Nội san

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

09 Tháng Giêng 2018

 Lý Thị Hương Nhàn [*]

                          

Ngày 02 tháng 3 năm 1990, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 163 công nhận đình Lạc Giao là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Đó vừa là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung trước một di sản văn hóa của Việt Nam.

Di tích lịch sử - văn hoá đình Lạc Giao không chỉ mang trong mình những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc đình làng Việt và những lễ hội văn hoá cổ truyền đặc trưng vùng miền, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đời sống xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột. Đình Lạc Giao, đồng thời là nơi đánh dấu sự có mặt đầu tiên của người Kinh trên vùng Tây Nguyên, nơi thể hiện nét độc đáo riêng có trong tạo dựng mối đoàn kết cộng đồng Kinh - Thượng của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Thực trạng Di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Do được xây dựng bằng những nguyên vật liệu truyền thống, độ bền vững kém, đồng thời cũng chịu tác động của thiên nhiên và 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ đã làm cho không gian kiến trúc, cơ sở hạ tầng và một số cấu kiện cấu thành nên di tích phần nào bị phá hủy; đồ thờ tự trong đình cũng bị bom đạn chiến tranh hủy hoại, một số đã không còn và một số đang dần bị hư hỏng. Bên cạnh đó, một phần di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao do không được tu bổ, tôn tạo thường xuyên nên kiến trúc thờ tự Thành Hoàng làng đang trong tình trạng bị xuống cấp, một số nghi thức sinh hoạt tín ngưỡng, trò chơi dân gian trong lễ hội cũng đang bị thất truyền; công tác tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ gìn giữ chưa được phát huy triệt để dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đình làm nơi sinh hoạt và buôn bán vẫn còn diễn ra, đây là tình trạng nổi cộm về việc xâm hại di tích vẫn chưa được chính quyền và các cơ quan có liên quan phối hợp giải quyết.

Mặc dù sự hiện diện của đình Lạc Giao đã gắn kết vào dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Đắk Lắk, nhưng trong những năm thành phố Buôn Ma Thuột đang trong giai đoạn phát triển, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao vẫn còn là vấn đề riêng của ngành văn hóa. Đây thực sự trở thành những bất cập trong công tác phối hợp quản lý của các ban ngành có liên quan ở địa phương.

Thứ nhất, nhận thức của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa của di tích chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình. Công tác vận động, phổ biến trong nhân dân còn hạn chế, nên sự phối hợp với cộng đồng chưa thực sự sâu sát, người dân tham gia vào các hoạt động tại di tích còn hạn chế. Vì vậy đình vẫn chưa thể hiện được tính năng cố kết cộng đồng và chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hóa đối với cộng đồng mà thể hiện cô đọng nhất là trong các dịp lễ hội.

Thứ hai, công tác bảo vệ và quản lý môi trường di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao chưa được quan tâm triệt để, nên tình trạng xây dựng nhà cao tầng làm phá vỡ cảnh quan môi trường di tích, việc lấn chiếm đất đình làm nơi sinh sống và buôn bán của các hộ dân sống xung quanh vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay.

Thứ ba, nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo tồn di tích chủ yếu là nguồn ngân sách hạn chế của địa phương, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp chi phối thông qua các kế hoạch hoạt động chuyên môn của Ban Quản lý di tích tỉnh. Việc vận động tài trợ, ủng hộ, công đức và công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể, nên chưa khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, do trình độ dân trí không đồng đều nên công tác tuyên truyền được thực hiện cho từng đối tượng cụ thể chưa được triển khai hiệu quả. Đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý di sản văn hóa ở cấp phường, cấp cơ sở và thậm chí là cấp sở ngành, người trông coi di tích… vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu. Công tác quảng bá hình ảnh về di tích còn hạn chế chưa xứng tầm với di tích cấp quốc gia, việc thực hiện tuyên truyền bằng panô, băng rôn, cắm cờ phướn… chủ yếu được bố trí trên các trục đường chính, trong phạm vi gần đình, chưa rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nên hiệu quả công tác tuyên truyền không cao. Hoạt động tổ chức tuyên truyền, giới thiệu tại di tích chưa có khoa học, bài bản, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích.

Thứ năm, nguồn nhân lực không cố định, chỉ huy động mỗi khi có kỳ lễ, gồm có đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang, các tổ nhân sự của phường, đội vảo vệ được bổ sung vào công tác phục vụ khi lễ được tổ chức. Năng lực tham mưu công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế của công việc, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa còn thụ động dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. 

Thứ sáu, chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao vẫn chưa được phân cấp quản lý rõ ràng. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động tu bổ và phục hồi được lồng ghép vào trách nhiệm của đơn vị phụ trách trùng tu và sửa chữa, có thể là Ban quản lý di tích, phòng quản lý di sản văn hóa nên chưa giải quyết dứt điểm những sai lệch trong công tác bảo vệ di sản văn hóa.

            Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao có hiệu quả, trước hết cần phải cụ thể hóa các văn bản của cơ quan quản lý cấp trên; triển khai thực hiện như quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý di tích tỉnh và Ban quản lý các hoạt động lễ hội đình Lạc Giao; xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn liên quan đến di tích; Xin phép xây dựng, trùng tu sửa chữa trong di tích; xin phép sưu tầm hiện vật bổ sung và đưa đồ thờ tự công đức vào di tích. Với mục tiêu huy động, khai thác và sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực xã hội, việc thực hiện xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cần phải gắn liền với nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp; nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và chuyên môn ở các cấp.

Tuyên truyền vận động và bảo tồn phát huy những giá trị di sản phải làm kiên trì, đồng bộ, đều khắp, tạo sự chuyển biến ngay từ cơ sở. Các cấp ủy chính quyền cần sơ kết, tổng kết hàng năm; Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức các lớp học tập, phổ biến đến nhân dân thành phố; tổ chức tập huấn, hội thảo khoa học về quản lý Di tích lịch sử - văn hóa đình Lạc Giao gắn với phát triển kinh tế. Phương thức giới thiệu, quảng bá phải phong phú, đa dạng: kênh thông tin; xây dựng các bộ phim tư liệu về phong tục tập quán, lề thói sinh hoạt, nghi thức, nghi lễ,…

Cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa. Tạo điều kiện để cán bộ văn hóa cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy di sản do huyện, thành phố, hay trung ương tổ chức. Thường xuyên mở lớp tập huấn về kiến thức bảo tồn cho cán bộ quản lý từ thành phố tới cơ sở. Coi trọng việc đào tạo nguồn lực cho hoạt động bảo tồn theo hướng chuyên sâu phù hợp với đặc thù ngành.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích là việc làm quan trọng trong nhận thức về di tích. Xây dựng các công trình dịch vụ phụ trợ: quầy bán đồ lễ tế, đồ lưu niệm, đồ ăn uống cho khách thập phương, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh cộng cộng… Đồng thời rà soát, xếp loại, liệt kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đình để từ đó tổ chức các dự án bảo tồn, sưu tầm và thực hiện chế độ đãi ngộ cho những cá nhân giữ vai trò gìn giữ văn hóa truyền thống cổ truyền tại đình.

Thực hiện sưu tầm, biên soạn các tư liệu giới thiệu về đình, nhân vật thờ tự trong đình: Thành Hoàng, các vị Tiền hiền, các nhân vật lịch sử để người dân hiểu biết về nguồn gốc của di tích, lễ hội, tuân thủ nghi thức thờ cúng cũng như nâng giá trị linh thiêng của đình trong các kỳ tế lễ tâm linh.

Tăng cường công tác bảo vệ, không những đảm bảo an ninh trật tự đô thị, mà còn chú trọng đến công tác chăm sóc thường xuyên đến khuôn viên di tích đảm bảo không để xảy ra thêm tình trạng lấn chiếm, xâm hại đến di tích. Xây dựng nội quy, quy chế tham quan, du lịch và phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Tổ chức hướng dẫn các hoạt động phục vụ tham quan du lịch, lễ hội truyền thống theo quy định của pháp luật hiện hành. Địa phương phải có những chế tài đủ mạnh ngăn chặn việc xâm lấn di tích. Phối hợp với thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động văn hóa liên quan đến di tích, đặc biệt tập trung vào công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội và các dịch vụ phụ trợ.

Di tích đình Lạc Giao là tài sản quý giá được để lại từ những nỗ lực, cố gắng bảo tồn, gìn giữ của những thế hệ đi trước. Để hoàn thiện công tác quản lý di sản văn hóa của địa phương thì việc khắc phục những thiếu sót trong tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý đối với các cơ quan liên quan, nâng cao ý thức tuyên truyền, vận động bảo tồn tài sản văn hóa chung trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phù hợp mang tính khoa học và tính chuyên môn cao.

Trong bảo tồn, khai thác phải luôn đặt tiêu chí giữ gìn cái gốc, cái nguyên bản là mục tiêu hàng đầu và mang tính bắt buộc, định kỳ xây dựng kế hoạch phục dựng các nghi thức lễ hội truyền thống đã bị mai một, thất truyền. Trong quá trình khai thác không làm mất đi, không làm sai lệch những giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng của di tích nhằm mục đích bảo tồn vốn giá trị gốc của di tích.

Thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ để bảo tồn di sản, tôn vinh nét văn hóa truyền thống, phát huy thế mạnh văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó nâng cao ý thức của bản thân và của cộng đồng trong nhận thức, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di sản dân tộc, qua đó tuyên truyền, giới thiệu đến bạn bè trong nước và trên thế giới nét văn hóa bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa của nhân loại.

Thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản trên đây thì sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, đời sống văn hóa tinh thần sẽ được nâng lên một tầm cao mới, góp thêm một viên gạch xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, để dân tộc ta vững vàng trên tiến trình hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh (1993), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2012), Thông tư số 18/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 về Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

3. Hội đồng Nhà nước (1984), Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN, ngày 31/3/1984 về Bảo vệ và sử dụng DTLS - VH và danh lam thắng cảnh

4. Thủ tướng Chính phủ (1957), Quyết định số 519/TTg ngày 29/10/1957 về Quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích.

5. Đắk Lắk, https://vi.wikipedia.org>wiki> Đắk Lắk

 6. Thành phố Buôn Ma Thuột, https://vi.wikipedia.org/wiki/Buôn Ma Thuột.

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa tại Tây Nguyên