Nội san

Dạy kỹ thuật vẽ trên vải trong học phần trang trí cho học sinh ngành Thiết kế thời trang tại Trường Trung cấp và May thời trang Hà Nội

09 Tháng Giêng 2018

Dương Thị Thu Thương [*]

 

Nội dung của bài báo đề cập đến một số vấn đề lí luận về trang trí và bổ sung nội dung chương trình dạy học kỹ thuật vẽ trên vải vào môn Trang trí chuyên ngành Thiết kế thời trang tại trường Trung cấp May và Thời trang Hà Nội. Trên cơ sở đó, bài báo phân tích thực trạng, đề xuất biện pháp thực nghiệm   thiết kế và bổ sung nội dung chương trình (dạy học) kỹ thuật vẽ trên vải vào môn Trang trí chuyên ngành Thiết kế thời trang tại trường Trung cấp May và Thời trang Hà Nội.

Trong chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang (TKTT) của Trường Trung cấp May và Thời trang Hà Nội (TCM&TTHN), môn Trang trí chuyên ngành có vị trí quan trọng, góp phần phát triển các năng lực và trí tưởng tượng sáng tạo của học sinh (HS), làm giàu cảm xúc thẩm mĩ cho các em trên cơ sở giáo viên (GV) cung cấp kiến thức  làm quen với chất liệu mới và rèn luyện các kĩ năng thực hành về vẽ trang trí hoàn thiện sản phẩm ngành may. Từ những kiến thức và các kĩ năng cơ bản đó, HS có khả năng cảm thụ được vẻ đẹp và vai trò của thời trang trong cuộc sống hàng ngày thông qua những hình tượng được khái quát hóa, điển hình hóa bằng ngôn ngữ đặc trưng của hội họa là hình mảng, đường nét, đậm nhạt, màu sắc… được bố cục theo các nguyên tắc của nghệ thuật trang trí khi áp dụng vào thời trang.

1. Nội dung dạy học phần Kỹ thuật Vẽ trên vải trong môn TTCN cho học sinh Trường Trung cấp May và  Thời trang Hà Nội

Bảng 1: Nội dung học phần  và thời lượng

TT

Nội dung học phần

Số tiết

1

- Giới thiệu về chất liệu màu                                          

      + Màu Acrilic và các chất liệu pha cùng

      + Cách pha màu

      + Cách căng vải

2

2

- Cách vẽ và xử lý trên từng chất liệu                           

      + Các kỹ thuật vẽ vải

      + Xử lý sau khô

      + Thực hành

17

3

-Kiểm tra, đánh giá

5

 

         2. Phương pháp dạy các bài Trang trí ứng dụng

       Trang trí ứng dụng là trang trí lên một đồ vật thông dụng, được gọi tên cụ thể (như trang trí chiếc khăn vuông, chiếc thảm hình chữ nhật, cái đĩa, lọ cắm hoa, chiếc quạt giấy, lều trại, bìa sách, đầu báo tường, kẻ khẩu hiệu v.v...). Các loại bài tập này vận dụng những quy luật trang trí chung, song linh hoạt hơn so với trang trí cơ bản.

  Bước 1: Quan sát và nhận xét: Cho HS quan sát một số mẫu vật thật, các bài vẽ trang trí đẹp có hình và màu của đồ vật đó để HS nhận xét kiểu dáng và cách trang trí.

  Bước 2: Vẽ hình: Cho HS sáng tạo bằng cách tự tạo hình dáng theo kích thước mà các em cho là hợp lí và đẹp (GV gợi ý cho HS vẽ sao cho có dáng hình đẹp, bố cục cân đối trên trang giấy).

  Bước 3: Phân mảng chính, mảng phụ: Tùy theo tính chất và nội dung sử dụng của đồ vật, không nhất thiết cứ phải xếp mảng chính ở giữa, mảng phụ ở xung quanh như ở trang trí cơ bản. Việc phân mảng cần sáng tạo, có chính, có phụ và thuận mắt, đẹp mắt.

  Bước 4: Vẽ họa tiết vào các mảng: Khi chọn họa tiết, GV lưu ý cho HS cần căn cứ vào tính năng sử dụng và lứa tuổi sử dụng để chọn họa tiết cho phù hợp.

  Bước 5: Vẽ màu: Màu sắc phải phù hợp với đối tượng và tính chất sử dụng.

3. Sử dụng kỹ thuật, chất liệu cho môn học mới

       Các phương tiện kỹ thuật cơ bản dạy học cần được chú trọng để thu hút sự chú ý của HS (các bài tập mẫu; các sản phẩm ứng dụng trong đời sống như Thân áo, khăn trải bàn, túi xách, thổ cẩm…… do GV chuẩn bị). Đây là cơ hội để HS học tập và nảy sinh những ý tưởng sáng tạo của cá nhân và phát triển các năng lực cần thiết, vì vậy, sự chuẩn bị đồ dùng dạy học (ĐDDH) của GV là hết sức quan trọng và phải phù hợp với nội dung từng bài. Khi đã chuẩn bị đầy đủ ĐDDH thì DH trên lớp là quá trình minh họa hay DH bằng phương tiện trực quan. Đây chính là đặc điểm của DH Mĩ thuật nói chung và dạy Trang trí chuyên ngành nói riêng. Vì thế, khi đưa ĐDDH để minh họa nội dung bài học, GV cần đưa ra ĐDDH đúng lúc, đủ liều lượng và phù hợp với nội dung bài học. 

* Các kỹ thuật vẽ vải

- Kỹ thuật vẽ phủ: Là kỹ thuật cơ bản nhất trong phân môn vẽ trên vải, cách vẽ gần như vẽ sơn dầu nhưng chất liệu Acrylic vẽ nhanh khô hơn nên thao tác vẽ của người học phải nhanh tay hơn, bước 1 vẽ lớp lót,   bước 2 lên đậm nhạt từng lớp một, bước 3 vẽ chi tiết và đi vào nhấn nét, hoàn thiện sản phẩm.

 

 

- Kỹ thuật vẽ màu loang (giống tranh thủy mặc): Các bước tiến hành giống như vẽ phủ nhưng khác phần kỹ thuật dùng bút và sử dụng màu, Kỹ thuật này yêu cầu dùng bút lông mềm, màu pha thêm với Bin cho lỏng để tạo độ loang khi cần.

 

 

 

- Kỹ thuật đắp màu: Vẽ giống kỹ thuật vẽ phủ, yêu cầu pha thêm hóa chất Nở khi vẽ và dày màu hơn. Khi vẽ xong để sản phẩm khô 8 giờ, sản phẩm đạt hiệu quả khi được là nhiệt cao.

 

- Kỹ thuật vẽ cắt dán vải: Cắt hình theo ý tưởng  rồi dán bằng keo dán vải chuyên dụng 340, sau đó vẽ như các bước vẽ phủ và bo nét để che phần cắt dán.

 

 

- Kỹ thuật đi nét bằng kim tiêm số 18: Sử dụng kim tiêm số 18 được cắt ngắn và mài mịn, sau đó cắm vào vịt đựng màu đã được cắt đầu để vẽ những chi tiết và nét nhỏ hoặc bo nét .

 

 

 

Chất liệu

- Màu Acrylic dạng lỏng các màu

- Chất keo (bóng), thêm vẻ bóng bẩy chomàu 

- Trắng nhật, dùng để vẽ lớp lót

- Véc ni trầm(Bin) không bóng láng

- Bột đắp nổi trộn với màu để tạo nét sơn dày(nở) chỉ có hiệu quả khi được là nóng sau vẽ khô

- Keo polymer giúp chất màu có vẻ đầy đặn, không quá mỏng.....

 

 

Họa cụ vẽ gồm có:

Bút lông, Palleter, Búa, đinh ghim, kẹp, Bảng để căng sản phẩm khi vẽ, Bay, Vịt đựng màu, Kim tiêm số 18 đã được cắt ngắn….

 

Màu vẽ vải Acrylic đóng tuýp

Màu vẽ vải Acrylic tự pha

 

Họa cụ vẽ trên vải

 

4. Một số lưu ý khi dạy các bài Trang trí

       Dạy Mĩ thuật nói chung  trong đó có dạy môn Trang trí nói riêng, công việc chuẩn bị cho tiết dạy của người GV vô cùng quan trọng. Cụ thể là:

- Để vận dụng các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực trong dạy môn Trang trí, trước hết GV cần lưu ý đến việc lập kế hoạch bài học để đưa ra mục tiêu cụ thể; chuẩn bị ĐDDH; lựa chọn các PPDH thích hợp... Từ đó, GV mới thiết kế được các hoạt động DH thích ứng để đạt được mục tiêu đó. Ngoài những mục tiêu cần đạt về kiến thức, GV cần xác định rõ những năng lực cần được hình thành ở HS.

  - GV có thể tham khảo sách chuyên môn và các tài liệu khác để tìm ra cách tổ chức các hoạt động học tập của HS theo cách riêng của mình.

  - Tùy theo nội dung từng bài, GV có thể sử dụng kết hợp các PPDH khác nhau trong bài dạy của mình (như phương pháp quan sát, trực quan, minh họa, thực hành...). Tùy từng nội dung bài dạy, GV có thể tổ chức cho HS làm việc theo nhóm (nhiệm vụ của nhóm có thể giống nhau hay khác nhau, tạo ra sự phong phú, năng động, sáng tạo của HS. Hoạt động nhóm có thể cho HS lựa chọn các phương án về bố cục, họa tiết, sử dụng màu sắc khác nhau để sáng tạo, hình thành nên kiến thức cần thiết của bài học...).

  - Trong bài dạy của mình, GV nên phân chia thời gian hợp lí cho các hoạt động DH trên lớp (như cách vẽ, luyện tập, thực hành...).

  - Với những bài học đầu, vì HS chưa có kĩ năng tốt, cho nên GV cần dành nhiều thời gian hướng dẫn các em biết cách sử dụng các chất liệu Acrylic trong vẽ trên vải. Ở các bài tiếp theo, thời gian dành cho hoạt động này sẽ ít hơn vì kĩ năng trên bước đầu đã được hình thành ở HS.

  - Khi cho HS quan sát tranh/ảnh, sản phẩm mẫu thực, GV cần đặt câu hỏi để HS quan sát có chủ định, có trọng tâm để phát triển tư duy hình tượng, sự cảm nhận thẩm mĩ thông qua ưu/nhược điểm của các sản phẩm mẫu. Khi HS quan sát, câu hỏi GV đặt ra cần hướng HS quan sát từ tổng thể đến chi tiết, theo các cấp độ từ dễ đến khó.

  - GV nên khuyến khích HS trao đổi, tranh luận, thể hiện nhận thức, cảm nhận riêng của các em. Trên cơ sở đó, GV đưa ra kết luận, khích lệ HS sáng tạo, tìm ra cách thể hiện độc đáo, mới lạ, mang tính nghệ thuật cao.

  - Sau khi HS quan sát, nhận xét, GV gợi ý để các em suy nghĩ chọn ý tưởng thể hiện cho bài vẽ như:  Chọn hình tượng, họa tiết yêu thích;  Sắp xếp bố cục sao cho hài hòa, đẹp mắt (GV có thể dùng đồ dùng trực quan để minh họa cho các dạng bố cục khác nhau giúp HS nhận biết được thế nào là bố cục đẹp và chưa đẹp? Bố cục trong bài Trang trí áo sơ mi có gì khác với cách bố cục của bài trang trí váy, đầm hoặc trang trí áo dài  không?...);  + Hướng dẫn HS cách phác hình, chỉnh hình, phân bố đậm nhạt và vẽ màu theo ý thích, phù hợp với nội dung, ý tưởng riêng của từng em.

  - Đối với bài vẽ trên vải, GV nên dành nhiều thời gian cho HS thực hành.

  6. Kết luận

  Dạy Mĩ thuật nói chung và dạy Kỹ thuật vẽ trên vải nói riêng thì việc  chính là dạy cho HS biết cách suy nghĩ để nhận ra cái đẹp, biết tìm tòi, sáng tạo ra cái đẹp, từ đó các em vận dụng những hiểu biết về cái đẹp, biết vận dụng kiến thức vẽ trên vải vào học tập, vào trong sinh hoạt hàng ngày và cho công việc mai sau. Đây chính là nhiệm vụ của GV Mĩ thuật nhằm phát triển năng lực của HS - một trong những yếu tố cần thiết giúp các em hình thành, phát triển nhân cách toàn diện, trở thành những con người của thời đại mới. Qua đó, giúp HS tìm ra nhiều cách giải quyết thông minh, sáng tạo độc đáo trong thiết kế. Dạy TTCN đối với ngành TKTT không ngoài mục đích giúp người học có thẩm mĩ tốt, từ đó có tác động đến lĩnh vực thời trang và góp phần nâng cao thẩm mĩ xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Trần Thủy Bình, Phạm Hồng (1992), Kỹ thuật tạo mốt và vật liệu thời trang,     Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thế Hùng (chủ biên) - Nguyễn Thị Nhung (2008), Giáo trình Trang trí - tập 3, NXB Đại học Sư phạm.
  3. Phạm Khải (2003), Hội họa toàn thư, Nxb Mỹ thuật, TP Hồ Chí Minh.
  4. Tạ Phương Thảo (2006), Giáo trình Trang trí, NXB Đại học Sư phạm.
  5. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật, NXB Đại học Sư phạm.
  6. Nguyễn Thu Tuấn (2014), Sử dụng phương tiện dạy học trong dạy môn Mĩ thuật ở trường THCS theo hướng phát triển tư duy sáng tạo của học sinh, NXB Giáo dục Việt Nam.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật