Nội san

Cồng chiêng Tây Nguyên - Một số vấn đề đặt ra hiện nay

04 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Ngọc Long [*]

 

Cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng. Hầu như trong mỗi sinh hoạt, mỗi giai đoạn của đời sống cộng đồng từ khi lọt lòng mẹ đến lúc trưởng thành đều gắn liền theo tiếng cồng chiêng, từ việc đồng áng như gieo mạ, gặt lúa, cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, cuộc chia ly hay tang lễ... Do đó, cồng chiêng trở thành nét văn hóa tâm linh, có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Không giống như một số di sản phi vật thể khác, cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại ở sự kết hợp của cả không gian và nghệ thuật. Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản này cần quan tâm đến cả hai yếu tố nêu trên. Tuy nhiên, sự biến đổi của không gian văn hóa cồng chiêng trong thời đại hội nhập đã và đang là nỗi lo cấp thiết.

    Giá trị hàng ngàn năm lịch sử

Cồng chiêng có giá trị lịch sử từ rất lâu đời, cách đây khoảng 3000 năm từ thời kì phát triển đồng thau tại vùng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cồng chiêng như cái tên vốn có của nó bao gồm hai loại nhạc cụ chính là cồng và chiêng. Cồng và chiêng gần giống nhau đều có dạng hình tròn như chiếc nón bằng đồng và chỉ khác nhau ở chỗ cồng có thêm núm ở giữa. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.

Âm thanh của cồng, chiêng vang như tiếng sấm rền. Đối với các dân tộcViệt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, cồng chiêng được coi là nhạc cụ thiêng. Lúc đầu, cồng, chiêng chỉ dùng để xua đuổi thú dữ, tế lễ thần linh, sau này mới được dùng trong các lễ hội dân gian. Nghệ nhân chỉnh chiêng hay người điều khiển giàn chiêng được coi là báu vật dân gian sống, là nghệ nhân giỏi, có khả năng thẩm âm, biết phát hiện và chỉnh sửa thanh âm lạc điệu của từng chiêng để đạt được âm thanh chuẩn của cả giàn chiêng. Nghệ nhân chỉnh chiêng không chỉ chỉnh âm cho các chiếc chiêng sai âm, mà còn chỉnh âm cho các giàn chiêng mới.

Hệ thống của cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng. Dàn cồng chiêng có thể chỉ đơn giản gồm 2 chiếc cồng, cho đến dàn 9, 12, 15 chiếc cồng và chiêng. Mỗi nghệ nhân sử dụng một cồng, chiêng hoặc trống. Người đánh cồng chiêng luôn di động, còn động tác thì đa dạng như nghiêng mình, cúi người, khom lưng... Khi đánh cồng, bàn tay mặt của nghệ nhân vỗ vào núm cồng như xoa dịu. Ngoài ra còn có cách đánh chiêng với dùi làm bằng gỗ cứng hay mềm khác nhau tùy theo dân tộc. Có thể gõ vào giữa mặt chiêng hay đánh ngoài rìa tùy theo bài bản. Khi biểu diễn, hai chiếc cồng mẹ và cồng cha đánh ra âm thanh trầm gần giống nhau để làm nền cho cả dàn nhạc. Kế tiếp là các cồng con cùng đánh một lượt với nhau thành một hòa âm, có tác dụng như những cây cột chống đỡ trong ngôi nhà. Những chiếc còn lại thì đánh so le theo thứ tự trước - sau, mau - chậm theo đúng qui định, phối hợp với nhau thành ra nét nhạc.

Đặc biệt trong các buổi lễ lớn hay những dịp tôn vinh một nhân vật nào thì đối tượng được tôn vinh phải tọa lạc ở vị trí trung tâm, và dàn cồng chiêng đi quanh thành hình tròn cho thấy việc này có ý nghĩa để cho nhân vật ở tâm điểm có thể thưởng thức âm thanh các cồng chiêng với khoảng cách bằng nhau, đúng với vị trí của nó, không bị nghe tiếng gần tiếng xa như khi xếp hàng ngang. Thêm nữa, trong buổi lễ, các nhạc công lại di chuyển ngược với chiều kim đồng hồ, đồng nghĩa với việc ngược dòng thời gian tìm về dĩ vãng, nhớ lại cội nguồn. Sự quý giá của cồng chiêng bao trùm cả hai lĩnh vực: vật thể và phi vật thể. Cồng chiêng đứng đầu trong hệ thống nhạc cụ Tây Nguyên. Văn hóa cồng chiêng là một hợp phần rất quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi tộc người nói riêng và của toàn Tây Nguyên nói chung.

 

Lễ bỏ mả

 

 Hồn thiêng trước nguy cơ mai một

Cồng chiêng là tài sản quí giá và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tuy nhiên một thực tế đáng lo ngại đó là không gian và hồn thiêng trong tiếng cồng chiêng đang ngày một dần mất đi. Trước kia tiếng cồng chiêng được đánh lên với âm thanh vang dội như sấm rền và thể hiện sự linh thiêng của vùng rừng núi Tây Nguyên. Nhưng lớp người trẻ tuổi, không những đơn giản hóa những quan niệm về chiêng cồng mà khả năng tiếp thu để diễn tấu các bài bản chiêng của họ còn hạn chế, tiếng cồng chiêng họ đánh không còn hồn thiêng như trước kia nữa. Hiện nay Tây Nguyên cũng có một số cơ sở chế tạo cồng chiêng để sử dụng, nhưng hầu hết những cồng chiêng mới sau này đều được mua tại Campuchia, Thái Lan… rồi mang về chỉnh âm lại. Theo tổng kết, đến nay, Tây Nguyên có tổng cộng không đến 2.000 dàn cồng chiêng mới lẫn cũ, nghĩa là chỉ còn lại khoảng một phần ba so với trước. Đây quả là một mất mát rất đáng kể.

Điều đáng lo ngại đầu tiên đó là nguy cơ mất “không gian”. Không như những di sản văn hóa phi vật thể, cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản do sự kết hợp của 2 yếu tố “không gian” và “nghệ thuật”. Nếu chỉ trình diễn cồng chiêng thì chưa đủ điều kiện tạo thành di sản độc đào này. Song cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường, không gian văn hóa cồng chiêng với những gian nhà dài, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng… đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa. Vì vậy mà giờ đây, âm nhạc cồng chiêng đang ngày càng được tô vẽ đậm nét hơn để trở thành một thứ âm nhạc trình diễn tại các lễ hội, phục vụ tại các điểm du lịch với kịch bản được dàn dựng sẵn. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng cây lúa rẫy sang cây công nghiệp đã dẫn đến sự suy giảm những sinh hoạt cồng chiêng gắn với hoạt động sản xuất truyền thống. Đời sống và sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng của văn hoá cồng chiêng. Nền kinh tế xã hội phát triển nên xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới trẻ, do đó, việc hướng họ theo học cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc trở nên khó khăn.

Lớp trẻ ngày nay chưa thật sự yêu thích, quan tâm đến cồng chiêng trong khi nhiều nghệ nhân giỏi (từ nghệ nhân chỉnh sửa chiêng đến nghệ nhân trình diễn, múa Xoang) do tuổi tác cao, lần lượt qua đời mang theo bao giá trị to lớn mà chưa truyền dạy lại hết cho lớp con cháu sau này. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức sản xuất kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình đã mang bán đi những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của mình.

Trước kia nghệ nhân mỗi năm chỉ đúc được một cái cồng, một cái chiêng. Cồng chiêng không chỉ được đúc từ đồng đen mà còn được lấy máu trâu vừa bị đâm trét lên trên. Vì thế, âm thanh đánh lên mới nghe như âm thanh của núi rừng. Nhưng hiện có nhiều người trẻ tuổi bây giờ lấy cồng chiêng mà ông bà, cha mẹ để lại, cạo lớp vỏ bên ngoài, bên trong để chỉnh lại âm giai cho giống phương Tây.

Níu giữ giá trị văn hóa từ ngàn đời

Từ năm 2004, toàn tỉnh chỉ còn 5.126 bộ cồng chiêng với khoảng 79.000 chiếc và nay đã tăng lên hơn 5.600 bộ, trong đó có rất nhiều bộ chiêng cổ có giá trị. Có những vùng còn lưu giữ nhiều cồng chiêng như huyện Ia Grai có 89 buôn làng người Jarai thì có đến hơn 1.000 bộ, bình quân mỗi buôn làng có từ 10-12 bộ cồng chiêng. Tỉnh đã đầu tư để mua thêm các bộ cồng chiêng mới trang bị cho các buôn làng không còn cồng chiêng và giao cho cộng đồng làng quản lý, mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân lớn tuổi. Mở hội thi chỉnh chiêng trong cộng đồng, nhằm bảo tồn giá trị những bộ cồng chiêng bằng những âm thanh hay và chuẩn, có độ vang xa.

Những lớp đánh chiêng cũng được truyền dạy cho học sinh dân tộc trong các trường học, nhất là trong các trường học nội trú - bán trú. Trường phổ thông dân tộc nội trú đã thành lập được đội cồng chiêng, các em sử dụng thông thạo cồng chiêng và đại diện cho các trường học tham gia các cuộc liên hoan trong và ngoài tỉnh. Cấp huyện và cấp xã cũng đã tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng theo định kỳ 2 năm 1 lần, thu hút tất cả các đội cồng chiêng ở nhiều lứa tuổi trên địa bàn cùng tham gia. Những hoạt động lớn hơn nữa là tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức những hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá các di sản như: “Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ nhất” vào năm 2007 tại thành phố Pleiku; Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại tỉnh Gia Lai... Thực hiện các đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai khôi phục được hơn 50 lễ hội của các nhóm dân tộc; tổ chức được trên 100 lớp truyền dạy cồng chiêng từ cấp huyện, thị xã đến cấp tỉnh; thành lập được 8 câu lạc bộ cồng chiêng và 8 đội văn nghệ dân gian; cấp 150 bộ chiêng và 15 bộ goong cấp cho phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã...; 52 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Điều đặc biệt, cộng đồng các dân tộc bản địa có di sản văn hóa cồng chiêng vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương; nhiều không gian văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được phục hồi, nhiều liên hoan, ngày hội văn hóa được tổ chức. Các địa phương có di sản cồng chiêng đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước và cơ bản đã hạn chế được nạn “chảy máu cồng chiêng”.

  Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một quá trình khó khăn, lâu dài và đầy thách thức, nó không thể là sản phẩm chủ quan duy ý chí mà nó phụ thuộc vào tiềm lực phát triển kinh tế, vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương.

Trước hết, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản dưới luật, với những quy chế hoạt động và những bản quy ước trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy những tài sản văn hóa truyền thống ở cơ sở thích hợp với đặc thù từng địa phương.           

Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế, được xem là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển văn hóa. Để thực hiện những mục tiêu đó tỉnh cần giải quyết nhiều vấn đề khác nhau như giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới, chú trọng nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Đầu tư phát triển sản xuất, nguồn vốn, giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, chính sách bao tiêu sản phẩm cho bà con để giúp bà con sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su, điều. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc tạo ra sản phẩm hàng hoá tăng thu nhập cho đồng bào, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế.

          Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học các hoạt động văn hóa truyền thống của người Jarai Aráp ở huyện Chư Păh để có cái nhìn khách quan về các giá trị văn hóa truyền thống này, đưa ra các phương thức, biện pháp bảo tồn, kế thừa và phát huy phù hợp đối với từng loại hình. Chẳng hạn: về phong tục tập quán, luật tục, về văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, các làng nghề, kiến trúc, điêu khắc, văn học dân gian, nghệ thuật, âm nhạc…

Triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trên địa bàn. Đây là xu thế tích cực bởi các hoạt động văn hóa xét cho cùng là những sản phẩm do chính người dân sáng tạo, nuôi dưỡng, và cũng là chủ thể hưởng thụ, rõ ràng nếu Nhà nước quan tâm đến cơ chế này thì công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống sẽ chuyển biến tích cực.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận và lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách. Vì vậy, bảo tồn là việc làm cấp thiết và quan trọng. Để những nỗi lo biến đổi về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể được hóa giải cần sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức nhưng trên hết là sự nhận thức đúng đắn từ chính đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bởi họ chính là chủ nhân của di sản, là những con người trực tiếp giữ gìn, bảo tồn tài nguyên văn hóa vô giá này của dân tộc. Bên cạnh đó, để có kế hoạch bền vững cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, các cơ quan quản lý văn hóa đóng vai trò rất quan trọng để di sản văn hóa phi vật thể này có thể phát huy tối đa giá trị vốn có.  

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Bính (2006), Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Kim Vân (2007), Đến với lịch sử - văn hóa Bắc Tây Nguyên, Nxb Đà Nẵng.

3. Viện văn hóa thông tin (2006), Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nxb Thế giới, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Tây Nguyên