Nội san

Nét đặc trưng trong Âm nhạc Dân ca Bahnar

09 Tháng Giêng 2018

 Trần Công Tịnh [*]

 

Ở mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có điều kiện địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, đặc biệt là ý thức thẩm mỹ khác nhau, từ đó hình thành những truyền thống âm nhạc khác nhau. Trong đó, dân ca là một trong những tín hiệu nhận biết đầu tiên của sự khác nhau ấy.

Cũng như dân ca của các nước nói chung và các tộc người trên đất nước Việt Nam nói riêng thì dân ca Tây Nguyên cũng được phân chia theo các thể loại ca nhạc như: Dân ca trong cuộc sống đời thường, Dân ca lễ nghi tín ngưỡng…

Cho đến hiện nay chưa có tài liệu nào có thể thống kê được số lượng các bài bản dân ca và đang tồn tại trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người Bahnar: Đó là những bài hát ru; là những bài đồng dao; những khúc hát giao duyên hoặc là những bài hát sinh hoạt; hát kể trường ca, sử thi (A amon/Hri-Khan)...

               1. Thang âm - Cấu trúc

Âm nhạc của người Bahnar cũng như người J’rai rất đa dạng và phong phú, dân ca Bahnar có nhiều làn điệu, thường là những khúc nhạc ngắn mang nhịp điệu và luật nhịp có chu kì, có loại nhịp điệu tự do, loại nhịp điệu thường thấy ở trong các làn điệu hát kể trường ca và truyện cổ.

Nhạc hát của dân tộc Bahnar bao gồm một số thể loại chủ yếu như : Hát ru (úm kon) có giai điệu mềm mại, bình ổn, tốc độ vừa phải, nhịp điệu đơn giản. Theo tác giả Lê Xuân Hoan trong cuốn Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar thì dân ca Bahnar thường được xây dựng trên các thang 2 âm, 3 âm, 4 âm và thang âm 5 cộng với những âm biến thể của nó.

Tuy nhiên thang 2 âm ở trong âm nhạc dân gian Bahnar thường được dùng cho các nhạc cụ như đàn Goong (Đinh Goong), cồng chiêng… và chưa thấy xuất hiện trong các làn điệu dân ca Bahnar.

Thang 3 âm có 4 dạng thang âm cơ bản nhưng thang âm thứ 4 là thang âm phổ thông nhất trong các làn điệu dân ca Bahnar.

Dạng thang âm thứ 1.

Dạng thang âm thứ 2.

Dạng thang âm thứ 3.

Dạng thang âm thứ 4.

Ví dụ:  Trích bài   Mùa xuân đi xúc cá” (Dân ca Bahnar)

Thang 3 âm dạng thứ 4. Có cấu tạo gồm Q3 + Q2 từ âm gốc đến âm ngon tạo thành Q4.  Ví dụ:

Thang 4 âm : Thang 4 âm có cấu trúc bao gồm có 2 dạng:

Dạng thứ nhất gồm : QUÃNG 3 + QUÃNG 2  + QUÃNG 2.

Từ âm gốc đến âm ngọn tạo ra một quãng 5 đúng.

                        Hay trong bài dân ca:

YÊU ANH KHÉO ĐAN GÙI (D. ca Bahnar)

Kí âm và  phỏng dịch: Ns. Lê Xuân Hoan.

Dạng thứ 2 có cấu tạo gồm :

            Ví dụ:                       RU CHÁU (d.ca Bahnar)

                                    (Ghi âm và phỏng dịch : Lê Toàn Hùng)

Thang 5 âm có bán cung: Đây là thang âm đặc trưng của tộc người Bahnar. Ngoài quãng bán cung còn có quãng 4 tăng non (1/4 cung) là quãng đã tạo cho âm điệu của âm nhạc Bahnar có vẻ đẹp mờ ảo, lung linh pha chút huyền bí trở nên đặc biệt hơn.          

Thang 5 âm đặc trưng của âm nhạc dân gian Bahnar, như sau:

Trích trong bài “Mùa xuân đi xúc cá”(D. ca Bahnar)

Trong thang âm điệu thức: thang âm điệu thức 5 âm trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai hết sức phong phú và độc đáo; nó vừa là một hiện tượng mang tính phổ biến trong âm nhạc dân gian của các dân tộc Việt Nam, vừa là hiện tượng mang tính đặc thù của kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar.

            2. Giai điệu

Âm nhạc dân gian Bahnar, với sự mộc mạc, nguyên sơ trong chất liệu chế tác nhạc cụ; sự mềm mại, uyển chuyển trong giai điệu, tiết tấu; âm hưởng đượm buồn, lắng đọng nhưng lại tinh tế vang xa; tất cả những điều đó đã tạo nên một phong cách độc đáo, vừa gần gũi, hồn nhiên, trầm hùng và chững chạc vừa linh thiêng, xa xăm huyền thoại. 

            Ví dụ:                                   RU CHÁU (d.ca Bahnar)

Giai điệu của các bài dân ca Bahnar, chỉ vận động trong giới hạn của một  quãng 6 trưởng (từ âm gốc đến âm ngọn). Chức năng của mỗi âm trong thang âm thể hiện rõ ràng, trong đó, âm Đô 1 và âm Fa1# là 2 âm kết hợp với nhau tạo nên một quãng 4 tăng, do đó, được coi là những âm màu sắc, những âm khẳng định tính chất đặc trưng của thang âm điệu thức Bahnar ở Gia Lai.

3. Lời ca

Nội dung lời ca trong các làn điệu dân ca Bahnar đã diễn đạt được cơ bản các trạng thái tình cảm của con người trong từng thời gian và không gian nhất định với các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Lời ca trong bài Núi rừng tươi đẹp ca ngợi về mẹ thiên nhiên như:

Núi rừng tươi đẹp

(Phỏng dịch: Y Tư)

Núi rừng đang vào hè

Cây cối khoe màu rực rỡ.

Trời về chiều, tre nứa, cỏ hoa nô đùa trong gió.

Hoa rừng khoe bao sắc thắm, nghiên chao như múa.

Trông thật đẹp mắt.

Từ những lời hát ru (Pơ lung), Đồng dao (Avơng avao), hẹn hò của những chàng trai cô gái trong những đêm trăng sáng, hay trong mùa lễ hội; là lời khuyên nhủ, dạy bảo của ông bà, cha mẹ đối với con cháu và người thân và cả những câu chuyện thần kỳ trong những đêm trường ca (hơ amon) huyền thoại;... là tất cả những gì đã gắn bó với cuộc sống con người.

Ví dụ:  Lời nhắn nhủ của thế hệ đi trước dạy dỗ cho con cái trong bài “Nhớ ơn cha mẹ” (Phỏng dịch: Y Tư)

Dù đi đâu, làm gì

Phải tính toán, nghĩ suy

Phải luôn luôn cố gắn

Chớ quên lời mẹ cha.

4. Nhịp điệu, tiết tấu

Nhịp điệu - tiết tấu bình ổn, khoan thai, được thể hiện ở loại nhịp 2/4 hoặc 4/4; nhịp độ chậm vừa và chậm. Ví dụ trong bài.

Âm hình tiết tấu.

Với bài hát này ta thấy giai điệu thay đổi nhưng các âm hình tiết tấu đơn giản lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng cũng không kém phần hiệu quả và mang phong cách thang âm đặc trưng của âm nhạc Tây Nguyên là Đô–Mi–Fa–Sol–Si.

5. Không gian diễn xướng

  Kho tàng dân ca Bahnar là bao gồm nội dung gắn với thiên nhiên, con người và con người trong lao động sản xuất, bất khuất trong chiến tranh chống lại mọi kẻ thù để bảo vệ buôn làng… Đây là sự sáng tạo của những con người đam mê hoạt động nghệ thuật và cũng là nét mộc mạc, nguyên sơ nhưng không kém phần tinh tế của con người Bahnar.

Nói đến âm nhạc dân ca của người Bahnar ta thấy rằng nó luôn gắn với lễ hội truyền thống của họ, bởi vì hầu như trong các hoạt động lễ hội của người Bahnar bao giờ cũng gắn liền với các hoạt động Cồng chiêng, Văn học, Mỹ  thuật…

Như đã phân tích ở trên, các hoạt động lễ hội và các hoạt động thường nhật của người Bahnar luôn gắn liền với các hoạt động của nghệ thuật trong đó bao gồm hoạt động múa và hát. Đây là những hoạt động văn hóa mang tính lành mạnh và giáo dục bổ ích mà nó mang lại cho các thế hệ sau. Thông qua các lễ hội, mọi người trong cộng đồng đều hòa nhịp vào với văn hóa cội nguồn và đây là dịp để cho tất cả mọi người trong cộng đồng người Bahnar có dịp phô diễn kĩ năng cũng như tài năng sáng tạo của mình.

Tóm lại, cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Các bài dân ca Bahnar hầu như được gắn và diễn xướng ở không gian, thời gian phù hợp… Từ hát ru, đồng dao đến những lúc lao động mệt mỏi, trao đổi tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm trong lao động sản xuất và cả khi chết đi… đều có sự hiện hữu của âm nhạc dân ca Bahnar.

Văn hóa, nghệ thuật dân gian Bahnar là những sản phẩm vật thể và phi vật thể vô giá của đồng bào Bahnar nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ những vấn đề khái quát nói trên cũng đủ để vẽ nên một bức tranh văn hóa phong phú vừa độc đáo và mang nét đặc trưng của người Bahnar ngàn đời nay gắn bó với núi từng Tây Nguyên mà không thể nhầm lẫn với âm nhạc của bất cứ vùng, miền nào khác.

Tài liệu tham khảo

1. Nhiều tác giả (1996), Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên. Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.

2. Nhiều tác giả (1993), Thang âm - Điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, Nxb. Viện Văn hóa Nghệ thật Tp Hồ Chí Minh             3. Lê Xuân Hoan (2014), Tìm hiểu thang âm – Điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar, Nxb Âm nhạc.

4. Lê Xuân Hoan (2013), Dân ca Bahnar, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Lê Toàn Hùng (1960), Dân ca Tây Nguyên, Nxb Âm nhạc - Mỹ Thuật, Hà Nội.

________________________

      [*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Tây Nguyên