Nội san

Giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

05 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Thu Hoài [*]

 

Xây dựng nếp sống văn hóa là một cuộc vận động lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, là một việc làm vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, giữ vai trò đặc biệt trong công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội ta hiện nay. Vì vậy, xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên các trường quân đội có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giữ vững trận địa tư tưởng, văn hóa và bản chất truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

Đứng trước thực tế đó, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một trung tâm đào tạo về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong toàn quân và cả nước đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho nước bạn Lào và Campuchia nên cần phải xây dựng một nếp sống văn hóa lành mạnh, trong sáng, chính quy, tạo ra một cảnh quan xanh sạch đẹp, xây dựng bầu không khí vui tươi, đoàn kết, gắn bó giữa đồng chí, đồng đội, giữa thầy và trò... cùng hướng tới mục tiêu đào tạo “chiến sĩ - nghệ sĩ”, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện.

Tuy nhiên thời gian qua, nếp sống của một bộ phận sinh viên nhà trường đang có những biểu hiện xuống cấp, trái với những chuẩn mực và kỷ luật của một nhà trường quân đội như sinh viên bị đối tượng xấu lôi kéo, vi phạm pháp luật, sống thử, thờ ơ vô cảm với cộng đồng, lười học tập và rèn luyện... đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tác phong, kỷ luật trong việc xây dựng một nhà trường chính quy toàn diện. Trước yêu cầu và nhiệm vụ phát triển mới, để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đào tạo cán bộ, diễn viên, nhân viên văn hóa nghệ thuật đòi hỏi nhà trường phải có những giải pháp phù hợp để xây dựng một môi trường văn hóa chuẩn mực cho sinh viên để vừa phù hợp với điều lệnh, điều lệ của quân đội, vừa hội nhập với nền văn hóa đương đại trong nước và quốc tế.

1. Tiếp tục xây dựng những quy định quản lý sinh viên cho phù hợp với sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

   Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Nội dung những văn bản này cần quy định rõ sinh viên được làm gì và không được làm gì cũng như những hình thức kỷ luật khi vi phạm vào những quy định của nhà trường hoặc có chế độ khen thưởng rõ ràng khi sinh viên thực hiện tốt những quy định đó…

   Nội dung của những văn bản về quản lý sinh viên phải được xây dựng chặt chẽ, quy định trong cả học tập cũng như rèn luyện của sinh viên đồng thời cũng phải phản ánh được mục tiêu giáo dục của nhà trường là đào tạo chiến sĩ - nghệ sĩ cũng như đáp ứng được nhu cầu của xã hội là đào tạo đội ngũ tri thức vừa có đức vừa có tài.

   Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trong đó các khoa đào tạo, phòng Chính trị, tiểu đoàn quản lý học viên cùng với đoàn thanh niên thường xuyên có những đợt kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn hóa của sinh viên để từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời với những sinh viên vi phạm quy định về nếp sống của nhà trường. Việc xây dựng những quy định về quản lý sinh viên trong nhà trường cần cụ thể, rõ ràng nhằm tạo môi trường lành mạnh - một điều kiện để xây dựng một nếp sống văn hóa tốt đẹp cho sinh viên, góp phần hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo của cả người học và người dạy.

          2. Tăng cường công tác quản lý của chỉ huy các tiểu đoàn

Chỉ huy tiểu đoàn là người chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng, Chính ủy Nhà trường. Họ là người tổ chức thực hiện công tác huấn luyện, rèn luyện kỷ luật theo quy định của quân đội đối với học viên sinh viên thuộc quyền, đồng thời chỉ huy tiểu đoàn cũng là người chỉ huy, quản lý xây dựng tiểu đoàn vững mạnh toàn diện và hoàn thành các nhiệm vụ khác được giao.

Chính vì vậy công tác quản lý của chỉ huy tiểu đoàn đóng một vai trò rất quan trọng vì họ là người thường xuyên, trực tiếp quản lý, nắm chắc quân số học viên, sinh viên thuộc quyền. Chính chỉ huy tiểu đoàn là người đề xuất kiện toàn tổ chức các lớp học viên, sinh viên thuộc quyền quản lý. Ngoài ra chỉ huy tiểu đoàn còn là người quản lý, bảo quản, sử dụng trang thiết bị dạy và học, cơ sở vật chất, doanh trại. Họ là người tham gia cùng cơ quan chức năng đánh giá, phân loại chất lượng học viên, sinh viên, thường xuyên báo cáo tình hình mọi mặt công tác với hiệu trưởng và chính ủy nhà trường. Thông qua hoạt động quản lý của chỉ huy tiểu đoàn, nếp sống văn hóa của sinh viên nhà trường thường xuyên được chú trọng, quan tâm. Vấn đề học tập, sinh hoạt của học viên, sinh viên có đi vào nền nếp không phụ thuộc rất lớn vào chỉ huy các tiểu đoàn của các khoa. Những năm vừa qua, lãnh đạo nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực chỉ huy, quản lý của cán bộ tiểu đoàn, vì vậy mà nếp sống văn hóa lành mạnh, tích cực của sinh viên nhà trường luôn được đi vào nền nếp và ổn định.

          3. Tăng cường sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường đối với việc xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên

Cần nhận thức rõ hơn nữa vị trí, vai trò nếp sống văn hóa của sinh viên đối với sự phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo văn hóa nghệ thuật của nhà trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu, lãnh đạo chỉ huy các cấp đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần, hình thành tư duy khoa học, năng lực thẩm mỹ, năng lực sáng tạo, hình thành nhân cách “chiến sĩ - nghệ sĩ” cho học viên, sinh viên. Nâng cao hiểu biết cho cán bộ, giảng viên, chiến sĩ, học viên, sinh viên trong nhà trường về vai trò của nếp sống văn hóa lành mạnh đối với sự phát triển toàn diện của từng cá nhân. Thông qua quá trình thực hiện, nhà trường nhận thấy việc nâng cao ý thức và hành động của mỗi người là cơ sở để hình thành nên hệ thống nhu cầu, động cơ, thái độ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đối với nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh. Đồng thời, quá trình này cũng làm cho mọi người biết trân trọng, lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp với sự trưởng thành và phát triển của từng cá nhân. Từ đó, nâng cao trình độ học vấn, thị hiếu thẩm mỹ, văn hóa ứng xử và nếp sống văn minh cho mọi người.

            4. Phát huy tối đa hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các phòng, khoa, ban, tiểu đoàn học viên toàn trường trong mọi hoạt động để xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên

Lấy vai trò của tổ chức Đảng, Đoàn là lực lượng nòng cốt sẽ giúp xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, cho sinh viên toàn trường. Kinh nghiệm này được đúc rút qua thực tiễn hoạt động những năm vừa qua. Hàng loạt các cuộc vận động lớn của quân đội như xây dựng chính quy theo chỉ thị 37 của Đảng ủy Quân sự Trung ương, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông; ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác dạy, các quy định, chỉ thị của Tổng cục Chính trị, của Bộ Quốc phòng như “Chỉ thị về tiến hành cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội” ngày 12/5/1992 do Tổng cục Chính trị ban hành “Hướng dẫn về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Tổng cục Chính trị ban hành ngày 15/11/2000; quy định 1179/QĐ-CT ngày 28/11/2006 của Tổng cục Chính trị về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam; các hội nghị chuyên đề, lồng ghép việc học tập các Nghị quyết, Chỉ thị như Nghị quyết 87/CP, Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 19 của Bộ Quốc phòng… về phòng chống các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, hủ tục mê tín dị đoan; phong trào thanh niên tình nguyện, mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện… đã được nhà trường thể chế hóa thành những nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế như đổi mới nguyên tắc làm việc, phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh hiện tượng chồng chéo, các khoa chuyên ngành tự chủ sáng tạo, không để hiện tượng ỷ lại, trông chờ sự chỉ đạo của nhà trường; làm học viên, sinh viên hiểu được mục tiêu, giá trị của nếp sống văn hóa và sự rèn luyện trong môi trường quân đội; tạo cơ hội để cán bộ, giảng viên, chiến sĩ, học viên, sinh viên phản ánh kịp thời tình hình, tập thể kiểm tra lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn quá trình xây dựng nếp sống văn hóa; đầu tư xây dựng doanh trại, cơ sở vật chất, phòng học trang thiết bị phục vụ huấn luyện và phục vụ đời sống văn hóa nghệ thuật… Từ đó, sức mạnh tổng hợp được phát huy, một môi trường đậm chất văn hóa, nhân văn, bổ ích được tạo ra, công tác giáo dục đào tạo về văn hóa nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn hóa đã hòa quyện làm một, tạo được sự đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa bám sát những yêu cầu của công tác đào tạo, xây dựng đơn vị vững mạnh.

Trên đây là một số giải pháp để xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Để các giải pháp này được áp dụng một cách có hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ của nhà trường, các phòng ban chức năng, các tổ chức đoàn, hội và mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường phải là tấm gương cho học viên, sinh viên học tập, đặc biệt là mỗi sinh viên phải tự ý thức và không ngừng tự rèn luyện bản thân.

Tài liệu tham khảo

      1. Quy chế quản lý học viên trong các nhà trường Quân đội (Ban hành kèm theo Quyết định số 2032/2001/QĐ - BQP ngày 30/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).

2. Phạm Hồng Thanh (2007), “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa gắn với toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trong Quân đội”, Tạp chí Quốc phòng.

3. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (2014), Báo cáo số 175/BC-TĐH ngày 10/11/2014 về tổng kết công tác huấn luyện, giáo dục đào tạo năm học 2013 - 2014, Hà Nội.

4. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (2014), Biên bản số 110/BB-TĐH ngày 26/5/2014 về báo cáo kết quả Hội nghị tìm kiếm giải pháp hoàn thiện môi trường giáo dục tháng 3 năm 2014, Hà Nội.

5. Tổng cục Chính trị, Cục Tư tưởng - Văn hóa (1997), “Chặng đường 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội” (1992 - 1997).

________________________

[*] Lớp Cao học k4 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa