Nghiên cứu lý luận

Thực trạng dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần vẽ trang trí cho sinh viên sư phạm tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang

10 Tháng Giêng 2018

Đàm Quốc Kiên [*]

 

            Trên cơ sở đề cập đến một số vấn đề lí luận có liên quan, bài báo tập trung phân tích những nội dung cơ bản về thực trạng dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí cho sinh viên sư phạm tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.

            Trường CĐSP Hà Giang thuộc vùng biên giới phía bắc của Tổ quốc, cùng với bề dày truyền thống hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng - hiệu quả giáo dục theo xu hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực từ thực tiễn của xã hội. Hiểu được ý nghĩa của môn học Vẽ trang trí trong chiến lược giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện cũng như vai trò mật thiết của trang trí với đời sống con người, việc dạy học Mĩ thuật nói chung và dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí nói riêng cho sinh viên (SV) sư phạm tiểu học luôn được nhà trường hết sức quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí nói riêng cho SV sư phạm tiểu học cũng còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu về thực trạng dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí cho SV sư phạm tiểu học là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết hiện nay.

B. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

            1. Một số vấn đề lí luận cơ bản về dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí cho sinh viên Sư phạm Tiểu học

            Dạy học: Theo tác giả Trần Thị Tuyết Oanh và cộng sự : “Dạy học là quá trình tác động qua lại giữa người dạy và người học nhằm giúp cho người học lĩnh hội những tri thức khoa học, kĩ năng hoạt động nhận thức của thực tiễn, phát triển các năng lực hoạt động sáng tạo, trên cơ sở đó hình thành thế giới quan và các phẩm chất nhân cách của người học theo mục đích giáo dục” [1, tr.22].

            Trang trí cơ bản: Theotác giả Nguyễn Quốc Toản:Trang trí cơ bản như: Trang trí hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, đường diềm… nhằm rèn luyện kiến thức, kĩ năng bố cục, mảng trang trí. Sắp xếp độ đậm nhạt, phối sắc, phối màu trên các hình ấy sao cho hài hòa đẹp mắt với mục đích cuối cùng là trang bị vốn kiến thức, kĩ năng về nghệ thuật trang trí [2, tr.37].

Đặc điểm của sinh viên Sư phạm Tiểu học về việc học học phần Vẽ trang trí trong bộ môn Mĩ thuật

            Với phần lớn SV Sư phạm Tiểu học là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, khả năng diễn đạt bằng tiếng phổ thôngcủa các em tuy đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, nhìn chung các em khá nhút nhát, ngại phát biểu cũng như ngại hỏi GV khi chưa hiểu rõ vấn đề. Nhiều khi trả lời câu hỏi của giảng viên, do diễn đạt vụng về, ấp úng hoặc trả lời sai nên SV thường có tâm lý ngại trả lời dù các GV đã luôn chủ động gần gũi và động viên với các em. Với việc cần phải phát huy tính tích cực và tự giác trong học tập của người học, GV thường yêu cầu SV tìm hiểu tư liệu trước khi trả lời câu hỏi. Để giúp các em tự tin hơn khi trình bày cần giúp các em tự hiểu kiến thức trước khi phát biểu, trước hết phải xây dựng được tài liệu giải thích cặn kẽ các khái niệm, hoặc các thuật ngữ trong Mĩ thuật nói chung và trang trí nói riêng (ví dụ: tổng thể, cách điệu, tương quan…).

            2. Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang

            Trường CĐSP Hà Giang, tiền thân là Trường Trung học Sư phạm 7+3 Hà Giang được thành lập năm 1969. Sau nhiều lần chuyển đổi mục tiêu đào tạo, thay đổi tên gọi, năm 2000 Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.Từ buổi đầu đơn sơ, nay trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang đã là một cơ sở giáo dục đại học nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc loại hình trường cao đẳng công lập do Bộ GD&ĐT quyết định thành lập.

Với sự phát triển không ngừng theo thời gian, giờ đây nhà trường đã có 09 đơn vị gồm: 03 phòng chức năng, 03 khoa chuyên môn, 02 tổ trực thuộc, Ban Quản lí Kí túc xá; các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Chữ thập đỏ... Tính đến năm học 2016 - 2017, Nhà trường có 136 cán bộ giảng viên. Trong đó, cán bộ nhân viên: 25 người; giảng viên: 111 người. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo hơn 500 SV hệ cao đẳng đang theo học ở 6 ngành đào tạo cao đẳng chính quy.

