Nội san

Tìm hiểu về kĩ thuật vẽ chất liệu sơn dầu

05 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Thị Hải Yến [*]

 

Sơn dầu là một chất liệu quen thuộc với nhiều thế hệ họa sĩ từ bao đời nay. Sơn dầu luôn gắn liền với sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, gắn bó với những người đã và đang miệt mài tìm kiếm những điều kỳ diệu trên chất liệu này.

Sơn dầu được chế tác bằng cách nghiền bột màu với các chất kết dính (chủ yếu là các loại dầu thảo mộc trong đó thông dụng nhất là dầu gai) dầu có đặc tính trong và khô theo dạng màng kính và đàn hồi. Sơn dầu là một chất liệu quánh quện, dẻo dai lúc ướt thì mịn màng lúc khô thì bền chắc, có thể sửa chữa cạo đi hoặc đắp dày đều dễ dàng. Ngày nay với công nghệ hóa chất phát triển nên việc chế biến sẵn trong ống và các hộp màu bày bán sẵn có từ 12 - 24 màu và còn hơn thế nữa làm cho việc sử dụng càng thêm thuận lợi, với những đặc tính như vậy, sơn dầu cho phép vẽ lên bất cứ một nền mặt phẳng nào từ gỗ, vải đến những vật rắn như kim loại. Đặc biệt với sơn dầu khả năng diễn tả chất vô cùng phong phú, sơn dầu cũng nhiều cách vẽ. Mỗi cách vẽ đều có mỗi ngôn ngữ riêng, kỹ thuật riêng, thông qua nhận thức riêng của mỗi người mà diễn tả tình cảm của mình trên mặt tranh tùy sự biểu hiện tình cảm của mỗi người mà ta chọn cách vẽ.

Kiểu vẽ dày

Với những đặc tính quánh, dẻo... từ khi vẽ đến lúc khô cũng không thay đổi hình dạng của vệt màu nên đã cho ta thoả mãn khi diễn tả các đối tượng bằng nhiều cách khác nhau. Với cách vẽ dày này các họa sĩ tên tuổi đã từng gắn liền với nó như Vincent Van Gogh, Claude Monet... Những vệt màu dày là đặc trưng của chất liệu sơn dầu mà các chất liệu khác không sánh được.

Vẽ dày là vẽ như kiểu trát vữa, dùng bút hoặc dao quết, trát sơn quánh lên mặt vải, vừa trát vừa vờn tả làm cho màu nọ quyện với màu kia. Trong khi sơn đang còn ướt, hoặc có thể tạo khối, đắp dày vài xăng ti mét đều được, dùng bay để diễn tả những mảng rộng, hoặc chắn màu, tạo khối, dùng cọ đi những đường nhỏ chi tiết. Khi diễn tả có nhiều cách lên màu dùng bay lấy màu đã nghiền sẵn (dùng bay nghiền màu) hoặc nặn màu trực tiếp lên mặt tranh rồi dùng bay gạt theo các mảng, các hướng của bố cục đã định sẵn, tuỳ theo ý muốn tạo độ dày của của màu mà nghiêng bay khi điều khiển, lướt nhanh hay chậm, mạnh hay nhẹ, gạt nhẹ tay chậm thì cho độ dày nhiều hơn và ngược lại, thông thường muốn cho màu được trong không nên vẽ dày màu một lúc mà phải lên từng lớp một từ đậm đến sáng, chồng nhiều lớp màu sẽ chín hơn, không phải vẽ dày là đắp dày toàn bộ bức tranh mà phải biết chỗ nào cần dùng nhiều màu dày, vẽ dày ở tiền cảnh cho cảm giác gần hơn hoặc dùng nét màu dày để nhấn vài chỗ cần tạo tương phản nổi bật của chủ đề trong bức tranh. Van Gogh đã tạo được những nét màu dày diễn tả mạnh mẽ đã phản hồi dáng vẻ của nó trong chủ đề, ông đã dùng phần sơn đắp dày để nhấn mạnh trong đề tài. Mặc dù trong nét bút diễn tả của ông có sự trừu tượng trước chủ đề thiên nhiên.

Kiểu vẽ day mỏng

Người ta thường cho rằng vệt màu dày là đặc trưng của sơn dầu. Nhưng sơn dầu vốn có tính mềm dẻo nên có thể vẽ được nhiều cách mỗi cách vẽ đều cho mỗi giá trị khác nhau. Có thể vẽ day mỏng chải chuốt, vờn tuỳ ý, hoặc muốn mỏng hơn nữa pha thêm một ít dầu lanh rồi vẽ như màu nước cũng được.

Không có một quy định nào công thức nào bắt phải vẻ mỏng hay dày ở mức độ nào, có thể chải chuốt, phết từng mảng màu, vờn tả hoặc có thể day màu tuỳ sở thích của mỗi người, có người dùng dầu pha thật loãng, có người để nguyên màu mà diễn tả đối tượng, sơn dày hay mỏng là tuỳ đề tài, nội dung biểu hiện, dáng chất cần thiết cho từng tấm tranh. Mỗi cách vẽ đều có ưu điểm riêng, một vệt màu mỏng cho cảm giác xa, sâu hơn, mịn màng, mềm mại hơn là vệt màu dày, muốn tả một tấm vải hay lụa, làn da mịn màng của thiếu nữ,… dùng cọ mềm lấy màu rồi diễn tả chải chuốt sẽ cho hiệu quả cao, dùng sơn dầu với lối di mỏng để tả thực tả chân thì không một chất liệu nào có thể sánh kịp, có thể tả đến đường chân tơ kẻ tóc của từng đối phương, có thể sánh ngay với máy ảnh thời nay. Với kỹ thuật vẽ mỏng, hoạ sĩ Caravaggio trong bức tranh bữa ăn tối ở Emniaus (1596-1603) đã thu hút sự chú ý của người xem và hoa quả đặt ở vị trí có vẻ ngẫu nhiên trên mép bàn, họa sĩ đã vẽ rất mỏng với kỹ thuật vờn màu tạo sự mượt mà bóng bẩy, sự ngọt lịm của táo và nho, họa sĩ đã diễn tả thực, tự nhiên như bản chất của nó. Họa sĩ Cazanne thiết lập cấu trúc cho bức tranh của mình bằng cách chồng nhiều lớp màu mỏng, với những nét vẽ ngắn và vuông, màu sắc phong phú, hoạ sĩ vẽ theo sơ đồ tranh khảm vừa cấu tạo hợp nhất đất với bầu trời hiện lên bức tranh với sức mạnh gây ảo giác khẩn cấp không kìm hãm được. Các họa sĩ nước ta cũng không kém phần tài năng với phong cách vẽ mỏng này như “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân, “Phỗng đá” của Nguyễn Hữu Ngọc... đã thuyết phục người xem bằng những nét bút mềm mại và sự duyên dáng mượt mà của thiếu nữ... Mỗi kiểu vẽ không phải chỉ độc nhất một cách diễn tả, cái chính là ở hiệu quả dưới bàn tay của người hoạ sĩ, vệt màu mỏng cho ta sự êm dịu mượt mà trong cách vẽ, đắp màu dày tạo sự nổi cộm của gạch đá hoặc xù xì của gốc cây nhưng với bàn tay điêu luyện nhiều họa sĩ đã tạo được sự nổi cộm của gạch đá, thô ráp của gốc cây bằng cách vờn bóng mỏng cũng cho hiệu quả cao. Tất nhiên để làm được những điều đó họa sĩ cần phải có sự tích cực trong làm việc để tạo được bàn tay vàng cho mình lúc đó hơi thở tâm hồn mới được thổi vào ở những vật vô tri.

Kỹ thuật tạo chất

Trong nghệ thuật sự thành công của tác phẩm không thể không nói đến vấn đề của tạo chất với bất kỳ chất liệu nào chúng ta đều có thể tạo chất, mỗi chất liệu đều có mỗi cách tạo chất riêng. Tạo chất tức là nắm bắt hiện thực một cách thấu đáo để tạo nên sự sống cho tác phẩm, là cách thể hiện, phương tiện áp dụng những khả năng riêng của mỗi họa sĩ cho tác phẩm của mình. Trong sơn dầu với tính đa năng của chất liệu nên có thể diễn tả đối tượng bằng nhiều cách tạo chất, tạo chất bằng màu, hoặc đắp dày, di mỏng, cạo... có thể dùng bất cứ phương tiện nào kể cả ngón tay, bàn tay miễn là cho được thoả mãn khi diễn tả các đối tượng.

Sơn dầu có nhiều cách để tả chất làm đa dạng thêm cho chất liệu đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Thông thường khi vẽ ít ai vẽ một lớp màu mà đạt được hiệu quả ngay mà ta phải chồng nhiều lớp màu cho đến lúc nào đạt được như ý muốn thì thôi. Khi muốn chồng màu sau lên thì phải đợi lớp màu dưới khô vừa phải, tức là không khô cứng để khi chồng lớp màu sau lên có thể hòa lẫn nhưng ở độ ít hơn, dùng cách này để điều chỉnh đậm nhạt hoặc nóng lạnh thì rất hợp, hoặc chờ cho màu dưới khô chết hẳn rồi chồng lớp màu sau lên điều này tránh được sự hòa lẫn không cần thiết giữa các lớp màu, khi phủ màu sau lên có thể lấy dao cạo, nạo làm cho lộ ra màu phía dưới theo các hình dạng điều khiển của đường bút rất đẹp, hay tạo độ nhám, xơ hoặc hình dạng rồi phủ màu của gam chung lên dùng dao cạo làm cho các màu lẫn ở các khe nhỏ tạo được gam chung cho bức tranh. Cách này khi phủ lớp màu sau phải mỏng có thể dùng cọ quét nhẹ lên rồi dùng dao cạo lên chỗ đã phủ màu.

Trong tạo chất phải bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ từ ánh sáng màu sắc, không gian, xa gần nóng lạnh hình thể... của thiên nhiên có thể đắp dày, di mỏng, bóp méo hình thể không nhất thiết phải sao chép thiên nhiên, trong tạo chất sơn dầu giải quyết ánh sáng là rất quan trọng đôi khi ánh sáng xuất phát từ một điểm cụ thể của bức tranh và không còn tính chất siêu hình được mô tả, không nhất thiết ánh sáng phải từ trên rọi xuống như trong tự nhiên mà có thể bằng những nhát bút đắp dày và màu sắc ánh sáng được khêu gợi như trong bức phong cảnh ở Colliouve của Matisse. Ở đây hoạ sĩ gạt bỏ cách mô phỏng bắt chước thiên nhiên, ông dùng những nét bút ngang dọc chỗ dày chỗ mỏng, có chỗ buông lơi làm sinh động cho bức tranh, ta có cảm giác như gió vi vu, màu sắc rực rỡ, cảm giác cái nắng mùa hè thắm đượm tạo hồn sóng cho bức tranh.

Tạo chất là đi tìm cái mới, cái sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người để đưa vào tranh tạo cho bức tranh một linh hồn sống trong tranh và trong mắt người thưởng thức.

Có thể ngẫu nhiên hoặc tình cờ mà mỗi cá nhân họa sĩ thể hiện lên tranh bằng nhiều cách xử lý kỹ thuật khác nhau mà người họa sĩ lồng cảm xúc của mình vào bức tranh. Tác giả, thiên nhiên và sáng tạo là một thể, bản thân thiên nhiên con người, bản thân mọi sự chuyển động xung quanh chúng ta là một kho tàng cho người họa sĩ tìm tòi và thể hiện, thực ra “chất” đã có sẵn trong thiên nhiên, ai có thể rút nó ra được thì có được nó, toàn bộ thiên nhiên đến với người nào chịu khó tìm tòi, thiên nhiên có vai trò quyết định hay nói đúng hơn giữa tác phẩm và thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó. Chúng ta phải xem xét sự vật mà thiên nhiên phô bày trước mắt dưới dạng hoàn chỉnh, với một cái nhìn thâu suốt. Như vậy người họa sĩ có thể thực hiện được sự hòa hợp giữa sự chiêm nghiệm thiên nhiên và sự thực hành nghệ thuật.

Tạo chất bằng dao (bay) vẽ

Ngoài bút (cọ) và các loại họa cụ khác, dao vẽ là một trong những loại không thể thiếu đối với họa sĩ. Dao có tính chất mềm, đàn hồi, mẩy, cấu tạo giống bay của thợ nề nên thường gọi là bay, dùng để nghiền màu nhưng cũng có thể dùng để diễn tả chất cho một bức tranh. Dùng bay để diễn tả sự vật đối tượng, hoặc vẽ hình họa thường rất khó đòi hỏi người vẽ phải có kinh nghiệm và tay nghề cao. Dùng dao để diễn tả những nét tỉ mỉ, thì không bằng bút được vì bay có độ rắn không mềm giống bút nên thích hợp hơn khi đi những diện mảng rộng, hoặc tạo khối, chắn màu, hoặc cạo gọt tỉa những chỗ màu chưa đạt, khi dùng bay phải dùng một lượng màu tương đối nhiều nên phải cân nhắc trước khi đặt màu lên mặt tranh (để khỏi phải phí màu) rồi dùng bay diễn tả hoặc gạt các diện mảng đã phân sẵn theo bố cục trên mặt tranh, khi diễn tả bằng bay, lên màu cũng phải lên thứ tự từ đậm đến trung đậm rồi đến màu sáng. Có thể làm chủ bằng cách cầm cán dao, bằng độ nhún mạnh hoặc nhẹ của dao và sự tinh tế linh hoạt của bàn tay mà diễn tả, cũng có thể dùng bay dập (tức là gạt một lớp màu vừa phải lên mặt tranh, rồi áp sát mặt bay xuống dập nhẹ sẽ cho mặt tranh sần sùi trông cũng lạ mắt) hoặc vừa gạt vừa vờn tả tùy thích mỗi người... những đường gạt màu của dao thường cho cảm giác mạnh bạo, nên dùng để chải buốt thì sẽ không được mềm mại giống như cọ bay thích hợp với những lối vẽ mạnh, song việc dùng dao diễn tả như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích, thói quen, năng lực của họa sĩ, không có một công thức nào quy định. Đây chỉ là những kinh nghiệm và học hỏi mà thôi có người quen dùng dao để diễn tả và trở thành thế mạnh của mình, nhưng có người lại thành công nhờ công cụ khác. Điều này là tùy thuộc quá trình tìm tòi sáng tạo mà mỗi người họa sĩ tự tìm thế mạnh riêng trong mỗi họa cụ.

Trong tranh sơn dầu, kỹ thuật là một vấn đề cốt yếu mà người vẽ cần phải nắm vững khi xây dựng một tác phẩm. Để tạo nên được cái chất, sự sống và cái hồn cho bức tranh, điều đó đòi hỏi người vẽ phải không ngừng miệt mài tìm kiếm, sáng tạo khi thể hiện nắm bắt đến nơi đến chốn mọi yếu tố tạo hình từ chất màu, hình mảng đường nét, sắc độ... để cuối cùng đạt đến chuẩn mực của cái đẹp về hình thức lẫn nội dung.

Kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu mỗi người có cách riêng, đưa đến nhiều lối và cách thể hiện khác nhau, nhưng thể hiện hiếm có họa sĩ dùng duy nhất một phương pháp cho một bức tranh, cái cốt yếu là phải biết tổ chức các phương pháp thể hiện thành một bức tranh đủ biểu cảm, không phụ thuộc vào một kỹ thuật nhất định. Những phong cách cá nhân độc đáo sẽ hình thành, đòi hỏi người họa sĩ không những vững tay mà phải có sự từng trải, so sánh, quan sát nhạy bén và óc sáng tạo trong công việc.

Tài liệu tham khảo

1. Trương Bé (2000), Giáo trình sơn dầu, Lưu hành nội bộ, Trường ĐH Nghệ thuật Huế.

2. David Sanmiguel (2014), Học vẽ tranh sơn dầu, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Nguyễn Duy Lẫm, Đặng Bích Ngân (2001), Màu sắc và phương pháp vẽ màu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Lê Thanh Lộc (1998), Từ điển Mỹ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Marice-Grosser (1999), Để thưởng ngoạn một tác phẩm hội họa (Nguyễn Minh & Châu Nhiên Khang biên dịch), Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.

6. Hữu Ngọc (2005), Hội họa Việt Nam hiện đại thuở ban đầu, Nxb Thế giới.

7. Nguyễn Quân (1982), Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

8. Trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội (1985), Một số vấn đề Mĩ thuật, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

________________________

 [*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật