Nghiên cứu lý luận

Hoa văn dân tộc H’mông trong dạy học môn trang trí

10 Tháng Giêng 2018

                                                                                                     Lê Anh Tuấn [*]

 

      Nghệ thuật trang trí của mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng ví như: trang phục đồng bào dân tộc vùng  Đông Bắc - Tây Bắc sống với rừng xanh, núi cao thiên về màu chàm, màu đen, trang phục đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sống trên cao nguyên đât đỏ ba gian thiên về màu đen, màu đỏ. Trong các đường nét hoa văn của các dân tộc có họa tiết, hoa văn riêng của họ, để khẳng định sự tồn tại của mỗi dân tộc tạo nên sự khác biệt về bản sắc riêng của mỗi dân tộc.

      Dân tộc H'mông chia ra thành nhiều nhóm tộc riêng: H'Mông Đơ (trắng), H'mông Lềnh (vàng), H'mông Sy (Đỏ), H'mông Súa (Hoa), H'mông Đu (Đen). Tất cả các nhóm trong dân tộc H'mông đều có kỹ thuật thêu khá phong phú và tinh vi, được truyền từ đời này sang đời sau về cách thức làm và thể hiện trên trang phục cũng như trong trang trí bằng hình chắp vải màu.                  

  1. Giá trị nghệ thuật của hoa văn trang trí dân tộc H’mông

      Các yếu tố trang trí  trên trang phục của dân tộc H’mông dùng nhiều mầu sắc sặc sỡ bằng cách trang trí hoa văn và họa tiết theo phương pháp đặc trưng riêng của dân tộc. Những kỹ thuật của người H’mông đầy sự tỷ mỉ, các nghệ nhân dân tộc H’mông kết hợp 3 kỹ thuật tạo nên những hoa văn và họa tiết trên nền y phục là kỹ thuật thêu vẽ sáp ong và chắp vải. Trang phục truyền thống của người Mông gồm áo xẻ ngực, tấm vải che trước váy, thắt lưng và xà cạp. Hai ống tay áo thường được thêu hoa văn là những đường vân ngang với đủ màu sắc từ nách đến ống tay.

      Đường nét là ngôn ngữ đầu tiên của nghệ thuật tạo hình. Người H’mông cơ bản là sử dụng đường, nét, hình màng và đường nét tạo hình - mảng. Bên cạnh đó, đặc trưng của họa tiết hình học là những hình cơ bản được cấu trúc bởi các nét, do vậy họa tiết hình học trên trang trục của đồng bào người H’mông chính là sự kết hợp của các đường và nét.

      Thắt lưng và tạp dề là hai trong số nhiều bộ phận của trang phục, các bộ phận này là hai mảng lớn, là điểm nhấn chính trên trang phục và được nhìn trực diện nhiều nhất. Điểm trọng tâm trên thắt lưng là hoa văn ở đây được xuất hiện nhiều với họa tiết hình học, hình kỷ hà hay còn là hình núi, được sắp xếp song song chạy trên dải thắt lưng, đan xen đó là những hình dải hoa văn màu xanh được nhuộm chàm lại tạo nên sự mềm mại và hài hòa cho trang phục khiến cho người ta nhìn vào mà không có cảm giác thô cứng hay mền yếu.

      Cách sử dụng đường nét, hình mảng trên trang phục của người H’mông thường là những đường nét thẳng tạo nên họa nét là yếu tố tạo hình đặc trưng, bao gồm các hình dân chạy vòng quanh tay áo, thân váy và các hình kỷ hà ở cổ tay áo, cách bố trí hình mảng kết hợp với họa tiết là sự đan xen giữa mảng hình họa tiết và mảng màu nền.

      Trang phục của người H'mông nói chung chủ yếu dùng chàm nhuộm để tạo độ đậm nhạt của màu sắc và của nền vải, song một trong những điểm khác biệt trong kỹ thuật tạo hoa văn của người H`mông Xanh chủ yếu là vẽ sáp ong và kỹ thuật thêu, còn kỹ thuật chắp vải so với người H'mông Hoa thì người H’mông Xanh ít được sử dụng hơn và nếu có thì chủ yếu là chắp vải ở thân váy và tạp dề, bởi vậy gam màu chủ đạo của các họa tiết trang trí trên trang phục người H’mông Xanh là xanh lơ trên nền màu chàm đen - xanh làm tôn các nhóm họa tiết trên trang phục.

      Bảng màu của người H’mông gồm năm màu cơ bản: chàm thẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Màu sắc hoa văn trên vải phản ánh thẩm mỹ, tâm lý, cá tính, ước vọng. Bảng màu của người H'mông không rộng hơn bảng màu của các dân tộc khác nhưng trang phục của người H'mông vẫn gây cho người xem cảm giác đa sắc màu.

      Hoa văn của dân tộc H’mông cũng như hoa văn nhiều dân tộc khác, có bố cục thành dải: dải dọc và dải ngang. Mỗi dải hoa văn thường có bố cục ở giữa là môtip hoa văn thêu chủ đạo khổ lớn, phía diềm các vải là hoa văn thêu có tiết diện nhỏ, hẹp, bề ngang, dọc, dải ngang hoa văn xuất hiện trên trên ống tay áo, thắt lung, đầu tấm vải tạp dề, nằm trên nền chàm của váy, dải ngang gấu váy rực rỡ hoa văn, bố cục dải dọc hoa văn in sáp ong chạy song song sát nhau trên thân váy, hay chạy thành dọc trên tạp dề.

      Bên cạnh bố cục thành dải, người H’mông còn có bố cục thành ô, ở đây các hình hoa bốn cánh, tám cánh hoặc móc câu được đóng khung trong các ô trang trí hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, các ô này được bố trí đan xen với các dải hoa văn tạo nên sự phong phú đa dạng cho các đồ án trang trí, không máy móc, đơn điệu mà luôn sống động, góc nhìn luôn thay đổi.

      Trên trang phục của người H'mông nói chung, người H'mông ở Nghệ An nói riêng cho thấy, lối bố cục đăng đối các họa tiết được thể hiện đôi khi là một hình họa tiết như hình vuông, hình tròn đăng đối nhau, song có lúc lại là một nhóm họa tiết như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật nối nhau tạo một đơn vị họa tiết và đối xứng trên từng bộ phận của trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ. Bên cạnh đó, những kiểu trang trí đường điểm hình chữ thập, chữ đình được chuyển biến một cách rất đa dạng, không chỉ có vậy, chúng còn được kết hợp với những họa tiết hình quả tram hoặc tam giác của có các đường viền hình gẫy khúc trong các bố cục khác.

      Đặc điểm cơ bản của các họa tiết hình học là những hình họa tiết trang trí mang đặc trưng của các hình học cơ bản như hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật và các hình biến dạng của các dạng hình học đó. Thực tế, khi quan sát các thân váy tạo nên lối bố cục không quá cầu kỳ, đồng thời cũng có những điểm nhấn tâm điểm của họa tiết vi tạo hình học tiết mang đặc điểm của hình học hình vuông, hình thoi trên thân váy, nghệ thuật xử lý bố cục hoa văn ở đây trở lên độc đáo với những kiểu trang trí hoa văn chạy theo những dài ngang hoặc chia ở trên thân váy với những hình học như tròn, vuông, quả chàm… tìm họa tiết chính, kết hợp với các họa tiết nhỏ hơn làm họa tiết phụ.

      Họa tiết đăng đối

      Có thế nói, hoa văn hình học trên trang phục của người H'mông nói chung, người H'mông ở Nghệ An nói riêng cho dù được tạo nên bằng kỹ thuật nào, đều được bố trí theo một nguyên tắc nhất quán là mỗi mảng hoa văn đều có tâm điểm, ở các tâm điểm đó được những dải hoa văn bao quanh và hoa văn mở rộng.

      Họa tiết xoay chiều (đảo chiều) 

      Bên cạnh lối bố cục họa tiết đảng đối như trên, trang phục của người H'mông còn kết hợp nhiều nguyên tắc sắp xếp họa tiết khác, trong đó nguyên tắc xoay chiều cũng được người H'mông sử dụng sắp xếp các họa tiết hình học trên trang phục của mình. 

      Theo đó, nguyên tắc xoay chiều hay còn gọi là nguyên tắc phá thế hay đảo chiều là sự thay đổi giữa đường nét, chiều hướng của họa tiết làm cho bố cục hình hình trang trí không nhàm chán, đơn điệu và đôi khi còn tạo được xu hướng chuyển đồng của hình, của họa tiết trong bố cục. 

      2. Ứng dụng hoa văn dân  tộc H’mông trong dạy học môn trang trí

      Để việc ứng dụng các mô tuýp hoa văn trang trí trên trang phục của người H’mông trong dạy trang trí đạt kết quả, đòi hỏi giáo viên phải có sự hiểu biết sâu sắc về mô tuýp hoa văn H’mông, không nên sao chép một cách máy móc, phải biết chắt lọc nét đặc trưng, tinh tuý nhất và phù hợp với nội dung chương trình, và vận dụng những kiến thức đó vào việc giảng dạy. tạo điều kiện cho người học nắm được những nét tinh hoa, tính sáng tạo trong cách sắp xếp bố cục, phong cách tạo hình trên mô tuýp hoa văn truyền thống, vận dụng các tiêu chí họa  tiết dân tộc H’mông vào bài học cụ thể.

      Trong học tập trang trí - bố cục, bố cục là phương pháp làm việc có chủ đích, nhằm sáng tạo ra hình tượng nghệ  thuật và sắp xếp chúng tạo nên sự cân đối, thăng bằng, độc đáo.

      Trong màu sắc của dân tộc H’mông, màu chủ đạo là đỏ, vừa là màu nền trung gian vừa tạo các mô tuýp chính làm nên sắc màu rự rỡ của hoa văn trên vải trang phục. Thông thường, màu đỏ đặt trên nền chàm sẫm gần như đen sẽ làm giảm bớt sắc độ của đỏ, đỏ sẽ không tươi mà sẫm lại chìm vào nền chàm.

      Mô tuýp trang trí được người người H’mông lấy cảm hứng, sáng tạo, giản lược, cách điệu một cách tài tình tạo nên các mô túyp trang trí mang nét đặc trưng nhất, phản ánh lại một cách chính xác, sinh động, chân thật nhất cuộc sống, văn hoá,tín ngưỡng… và môi trường thiên nhiên nơi họ sinh sống.

      Trong nghệ thuật trang trí trên trang phục người H’mông, ta thấy các mô tuýp trang trí có thể được sắp xếp riêng lẽ hoặc kết hợp nhiều mô tuýp để tạo sự liên kết với nhau (hoa văn hay cụm hoa văn) để biểu đạt ý nghĩa của hoa văn, bởi một mô tuýp hoa văn khi được sắp xếp khác nhau sẽ mang những ý nghĩa khác nhau, đây cũng là nguyên tắc trang trí của người người H’mông. Đây cũng là cơ sở để chúng ta học tập vận dụng đưa vào giảng dạy học phần trang trí trong chương trình mĩ thuật.

     Trên mỗi bộ phận của trang phục thường được trang trí bởi màu sắc, lối bố cục và đan xen kết hợp bởi các họa tiết khác nhau, trong đó nổi bật hơn cả là họa tiết hình học. Sự kết phối hợp các đường nét, màu sắc, hình mảng tạo hình các họa tiết theo lối bố cục và sử dụng màu sắc đơn giản, không quá cầu kỳ đã tạo nên những nét riêng đặc trưng của nhóm người H’mông,  từ đó giúp các em học sinh không những có thêm nhưng hiểu biết về hoa văn, họa tiết để ứng dụng vào bài học trang trí cũng như phong tục tập quán của người H’mông mà qua đó góp phần gìn giữ, phát triển những giả trị thẫm mỹ vốn tồn tại trong đời sống người H’mông nói riêng, cộng đồng xã  hội nói chung.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Văn Phúc, (Tổng hợp và biên soạn), (2010),  Sắc màu văn hóa 54 dân tộc anh em, Nxb Đồng Nai.
  2. Vũ Ngọc Khánh, (2010), Truyền thống các dân tộc thiểu số, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
  3. Chu Thái Sơn, (2005), Việt nam các dân tộc anh em - người Hmông, Nxb  Trẻ, Hà Nội.
  4. Nguyễn Đình Lộc, Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, 2009, Tạp chí Văn hóa Nghệ An

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật