thở: Cách thở đúng trong ca hát là biết hít vào một lượng hơi vừa đủ để hát hết một câu (hay một tiết nhạc) và hát một cách nhẹ nhàng. Một số trẻ thở đứt đoạn, không phải hơi thở của trẻ ngắn mà vì trẻ không biết điều khiển hơi thở. Trẻ cần tập hát từ những tiết nhạc ngắn.

Ví dụ: Mông Lợi Chung - Búp bê

Giáo viên điều khiển cho trẻ hít hơi vào đầu các tiết nhạc (theo dấu , ) và giữ hơi để hát một cách chậm rãi với âm thanh vang, sáng, đầy đặn, rõ lời.

Ví dụ: Xuân Giao - Cùng múa vui.

Hát rõ lời: Hát rõ lời góp phần truyền đạt bài hát một cách diễn cảm. Trẻ hát các từ cần phải rõ, đúng, tiến tới rành mạch. Những nguyên tắc phát âm lời hát có liên quan chặt chẽ đến sự vận động của sáu thanh điệu (không, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) trong ngữ âm tiếng Việt.

“Anh” hát thành “an”, “cánh” hát thành “cắn”.

“Xinh” hát thành “xin”, “mình” hát thành “mìn”.

“Nhanh”, “hành” hát thành “nhăn”, “hằn”.

Các từ có dấu ngã (~) thường được hát bằng dấu sắc (/):

“Ngựa gỗ” hát thành “ngựa gố”

“Cũng” hát thành “cúng”, “giữa” hát thành “giứa”.

Hát chính xác: Hát chính xác đối với trẻ trước tuổi học là sự nhắc lại đúng âm điệu và nhịp điệu bài bát. Hát chính xác phụ thuộc vào mức độ phát triển tai nghe nhạc và khả năng của các cơ quan phát thanh.

  Các biện pháp hỗ trợ cho trẻ hát chính xác: Trẻ được nghe cô, hay nghe các bạn (trẻ khác) hát chính xác, hoặc nghe bài hát qua phần diễn tấu của nhạc cụ; cho trẻ ôn tập có hệ thống các bài đã học thuộc.

     Hát đồng đều

   Khi hát tập thể, trẻ biết hòa giọng mình trong giọng chung, hát nhịp nhàng. Để dạy trẻ có kỹ năng hát đồng đều, có thể sử dụng một số biện pháp sau: Trước khi hát, cần thu hút sự tập trung của trẻ. Giáo viên hát hoặc đánh đàn câu dạo đầu và đưa tay theo động tác chỉ huy hoặc gật đầu để trẻ cùng hát. Trẻ theo động tác của giáo viên có thể bắt đầu và kết thúc bài hát một cách chính xác, tăng cường hoặc giảm bớt cường độ âm thanh, thay đổi tiết tấu, nhịp độ. Trẻ học được các kỹ năng ca hát nói trên trong quá trình học hát.

           2.2. Đặc điểm kĩ thuật múa trẻ 5 - 6 tuổi

Các vận động cơ bản ở mẫu giáo nhỡ đã thành thục, khả năng cảm thụ nghệ thuật múa của trẻ đã phát triển hơn. Trẻ có khả năng thực hiện các động tác khi được tiếp xúc với các tác phẩm múa phù hợp. Trẻ biết kiên trì luyện tập các động tác, biết phối hợp vận động đầu, mình, chân, tay một cách nhịp nhàng, khéo léo.

           Yêu cầu trong nghệ thuật múa: Động tác, tư thế đẹp múa bao giờ cũng phải đẹp. Động tác tư thế múa phải chuyển tải được nội dung, tính chất và phong cách chung của âm nhạc. Múa còn có thể diễn tả chi tiết đường nét giai điệu, âm thanh tiết tấu, cường độ của âm nhạc. Đó là những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật múa.

          Các kỹ năng cơ bản: Trong nghệ thuật múa các kĩ năng đóng một vai trò không nhỏ. Những kĩ thuật mô phỏng, khống chế, mềm dẻo, mở, nhảy, quay và xoay trong lúc trẻ được tiếp xúc làm quen những động tác múa từ đơn giản đến phức tạp thì những kĩ năng trên luôn hỗ trợ cho trẻ.

           Ví dụ: Bài hát Hoa thơm bướm lượn - Dân ca

 Nhạc đạo: Trẻ cầm quạt, hai tay bằng nhau ngang mặt đi ra từ hai dưới lên rung quạt

Câu 1: “Ơi hoa…hoa thơm” hai hàng ngang, hàng trên ngồi, hàng dưới đứng, hàng trên dựa quạt trên đầu, hàng dưới xòe quạt ở dưới và đổi nhau.

Câu 2: “Ố tình…ơ ơ”: quạt hai bên mỗi bên hai nhịp, hai chân nhún, chân rái làm trụ, chân phải kí, quạt úp xuống nhún người, rồi ngửa quả lên.

Câu 3, 4: “Bớ cái duyên… có á ru hời” 2 tay cầm quạt bắt chéo giơ cao rồi mở ra nhún kết hợp đổi chỗ cho nhau.

        Câu 5: “Bướn lượn… nó bay” 2 trẻ cầm tay nhau giơ cao, tay còn lại vẫy đi vòng đôi mắt nhìn nhau.

Nhạc dạo: làm động tác vờn quạ 2 trẻ vờn 2 bên di chuyển thành 2 hàng dọc ngang.

Câu 1: Tay giơ cao quạt lên trước cổ tay đổi chỗ guộn

Câu 2: Bước lên guộn cổ tay phải, lùi cuộn quạt tay trái lên cao rung quạt (vuốt guộn đuổi quạt)

        Câu 3, 4: Như lần 1

        Câu 5: 4 Trẻ quỳ, 4 trẻ đứng 2 tay giơ sang 2 bên rung tạo thành hình vòng cung. Hết bài.

            3.  Sắp xếp bố cục - kết cấu chương trình

            Điều kiện để xây dựng kết cấu chương trình

Để xây dựng một kết cấu chương trình ca - múa - nhạc đòi hỏi giáo viên mầm non cần có nhiều thành phần tham gia vào quá trình xây dựng đó. Cho dù ở bất cứ một thể loại, hình thức nào thì chương trình đó cũng cần có những thành phần nhất định làm cơ sở cho việc xây dựng kết cấu của chương trình gồm:Thành phần âm nhạc, thành phần thanh nhạc, thành phần vũ đạo, thành phần kịch, thành phần mĩ thuật, thành phần văn học.

            Kết cấu tuyến chương trình

Để xây dựng được một chương trình ca - múa - nhạc cho trẻ các giáo viên cần xây dựng kết cấu tuyến cho chương trình. Kết cấu tuyến chương trình có nhiều kiểu khác nhau. Phổ biến có các dạng tuyến sau: Tuyến gấp khúc, Tuyến lượn sóng, Tuyến đan xen, Tuyến hình thoi Tuyến V - A.

Ví dụ: Khi dàn dựng một chương trình ca múa nhạc cho trẻ mầm non với quy mô trung bình khoảng 30 phút, với tiêu đề là: “Biết ơn Bác Hồ Chí Minh”.

Đây là một chương trình được định dạng kết cấu có chủ đề. Vì chỉ với thời gian 30 phút do vậy không nên chia chương trình thành nhiều đoạn. Có thể chia thành 2 đoạn:

Đoạn 1: Tình yêu chúng con dành cho Bác Hồ Chí Minh

Đoạn 2: Ca ngợi và biết ơn Bác Hồ Chí Minh

Từ tư duy đó nên xếp các tiết mục theo thứ tự và dùng các hình thức biểu diễn như sau:

  1. Hát múa: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
  2. Hát - tam ca nữ: Bác Hồ - người cho em tất cả
  3. Hát - đơn ca nữ: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
  4. Múa: Hoa sen dâng Bác
  5. Hát - song ca nam nữ: Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác
  6. Hát múa: Như có Bác Hồ trong Ngày vui đại thắng

            4.  Xây dựng kịch bản - lên ý tưởng cho từng tiết mục

Kịch bản chương trình có chức năng hướng dẫn thực hiện chương trình, chỉ đạo hành động của chương trình. Bởi vậy, kịch bản bao giờ cũng cần đạt yêu cầu chính xác, rõ ràng, cụ thể đến mức tối đa để làm cơ sở cho người đạo diễn sáng tạo, thực hiện thao tác dàn dựng được chuẩn xác. Để xây dựng được một kịch bản chương trình chính thức ta cần phối hợp thực hiện ba bước sau: Bắt đầu từ việc viết đề cương kịch bản để xây dựng được khung chính thức cho chương trình. Rồi vận dụng những yếu tố văn học để triển khai đề cương đó theo một trình tự logic (lời dẫn) tạo ra một kịch bản văn học. Cuối cùng là cụ thể hóa từng nội dung đã trình bày trong đề cương thành kịch bản phân cảnh.

Cách xây dựng tiết mục mở, kết và cao trào của chương trình

Các tiết mục ở vị trí này có ý nghĩa đặc biệt quyết định chỗ đứng của chương trình. Cũng tại các vị trí này, mỗi tiết mục thể hiện được ý tưởng, định hướng nội dung nghệ thuật của kịch bản và đạo diễn đồng thời chúng gây ấn tượng mạnh, hấp dẫn tạo hiệu quả cho chương trình nghệ thuật. Nhất là các tiết mục mở và kết là dấu ấn có ý nghĩa quyết định giá trị nghệ thuật của toàn chương trình.

Ví dụ: Những bài hợp xướng lớn đông người; những tổ khúc, liên khúc hoành tráng; những hợp xướng với múa.

Xây dựng tiết tấu chương trình

Trong chương trình, tiết tấu đóng vai trò xuyên suốt, kết nối giữa các tiết mục, giữa các đoạn, phần chương đến toàn bộ chương trình. Đặc biệt, các chương trình nghệ thuật có thời lượng, quy mô lớn thì tiết tấu càng có ý nghĩa quan trọng trong chương trình.

           5. Viết thuyết minh (lời dẫn)

Trước khi viết thuyết minh cần thực hiện những yêu cầu sau: Trao đổi, tham khảo với đạo diễn là người đã trực tiếp thể hiện từng tiết mục và cả chương trình. Chính nhờ sự trao đổi này mà đạo diễn có thể gợi mở nhiều vấn đề cho người viết thuyết minh, ngược lại lời thuyết minh sẽ bổ sung thêm cho đạo diễn những điều chưa nói được trong chương trình hoặc ít ra cũng tránh được hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vì hơn ai hết đạo diễn là người đã tư duy nhiều nhất, làm việc nhiều nhất với chương trình. Nắm được yêu cầu của ban tổ chức, tính chất của chương trình và tâm lý, lứa tuổi, yêu cầu của khán giả.

Ngày nay, trong thời kì mới, phong trào ca múa nhạc lại càng có điều kiện để phát triển và cần phải có một phương pháp cụ thể để việc tổ chức dàn dựng chương trình ca múa nhạc ngày càng đạt chất lượng cao phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trên đây là toàn bộ những kiến thức sơ đẳng nhất về phương pháp và các bước tiến hành dàn dựng chương trình nghệ thuật nói chung và chương trình ca múa nhạc cho trẻ mầm non nói riêng. Hy vọng sẽ giúp cho các giáo viên mầm non Trường Mầm non Hoa PơLang có những cơ sở để thực hiện tốt công việc đạo diễn, dàn dựng các chương trình ca múa nhạc cho trẻ mầm non, một hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay đang được Nhà nước và các ban ngành quan tâm.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Ngọc Canh (2009), “Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp” (nghệ thuật đạo diễn), Nxb Văn hóa Thông tin.

2. Lê Đức Sang, Hoàng Công Dụng, Trịnh Hoài Thu (2008), Giáo trình âm nhạc và múa (dành cho hệ cao đẳng sư phạm Mầm non), Nxb Giáo dục.

3. Trần Minh Trí (1999), “Múa và phương pháp dạy trẻ vận động theo âm nhạc”, Nxb Giáo dục.

4. Vet Lughina (1985), Lí luận và phương pháp giáo dục âm nhạc trong trường mẫu giáo, (Tài liệu dịch).

5. Hoàng Văn Yến (1999), Nghệ thuật âm nhạc với trẻ Mầm non, Nxb Giáo dục.

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Tây Nguyên