3. Thực trạng dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí cho sinh viên Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang

3.1. Nội dung chương trình

            Nội dung Trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí bao gồm 2 chương:

Chương 1: Những kiến thức cơ bản của trang trí (Giới thiệu khái niệm trang trí, khái niệm bố cục trang trí, những yêu cầu cơ bản của bố cục trang trí, một số nguyên tắc cơ bản trong bố cục trang trí).

Chương 2: Trang trí các hình cơ bản (Giới thiệu khái niệm trang trí hình cơ bản, đặc điểm của các hình trang trí cơ bản, hướng dẫn phương pháp tiến hành bài trang trí).

Tổng số tiết của 2 chương là 9 tiết (45 phút/1 tiết). Học phần Vẽ trang trí được sắp xếp trong học kì 2 của năm thứ nhất, trong đó nội dung trang trí cơ bản được học trong 3 tuần đầu tiên, tuần thứ nhất học 3 tiết lý thuyết, tuần thứ 2 học 3 tiết thực hành, tuần thứ 3 học 3 tiết thực hành.

3.2. Phương pháp dạy học

            Học phần vẽ trang trí nói riêng và bộ môn Mĩ thuật nói chung là môn học nghệ thuật có tính đặc thù trong chương trình đào tạo giáo viên Tiểu học. Bởi dạy học Mĩ thuật là dạy người học biết cách cảm thụ và thưởng thức cái đẹp, bên cạnh đó, hướng dẫn người học cách tư duy và rèn luyện khả năng sáng tạo ra cái đẹp. Để dần đem lại cho người học những khả năng đó, các thầy cô cần đưa ra những phương pháp dạy học hợp lý nhất cho từng hoạt động trong một tiết học cụ thể.

            Khi dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần vẽ trang trí cho SV Tiểu học, các GV tổ bộ môn Mĩ thuật thường sử dụng các phương pháp dạy học sau: Phương pháp thuyết trình; phương pháp trực quan; phương pháp vấn đáp, gợi mở; phương pháp luyện tập; phương pháp nhận xét, đánh giá.

3.3. Hình thức tổ chức dạy học

            Trong quá trình dạy học nội dung trang trí cơ bản, ở các tiết lý thuyết, các GV căn cứ độ phức tạp hay đơn giản của nội dung kiến thức để đưa hình thức tổ chức cho phù hợp. Có 2 hình thức các thầy cô thường sử dụng, đó là hình thức tổ chức dạy học toàn lớp và hình thức tổ chức dạy học theo nhóm. Ở hình thức dạy toàn lớp đòi hỏi mỗi SV phải có thái độ làm việc một cách tích cực, chủ động để tự giải quyết và hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Ở hình thức tổ chức dạy học theo nhóm, các SV có thể học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong việc tìm hiểu và chiếm lĩnh tri thức. Bên cạnh đó, trong các tiết thực hành các GV đều lựa chọn hình thức tổ chức dạy học toàn lớp để mỗi SV tự tiến hành các bài vẽ trang trí của mình, từ đó phát huy tính tích cực và chủ động của người học, qua đó, các em sẽ bộc lộ rõ những ưu điểm và hạn chế của mình qua từng bước vẽ. Về phía giảng viên, họ sẽ có nhiệm vụ bao quát lớp, đưa ra những gợi ý để SV làm bài tốt hơn.

3.4. Giảng viên

            Từ thực tiễn giảng dạy nội dung trang trí cơ bản cho SV Tiểu học, Trường CĐSP Hà Giang, tôi nhận thấy một số ưu điểm nổi bật sau:

            Các GV luôn nắm vững mục tiêu bài học, đảm bảo nội dung, tiến độ chương trình cũng như thời lượng các tiết học. Bên cạnh đó các thầy cô không ngừng trau dồi kiến thức, thường xuyên cập nhật và sàng lọc thông tin, tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu khác nhau và thường xuyên có những trao đổi về chuyên môn nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu để có thể giúp các SV Khoa Tiểu học học tập tốt nội dung trang trí cơ bản nói riêng và học phần Vẽ trang trí nói chung.

3.5. Sinh viên

            Về phía sinh viên, hầu hết các em các đều có phẩm chất đạo đức tốt, có bản tính cần cù, chịu khó và có ý thức, trách nhiệm trong học tập. Tuy nhiên, ở các em vẫn còn tồn tại những hạn chế như sau:

            Một là, việc sử dụng tài liệu dạy học của GV và sinh viên

Do GV phải nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau để giảng dạy nên chưa có sự thống nhất về các quan điểm cũng như khái niệm trong nội dung trang trí cơ bản. Đối với người học, thông thường các GV sẽ yêu cầu SV nghiên cứu trước tài liệu trước khi đến lớp, đây là khâu chuẩn bị nhằm hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu và lĩnh hội tri thức của người học, đồng thời xây dựng thái độ học tập chủ động tích cực để giúp các em bắt nhịp tốt với những nội dung trong môn học, từ đó GV cũng dễ dàng kiểm soát được thời lượng của các hoạt động dạy học và đảm bảo tiến độ chương trình, Nhưng do các tài liệu phục vụ cho học phần Vẽ trang trí nói chung và nội dung trang trí cơ bản nói riêng chưa có sự thống nhất nên cũng phần nào gây những khó khăn nhất định cho việc nghiên cứu tài liệu của sinh viên.

Hai là, nội dung bài tập và thời gian thực hành

            Các bài tập thực hành trong chương trình hiện tại tuy đã xây dựng được nội dung thiết yếu, song đề bài chỉ đang dừng lại ở việc thông báo các yêu cầu về kích thước hình trang trí, loại họa tiết được sử dụng (họa tiết hoa lá hoặc tự do...), loại chất liệu màu vẽ, riêng về màu sắc trong bài trang trí SV được tự do thể hiện, với các yêu cầu như vậy, người học thường không hình dung được hết những mục tiêu mình cần đạt trong bài vẽ, dẫn tới tình trạng các em chưa thể hiện tốt các bài tập được giao.

            Ba là, việc học tập nội dung Trang trí cơ bản của sinh viên

            Về kiến thức, vẫn tồn tại một bộ phận không ít những SV chưa nắm vững kiến thức trong nội dung trang trí cơ bản, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức trong các bài học của SV đã có sự chênh lệch rõ rệt, nhiều SV còn bị lúng túng khi trả lời câu hỏi. Có thể nói đây là một trong những mặt còn hạn chế đối với các bạn sinh viên.

            Về khả năng vận dụng các kiến thức vào trong các bài trang trí cơ bản, qua thực tiễn giảng dạy, các GV đều có chung những nhận xét đánh giá như sau: Trong các bài trang trí các hình cơ bản, nhiều SV còn lúng túng trong việc sắp xếp bố cục, phân bổ hình mảng, tìm họa tiết và đặc biệt là khả năng kết hợp màu sắc trong trang trí còn khá vụng về, chưa tạo được sự thuận mắt cho người xem, nguyên nhân chính là do SV vận dụng chưa tốt các dạng hòa sắc vào trong các bài trang trí. Bên cạnh đó, việc tạo độ đậm nhạt trong màu sắc giữa các mảng họa tiết vẫn còn bị dấp dính, chưa có sự tách bạch rõ ràng, khúc triết.

3.6. Kết quả dạy học

Qua thống kê kết quả học tập nội dung Trang trí cơ bảntừ các bài kiểm tra thực hành của SV K14 và K15 ngành Giáo dục Tiểu học, hệ Cao đẳng chính quy, lần lượt trong học kỳ 02 năm học 2014-2015 và học kỳ 02 năm học 2015-2016, có tỉ lệ SV đạt điểm trung bình và trung bình khá chiếm tỉ lệ khá cao. Kết quả cụ thể được trình bày ở bảng 1.1.

Kết quả học tập nội dung Trang trí cơ bản của sinh viên

TT

Khóa

Kết quả học tập

Yếu kém

T.bình

TB khá

Khá

Giỏi

1

K14

(44 SV)

0 SV

(0%)

06

(13%)

22

(50%)

11

(25%)

05

(12%)

2

K15

(42 SV)

0 SV

(0%)

7

(16%)

21

(50%)

10

(24%)

04

(10%)

 

Đây là kết quả chưa khả quan, với sự tâm huyết của các thầy cô và mong muốn giúp người học khắc phục được những khó khăn nêu trên, việc biên soạn một tài liệu dạy học nội dung trang trí cơ bản cho phù hợp với đối tượng SV Tiểu học, Trường CĐSP Hà Giang đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong tình hình hiện nay.

 

C. KẾT LUẬN

Hiệu quả dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí nói riêng cho SV sư phạm tiểu học ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo giáo viên tiểu học của trường CĐSP Hà Giang. Do đó, những thông tin thu được thực trạng nghiên cứu của vấn đề này là cơ sở thực tiễn quan trọng để các cán bộ quản lí nhà trường, các giảng viên giảng dạy môn Mĩ thuật không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng dạy học nội dung trang trí cơ bản trong học phần Vẽ trang trí nói riêng cho SV sư phạm tiểu học ở trường CĐSP Hà Giang trong những năm tiếp theo.

 

Tài liệu tham khảo

1.Trần Thị Tuyết Oanh (2006) (chủ biên), Giáo trình Giáo dục học tập1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Quốc Toản (2000), Mĩ thuật và PPDH Mĩ thuật (Sách dự án), Nxb Giáo dục.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật