Nội san

Vai trò của đàn nguyệt trong nghệ thuật hát Chầu văn

04 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Thị Hoa Lê [*]

 

 Nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam được xây dựng từ những lĩnh vực đặc trưng như tư tưởng, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn học và nghệ thuật. Đặc biệt đối với lĩnh vực nghệ thuật, Việt Nam được biết đến là đất nước lưu giữ và phát triển nhiều thể loại và làn điệu dân ca độc đáo, phong phú từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam như Ngâm thơ, Hát ru, Hò đến hát Quan họ, Trống quân, Xoan, Đúm, Ví - Giặm, Ca Huế, Bài chòi, Lý, Hát xẩm, Ca trù… Trong đó, không thể không nhắc đến nghệ thuật Chầu văn.

Chầu văn là hình thức lễ nhạc độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Chầu văn còn gọi là hát văn là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng, được hình thành và lưu truyền từ  lâu đời, gắn liền với tiến trình lịch sử của dân tộc. Do đó, Chầu văn được sử dụng phổ biến trong các lễ hội theo tín ngưỡng dân gian.

  1. Đặc điểm của Chầu văn

Chầu văn có giá trị nhân văn sâu sắc, đó là đạo thờ mẫu (thờ mẹ) nhằm mục đích giáo dục, hướng cho con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ, là tín ngưỡng với những đặc điểm rất riêng biệt.

Chầu văn sử dụng nhiều làn điệu khác nhau. Các làn điệu cơ bản gồm: bỉ, miễu, thổng, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu (phú dầu), đưa thơ, vãn, dọc, cờn xá, kiều dương, hãm, dồn, kiều thỉnh, hát sai (hành sai), ngâm thơ. Ngoài ra còn sử dụng nhiều làn điệu khác như hát nói, hát then, hò Huế…

Lời ca trong Chầu văn thường lấy từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn trong các tác phẩm văn thơ bác học.

Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính, nhưng trong các lễ hầu đồng, cả cung văn đánh nhịp (phách, cảnh, trống) cũng phải hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp, vừa hát; tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đàn nguyệt, vừa hát.

            2. Vai trò của đàn nguyệt trong nghệ thuật Chầu văn

Đàn nguyệt là một nhạc cụ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống âm nhạc cung đình và dân gian Việt Nam. Một cây đàn có cấu trúc đơn giản, nhưng có nhiều khả năng biểu hiện tình cảm thông qua giai điệu âm nhạc ở những cung bậc khác nhau.

Biên chế dàn nhạc Chầu văn gồm: 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 1 sáo, 1 trống lớn, trống ban (trống nhỏ), 1 cảnh đôi, 1 phách. Có thể do yêu cầu và sở thích của người hầu mà dàn nhạc sẽ có thêm 1 đàn tranh. Tùy từng hoàn cảnh hành lễ mà người ta có thể thêm bớt nhạc cụ này hoặc nhạc cụ khác, nhưng đàn nguyệt, trống nhỏ, cảnh đôi là các nhạc cụ nòng cốt nên không thể thiếu. Đàn nguyệt giữ vai trò chủ đạo trong Chầu văn luôn bám sát giai điệu, căn cứ vào nghi thức của từng giá hầu hành lễ quyết định việc chuyển điệu, chuyển lối, chuyển dây để phù hợp với làn điệu hát. Trong dàn nhạc bộ gõ là nhạc cụ giữ nhịp tạo âm hưởng. hát, đàn nguyệt, các nhạc cụ gõ cũng phải nghe nhau để cân đối. Các nhạc cụ khác như nhị, sáo làm nền và đệm cho hát luôn phải bám sát giai điệu nhưng cũng phải nhường cho hát và đàn nguyệt.

            2.1. Chức năng solo

Trong dàn nhạc Chầu văn, mỗi nhạc cụ giữ một vai trò quan trọng và có tiếng nói với những đặc trưng riêng, nhưng với cây đàn nguyệt thì vai trò của nó nổi bật hơn cả. Âm điệu của hát văn với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, đàn Nguyệt thể hiện tốt những trạng thái tình cảm đó. Tiếng đàn cất lên khi vui tươi trang trọng, lúc mượt mà, êm dịu, cùng với màu sắc âm nhạc đa dạng lúc mềm sâu lắng, lúc linh hoạt náo nhiệt, có lúc lại buông lơi nhặt khoan… Ngoài chức năng là nhạc cụ đệm cùng dàn nhạc, đàn Nguyệt còn có vai trò solo dẫn dắt giai điệu âm nhạc, thường chơi những câu mở đầu, hoặc nối tiếp những câu hát và trổ hát.

            2.2. Chức năng hòa tấu

Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc solo, mà đàn nguyệt là nhạc cụ không thể thiếu trong biên chế dàn nhạc Chầu văn. Ngoài vai trò chủ đạo trong việc lấy phách, lấy nhịp cho trống, phách và lấy hơi cho cung văn bắt vào câu hát, âm thanh của đàn nguyệt còn tạo hưng phấn cho người hầu đồng kết hợp với yếu tố tâm linh giúp họ dễ nhập thân vào các vị thánh.

Có những vấn hầu để tăng cường sự phong phú của âm sắc, tiết tấu và âm lượng, do đó dàn nhạc cũng mở rộng với sự tham gia của các nhạc cụ như thập lục, nhị, sáo… Mặc dù có nhiều loại nhạc cụ trong dàn nhạc hầu thánh, nhưng đàn Nguyệt vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt câu nhạc, lấy nhịp, lấy phách đưa ông/bà đồng vào trạng thái thoát xác mông lung, huyền ảo.

            3. Cách thức trình diễn các làn điệu

             Đối với điệu Dọc, tuy ngón đàn vô cùng phong phú nhưng cũng rất dễ nhận ra, đó là khi đoạn nhạc mở đầu và đoạn nhạc sắp bắt đầu vào hát, lúc cung văn chơi một vài hòa âm (quãng năm) trên dây buông, sau đó là một hòa âm nhắc lại ba lần trước khi bắt đầu hát từ đầu tiên. Đối với điệu Dọc, đàn nguyệt càng thể hiện vai trò nổi trội và đặc biệt quan trọng. Điều này được lý giải là do làn điệu Dọc là làn điệu được hát rất nhiều trong một buổi lễ (lúc lên khăn áo và lúc làm việc quan, hai giai đoạn dài nhất và thanh thản nhất của một giá hầu). Việc đàn nguyệt tham gia nhiều giúp cho cung văn có dịp để nghỉ và để nghĩ khổ thơ phải ứng biến cho giai đoạn tiếp theo.

            Làn điệu Cờn có đặc điểm tuy giai điệu mềm mại, uyển chuyển (nhiều dấu luyến), đậm tính trữ tình, nhưng yêu cầu nhiều về kỹ thuật thanh nhạc không quá phức tạp… nên được nhiều người ưa thích.

Điệu Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Khi trình diễn, làn điệu Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Cũng có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết hát kiểu dây lệch, chính điều này đã cho phép người đàn, người hát được biến hóa giai điệu.

            Âm vực của làn điệu Xá hoàn toàn phù hợp với kỹ thuật thanh nhạc cơ bản (không quá cao, không quá trầm), tiết tấu đơn giản, dễ nhớ phù hợp với nhiều đối tượng.

Trong làn điệu Xá các kỹ thuật của đàn nguyệt đều được sử dụng. Đây cũng là làn điệu để người chơi thể hiện các kỹ thuật xử lý ngón như vê, rung, luyến láy.

            4. Một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật đàn nguyệt trong hát Chầu văn

Để chơi được đàn nguyệt hay, tất yếu phải có một quá trình học tập lâu dài, bền bỉ, thậm chí phải khổ luyện mới có thể biểu hiện được những âm điệu, sắc thái đầy tình cảm độc đáo của đàn nguyệt. Trong Chầu văn, do tính chất của làn điệu, nên tất cả các khoảng âm trên đàn nguyệt đều được sử dụng một cách triệt để và có hiệu quả.

Đàn nguyệt là một trong những cây đàn rất đa dạng về kỹ thuật, có khả năng diễn đạt những cung bậc cảm xúc vô cùng phong phú. Khi thì ở vai trò độc tấu với nhiều phong cách khác nhau, có lúc lại ở vai trò nhạc cụ đệm cho giai điệu. Kỹ thuật diễn tấu là điều rất quan trọng trong việc thể hiện các bài bản, mỗi phong cách có những kỹ thuật riêng để thể hiện.

Kỹ thuật vê (ký hiệu     ), là một trong những kỹ thuật cần sử sụng nhiều trong các bài bản đàn nguyệt. Với kỹ thuật vê, tay cầm móng rất quan trọng. Nếu cầm không đúng, móng sẽ rơi và tiếng vê không đẹp. Ngón cái và ngón trỏ có nhiệm vụ cầm móng gảy, các ngón còn lại khum tròn. Cổ tay và ngón tay điều khiển móng gảy đánh xuống, hất lên đều đặn trên dây đàn. Động tác vê phải mềm mại dùng cổ tay kết hợp với ngón tay lắc nhẹ tạo ra tiếng đàn thật êm ái.

Kỹ thuật rung dọc còn gọi rung ngân ngoài, cách rung này là khi bấm tay trái vào phím đàn, yêu cầu cổ tay phải lỏng và lắc nhẹ toàn bộ bàn tay. Yêu cầu tiếng đàn không bị phô, chênh.

Rung ngang còn gọi là rung ngân trong. Cách rung này khi bấm tay vào phím đàn, phải dùng gân vít dây đàn xuống rồi lại thả ra một cách đều đặn cho hết trường độ của nốt nhạc. Khi vít dây xuống, ngón cái có nhiệm vụ làm điểm tỳ vào cần đàn tạo lực đỡ để ngón bấm rung được chắc tiếng đàn và chuẩn cao độ.

Kỹ thuật nhấn luyến lên

Do phím của đàn nguyệt cao, dây đàn bằng nilon mềm mại và chùng nên dễ dàng cho việc sử dụng ngón nhấn luyến. Với kỹ thuật này tay trái bấm nốt đàn rồi vít dây xuống tạo ra âm thanh có độ cao khác nhau, so với âm thanh thực tế của nốt đó. Nhấn luyến lên có thể từ quãng 2 đến quãng 4.

Kỹ thuật nhấn luyến xuống

Nhấn dây ở một phím đàn rồi mới gảy, vừa gảy ngón tay bấm nốt nới dần ra nhưng không nhấc khỏi phím, sau đó nhấn luyến xuống sẽ tạo ra nốt thứ hai thấp hơn nốt thứ nhất.

Kỹ thuật nhấn quãng ba

Bấm và gảy nốt la trên phím đàn rồi nhấn luyến lên nốt đô, sau đó nhả nốt la, gọi là nhấn quãng 3.

Kỹ thuật nhún

Đây là kỹ thuật sử dụng nhiều trong Chầu văn ở những nốt cao có âm thanh khô, đanh cần phải dùng kỹ thuật này để âm thanh trở nên mềm mại, tình cảm hơn. Đây là cách nhấn liên tục trên một phím đàn, nhấn nhiều hay ít, nhanh, hay chậm, dài hay ngắn tùy theo trường độ của nốt nhạc và theo tính chất của bài bản, làn điệu.

Kỹ thuật giật

Là cách nhấn trên dây như ngón nhấn luyến, nhưng tính chất âm thanh thì khác. Âm thanh được nhấn tới vừa vang lên, liền bị tắt ngay một cách đột ngột như tiếng nấc.

Kỹ thuật vuốt

Ở đàn nguyệt cách đánh vuốt cũng gần giống như cách vuốt ở các nhạc cụ truền thống khác, nhưng đặc biệt khi bấm vuốt cần phải chuẩn xác về cao độ. Kỹ thuật vuốt tạo ra tiếng đàn có âm thanh đặc biệt, giúp cho chuyển thế tay trên cần đàn dễ dàng.

 Vuốt kết hợp với kỹ thuật vê nghe tiếng đàn sẽ đầy và hay hơn. Kỹ thuật vuốt, phải thể hiện bằng cách dùng ngón trỏ và ngón cái miết vào cần đàn để tạo độ trượt qua các âm từ cao xuống thấp hoặc từ thấp lên cao, dùng ngón tay trái vuốt đi lên hay đi xuống theo chiều dọc của dây kết hợp với tay phải gảy một nốt hoặc vê, sau đó dừng lại ở âm quy định. Kỹ thuật vuốt thực hiện gần giống với kỹ thuật luyến, nhưng phải trượt qua nhiều phím đàn.

Có 2 cách vuốt: vuốt lên là vuốt từ âm thấp lên âm cao và vuốt xuống từ âm cao xuống âm thấp. Ngoài ra còn có vuốt tự do vuốt từ âm chỉ định lên bất cứ âm nào đó (không quá một quãng 5), vuốt từ âm chỉ định xuống bất cứ âm nào đó (thông thường chỉ vuốt xuống quãng 4). 

Các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam nói chung và đàn nguyệt nói riêng, khi diễn tấu không đòi hỏi kỹ thuật đỉnh cao như các nhạc cụ cổ điển phương Tây, mà điều quan trọng là bên cạnh việc nắm các kỹ thuật cơ bản còn cần nắm bắt được tình cảm, tính cách của giai điệu các làn điệu cần diễn tấu.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Thị Hồng Dung (2017), Âm nhạc Hát văn hầu ở Hà Nội, luận án tiến sĩ Âm

nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội

2. Nguyễn Hữu Hậu (1999), Giáo trình đàn nguyệt, Tài liệu lưu hành nội bộ tại Trường CĐNTHN.

3. Cồ Huy Hùng (2016), Đàn nguyệt trong một số phong cách nhạc cổ truyền người Việt, luận án tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

4. Xuân Khải (1994), Sách học đàn nguyệt, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Bùi Đình Thảo, Nguyễn Quang Hải (2012), Hát Chầu Văn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

6. Ngô Đức Thịnh (2012), Đạo mẫu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 7. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k4 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc