Nghiên cứu lý luận

Một số phương pháp giáo dục thẩm mỹ qua tranh dân gian Hàng Trống tại Trường THCS Sơn Tây

10 Tháng Giêng 2018

Phùng Thu Loan [*]

 

      Trong bối cảnh hiện nay, việc gắn kết cũng như bảo tồn, phát huy giá trị thẩm mỹ dân tộc đang là một vấn đề cần được xem xét và coi trọng. Để mở mang tri thức và cảm nhận về giá trị thẩm mỹ nhằm khơi hứng sáng tạo trong dạy và học của thầy và trò trong các trường phổ thông, thiết nghĩ cần phải làm phong phú hơn nữa nội dung những bài học về nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là tranh dân gian.

      Trong các dòng tranh dân gian, tranh dân gian Hàng Trống có thể xem là dòng tranh thể hiện những nét tinh hoa dân tộc đậm sắc nhất, trong đó triết lý sống được bộc lộ và giá trị thẩm mỹ Việt, đặc trưng cho văn minh đô thị xưa được thể hiện, đáng để cho thế hệ sau ngưỡng mộ, tìm về truyền thống dân tộc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trình bày một số đổi mới phương pháp dạy học mỹ thuật hiện nay (thường thức mỹ thuật, vẽ theo chủ đề, trang trí), cũng như vận dụng một số phương pháp dạy học theo định hướng tiếp cận năng lực nhằm giúp cho nội dung và phương pháp dạy học mỹ thuật được hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học mỹ thuật.

  1. Đổi mới phương pháp dạy học trong một số phân môn mỹ thuật

      Phân môn thường thức mỹ thuật

      Trong chương chương trình phổ thông 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiều tên gọi phân môn này như: xem tranh, giới thiệu mỹ thuật. Phân môn này có mục đích là: tạo điều kiện cho học sinh thưởng thức cái hay, cái đẹp của tác phẩm mỹ thuật. Đây là một phân môn quan trọng, bởi vì học sinh học tập môn mỹ thuật không chỉ rèn luyện kĩ năng, sự sáng tạo, khả năng cảm thụ thẩm mĩ mà còn một số lượng kiến thức nhất định về sự phát triển mỹ thuật qua các thời kỳ, giai đoạn. Thông qua việc thường thức tranh dân gian Hàng Trống, học sinh thêm yêu mến và tự hào về nền nghệ thuật của dân tộc, trên cơ sở đó thấy được trách nhiệm của mình về việc trân trọng, yêu quí và giữ gìn những giá trị của cha ông để lại.

Phương pháp dạy - học thường thức tranh Hàng Trống

+ Về phía giáo viên:

Một là, chuẩn bị tranh mẫu để tiện cho việc phân tích.

      Hai là, tập hợp các nguồn tài liệu nói về ý nghĩa văn hóa của mỗi bức tranh để có thể lí giải, hướng dẫn học sinh cách khai thác nguồn tư liệu để làm rõ ý nghĩa các bức tranh này.

      Ba là, chia học sinh trong lớp thành các nhóm và mỗi nhóm sẽ có trách nhiệm làm rõ các nhiệm vụ của bài học, theo hướng dẫn của giáo viên. Phần này sẽ giao cho các nhóm chuẩn bị trước ở nhà.

      Bốn là, quá trình tổ chức việc dạy - học thường thức mỹ thuật trên lớp, giáo viên sẽ là người tổ chức cho các nhóm trình bày, thảo luận và định hướng sao cho việc tổ chức trên lớp được hiệu quả.

      Năm là, đối với những vấn đề còn nhiều tranh cãi, không đi đến thống nhất chung, giáo viên phải là người đưa ra kết luận cuối cùng.

+ Về phía học sinh:

      Thứ nhất, mỗi nhóm phải lên kế hoạch và phân chia công việc cụ thể cho các thành viên, theo hướng ai cũng phải tham gia và ý kiến của ai cũng được thừa nhận.

      Thứ hai, các nhóm chủ động trong việc tìm hiểu ý nghĩa, thủ pháp tạo hình, kỹ thuật làm tranh, vật liệu,… liên quan đến bức tranh được giao.

      Thứ ba,, phân công một thành viên đại diện nhóm trình bày chung trước lớp, có thể bằng cách đọc văn bản, trình bày powerpoint và phân tích cụ thể trên tranh dân gian Hàng Trống thật.

      Thứ tư, các nhóm khi xem phần trình bày của nhóm khác cần đặt câu hỏi để làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung bài học.

Phân mônTrang trí

      Phân môn trang trí trong giáo dục mỹ thuật phổ thông hướng đến việc học sinh vận dụng những kiến thức đã học để làm đẹp các sản phẩm gắn liền với cuộc sống, với sinh hoạt, học tập, vui chơi của học sinh. Qua phân môn này, học sinh phát huy được tính độc lập suy nghĩ, khả năng sáng tạo, tìm tòi theo những cách khác nhau để làm đẹp cho cùng một sản phẩm.

 Phương pháp dạy - học vẽ trang trí

+ Về giáo viên:

      Một là, giao việc cho các thành viên trong lớp chuẩn bị một sản phẩm để trang trí.

      Hai là, hướng dẫn học sinh lựa chọn các hình vẽ trong tranh dân gian Hàng Trống theo ý thích và chép lại hình đó ra giấy.

      Ba là, căn cứ theo sản phẩm trang trí để lựa chọn hình thức trang trí cho phù hợp.

      Bốn là, yêu cầu học sinh tùy vào cách thức trang trí (xé dán, vẽ, in,…) để chuẩn bị vật liệu cho phù hợp.

+ Về học sinh:

      Chủ động thực hiện theo nhiệm vụ được giao như tìm sản phẩm trang trí, vật liệu trang trí, hình thức trang trí cho phù hợp với ý thích của bản thân; chủ động lựa chọn hình vẽ có trong tranh dân gian Hàng Trống và vật liệu để thể hiện phù hợp với nội dung cần trang trí; tìm hiểu cách trang trí sản phẩm cùng loại để lựa chọn cho mình một cách trang trí phù hợp với khả năng và ý thích; chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập môn mỹ thuật để có thể tiến hành trang trí trong đúng thời gian một tiết học.

Phân môn Vẽ tranh theo đề tài

      Phân môn Vẽ tranh theo đề tài nhằm giúp học sinh hình thành cách suy nghĩ, tìm tòi, khai thác nội dung của mỗi học sinh, qua đó hình thành tư duy thẩm mỹ liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ tạo hình.

Phương pháp dạy - học vẽ tranh đề tài

+ Về phía giáo viên:

      Một là, chuẩn bị một tranh dân gian Hàng Trống để làm rõ việc sắp xếp khuôn hình, cách sử lý chi tiết, tạo điểm nhấn, hòa sắc, hình chính - phụ,… để giúp học sinh hiểu được rõ về các yếu tố trong tranh dân gian Hàng Trống.

      Hai là, chuẩn bị một số bài mẫu của học sinh cùng lứa tuổi để làm rõ việc học sinh vận dụng những hiểu biết của mình trong việc vẽ tranh theo đề tài.

      Ba là, hướng dẫn học sinh khai thác các nội dung khác trong trong cùng một đề tài.

      Bốn là, có những hình ảnh bằng tranh vẽ hoặc ảnh chụp gợi ý về nội dung đề tài, giúp học sinh thuận tiện trong việc liên tưởng, tưởng tượng.

      Năm là, giao cho học sinh về nhà tự tìm những tư liệu liên quan đến đề tài mà mình lựa chọn.

+ Đối với học sinh

      Mỗi học sinh tự mình tìm hiểu, phân tích cách sắp xếp, sử dụng màu sắc, tạo hình trong việc diễn đạt đề tài trong tranh Hàng Trống, từ đó rút ra cách làm sáng tạo cho riêng mình; chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập môn mỹ thuật để có thể thực hiện bài thực hành trên lớp theo đúng thời gian quy định.

2. Vận dụng một số phương pháp dạy học mỹ thuật tiếp cận năng lực

2.1. Theo nhóm

      Phương pháp dạy học mỹ thuật theo nhóm đã được lồng ghép trong dạy mỹ thuật ở các lĩnh vực thường thức mỹ thuật, trang trí. Khi vận dụng phương pháp này, giáo viên cần lưu ý một số nội dung sau:

      Một là, khi thực hiện một bức tranh chung khổ lớn. Về phía giáo viên cần chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ đầy đủ, từ giấy, màu, bút vẽ, giấy màu… cho mỗi nhóm và mỗi thành viên đều có dụng cụ để làm việc trong tiết học đó.

      Hai là, giáo viên cần chủ động chuẩn bị nội dung dạy học phong phú, giao việc cho mỗi nhóm rõ ràng để các thành viên chuẩn bị phần thể hiện của mình được tốt nhất.

Ba là, đối với mỗi nhóm cần bầu ra nhóm trưởng để phân việc và điều hành để có thống nhất chung.

      Bốn là, việc thống nhất chủ đề, phân chia nhiệm vụ cần công khai và cụ thể để mỗi thành viên trong nhóm có căn cứ thực hiện,.

      Năm là, giáo viên giới thiệu và mở rộng cách thức thể hiện cho học sinh, từ hình thức vẽ bằng sáp màu, màu oát, màu acylic cho đến hình thức xé dán, đắp nổi bằng đất nặn, thậm chí là sử dụng những phế liệu sạch.

2.2. Sắp xếp và giải mã văn hóa tranh dân gian

      Phương pháp giải mã văn hóa tranh dân gian được sử dụng sau khi sản phẩm mỹ thuật được cá nhân/nhóm hoàn thành. Mục đích của phương pháp này trong giáo dục thẩm mỹ chính là việc trao truyền văn hóa được thế hệ đi trước gửi gắm trong những bức tranh dân gian Hàng Trống, từ nhân sinh quan, thế giới quan cho đến lề lối ứng xử của người xưa. Để phương pháp này đạt hiệu quả trong dạy học mỹ thuật, cần lưu ý một số nội dung sau:

      Thứ nhất, giáo viên không sử dụng thuyết giảng về phân tích mỗi bức tranh mà giao cho học sinh tìm hiểu và trình bày cá nhân/nhóm. Các thành viên khác trong lớp lắng nghe để cùng trao đổi, yêu cầu làm rõ hơn.

      Thứ hai, vai trò của giáo viên mang tính định hướng, điều tiết hoạt động thảo luận trên lớp sao cho không sa đà vào những nội dung không cần thiết, không gắn với yêu cầu của bài học.

      Thứ ba, phát huy tính tích cực, khả năng tự tìm hiểu của học sinh qua các kênh thông tin khác nhau, góp phần hình thành khả năng tự học trong lĩnh vực mỹ thuật.

      Thứ tư, giáo viên không dùng hình thức chê/đánh giá sai ngay trên lớp mà sử dụng biện pháp trao đổi, làm rõ những nội dung, thông tin chưa đúng để cùng cá nhân/ nhóm có hiểu biết hơn về vấn đề thảo luận.

      Bên cạnh đó, khi kết thúc mỗi hoạt động giáo dục, giáo viên dành thời gian cho học sinh làm quen với việc trình bày, sắp xếp các sản phẩm mỹ thuật theo một số lưu ý sau: Sắp xếp theo chủ đề,  sắp xếp theo kích thước, sắp xếp theo chất liệu.

      2.3. Liên môn

      Trong phương pháp dạy mỹ thuật vẽ theo nhạc (theo Dự án hỗ trợ giáo viên dạy mỹ thuật tiểu học của Đan Mạch), mỗi nhóm học sinh sử dụng màu vẽ theo nhạc để tạo nên độ đậm nhạt, sự thay đổi của các nét và sau đó cắt thành các hình vẽ. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này trong dạy tranh dân gian Hàng Trống thì chỉ tạo được hình mà sẽ làm mất đi ý nghĩa văn hóa. Do đó, đối với hoạt động giáo dục thẩm mỹ qua việc dạy học tranh dân gian Hàng Trống thì phương pháp liên môn chủ yếu kết nối với nội dung ở môn Ngữ văn, trong các kiến thức bộ phận như truyện dân gian, thơ dân gian và kịch dân gian, truyện trung đại. Theo đó, tùy vào nội dung của mỗi bức tranh dân gian có chủ đề kết nối với kiến thức bộ môn nào thì giáo viên mỹ thuật soạn giáo án sao cho bài giảng có sự liên kết, tăng thêm phần hấp dẫn. Đối với phương pháp liên môn này cần lưu ý một số nội dung sau:

      Giáo viên mỹ thuật cần kết hợp với giáo viên môn ngữ văn trong việc soạn giáo án để làm nổi bật, đạt được yêu cầu của bài học; giáo viên mỹ thuật cần dự giờ, tìm hiểu phương pháp dạy ngữ văn để phương pháp dạy học mỹ thuật tích hợp theo đúng nghĩa của nó, không chỉ tích hợp nội dung mà cần có phương pháp dạy học cho phù hợp.

       Bên cạnh đó, vì là tiết dạy mỹ thuật nên cần lưu ý nội dung và phương pháp tích hợp phải tạo nên sự hấp dẫn, lý thú cho bài học mỹ thuật và hướng đến đạt hiệu quả trong phần thực hành sản phẩm mỹ thuật.

      Ngoài ra, để phương pháp này có hiệu quả, giáo viên cần có định hướng và giao cho học sinh chuẩn bị tư liệu liên quan ở nhà, tránh việc học thụ động làm cho bài giảng bị loãng.

      Có thể nhận thấy rằng, việc đổi mới phương pháp dạy mỹ thuật cũng như vận dụng một số phương pháp dạy học tiếp cận năng lực có mục đích cuối cùng là tạo sự hứng thú, hấp dẫn hơn đối với môn học, đồng thời áp dụng hình thức giao việc cụ thể cho học sinh và giáo viên chuẩn bị kỹ về nội dung và phương pháp dạy học sẽ giúp cho việc triển khai nội dung giáo dục được thuận lợi, tạo nên sự hứng thú và chủ động tham gia của người học, đem lại kết quả như mong đợi, cả từ phía giáo viên cho đến học sinh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Vũ Tuấn Anh (2002), Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Quốc Toản (2001), Phương pháp giảng dạy Mĩ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  4. Phan Hải Bằng, Sơ lược về sự phát triển của đồ họa tranh in Việt Nam, Hà Nội.
  5. Nguyễn Lăng Bình, Phạm Thị Chỉnh (2000), Mỹ thuật và phương pháp giảng dạy - tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật