Nội san

Một số biện pháp phát triển kỹ năng dạy học môn mỹ thuật của giáo viên mỹ thuật trung học cơ sở

09 Tháng Giêng 2018

Phạm Thị  Hảo [*]

 

Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, kỹ năng dạy học trên lớp của người giáo viên trở nên quan trọng. Làm sao có thể dạy học theo phương châm: dạy học là trao cho cả niềm tin, tình cảm, tri thức và kỹ năng, hay có thể hiểu là người giáo viên không chỉ cần có kiến thức chuyên môn tốt mà còn cần cả những kỹ năng dạy học tốt. Kĩ năng dạy học của giáo viên mỹ thuật thể hiện ở nhiều bước, từ việc chuẩn bị bài giảng, tổ chức quá trình dạy học trên lớp cho đến đánh giá chất lượng học tập.

1. Tăng cường nhận thức của giáo viên về tầm quan trọng của kỹ năng dạy học môn mỹ thuật đối với kết quả dạy học

Việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kỹ năng sư phạm cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường cần nhìn nhận ở các phương diện sau:

Một là, phải làm cho những đối tượng này nhận thức đúng về mục tiêu giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục của nhà trường một cách toàn diện. Để làm được điều này, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường nói chung cần bám sát với nội dung đã được quy định trong Luật Giáo dục, cũng như đội ngũ giáo viên dạy mỹ thuật cần ý thức hơn nữa về công việc của mình. Khi đó, những người làm giáo dục trong nhà trường mới có được nhận thức đúng về tính ưu việt, sự cần thiết của việc phát triển kỹ năng sư phạm đối với kết quả dạy học, mới tạo được bước chuyển cần thiết trong nhận thức và điều này được xem là yếu tố then chốt, tạo nên sự thành công trong mục tiêu giáo dục của nhà trường nói chung.

Hai là, việc phát triển kỹ năng dạy học của giáo viên mỹ thuật giúp cho chính người giáo viên đó được hoàn thiện về nghề nghiệp. Điều này góp phần hình thành một người giáo viên toàn diện về mọi mặt. Do đó, mỗi giáo viên cần nhìn nhận hệ thống các kỹ năng trong một chỉnh thể không tách rời và cần quan tâm một cách đồng bộ bởi kỹ năng chuẩn bị bài giảng hỗ trợ rất nhiều đến những kỹ năng thực hiện bài giảng, cũng như vậy, hệ thống 2 kỹ năng này tác động trực tiếp đến kỹ năng đánh giá kết quả hoạt động học tập.

Ba là, việc thay đổi nhận thức của xã hội, của phụ huynh và học sinh về môn học cũng rất quan trọng. Nếu nhiều người xem nhẹ việc dạy mỹ thuật trong nhà trường thì việc nỗ lực, tích cực trau dồi các kỹ năng dạy học của giáo viên mỹ thuật cũng không cần phải đặt ra một cách cấp bách. Nếu mọi người nhìn nhận, tôn trọng môn học mỹ thuật ở THCS như là một môn học bình đẳng với các môn khoa học khác thì tạo tâm lý phấn khởi, khích lệ rất lớn đến đội ngũ giáo viên dạy mỹ thuật và phần nào buộc mỗi giáo viên phải tự hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

2. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng dạy học môn mỹ thuật cho giáo viên

Với tính hiệu quả nhất định của việc bồi dưỡng kỹ năng dạy học định kỳ góp phần nâng cao chất lượng dạy học, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần chú trọng về các kỹ năng, phương pháp tiếp cận trong dạy học mới phù hợp với điều kiện thực tế trong nhà trường hiện nay.

Thứ hai, trong chương trình bồi dưỡng cần cho các giáo viên có các cơ hội trải nghiệm và thực hành những kỹ năng mới thông qua các giờ dạy học mẫu.

 Thứ ba, có nội dung chia sẻ kinh nghiệm, những băn khoăn, những thành công cũng như những khó khăn của mình với các đồng nghiệp qua các hoạt động hợp tác nhóm và thảo luận.

Thứ tư, nội dung của khóa học phải hướng đến nhiệm vụ chính là bồi dưỡng và thúc đẩy quá trình phát triển nghiệp vụ giảng dạy, tiếp tục nâng cao kỹ năng dạy học trên lớp giúp tạo ra những tác động lâu dài đối với các giáo viên qua đó giúp cải thiện quá trình dạy học, cũng như kết quả học tập của học sinh.

Thứ năm, khóa bồi dưỡng cần mang tính thực tiễn nhiều hơn là lý thuyết. Nội dung chú trọng đến việc cung cấp cho các giáo viên dạy mỹ thuật những kỹ năng, cách thức xử lý những tình huống trên lớp và các kỹ năng phù hợp với bối cảnh lớp học của họ.

Do điều kiện và kinh phí tổ chức các chương trình bồi dưỡng còn hạn chế nên không phải giáo viên dạy mỹ thuật nào cũng được tham gia. Cho nên, mỗi quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cử giáo viên cốt cán đại diện đi dự lớp tập huấn chung và kết thúc khóa bồi dưỡng những cốt cán này tiếp tục về truyền đạt lại các kiến thức cho các giáo viên chưa được tham dự theo từng cụm trường trong quận, huyện theo hình thức chia sẻ, vận dụng những kỹ năng mới trong bài giảng để cùng trao đổi, thảo luận tìm ra hướng đi phù hợp trong điều kiện thực tế của mỗi trường. Bên cạnh đó, các cụm trường cần chủ động, tích cực kết hợp với các cơ sở đào tạo sư phạm mỹ thuật như Trường Đại học SPNTTW, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để có những buổi tập huấn chuyên sâu, hỗ trợ kỹ thuật nhằm có được những phương pháp dạy học mới nhất, cũng như có cách thức khắc phục những kỹ năng đã và đang sử dụng chưa hiệu quả, không còn phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay.

3. Tăng cường tính tích cực của giáo viên trong quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng, phát triển kỹ năng dạy học môn mỹ thuật

          Để tạo hứng thú và phát huy mạnh mẽ tính chủ động của giáo viên, nội dung của biện pháp này cần đi vào các hướng sau đây:

- Kỹ năng chuẩn bị bài giảng

Cho đến nay dạy học theo hình thức giảng giải vẫn thịnh hành như một phương pháp để phổ biến kiến thức cho học sinh và là một công cụ không dễ bỏ qua. Thuyết trình là phương pháp tốt nhất để truyền đạt các kiến thức chung và thông tin, nhất là trong điều kiện lớp đông như ở nước ta hiện nay. Trong dạy học thực hành, giáo viên dạy mỹ thuật nên đưa ra một vấn đề trước khi giảng để định hướng học sinh vào những thông tin nhất định. Khi bài giảng được kết cấu tương ứng với vấn đề đặt ra, học sinh nghe có định hướng sẽ tiếp thu thông tin được chủ động hơn. Khi giáo viên tập trung chú ý đến học sinh và làm sáng tỏ nội dung bài cho họ, làm cho các ý liên quan đến các tình huống cụ thể, giúp họ ghi nhớ thì học viên sẽ hứng thú hơn và học được nhiều hơn. Muốn vậy, giáo viên phải có kiến thức sâu rộng và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và chủ động chuẩn bị cho các tình huống sư phạm phát sinh trong bài giảng, tránh bị động.

- Kỹ năng thực hiện bài giảng

Trong quá trình dạy học, ngoài các kỹ năng dạy học chuyên sâu như kỹ năng dạy vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, vẽ tranh, thưởng thức mỹ thuật, giáo viên cần tăng cường đặt câu hỏi và khuyến khích học sinh đưa ra câu hỏi, tạo sự tham gia tích cực của học viên bằng cách đưa ra nhiều câu hỏi và khuyến khích họ đặt câu hỏi bởi chính câu hỏi là phần kích thích sự quan tâm của học sinh trong quá trình học. Đồng thời, giáo viên cũng phải thường xuyên đặt câu hỏi để buộc mỗi học sinh phải tích cực suy nghĩ tìm ý trả lời. Nếu giáo viên biết lắng nghe các ý kiến trả lời của học sinh, có đánh giá kết quả học tập thông qua hỏi và trả lời câu hỏi trên lớp thì học sinh sẽ có thêm “động cơ” để học tập tích cực hơn trong quá trình học trên lớp. Đây chính là kỹ năng trong phương pháp “động não” để kích thích học sinh phải tư duy, suy nghĩ. Bằng cách này, giáo viên dạy mỹ thuật có thể làm cho học sinh cảm thấy mình có liên quan đến bài giảng và thông qua đó có thể biết được năng lực của mỗi học sinh. Cách dạy học này cũng giúp học sinh tăng cường đặt câu hỏi cho giáo viên để tóm tắt kiến thức, làm rõ vấn đề hoặc yêu cầu giáo viên dạy mỹ thuật phải thị phạm nhằm minh hoạ một số nội dung liên quan đến bài thực hành mỹ thuật.

Giáo viên dạy mỹ thuật cũng cần chủ động phát triển kỹ năng dạy học theo nhóm và tăng cường thảo luận, nhất là trong phân môn thưởng thức mỹ thuật. Kỹ năng này giúp cho kết quả dạy học được đa dạng, phong phú hơn khi tạo cơ hội cho học sinh được học tập được lẫn nhau, chia sẽ ý tưởng của nhau. Việc trao đổi, phản biện trước quan điểm của người khác sẽ làm cho suy nghĩ sắc bén hơn và hiểu biết được sâu sắc hơn. Kỹ năng này giúp cho việc dạy học đạt được một mục đích học tập cụ thể, đó là khơi gợi những ý kiến của học sinh qua cách trao đổi trong thời gian được giới hạn, lịch trình chuẩn bị trước để đi đến một sự thống nhất chung. Để thực hành kỹ năng này, giáo viên có thể bắt đầu bài học bằng một cuộc thảo luận để lấy ý kiến và quan điểm của học sinh, cũng có thể xen giữa bằng một cuộc thảo luận để làm sáng tỏ một vấn đề hoặc để tóm tắt củng cố nội dung, cũng có thể tổ chức buổi thảo luận vào cuối buổi học vì tất cả những mục đích kể trên.

- Kỹ năng đánh giá kết quả học tập   

Sau mỗi giờ học, học sinh cần biết về những gì có thể thu được. Nếu lúc bắt đầu giờ học, học sinh cần được giúp đỡ trong việc đánh giá kiến thức và năng lực hiện có. Trong giờ dạy, học sinh cần có cơ hội thường xuyên để thể hiện và nhận được những gợi ý bổ ích cho việc học được tốt hơn. Trong cuối giờ học, học sinh cần có cơ hội để bộc lộ những gì họ đã học được, biết những gì họ cần phải làm để tiếp tục học tốt hơn. Do vậy sự đánh giá và phản hồi kịp thời của giáo viên đối với học sinh có tác dụng rất lớn đối với việc dạy học, do đó kỹ năng này không được xem nhẹ mà cần chú trọng và dành thời gian thỏa đáng cho việc này.

Như vậy, để phát triển kỹ năng dạy học môn mỹ thuật cần chú trọng đến các nhóm kỹ năng như: chuẩn bị bài giảng, thực hiện bài giảng và đánh giá, nhận xét kết quả học tập. Giáo viên nhà trường cần thường xuyên nghiên cứu, cập nhật kiến thức để tự hoàn thiện trình độ bản thân cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, giáo viên dạy mỹ thuật cần chú trọng việc thay đổi phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh, tránh những tiết học nhàm chán, nặng về lý thuyết mà xem nhẹ thực hành. Ngoài ra, mỗi giáo viên cần có nhận thức đúng đắn về kỹ năng dạy học và chủ động trong việc tìm hiểu, rèn luyện, bổ sung những kỹ năng dạy học đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời gian tới.

                                                    Tài liệu tham khảo

  1. Iu . K. Babanxki (1985), Giáo dục học, Nxb Giáo dục, Matsxcơva.
  2. Nguyễn Ngọc Bảo, Trần Kiểm (2008), Lí luận dạy học ở trường trung hoc cơ sở, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  3. Nguyễn Lăng Bình, Nguyễn Hải Châu - Triệu Khắc Lễ - Đàm Luyện (2009), Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Mỹ thuật Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Bộ GD&ĐT và Vụ Giáo dục Trung học (2005), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên Trung học cơ sở chu kỳ 3 (2004-2007) môn Mỹ thuật – quyển 1,2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Bộ GD&ĐT và Dự án Việt – Bỉ (2010), Dạy và học tích cực – một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật