Nội san

Việc dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

18 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Hoàng Anh [*]

 

            Dân ca Việt Nam được lưu hành qua việc truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề. Mỗi người diễn xướng có quyền ứng tác tự do, góp phần sáng tạo của mình vào tác phẩm trong quá trình biểu diễn.

            Một bài dân ca thường tồn tại với một bản coi như bản gốc, gọi là lòng bản và nhiều bản được ứng tấu thêm hay sửa đổi gọi là dị bản. Những bài dân ca được nhiều người yêu thích sẽ được truyền bá khắp nơi. Hiện nay, các nhạc sĩ đã sáng tác thêm những lời ca mới dựa trên các làn điệu đã có tạo nên sự đa dạng và phong phú cho dân ca. Các dịp biểu diễn thường là lễ hội, hát làng nghề. Ngoài ra thường ngày cũng được hát lên trong lao động để động viên nhau, hay trong tình yêu đôi lứa, trong tình cảm giữa người và người. Tuy nhiên mỗi tỉnh thành, dân ca Việt Nam lại có phát âm, giọng nói và các từ khác nhau nên cũng có thể phân theo tỉnh cho dễ gọi vì nó cũng có tính chung của miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ngày nay, khi khảo sát một bài dân ca được phổ biến ở một vùng nào đó, muốn biết được xuất xứ của chúng, người ta thường dựa vào một vài đặc điểm có trong đó ví dụ như tiếng địa phương, những địa danh.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn đi sâu nghiên cứu cội nguồn của nghệ thuật dân gian trong sáng tác âm nhạc. Nhạc sĩ đã nhào nặn một cách tinh tế từ giai điệu, tiết tấu, âm hưởng… của dân ca để tạo nên tác phẩm của mình. Chính sự tài tình sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Nam Bộ, châu thổ Bắc Bộ, dân ca H’mông vào ca khúc mới và cũng chính từ những cảm xúc thực sự, chân thành của mình, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã đưa những ca khúc đến đỉnh cao của sự thăng hoa và sống mãi trong lòng công chúng. Những bài hát của nhạc sĩ đầy tình người, thắm đượm tình quê hương, những đặc điểm về âm điệu, điệu thức, tiết tấu của dân ca vùng miền phần lớn đã xác lập nên tính cách con người của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nhạc sĩ đã kết hợp thành công những đặc điểm âm nhạc dân tộc với sáng tác mới theo phong cách âm nhạc châu Âu.

            Với tính chất du dương, uyển chuyển, sâu lắng nhưng trang nhã, hào hoa đã thể hiện qua các giai điệu dân ca trong ca khúc của ông như: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng bến tre, Mẹ yêu con, Tiếng chim hót trên đồng đay, Em đi làm tín dụng,…

      Các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác theo phong cách âm nhạc châu Âu kết hợp sử dụng chất liệu dân ca, được thể hiện qua âm hưởng của làn điệu dân ca, điệu thức, cấu trúc, các quãng đặc trưng trong cách phát âm của vùng miền. Các tác phẩm của nhạc sĩ được viết ở hình thức hai đoạn đơn, ba đoạn đơn, nhưng phần lớn tác phẩm thường được viết ở hình thức hai đoạn đơn theo âm nhạc châu Âu. Bởi vậy, ta dễ dàng nhận ra sự phân câu, phân đoạn không cân đối, cân phương đó là cấu trúc điển hình trong ca khúc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khéo kết hợp giữa nghệ thuật của phương Tây với vốn âm nhạc dân gian truyền thống cộng với các kỹ thuật và một cảm xúc tinh tế làm cho bài hát sống động, có sức lôi cuốn, dễ tiếp thu và lúc nào cũng mới mẻ, lắng đọng trong lòng người nghe.   

 Nhạc sĩ không chỉ thành công rực rỡ trong các tác phẩm dân ca Nghệ Tĩnh , dân ca Nam Bộ, châu thổ Bắc Bộ mà ông cò thành công trong tác phẩm mang âm hưởng H’mông. Bài hát Em đi làm tín dụng là bài hát nhạc sĩ viết về đề tài tín dụng ở miền núi. Ông đã lấy chất liệu dân ca H’mông, chủ yếu là lối tiến hành âm điệu và nhịp điệu. Cấu trúc tác phẩm cũng rất gần gũi với lối cấu trúc dân ca Việt Nam nói chung và dân ca H’mông nói riêng. Đó là cách kết câu, kết đoạn rất tự do không cân đối, cân phương, không có chuẩn bị sẵn để kết, thường có đoạn mở đầu.

Ngoài điệu thức 5 âm, nhạc sĩ còn vận dụng lối kết hợp điệu thức 5 âm với điệu thức 7 âm trưởng, thứ của châu Âu mà trước đây ta ít gặp. Phải chăng đó chính là biểu hiện bút pháp của ông ngày càng trở nên điêu luyện, tinh tế. Sự kết hợp đó không làm cho hình thức cũng như nội dung của bài bị méo mó, xộc xệch, trái lại tác phẩm rất hài hòa, rất riêng biệt đậm phong cách của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Với giai điệu trữ tình mượt mà và lời ca giàu ngữ điệu, phù hợp với thể âm của địa phương như bài: Bài ca năm tấn, Tiễn anh lên đường, Mùa xuân cô nuôi dạy trẻ…

            Giai điệu là phần quan trọng nhất của tác phẩm, dù ở bất kỳ tác phẩm qui mô lớn hay nhỏ. Các yếu tố để tạo nên giai điệu đó là tiết tấu, nhịp điệu, âm điệu lặp lại… Giai điệu trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hay sử dụng thường những âm luyến láy, các quãng đặc trưng và âm vực trong các ca khúc hát ru tạo nên sự mềm mại, nhẹ nhàng trữ tình như bài Mẹ yêu con. Trong ca khúc của nhạc sĩ, giai điệu rất hồn nhiên, chất phác như bài Pha màu luống cày mở đầu là câu lĩnh xướng, chậm rãi, sau đó chuyển sang nhịp điệu nhanh vừa, tính chất vui tươi, tha thiết.

            Bài hát Vượt trùng dương được nhạc sĩ viết theo phong cách chèo thuyền, nhịp điệu khỏe khoắn, sôi động. Bằng lối cấu trúc chặt chẽ, cân phương và ngôn ngữ trong âm nhạc sáng, hình tượng văn học sinh động, giàu chất thơ. Giai điệu khúc khuỷu với những quãng nhảy xa có phản hồi của quãng 4 kết hợp quãng 8 làm cho hình tượng âm nhạc và văn học thống nhất một cách chặt chẽ. Phương thức tiến hành giai điệu bài này chủ yếu là lối nhắc lại âm hình tiết tấu.

      Như vậy lối phát triển giai điệu, cách tạo cao trào của tác phẩm hoàn toàn khác với âm nhạc cổ điển châu Âu. Ở âm nhac châu Âu cao trào thường ở 2/3 của tác phẩm nhưng ở đây nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã tạo cao trào ở cuối tác phẩm và đồng thời lấy đó làm câu kết thúc tác phẩm.

      Vận dụng nốt láy, nốt trang điểm là những nốt hầu hết ở trong các làn điệu dân ca Việt Nam. Nhạc sĩ đã sử dụng những nốt đó đúng lúc, đúng chỗ, có liều lượng và biết tiết chế nên đã góp phần cho các bài hát đậm đà âm hưởng dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sử dụng kỹ thuật láy đơn giản, láy nhanh để làm cho giai điệu mượt mà hơn, sinh động hơn và cũng thể hiện rõ giọng nói đặc trưng của vùng miền.

Âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang những nét nhạc dân ca vùng miền gắn bó chặt chẽ với nhau, đảm bảo được tính logic của đường nét âm thanh. Nhạc sĩ đã rất thành công về nghệ thuật, sâu sắc về nội dung tư tưởng đặc biệt hơn là chất trử tình mang âm hưởng dân ca đã được đưa vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn. Nhạc sĩ rất tâm huyết với nghề, với đời, tâm huyết với văn hóa dân tộc, đã mang hết tài năng của mình dâng tặng cho đời những bài ca sống mãi qua nhiều thế hệ. Làm được điều đó là do lòng say mê âm nhạc, ý chí kiên trì bảo tồn nền âm nhạc dân tộc của người nhạc sĩ này.

            Các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có tầm âm rộng rất phù hợp với các loại giọng dưới đây:

            + Giọng nữ cao (Sopano) là giọng hát cao nhất trong các loại giọng. Giọng nữ cao màu sắc rất nhẹ nhàng, linh hoạt, âm sắc trong sáng, có khả năng hát tốt những âm nảy ở âm khu cao để thể hiện niềm vui.

            + Giọng nữ trung (mezzo soprano) là giọng hát trung gian giữa nữ cao và nữ trầm. Giọng nữ trung có âm sắc ấm áp, êm dịu, những nốt ở âm trung khỏe đầy đặn.

+ Giọng nam trung (baritone): Giọng nam trung trữ tình có âm sắc ấm áp, mềm mại, gần với âm sắc của giọng nam cao.

Xuất phát từ việc nhận thức được vai trò ý nghĩa và tầm quan trọng của ca hát trong sự phát triển kỹ năng thanh nhạc cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Qua thực tế giảng dạy của bản thân và tìm hiểu ở một số cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành cho thấy: nội dung học phần Thanh nhạc chủ yếu nhằm cung cấp, rèn luyện hình thành các kĩ năng thực hành cho sinh viên, phần nhiều tập trung vào các kĩ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây. Việc vận dụng các kĩ thuật thanh nhạc cổ điển vào các ca khúc có chất liệu âm nhạc dân gian, với các đặc điểm, tính chất rất riêng của từng tác phẩm chưa được quan tâm, điều này cũng còn phụ thuộc nhiều vào tâm huyết và năng lực của từng giáo viên.

            Thực tế, nội dung chương trình học phần Thanh nhạc dành cho đối tượng ngành Sư phạm Âm nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương có sử dụng một số tác phẩm viết trên chất liệu dân ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Những sáng tác của ông đã được chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền, những ca khúc đã đi vào lòng người, sống mãi với thời gian.

Khoa Âm nhạc - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tuy mới thành lập năm 2003 nhưng có nhiều thuận lợi về đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy bộ môn thanh nhạc. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn và tâm huyết với công việc. Chất lượng đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc của khoa đã được các trường phổ thông và các cơ sở tiếp nhận đánh giá tốt. Trong số các sinh viên đã tốt nghiệp, có không ít các giáo viên đã là những hạt nhân tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy và ngoại khóa phong trào. Tuy nhiên, do bối cảnh chung của ngành, những năm gần đây số lượng thí sinh tuyển vào trường cũng giảm tải khá nhiều. Chính vì thế mặt bằng đầu vào của sinh viên cũng không giữ được so với những năm trước. Để khắc phục những khó khăn trong giảng dạy bộ môn Thanh nhạc năm thứ nhất, giảng viên phải rất trăn trở, đầu tư trong việc lựa chọn các ca khúc để sao phù hợp với năng lực của sinh viên; để việc học thanh nhạc ở những giai đoạn đầu tiên không trở thành áp lực với người học, mà vẫn đạt được các yêu cầu, mục tiêu kiến thức và kĩ năng của từng bài học và toàn bộ học phần. Chính vì thế, một số bài luyện thanh cơ bản, kỹ thuật hát Legato, Staccato… các ca khúc, dân ca đã được giảng viên hướng dẫn ở năm thứ nhất. Phương pháp dạy học bộ môn Thanh nhạc được các giáo viên chú trọng vào các hát belcanto (hát đẹp, rền, vang, bóng bẩy) của châu Âu kết hợp với cách hát trong âm nhạc Việt Nam (tròn vành, rõ chữ… đặc trưng vùng miền). Việc tìm hiểu để nắm được cấu trúc hình thức, tính chất thể loại, các đặc điểm diễn tả những nét riêng ở giai điệu để xử lý về cách phát âm, sắc thái… cũng rất cần giảng viên nắm vững để kết hợp và vận dụng các kĩ thuật thanh nhạc ở mức độ yêu cầu phù hợp vào từng bài. Trong quá trình giảng dạy, nếu giảng viên lựa chọn và giao bài không phù hợp, sẽ dẫn đến tình trạng giọng hát của sinh viên không phát triển, dần dần sẽ gây chán nản cho cả giảng viên và sinh viên. Từ các kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố cho thấy, kĩ thuật thanh nhạc là bao gồm phức hợp các hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận phát âm của con người tạo nên giọng hát. Việc học tập và rèn luyện các kĩ thuật thanh nhạc cổ điển cần được tiến hành trong một quá trình dạy và học, phải đảm bảo tôn trọng các yếu tố cơ bản, đặc thù của chuyên ngành trong tính hệ thống của kiến thức và kĩ năng.

      Những yêu cầu về kiến thức và thực hành các kĩ thuật cơ bản của thanh nhạc trong nội dung chương trình của học phần, là những chuẩn kiến thức, kĩ năng bắt buộc ở đầu ra trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm âm nhạc. Đây cũng là những kiến thức cơ bản nền tảng để sinh viên vận dụng vào việc tiếp tục tự học, bồi dưỡng nâng cao năng lực giọng hát, đáp ứng với yêu cầu dạy học âm nhạc ở các bậc học phổ thông.

Để sinh viên có được những hiểu biết và kĩ thuật cơ bản của thanh nhạc cổ điển, biết vận dụng vào việc học tập, rèn luyện và trình diễn các ca khúc viết trên chất liệu dân gian của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một việc không đơn giản, khi mà điều kiện mặt bằng đầu vào của sinh viên cũng còn những hạn chế nên hiệu quả dạy học thanh nhạc và phát triển giọng hát cho sinh viên trong thực tiễn giảng dạy cũng gặp không ít những khó khăn, bất cập.

            Chính vì vậy, việc tìm hiểu đặc điểm các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để vận dụng các kĩ thuật thanh nhạc vào quá trình dạy học cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc là rất cần thiết. Với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả dạy học học phần thanh nhạc và chất lượng đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành học và xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm và niềm tự hào của bản thân mà còn đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc tôn vinh các giá trị, di sản âm nhạc dân gian của cha ông để lại.      

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội
  2. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội
  3. Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc