Nội san

Biện pháp nâng cao chất lượng hướng dần đặt hợp âm cho ca khúc

29 Tháng Mười Hai 2017

Nguyễn Việt Châu[*]

 

 

Khi nói đến soạn đệm cho ca khúc, điều đầu tiên phải nói đến là hòa âm. Hòa âm là một thành tố quan trọng trong soạn đệm. Đặt hợp âm cho ca khúc không những tạo màu sắc mà còn làm tăng sự biểu đạt cho giai điệu, làm rõ hình tượng âm nhạc, định hình cấu trúc tác phẩm. Vì thế, nó có ý nghĩa lớn trong việc góp phần vào sự thành công của bài hát.

1. Đặt hợp âm cho ca khúc

Khi đặt hợp âm đệm cần phải lưu ý luôn dựa trên sức hút của điệu thức. Do đó, vòng hòa thanh chủ yếu được xây dựng trên bậc I - IV - V hoặc trên bậc I - VI - II - V.

Quá trình đặt hợp âm cho ca khúc cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Cần xác định các hợp âm thường được dùng trong mỗi giọng. Thông thường, để dễ nhớ nên ghi nhớ các hợp âm là T - S- D( I – IV – V ) của giọng chính và giọng song song với nó.

Ví dụ: giọng chính là giọng G dur thì 6 hợp âm thường dùng sẽ là:

Giọng chính:  G - C - D (D7); Giọng song song: Em - Am - Bm

Chú ý: Nếu như giọng chính là giọng thứ thì thường được dùng là thứ hoà thanh vì vậy bậc V phải dùng công năng  D hoặc D7

Ví dụ: Giọng chính:  Em - Am - B (B7); Giọng song song:    G - C - G

Bước 2: Dựa vào giai điệu để đặt hợp âm sao cho hợp lý. Nếu hợp âm đặt không đúng vị trí, hòa âm sẽ rất khó nghe. Cách đơn giản nhất là phải xem các nốt trên giai điệu nằm trong hợp âm nào (có thể có những âm ngoài hợp âm), dựa trên cơ sở đó để xác định hợp âm có thể sử dụng.

1.1 Cách sử dụng hợp âm

1.1.1 Sử dụng hợp âm cho ca khúc theo phong cách phương Tây

- Sử dụng các hợp âm chính:

Trong âm nhạc phương Tây, các hợp âm bậc I, IV, V(7)là các hợp âm chính của điệu thức Trưởng và thứ. Có một số ca khúc, nhất là ca khúc thiếu nhi có thể sử dụng một cách khá hiệu quả chỉ với 3 hợp âm này.

VD                               HÀNH KHÚC TỚI TRƯỜNG

(Trích)

Nhạc: Pháp

 

Thực tế, có nhiều bài hát chỉ cần đặt hợp âm bậc I và V không nhất thiết phải đầy đủ 3 bậc mà vẫn đạt được hiệu quả tốt.

VD                                           ĐỘI KÈN TÍ HON

  Nhạc và lời: Phan Huỳnh Điểu


- Sử dụng các hợp âm phụ:

Ngoài các hợp âm chính thì sử dụng các hợp âm phụ soạn phần đệm sẽ làm phong phú màu sắc cho giai điệu, ca khúc thêm cuốn hút và hấp dẫn hơn.

Ở giọng trưởng, lấy C-dur làm mẫu ta sẽ có các hợp âm chính là: C, F, G(7) thì các hợp âm phụ là: Dm(7), Em, Am, Bdim(7).

Ở giọng thứ, lấy a-moll làm mẫu ta có các hợp âm chính là: Am, Dm, E(7) thì các hợp âm phụ là: C, F, Bdim(7), G, Gisdim(7) (với a-moll hòa thanh và giai điệu).

VD                   MÙA HẠ VÀ NHỮNG CHÙM HOA NẮNG

                                                                        (Trích)

                                                                                    Nhạc và lời: Nguyễn Thanh Tùng

 

 

Bài Mùa hạ và những chùm hoa nắng được viết ở giọng C-dur, các hợp âm phụ được sử dụng là Dm ở ô nhịp 6, 8 và Bdim ở ô nhịp 9...

Trong bài Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va viết ở giọng a-moll, các hợp âm phụ được sử dụng là G ở ô nhịp 2, F ở ô nhịp 4 và 11, Bdim7/D ở ô nhịp 6, C ở ô nhịp 5 và 7, B7 ở ô nhịp 8...

 

 

VD                               CHIỀU NGOẠI Ô MÁT-XCƠ-VA

                                    (Trích)                        

Nhạc Nga

 

 

- Sử dụng đa dạng hợp âm:

Ngoài việc sử dụng các hợp âm chính và phụ của âm nhạc cổ điển châu Âu có thể sử dụng thêm nhiều hợp âm có màu sắc khác với hợp âm cổ điển, không thuần túy chỉ là hợp âm ba như sus, add, hợp âm có thêm nốt 6... Các ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ thường sử dụng đa dạng hợp âm.

1.1.2. Sử dụng hợp âm cho bài hát dân ca và ca khúc có mang âm hưởng dân ca

Bài hát dân ca Việt Nam thường được viết ở điệu thức 5 âm nên nếu sử dụng hệ thống hợp âm ba và hợp âm bảy của âm nhạc phương Tây có thể sẽ không phù hợp, mất màu sắc dân ca. Đặt hợp âm cho những bài dân ca nên là những chồng âm, hợp âm liên quan đến điệu thức của bài. Một số chồng âm được sử dụng đệm trong dân ca có cấu tạo giống các hợp âm trong nhạc nhẹ như: sus, add... nên trong trường hợp này có thể mượn kí hiệu của nhạc nhẹ cho các chồng âm đó.

Ví dụ, bài được viết ở điệu thức 5 âm C - D - F - G - A ta có thể sử dụng các chồng âm và hợp âm sau:

 

Ca khúc mang âm hưởng dân gian có bài được viết ở điệu thức 5 âm và có bài viết ở điệu thức 7 âm, vì vậy có thể sử dụng các chồng âm kết hợp với các hợp âm phương Tây để đặt cho phần đệm, quan trọng là vẫn rõ âm hưởng dân ca của bài hát.

Bài Khi vui xuân sang (Theo điệu Tứ Quý nhạc Chèo) dưới đây mang âm hưởng Chèo và điệu thức được viết đan xen giữa 5 âm (A-C-D-E-G) với a-moll tự nhiên nên có thể soạn hợp âm như sau:

VD                               KHI VUI XUÂN SANG

(Trích)

 Theo điệu”Tứ Quý” nhạc Chèo

 

 

2.Một số quy tắc cần chú ý khi đặt hợp âm

Có nhiều cách để tiến hành đặt hợp âm cho giai điệu, ta có thể tìm hiểu một số cách tiến hành đặt hợp âm thường dùng sau đây:

2.1. Đặt hợp âm theo ô nhịp

Thông thường, hợp âm được đặt ở phách mạnh đầu ô nhịp và mỗi ô nhịp có thể là 1 hợp âm, cũng có trường hợp nhiều hơn 1 hợp âm trong một ô nhịp hoặc vài ô nhịp chỉ sử dụng 1 hợp âm.

Khi đặt hợp âm theo ô nhịp cần xem trong mỗi một ô nhịp đa số các âm thuộc về hợp âm nào của giọng thì lựa chọn hợp âm đó. Đây là lối tiến hành theo chiều dọc và là cách tiến hành khá đơn giản cho người mới học đệm. Bước đầu nên tập luyện với ca khúc thiếu nhi hay ca khúc có giai điệu tương đối đơn giản.

Các hợp âm được đặt trong mỗi ô nhịp đều có các âm thuộc về hợp âm đã chọn, như ở ô nhịp thứ nhất có 3 âm nằm trong hợp âm C và 2 âm nằm trong hợp âm Am (e1, a1) nhưng ta đặt hợp âm C vì nhịp đầu ở bài khẳng định giọng điệu và nốt a1 sẽ là nốt ngoại của hợp âm; ô nhịp 2 có 3 âm trong hợp âm C, 2 âm nằm trong hợp âm Em nhưng không nên sử dụng mà vẫn dùng hợp âm C để khẳng định điệu tính; ô nhịp 3 có 4 âm nằm trong hợp âm F nên ta đặt F...

Chú ý, các âm ở phách mạnh thường chọn nằm trong hợp âm, tuy nhiên có những âm là phách mạnh nhưng lại không cùng hợp âm với các âm trong ô nhịp, lúc này cần phải dựa vào các âm sau đó để lựa chọn cho phù hợp.

2.2. Đặt hợp âm chú ý tới tương quan chiều ngang của hợp âm

Đặt hợp âm theo ô nhịp là cách đặt theo chiều dọc, nhưng nếu chỉ có vậy thì đôi khi hiệu quả không đẹp mà cần phải chú ý tới tương quan chiều ngang,  nghĩa là mối liên quan giữa các hợp âm với nhau.

Vòng hòa âm điển hình dưới đây trong ca khúc nổi tiếng của The Eagles: Bm - F# - Asus2 - E9 - G - D - Em7 - F#7 có thể vòng hòa âm đưa ra trước rồi mới sáng tác giai điệu cho ca khúc và nó được sử dụng gần như từ đầu đến cuối bài, được quay đi quay lại nhiều lần. Điều này cho thấy tác giả có chủ ý tạo sự tương quan về màu sắc hòa âm, tạo cho người nghe một sức lôi cuốn và sự gắn kết chặt chẽ, đó chính là sức hấp dẫn trong mối tương quan chiều ngang của các hợp âm.

3. Một số vấn đề khác khi đặt hợp âm

Trong một ca khúc có thể có nhiều cách để đặt hợp âm, cách đặt hợp âm như trên không phải là duy nhất, tùy theo quan điểm thẩm mỹ từng người mà cách đặt hợp âm cho một ca khúc sẽ khác nhau, vấn đề là hiệu quả có hay hay không.

Ngoài việc đặt hợp âm theo ô nhịp (tương quan chiều dọc) và theo mối tương quan chiều ngang của hợp âm thì cần chú ý một số vấn đề khác như sau:

Những bài có nhịp độ chậm, dàn trải và ở ô nhịp có các nốt ngân dài, có thể đặt nhiều hơn 1 hợp âm trong 1 ô nhịp (không phải ô nhịp nào cũng nhiều hợp âm vì còn phụ thuộc vào giai điệu) và ngược lại, bài có nhịp độ nhanh có thể vài ô nhịp sử dụng 1 hợp âm.

Dựa vào nội dung của bài.hát. Xác định cao trào của bài có màu sắc sáng hay tối, trong các ca khúc, phần cao trào thường phát triển mạnh, có thể chọn các hợp âm 3 Trưởng, 7 Trưởng, hợp âm có nốt tăng... để làm tăng thêm màu sắc cho giai điệu.

Trong việc soạn đệm, cũng cần lưu ý: âm đầu tiên và âm kết thúc của bài hát phải đặt hợp âm chủ để đảm bảo tính ổn định. Đối với những phần kết câu, kết đoạn thường đặt các hợp âm không ổn định như ở bậc IV và V. Trong soạn đệm cho ca khúc có những bài hợp âm được đặt ở phách nhẹ, tuy nhiên hợp âm đó chỉ mang tính lướt nên thường chuyển đến những hợp âm cách chúng một quãng 4 đúng: G"C, F"B, A"D, B"E...

            Để soạn được những bài đệm hay,ngoài việc phân tích tác phẩm, tư duy phối khí, người soạn phải có kiến thức hòa thanh tốt, sử dụng các hợp âm một cách linh hoạt, tinh tế và có sự sáng tạo đặc biệt đối với những chỗ phức tạp như chuyển điệu hoặc ly điệu trong bài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Khải (2015), Đặt hợp âm cho phần đệm ca khúc trong dạy học môn  hòa  âm  hệ  Đại học sư pham Âm nhạc, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  2. Nguyễn Mai Kiên (2003), Hòa thanh nhạc nhẹ, Giáo trình bậc Đại học, Nxb Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà Nội.
  3. Đỗ Hải Lễ (1993), Hòa âm, Nxb Trường CĐSP Nhạc Họa TW, Hà Nội.
  4. Patrick Moulou, Art Mickaelian (2011), 1000 Hợp âm cho đàn Organ và Piano, Nxb tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Sơn Hồng Vỹ (2004), Tự đặt hợp âm cho đàn Guitar và Organ, Nxb Giao thông Vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc