Nội san

Đổi mới phương pháp dạy học môn Phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình tại Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội

09 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Hồng Hạnh [*]

 

            Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tác động đến các bậc học, trong đó có giáo dục mầm non. Đổi mới phương pháp dạy học môn Phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình cũng nằm trong xu hướng đổi mới giáo dục mang tính tất yếu này.

        Trong chương trình đào tạo tại Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội, môn Phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình có thời lượng là 45 tiết và được dạy vào học vào học kỳ 2 của năm thứ nhất. Mục tiêu học phần hướng đến việc giáo sinh có khả năng đạt được tri thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết ở trình độ trung cấp về giáo dục tạo hình cho trẻ mầm non theo mục tiêu giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành, phát huy tối đa năng lực của người học, phát huy tính tích cực chủ động trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Nội dung của môn học này khá phong phú và đầy đủ những vấn đề liên quan đến hoạt động tạo hình ở trường mầm non như: các dạng hoạt động tạo hình ở trường mầm non và ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Trong phần ý nghĩa của hoạt động tạo hình đối với phát triển của trẻ, môn học này giới thiệu với giáo sinh những ý nghĩa giáo dục như: thẩm mỹ, trí tuệ, đạo đức và thể chất. Trong nội dung tổ chức hoạt động tạo hình ở trường mầm non, môn học giúp giáo sinh làm quen với các hình thức tổ chức như: hoạt động chung của cả lớp, tổ chức ngoài giờ hoạt động chung, tổ chức hoạt động tạo hình ở góc nghệ thuật. Các loại tạo hình ở trường mầm non cũng được giới thiệu cụ thể như: tạo hình theo mẫu, tạo hình theo đề tài, tạo hình theo ý thích, tạo hình trang trí, thậm chí tính tích hợp trong hoạt động tạo hình ở bậc học này cũng được giới thiệu với các giáo sinh nhà trường.

  1. Đổi mới trong tổ chức hoạt động vẽ

            Trước hết, mỗi giáo sinh cần nhận thức đúng về vai trò của hoạt động vẽ ở bậc mầm non đối với trẻ, vì hoạt động này góp phần giúp trẻ phát triển trí tuệ như nhận thức được sự phong phú của cuộc sống xung quanh. Thông qua hoạt động này, trẻ biết sử dụng dụng cụ, nguyên vật liệu vẽ và nhận thức được mối liên quan giữa hành động vẽ và kết quả sản phẩm vẽ. Trong phân môn vẽ có ba nội dung là vẽ theo mẫu, vẽ theo đề tài và vẽ trang trí. Ở các nội dung này, giáo sinh cần nắm được mục tiêu cụ thể là:

            Đối với hoạt động vẽ theo mẫu: hướng dẫn trẻ kĩ năng truyền đạt hình dáng và những chi tiết đặc trưng của vật, sự tương quan về tỉ lệ giữa các phần, màu sắc của vật.

Nội dung vẽ theo đề tài (hay vẽ theo ý thích) là hướng đến trẻ hình thành kĩ năng truyền đạt được tương quan tỉ lệ giữa các phần trong một vật và sự phân bố vị trí của các vật trong không gian (trong mối quan hệ với không gian). Hay có thể hiểu là vẽ theo đề tài là trẻ sử dụng những kĩ năng và sự sáng tạo để vẽ bức tranh theo chủ đề cho trước.

Nội dung vẽ theo trang trí là giúp trẻ làm quen với sự kết hợp màu sắc, sắp đặt những hình thể trong một khuôn hình cụ thể theo những nguyên tắc nhất định.

            Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn của mình, chúng tôi xin đề xuất tiến trình tổ chức bài học này theo phương pháp dạy học tích cực như sau:

Về phía giáo viên: vận dụng công nghệ thông tin soạn bài giảng điện tử, trong đó định hướng, gợi mở những cách thức dạy học hoạt động vẽ trong phân môn hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non. Giáo viên chủ động xây dựng những nội dung, tình huống sư phạm để đặt giáo sinh vào những tình huống vận dụng kiến thức đã học để giải quyết. Việc thảo luận giữa các nhóm nhằm hướng đến tìm giải pháp phù hợp cho những tình huống xảy ra. Trong giờ dạy của mình, giáo viên sử dụng phương pháp “dạy học thông qua thực hành dạy trên lớp” để giáo sinh bước đầu có những trải nghiệm thực tế, cũng như tạo sự hấp dẫn, khuyến khích sự học hỏi của giáo sinh trong lớp. Sau khi kiểm tra giáo sinh về kiến thức, kĩ năng, giáo viên có đề xuất với nhà trường cho phép giáo sinh đi dự giờ và dạy mẫu một số tiết liên quan đến nội dung vẽ theo mẫu, vẽ theo đề tài, vẽ theo ý thích và vẽ trang trí để giáo sinh tích lũy những kinh nghiệm trong hoạt động dạy học sau này của mình.

Về phía giáo sinh: cần tích cực chủ động trong hoạt động học theo những phương diện như chuẩn bị bài học; tổ chức đón nhận việc học; gắn liền hoạt động học tập với thực hành và tự đánh giá. Trong đó, giáo sinh cần có các kĩ năng tập hợp tài liệu, soạn giáo án liên quan đến phân môn vẽ để từ đó có hiểu biết thực sự cũng như kịp thời phát hiện ra những vướng mắc để trao đổi, nhờ giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ kĩ thuật. Ngoài giờ lên lớp, giáo sinh cần chủ động lập các nhóm để thay nhau dạy mẫu, xử lý những tình huống giả định bởi những điều này thật sự cần thiết cho những lần thực tập dạy mẫu trong môi trường sư phạm mầm non thật sự.

            2. Đổi mới trong tổ chức hoạt động nặn

            Về cơ bản, giáo sinh cần có hiểu biết cụ thể về ý nghĩa và bản chất của hoạt động này, đó là: Nặn là một dạng thao tác trong nghệ thuật điêu khắc, đây là hoạt động mà lứa tuổi mầm non rất yêu thích bởi tính chất tương tác trực tiếp với vật liệu. Hoạt động nặn giúp cho trẻ nhận thức được các sự vật xung quanh một cách đầy đủ, cụ thể và qua đó trẻ hiểu được hình dạng, kích thước, cấu tạo và màu sắc của vật thể ở dạng 3D (hình khối trong không gian hiện thực). Hoạt động nặn còn giúp trẻ có khả năng cảm nhận đặc điểm hình khối của sự vật bằng xúc giác vận động và phát triển khả năng so sánh, ước lượng bằng mắt những đặc điểm trực quan như: kích thước, tỷ lệ, tính hợp lý, cân đối trong khối hình của vật cụ thể. Qua quá trình hoạt động nặn, đôi bàn tay trẻ cứng cáp cho nên các thao tác tay của trẻ đã trở nên thuần thục, dẻo dai và trẻ có khả năng sử dụng khéo léo và tinh tế linh hoạt trong mọi công việc thông qua đó góp phần phát triển thể chất. Hoạt động nặn có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ, giúp cho tư duy tạo hình của trẻ phát triển để từ đó có thể nhận biết, yêu cái đẹp, cái hay trong cuộc sống, và góp phần có năng lực sáng tạo ra cái đẹp.

            Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn của mình, chúng tôi xin đề xuất tiến trình tổ chức bài học này theo phương pháp dạy học tích cực như sau:

Về phía giáo viên: trong hoạt động này, kỹ năng thực hành nặn của giáo sinh và hướng dẫn trẻ nặn được sản phẩm cho riêng mình được xem là then chốt. Do đó, giáo viên tổ chức hoạt động dạy học qua các hoạt động thực hành là chủ yếu, việc tìm hiểu về chất liệu, cách xử lý đất nặn,… sẽ do giáo sinh chủ động tìm hiểu thêm ở nhà hoặc ngoài giờ lên lớp. Trong giờ học, giáo viên chia lớp thành 4 nhóm (số lượng giáo sinh ở mỗi nhóm tùy thuộc vào thực tế), giao cho mỗi nhóm một chủ đề và yêu cầu giáo sinh trong thời gian 40 phút tạo những dáng khác nhau theo yêu cầu (tạo dáng theo mẫu và tạo dáng theo đề tài). Tiếp đến, giáo viên yêu cầu mỗi nhóm cử đại diện lên trình bày quy trình thực hiện bài nặn của mình gồm những bước nào? Việc trình bày quy trình này phải hướng đến việc giải thích cho đối tượng là trẻ mầm non chưa biết nặn và làm theo quy trình các việc sẽ nặn được. Các giáo sinh trong lớp căn cứ theo quy trình được trình bày và đặt câu hỏi, cũng như đưa ra những tình huống sư phạm để yêu cầu nhóm trình bày giải thích và làm rõ. Căn cứ vào tình hình am hiểu kiến thức sư phạm và kĩ năng nghề nghiệp của mỗi giáo sinh trong học phần này, giáo viên đề xuất nhà trường cho giáo sinh đi dự giờ thực tế và dạy mẫu tổ chức hoạt động tạo hình hoạt động nặn cho trẻ mầm non.

Về phía giáo sinh: cần tích cực chủ động trong hoạt động học trong và ngoài giờ học. Tìm hiểu và có hiểu biết sâu về tâm lí học lứa tuổi, đặc biệt là trẻ giai đoạn từ 3 - 4 tuổi, với những trẻ lần đầu đến trường, làm quen với môi trường vừa học vừa chơi. Giáo sinh cũng cần chia nhóm thực tập nghiệp vụ sư phạm để cùng giúp nhau thực hành, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp, chú ý đến việc xử lý các tình huống liên quan đến hoạt động tạo hình bằng đất nặn.

            3.  Đổi mới trong tổ chức hoạt động xé - cắt dán

            Cũng như hoạt động vẽ, nặn, giáo sinh cần nắm vững được mục đích, ý nghĩa của loại hoạt động tạo hình này, đó là thông qua hoạt động xé - cắt, dán, trẻ có thêm được hình thức thể hiện nhận thức, tái hiện sự vật hiện thực xung quanh mình. Hoạt động này giúp trẻ có đôi bàn tay khéo léo qua việc sử dụng dụng cụ như kéo, hồ dán, giấy màu,… Trong thực tế, hệ vận động của trẻ mầm non chưa hoàn thiện, cũng như hệ thần kinh của trẻ chưa tập trung nên việc dạy học phân môn này khá vất vả. Hầu hết việc trẻ xé giấy theo vô thức nên rất khó để có thể tạo hình một cách chủ động. Việc sử dụng kéo ở giai đoạn đầu của trẻ mầm non cũng chưa thành thục, nhiều trẻ xem kéo như đồ chơi và đùa nhau khá nguy hiểm. Cho nên, đối với việc tổ chức dạy phân môn này yêu cầu giáo sinh phải lưu ý một số việc cụ thể như sau: hướng dẫn trẻ từng thao tác nhỏ một cách tỉ mỉ. Giáo sinh chỉ chuyển hướng dẫn thao tác khác khi trẻ đã thành thục những thao tác đã học. Ví dụ, chỉ chuyển hướng dẫn việc xé đường cong khi trẻ đã thực hiện tốt việc xé đường thẳng. Trong hoạt động xé dán, hạn chế việc sử dụng kéo. Chỉ phát kéo khi đến việc sử dụng kéo, không phát trước để trẻ sử dụng như đồ chơi. Trong thao tác bôi hồ dán vào giấy màu cần hướng dẫn cụ thể bằng cách thị phạm để trẻ làm theo.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn của mình, chúng tôi xin đề xuất tiến trình tổ chức bài học này theo phương pháp dạy học tích cực như sau:

Về phía giáo viên: Do đặc thù của hoạt động này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc giáo sinh hướng dẫn trẻ phần thực hành nên bài giảng trong hoạt động này không chỉ hướng đến việc giúp giáo sinh có đủ kiến thức mà còn xây dựng, hình thành tính nhẫn nại, kiên trì trong hoạt động hướng dẫn thực hành. Để giúp giáo sinh có được kiến thức và kĩ năng trong hoạt động này, giáo viên cần có nhiều tư liệu liên quan đến hoạt động dạy học thực tế ở trường mầm non, cũng như ý kiến, kinh nghiệm của giáo viên đang dạy mầm non khi dạy hoạt động này để cung cấp cho giáo sinh một bức tranh tương đối đầy đủ về hoạt động này. Phát huy tính tích cực của giáo sinh qua phương pháp “dạy học thông qua thực hành dạy”, mỗi nhóm sẽ cử đại diện đóng vai giáo viên để tìm cách giải quyết, tháo gỡ cho những tình huống sư phạm đặt ra trong hoạt động này. Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn giáo sinh xây dựng quy trình tổ chức hoạt động tạo hình ở hoạt động này, để khi dạy trẻ mầm non có thể kiểm soát hoạt động dạy học của mình một cách hiệu quả. Ví dụ như cụ thể hóa các bước xé, cắt, dán một đồ vật qua những hình ảnh trực quan, động tác tay từng thao tác sao cho mỗi trẻ khi quan sát giáo cụ trực quan có thể tự làm theo được. Căn cứ vào tình hình am hiểu kiến thức sư phạm và kĩ năng nghề nghiệp của mỗi giáo sinh trong học phần này, giáo viên đề xuất nhà trường cho giáo sinh đi dự giờ thực tế và dạy mẫu tổ chức hoạt động tạo hình hoạt động xé, cắt dán tại cơ sở giáo dục trẻ mầm non.

Về phía giáo sinh: cần tích cực chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức liên quan đến hoạt động này, đặc biệt là sáng tạo những trò chơi để hấp dẫn, thu hút trẻ chủ động trong việc học hoạt động này. Cùng với đó, giáo sinh cần nghiên cứu những quy trình trong những bài học cụ thể, sau đó chia nhóm thực nghiệm để tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất trong việc tổ chức hoạt động tạo hình bằng kĩ năng xé, cắt dán ở trường mầm non.

Như vậy, có thể thấy với những hoạt động tạo hình cơ bản đang triển khai ở bậc học mầm non thì mỗi hoạt động có những đặc trưng và những điểm cần lưu ý riêng, nên không thể có một phương pháp chung cho tất cả các hoạt động này. Do đó, giáo viên Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội cần nắm vững những kĩ năng dạy học tích cực và vận dụng linh hoạt trong bài dạy của mình. Điều quan trọng là xác định đúng đối tượng, mục tiêu cốt lõi của bài học (cần đạt cái gì?) để có phương pháp dạy học phù hợp, tránh đi theo lối mòn hay dạy chung chung mà không đạt hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Lăng Bình (1998), Tạo hình và phương pháp hướng dẫn hoạt động tạo hình, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Lê Thị Đức, Lê Thanh Thủy , Phùng Thị Tường (2011), Các hoạt động tạo hình của trẻ mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3. Lê Đức Hiền (chủ biên) (2010), Tạo hình và phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình, Nxb Dân trí, Hà Nội.

4. Lê Thanh Thủy (2008), Phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Nguyễn Quốc Toản (2010), Phương pháp hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

6. Vụ Giáo dục Mầm non (1995), Chương trình chăm sóc, giáo dục mẫu giáo và hướng dẫn thực hiện (từ 3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi, 5 - 6 tuổi), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

________________________

      [*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật