Nghiên cứu lý luận

Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học vẽ tranh đề tài cho học sinh tiểu học trường Đoàn Thị Điểm Ecopark

09 Tháng Giêng 2018

Dương Thị Hoa Cúc[*]

 

Vẽ tranh đề tài là một trong những phân môn của chương trình Mĩ thuật (MT) tiểu học. Vẽ tranh đề tài là sử dụng những hiểu biết về cuộc sống để tái hiện bằng MT. Phân môn này giúp học sinh tiểu học (HSTH) thể hiện cuộc sống một cách đa dạng, vun đắp tình cảm, tình yêu cuộc sống và trách nhiệm xã hội. Qua đó, các em biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, tự do thể hiện ý tưởng, có tư duy tổng hợp về hình, nét, màu sắc và biểu đạt một cách cao dần theo từng bậc học. Ngoài ra, Vẽ tranh đề tài còn giúp cho giáo viên (GV) định hướng giá trị thẩm mĩ và đạo đức cho HSTH.

Để việc dạy học vẽ tranh đề tài có hiệu quả, giáo viên (GV) cần sử dụng những phương pháp dạy học linh hoạt và thích hợp với từng đối tượng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Ecopark luôn quan tâm rất nhiều đến dạy học vẽ tranh đề tài cho HSTH, song chưa đạt được hiệu quả cao. Chính vì vậy, nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học Vẽ tranh đề tài cho HSTHTrường Đoàn Thi Điểm Ecopark là vấn đề có ý nghĩa cấp bách hiện nay.

1. Vài nét về thực trạng dạy học vẽ tranh đề tài cho học sinh tiểu học trường Đoàn Thị Điểm Ecopark

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Ecopark là một hệ thống giáo dục với phương châm giáo dục toàn diện: Đức – Trí – Thể - Mĩ. Trường học có lợi thế về cơ sở vật chất hiện đại và không gian xanh mát, là môi trường học tập lí tưởng và phát triển năng khiếu nghệ thuật cho HSTH.

Trong nhiều năm qua, Ban lãnh đạo nhà trường rất chú trọng phát triển bộ môn MT – bộ môn năng khiếu đầy sáng tạo. Trong quá trình triển khai công tác dạy và học MT, ban lãnh đạo đã chú ý đầu tư cơ sở vật chất phù hợp như phòng học chuyên, đồ dùng dạy học, tạo điều kiện tối đa để GV có thể áp dụng công nghệ thông tin vào tiết dạy. Về nhân lực ban lãnh đạo chú trọng tuyển dụng GV có năng lực tiềm năng, tạo điều kiện tối đa cho GV tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, khuyến khích GV sáng tạo lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi năng khiếu…Với những ưu điểm trên đã giúp cho việc dạy và học môn MT rất thuận lợi. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình dạy học vẽ tranh đề tài cho HSTH trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vẫn còn có không ít những vấn đề tồn tại cần được khắc phục.

2. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học vẽ tranh đề tài cho học sinh tiểu học trường Đoàn Thị Điểm Ecopark

Các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học vẽ tranh đề tài cho HSTH trường Đoàn Thị Điểm Ecopark cần đảm bảo quán triệt các nguyên tắc cơ bản là:

Đảm bảo tính thực tiễn:. Khi đề xuất các phương pháp chúng tôi đã tham khảo các đồng nghiệp, thực hiện thực nghiệm để đưa ra nhưng biện pháp khả thi nhất.

Đảm bảo phù hợp với đối tượng người học: Một biện pháp phù hợp sẽ khiến cho vấn đề được giải quyết nhanh chóng và đạt kết quả cao. Khi áp dụng biện pháp cần chú ý đến đối tượng học sinh và tâm lí lứa tuổi của các em để có được biện pháp phù hợp nhất. Một biện pháp phù hợp sẽ khiến cho vấn đề được giải quyết nhanh chóng và đạt kết quả cao.Khi áp dụng biện pháp cần chú ý đến đối tượng học sinh và tâm lí lứa tuổi của các em để có được biện pháp phù hợp nhất. Trong luận văn này, chúng tôi đã đưa ra những biện pháp phù hợp với đối tượng HSTH, đáp ứng đúng tâm lí lứa tuổi và tâm lí sáng tạo của các em.

Bảo đảm sự kết hợp giữa những phương pháp dạy học hiện đại. Mỗi phương pháp dạy học truyền thống hay hiện đại đều có những ưu và nhược điểm riêng của nó. Khi đưa ra biện pháp cần linh hoạt  để tận dụng các ưu điểm và khắc phục những nhược điểm này.

Căn cứ vào những nguyên tắc trên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học vẽ tranh đề tài cho HSTH trường Đoàn Thị Điểm Ecopark sau:

              Biện pháp 1: Dạy học theo chủ đề

Thay vì quan niệm, phân môn vẽ tranh rất khó với đối tượng HSTH, chúng tôi đã đề xuất những nội dung gắn liền với cuộc sống đời thường của các em học sinh. Vẫn là những nội dung trong phân phối chương trình của bộ giáo dục và đào tạo nhưng chúng tôi tiến hành dạy theo hướng mới, đó là: “Dạy theo chủ đề”, để học sinh tiếp cận bài được tốt hơn. Tùy vào đối tượng học sinh và tâm lí lứa tuổi mà chúng tôi gộp các nội dung bài dạy cho phù hợp. Cụ thể:

Đối với lớp 1: Là đối tượng đầu cấp, các em mới tiếp xúc làm quen với nhà trường. Ở độ tuổi nhỏ này thì mối quan tâm của các em hướng nhiều về bản thân và gia đình.Về tâm lí lứa tuổi các em: Lạ lẫm với thế giới xung quanh, thích quan sát, khám phá…Vì vậy chúng tôi gộp các bài vẽ tranh đề tài này thành một chủ đề lớn, ví dụ: Chủ đề Thiên nhiên quanh em (bao gồm tiết 12: Vẽ tự do; Tiết 31: Vẽ cảnh thiên nhiên đơn giản), chủ đề: Vật nuôi đáng yêu ( Bao gồm tiết: Tiết 22: Vẽ vật nuôi, Tiết 26: Vẽ chim và hoa, Tiết 33: Bé vẽ hoa).

Đối với lớp 2: Các em đã có một năm học tập rèn luyện dưới mái trường tiểu học. Các em đã có một số các kỹ năng cơ bản trong học tập. Ở độ tuổi này mối quan tâm của các em không chỉ dừng lại ở bản thân, gia đình mà đã dần hướng đến các mối qua hệ với thầy cô, bạn bè. Ở khối lớp này, tác giả cũng tiến hành dạy vẽ tranh đề tài theo chủ đề. Cụ thể: Chủ đề: Thiên nhiên xanh ( gộp bài: Tiết 14: Đề tài vườn cây đơn giản; Tiết 13: Đề tài vườn hoa hay công viên; Tiết 34: Đề tài phong cảnh đơn giản, Tiết 26: Đề tài con vật nuôi ), Chủ đề: Em và những người em yêu quý (gộp bài:Tiết 10: đề tài tranh chân dung, Tiết 23: Đề tài mẹ và cô giáo). Trong mỗi chủ đề, tôi giúp các em tiếp cận với những kiến thức Mĩ thuật thông qua các hoạt động tương tác với thầy cô, bạn bè dưới nhiều hình thức như trải nghiệm, thực hành, hay vận dụng sáng tạo qua bài học.

Đối với lớp 3: Các em đã có sự nhận thức tương đối về các mối quan hệ xã hội. Ở độ tuổi này, kỹ năng vẽ hình và vẽ màu của các em cũng có sự tiến bộ rõ ràng. Chúng tôi tiến hành chia chủ đề, xây dựng mục tiêu theo định hướng phát triển nhận thức và năng lực đó là: Sáng tạo trong môn mĩ thuật, cảm thụ, giao tiếp và trao đổi thông tin thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Các chủ đề ở khối lớp 3: Em yêu trường em (Gộp tiết: Ví dụ: Tiết 4: Đề tài trường em; Tiết 8: Vẽ tranh chân dung; Tiết 12: Vẽ tranh đề tài nhà giáo Việt Nam), Bốn mùa trong năm (Gộp Tiết 20: Ngày Tết và Lễ hội, Tiết 34: Đề tài mùa hè…).

Đối với lớp 4: Các em khá thích thú khi được chia sẻ về các sản phẩm của mình. Ở độ tuổi này các em càng nhận thức sâu sắc hơn về các mối quan hệ xung quanh mình. Các em có khả năng quan sát và tưởng tượng tốt, sáng tạo linh hoạt, đã biết đánh giá một tác phẩm Mĩ thuật theo tiêu chí có sẵn. Ở khối lớp này tôi tiến hành gộp các bài vẽ tranh đề tài theo chủ đề: Mái trường em yêu( bao gồm bài: Tiết 15: Vẽ tranh chân dung, Tiết 25: Đề tài trường em), Chủ đề: Thiên nhiên tươi đẹp (bao gồm tiết: Phong cảnh quê hương, Tiết 20: Lễ hội và mùa xuân, Chủ đề: Những con vật đáng yêu (tiết 3: con vật quen thuộc, Tiết 34: Đề tài tự do).

Đối với lớp 5: Chương trình giảng dạy phân môn đề tài mở rộng hơn lớp 4, có thêm các đề tài liên quan đến xã hội. Ở giai đoạn này tâm sinh lí của các em cũng có nhiều biến đổi. Từ đó các em có cảm nhận nhạy cảm hơn về tự nhiên, về các mối quan hệ và môi trường sống của bản thân. Trong chương trình lớp 5 tôi cũng tiến hành dạy theo chủ đề để kết quả vẽ tranh đề tài được tốt hơn. (Bao gốm: Ví dụ: Tiết 31: Ước mơ của em; Tiết 34: Đề tài tự chọn...)

              Biện pháp 2. Tăng cường sử dụng các kĩ thuật học tập hợp tác và quy trình dạy học dạy học Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực trong giờ học

  • Tăng cường sử dụng các kĩ thuật học tập hợp tác

Xét thấy, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải có sự hợp tác, chia sẻ để đạt được thành công. Trong học tập đây cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu để tạo nên một giờ học hiệu quả. Cụ thể trong giờ dạy vẽ tranh đề tài rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa GV và học sinh, học sinh với học sinh để giờ học đạt kết quả như mong muốn. Vậy làm thế nào để thầy và trò, trò và trò có được sự hợp tác, chia sẻ này? Thiết nghĩ, sử dụng các kĩ thuật dạy học hợp tác sẽ là biện pháp rất hữu ích.

Thông qua các kĩ thuật dạy học hợp tác, thầy và trò – trò và trò sẽ có cơ hội được gần gũi với nhau hơn trong giờ. Qua đó, học sinh có điều kiện trao đổi thông tin với thầy một cách tự nhiên, trao đổi thông tin với bạn học để mở rộng phạm vi hiểu biết của bản thân.

 Muốn tăng cường sử dụng các kĩ thuật dạy học hợp tác GV cần nắm vững kiến thức chuyên môn, áp dụng linh hoạt và phù hợp các kĩ thuật dạy học vào các bài học cụ thể. Một số kĩ thuật học tập hợp tác có thể áp dụng trong dạy vẽ tranh đề tài đó là:Kĩ thuật khăn trải bàn; kĩ thuật mảnh ghép; kĩ thuật KWL; sơ đồ tư duy

  • Quy trình dạy học dạy học Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực:

Đây là những quy trình dạy học Mĩ thuật theo dự án Đan Mạch được triển khai tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trong dự án có 7 quy trình dạy học khá thú vị, là gợi ý cho đa số GV muốn dạy học Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực người học. Cụ thể: (1) Vẽ cùng nhau và sáng tạo những câu chuyện; (2) Vẽ biểu cảm; (3) Vẽ theo âm nhạc; (4) Phương pháp xây dựng câu chuyện; (5) Phương pháp tạo hình 3D – tiếp cận chủ đề; (6) Điêu khắc nghệ thuật tạo hình không gian; (7) Tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn.

Trong phân môn vẽ tranh đề tài có thể lựa chọn các quy trình phù hợp để tăng hiệu quả trong tiết dạy, phát triển năng lực của học sinh.

Biện pháp 3. Thường xuyên thay đổi các hình thức tổ chức dạy học trong dạy học vẽ tranh đề tài

Trước đây hình thức tổ chức dạy học phổ biến là lên lớp, nghĩa là học sinh học trong phòng học theo sơ đồ theo dõi GV thuyết trình và thực hành theo sự hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất nên thường xuyên thay đổi hình thức tổ chức dạy học để tạo cảm hứng cho học sinh trong  giờ học vẽ tranh đề tài. Ngoài hình thức tổ chức dạy học trên lớp có thể kết hợp thêm hình thức cá nhân kết hợp với theo nhóm, dạy học ngoài lớp (bao gồm: Học tập ngoài không gian lớp học, học theo dã ngoại thăm quan trải nghiệm…).

            Trong những năm qua, quá trình dạy học vẽ tranh đề tài cho HSTH trường Đoàn Thị Điểm Ecopark đã đạt được những kết quả nhất định, song còn tồn tại những hạn chế nhất định, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học môn MT cho HSTH của nhà trường. Với việc lựa chọn, vận dụng linh hoạt các biện pháp đã được chúng tôi nghiên cứu, đề xuất sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học vẽ tranh đề tài HSTH của nhà trường.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2015), Tài liệu dạy học Mĩ thuật dành cho GV tiểu học. NXB Giáo dục Việt Nam.

2. Bộ giáo dục và đào tạo, Chỉ thị 40/CT-TW (2014), Đổi mới nội dung giáo dục, chương trình và phương pháp dạy học để phù hợp với xu hướng hiện đại và điều kiện thực tế của Việt Nam.

3. Bộ giáo dục và đào tạo, (2014) Thông tư số 30 Ban hành quy định đánh giá tiểu học.

4. Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier (2010) – Dự án phát triển giáo dục Trung học phổ thông, Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường Trung học phổ thông, Berlin - Hà Nội. Nxb GD.

5. Phạm Viết Vượng, (2008), Giáo dục học, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuậtnghệ  trình nghghệ thuật