Nội san

Nghệ thuật trang trí của điêu khắc Chăm Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam

18 Tháng Giêng 2018

Đoàn Thị Nga [*]

 

   Nghệ thuật trang trí luôn coi trọng việc lựa chọn họa tiết vì nó chứa đựng sắc thái văn hóa của vùng miền. Ở Quảng Nam, tại các công trình kiến trúc Chăm Mỹ Sơn, người ta thường nhắc đến họa tiết trang trí trên các hình tượng.

Một số họa tiết hoa lá hay động vật được trang trí trên các công trình kiến trúc, trên các tượng thần, vũ nữ, trang trí bệ thờ, bệ tháp… mang mỗi ý niệm riêng, tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Họa tiết hoa văn này được thể hiện khá nhiều trong các phong cách nghệ thuật, được cách điệu và chạm khắc sắc sảo, đường nét uyển chuyển, sinh động và có giá trị về nghệ thuật. Từ ý nghĩa tâm linh ấy, nhóm họa tiết hoa lá và động vật đã trở thành hình tượng trong nghệ thuật điêu khắc của người Chăm. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh cho rằng: “Nghệ thuật điêu khắc Chăm tuy thể hiện ra là hình tượng tôn giáo, thần thánh, các huyền thoại, nhưng trước hết là thể hiện tâm hồn con người Chăm cần cù và đầy sáng tạo trong cuộc sống. Nghệ thuật điêu khắc Chăm chính là con người Chăm, là khát vọng của dân tộc Chăm”.

Nghệ thuật trang trí trong điêu khắc Chăm đã dần sáng tạo và xây dựng những họa tiết mang giá trị thẩm mỹ từ nguyên liệu đến nghệ thuật tạo hình, tất cả đều hoàn toàn do bàn tay và óc thẩm mỹ của người Chăm tạo nên. Những tác phẩm điêu khắc ấy đã góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa của dân tộc Chăm.

  1. Vài nét về điêu khắc Chăm

    Điêu khắc Chăm trải qua quá trình phát triển với nhiều phong cách khác nhau. Trong đó, nghệ thuật Trà Kiệu tồn tại ở thế kỷ VII được coi là lâu đời nhất và cũng là thời kỳ nghệ thuật phong cách Chăm được thể hiện rõ nét nhất.    

     Nghệ thuật điêu khắc Chăm rất phong phú với nhiều tác phẩm phù điêu, tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bà la môn. Trên những tác phẩm này, thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hòa trộn với hình ảnh các vị thần Bà la môn, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật hết sức sinh động. Đặc trưng lớn nhất cũng là đặc trưng chung nhất cho điêu khắc cổ Chăm là xu thế hướng tới tượng tròn của hầu như tất cả những hình chạm khắc dưới dạng phù điêu.

           Nghệ thuật trang trí trong điêu khắc Chăm Mỹ Sơn xuất hiện nhiều họa tiết hoa văn uốn lượn, hoa văn hình chữ S, các họa tiết được sắp xếp xen kẽ rất đa dạng và phong phú, các hoa lá được cách điệu như những dải sóng nước uyển chuyển thường được thấy những trên các cột, vách, vòm cửa, chân tháp. Các họa tiết hoa sen, cánh sen, búp sen được trang trí phổ biến tại các khu đền tháp, đây được xem là điểm nhấn trong phong cách điêu khắc Chăm Mỹ Sơn.

          2. Một số họa tiết tiêu biểu trong điêu khắc Chăm Mỹ Sơn

         2.1. Họa tiết hoa lá

Trong hệ thống hoa văn của điêu khắc Chăm, các nhóm họa tiết hoa lá được bắt gặp trên nhiều kiến trúc tháp, tượng, đế tháp, bệ thờ,… thể hiện tính trang trí cũng như về tâm linh của người Chăm. Các yếu tố tạo hình đẹp mắt và sắp xếp bố cục hợp lý đã tạo nên sự hài hòa thống nhất trong các mô típ hoa văn.

            2.1.1. Họa tiết hoa văn hình hoa cúc

Hoạ tiết hình hoa cúc được người Chăm thể hiện nhiều trong kiến trúc đền tháp và trong điêu khắc, nhiều họa tiết trên tác phẩm đài thờ Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VII - VIII) tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Có thể thấy, tất cả các  đường viền chung quanh phần trên đài thờ, bệ thờ là những dải hoa cúc, lá và hoa được cách điệu khá tinh tế, hoa thường thể hiện 4 cánh, chính giữa có nhị hoa. Cho dù đã qua nhiều thời gian và quá trình lâu dài, nhưng các nét chạm khắc vẫn thể hiện rõ và không phai mờ, như vậy chứng tỏ học đã chạm khắc rất cẩn thận và điêu luyện. Trên các vòm của một cửa tháp ở nhóm tháp Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X), dải hoa cúc lại được chạm khắc một cách sắc sảo hơn, hoa có dạng hình tròn, chung quanh là lá và thân cây được cách điệu một cách mềm mại, mang tính đối xứng, ở chính giữa hoa có nhị hoa và nhiều cánh hoa lại chụm lại với nhau, giống như hoa đang ở độ búp mới xoè nở. Cách tạo hình của hoa cúc cho thấy được tính trang trí cao trong cách điệu cũng như đường nét tạo nên được hệ thống hoa văn đẹp mắt mà có thể ứng dụng trong trang trí được.

            2.1.2. Hoạ tiết hoa văn hình hoa sen

             Trong văn hóa Việt Nam, hoa sen xuất hiện khá nhiều trên các lăng tẩm, chùa,… cũng như được thể hiện rất nhiều trong điêu khắc Chăm. Biểu tượng hoa sen ở phương Đông mang nhiều ý nghĩa khác nhau: Sinh thực khí nữ - Yôni, sức sinh thực; Sự no đầy - giàu có, và từ đó dẫn đến ý nghĩa phồn vinh. Hoa sen được cách điệu bao quanh phần đế các đài thờ với những cánh hoa rất lớn, được chạm sắc sảo, đường nét các gờ nổi rõ. Trên đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu hoa sen lại được cách điệu mạnh mẽ hơn, tạo thành các đường gờ lớn nhỏ, nhìn kỹ chúng ta mới biết được đó chính là búp sen, các vũ nữ đứng tựa lưng vào các cánh sen múa hát uyển chuyển, tạo nên một cảnh quan sinh động có giá trị cao về nghệ thuật. Họa tiết hoa văn hình hoa sen mang nét đặc trưng nghệ thuật cũng như ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc.

          2.1.3. Hoạ tiết hoa văn hình hoa dây

          Họa tiết hình hoa dây được khắc chạm khá nhiều trên các đền tháp, trên nhiều chất liệu như gạch và đá. Họa tiết hoa dây có hoa, lá và thân hoà quyện vào với nhau rất khó phân biệt, các nét chạm khá sắc sảo, tinh tế tạo thành một dải dài từ trên thân tháp xuống đến chân đế tháp, hoặc từ trên xuống dưới của một trụ cửa. Các hoa, lá, thân (loại dây leo), được cách điệu khá cao, tạo nên những hoa văn đạt trình độ cao về nghệ thuật chạm trổ.  

           2.1.4. Hoạ tiết hoa văn hình học

      Ngoài họa tiết có đường nét uốn lượn, điêu khắc Chăm còn có các hình tam giác, hình thoi, hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn,… thể hiện qua những diềm hoa văn viền quanh các tác phẩm điêu khắc. Không nằm ở trung tâm các phẩm, nhưng những hoạ tiết hoa văn hình học đã góp phần làm sống động tác phẩm, tô đậm thêm cho tác phẩm, làm cho tác phẩm điêu khắc trở nên đầy đủ hơn, nhấn mạnh hơn, tạo thành những yếu tố nghệ thuật độc đáo, khác lạ.

                 2.1.5. Họa tiết hoa văn ngọn lửa

Trong điêu khắc Chăm, một mô típ biểu trưng của sự chuyển hóa, sự tái sinh đó là hình ngọn lửa. Người Chăm xưa sử dụng hình tượng ngọn lửa còn có ý nghĩa biểu trưng cho thần thánh, sự giác ngộ, thức tỉnh của con người trong đời sống xã hội. Hay mô típ dạng trải qua nhiều giai đoạn, mô típ hình lá có những thay đổi từ dạng xoắn xít, chuyển thành dạng khỏe khoắn, dày đặc và được lược giản thành hình chiếc lá hay ngọn lửa có rãnh sâu; mô típ dạng mũi giáo biểu tượng cho dương vật, lửa hoặc mặt trời… Chúng ta có thể bắt gặp các họa tiết này ở các tác phẩm điêu khắc và các kiến trúc thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm. Chúng thường thể hiện ở dạng ngọn lửa đang cháy, một đợt sóng ào ạt, thể hiện sức mạnh, sức sống tràn trề, mang tính cách mạnh mẽ.

           2.2. Họa tiết Động vật

Trang trí trên các con vật được xem là biểu tượng cho sự may mắn như: Voi thần Ganesa với hình ảnh mình người đầu voi, vòi dài, kiểu thức trang trí được tập trung vào đai và hông với nhiều dạng họa tiết phong phú chuyển động; trang trí trên sư tử,… Cách trang trí như vậy tạo cho các tác phẩm điêu khắc Chăm Mỹ Sơn nét đẹp hiếm thấy, mang ấn tượng khác lạ trong nghệ thuật.

Hình ảnh các loài động vật được cách điệu hoá cao, những nhà điêu khắc Chăm Mỹ Sơn thể hiện một cách xuất sắc trình độ tư duy của mình trên những tác phẩm điêu khắc với những hoạ tiết hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Người Chăm đã vận dụng những gì có trong tự nhiên như: các loài hoa, con thú, đường gấp khúc, hình lượn sóng… để đưa vào nghệ thuật điêu khắc, cách điệu nó lên thành những hoạ tiết hoa văn đẹp vừa mềm mại, uyển chuyển, lại vừa mạnh mẽ, nâng cao nghệ thuật tạo hình Chăm lên đỉnh cao.

          2.2.1. Họa tiết con voi

     Song hành với việc tôn thờ voi theo giáo lý tôn giáo, người Chăm còn coi voi là bạn hoặc ân nhân của con người. Chính vì thế, hình tượng voi được thể hiện rất phong phú, sinh động với nhiều tư thế khác nhau, khi tả thực thì nó rất sống động. Voi được khắc tạc cùng với thần Inđra, khi thể hiện độc lập, khi thể hiện từng cặp trên bệ thờ, đi thành từng đàn trên các dải băng trang trí ở các tháp Chăm Mỹ Sơn.

           2.2.1. Họa tiết con ngựa

      Hình tượng ngựa trong điêu khắc Chăm Mỹ Sơn được trang trí trên các bệ thờ, chân tường,… Họa tiết này cùng với những con vật khác như: bò Nanđin, rắn Naga, chim Garuđa, sư tử, voi,... góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật điêu khắc Chăm Mỹ Sơn. Tượng ngựa không được thể hiện nhiều, song lại có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu về đời sống văn hóa, nghệ thuật điêu khắc và xã hội Chăm ngày xưa.                                    

            3. Các giá trị của nghệ thuật trang trí trong điêu khắc Chăm Mỹ Sơn

          3.1. Giá trị thẩm mỹ         

            Mỗi hoa văn họa tiết trang trí của điêu khắc Chăm Mỹ Sơn đều chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, các yếu tố trang trí đem lại giá trị thẩm mỹ cao từ việc tạo hình, sắp xếp các hoa văn, họa tiết, màu sắc trong một bố cục hoàn chỉnh. Nghệ thuật trang trí họa tiết hoa lá trong điêu khắc Chăm đạt được những giá trị thẩm mỹ nhất định, giá trị này mang tính truyền thống nhưng cũng không kém phần hiện đại, đó là sự hài hòa về phong cách tạo hình và sử dụng mật độ họa tiết vừa phải, với chất liệu là đá và phù điêu, tượng tròn, đã qua bàn tay khéo léo và sự thẩm mỹ của người Chăm được xử lý sống động về hình dáng tạo hình, đường nét. Nghệ thuật trang trí thường thể hiện rõ trình độ và thị hiếu thẩm mỹ, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, nghệ thuật tạo hình trang trí của người Chăm Mỹ Sơn rất phong phú và độc đáo.

Trong việc trang trí, các nghệ nhân lấy thiên nhiên làm mẫu như các họa tiết hoa lá sen, lá hình dây, con vật, các họa tiết thể hiện được sự đối xứng cân đối thể hiện được ý nghĩa của mỗi hình tượng thông qua họa tiết đó. Giá trị thẩm mỹ của mỗi họa tiết hoa lá đều được biểu hiện trong cách tạo hình, trang trí trên mỗi bức tượng thần hay một công trình kiến trúc nào đó thông qua bố cục, đường nét, màu sắc, hình mảng. Với lối tạo dáng và sự cách điệu phong phú thẩm mỹ cao nên họa tiết của điêu khắc Chăm Mỹ Sơn mang một nét đặc trưng không chỉ mang ý nghĩa của mỗi hình tượng mà còn nói đến tư duy của dân tộc Chăm khá đặc sắc, phản ánh được tâm tư, tình cảm, tâm hồn con người thổi vào các hình tượng.

               3.2. Giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật điêu khắc Chăm được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, nó kết hợp các văn hóa từ Ấn Độ, nhưng yếu tố văn hóa bản địa vẫn mang đậm phong cách điêu khắc Chăm. Nghệ thuật điêu khắc Chăm Mỹ Sơn đã trải qua quá trình phát triển với nhiều phong cách khác nhau để đến hôm nay chúng ta thấy được đỉnh cao của nghệ thuật. Nghệ thuật trang trí trong điêu khắc Chăm đặc trưng là hình tượng tôn giáo, thần thánh, nhưng trong đó vẫn thấp thoáng vẻ đẹp cũng như tâm hồn con người Chăm Mỹ Sơn.

           Từ nguồn gốc bản địa, cải biến những yếu tố bên ngoài, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hoá đa dạng và độc đáo. Ngày nay, trong nghệ thuật tạo hình, người Chăm đã để lại di sản kiến trúc đền tháp đồ sộ và những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.

             Nghệ thuật điêu khắc Chăm gắn liền với kiến trúc, nhiều tác phẩm điêu khắc phục vụ cho những công trình kiến trúc, tượng thờ, phù điêu, trang trí. Những tác phẩm điêu khắc Chăm còn lưu giữ hiện nay như những tài sản vô giá trong công trình kiến trúc cổ, một số tác phẩm điêu khắc đã bị vùi lấp, nhưng những gì cho chúng ta thấy ngày hôm nay là sự phong phú trong nghệ thuật của dân tộc Chăm.

                 3.3. Giá trị văn hóa, tín ngưỡng

             Nghệ thuật trang trí họa tiết trên những công trình điêu khắc Chăm Mỹ Sơn,... mang lại giá trị rất cao, nói lên được sự tài hoa, khéo léo, sáng tạo có tính thẩm mỹ của dân tộc Chăm, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống cũng như văn hóa tín ngưỡng.

                   Theo các nhà nghiên cứu, người Chăm đã tiếp thu những tinh hoa của các văn hóa Ấn Độ giáo và kết hợp với bản sắc vùng miền để tạo nên một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng rất bản địa, rất riêng cho nền văn hóa Chăm.       Trong quá trình phát triển , từ sự thừa hưởng những văn hóa bên ngoài, kết hợp với văn hóa bản địa, Chăm Mỹ Sơn đã tạo nên tinh hoa văn hóa tín ngưỡng phồn thực rất đặc sắc, phát triển rực rỡ ở thế kỷ IX. Sự tinh hoa ấy xuất hiện rất nhiều trong văn hóa của người Chăm Mỹ Sơn, một số hình tượng chính:

          Hình tượng đầu tiên của Văn hóa tín ngưỡng phồn thực Chăm và theo suốt thời kỳ đất nước là hình tượng Ligga - Yoni. Đặc sắc nhất là hình tượng Linga - Yoni có 3 phần theo phương đứng (phần dưới tiết diện vuông, phần giữa tiết diện bát giác, phân trên tiết diện trụ tròn).

          Ngoài hình tượng với Lingga - yoni là hình tượng bầu vú được vật thể hóa bằng nhiều hình thức khác nhau. Hoặc là hình tượng điêu khắc phụ nữ có đôi bầu vú căng tròn hoặc là hình tượng các thần (Shiva, Brahma, visnu,...), hoặc là bầu vú được kết hợp với các trang trí khác.

            Nghệ thuật trang trí của dân tộc Chăm chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, tín ngưỡng dân gian giai đoạn này được coi là lớp tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng phồn thực. Tất cả tính truyền thống văn hóa bản địa và Bà la môn ảnh hưởng đến văn hóa Chăm, nét văn hóa hình thành trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó mà ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật để họ gửi gắm tâm tư, ước vọng, đồng thời thể hiện sự tôn trọng thờ kính, tín ngưỡng với tổ tiên, với đất trời, thông qua những hình tượng, họa tiết được trang trí công phu và đầy ý nghĩa.

Những nghệ sĩ Chăm, những nhà điêu khắc thiên tài Chăm đã thể hiện một cách xuất sắc trình độ tư duy của mình trên những tác phẩm điêu khắc với những hoạ tiết hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Người Chăm Mỹ Sơn đã vận dụng những gì có trong tự nhiên như: hình ảnh các loài hoa, các con thú, các đường gấp khúc, các hình lượn sóng,… để đưa vào nghệ thuật điêu khắc, cách điệu nó lên thành những hoạ tiết hoa văn đẹp vừa mềm mại, uyển chuyển, lại vừa mạnh mẽ, nâng cao nghệ thuật tạo hình Chăm lên đỉnh cao cùng với các nền nghệ thuật tạo hình của các nước trong khu vực. Người Chăm đã biết học tập kinh nghiệm cũng như tiếp thu có chọn lọc các nền văn hoá trong khu vực, họ có sự sáng tạo riêng cho mình không lẫn với bất kỳ nền nghệ thuật nào khác ở khu vực Đông Nam Á. Điều ấy phần nào thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của họ khi sáng tác nghệ thuật và tiếp thu văn hoá.

Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới, kiến trúc cổ Việt Nam nói chung và kiến trúc Chăm truyền thống nói riêng, mang màu sắc rất riêng biệt của một nền văn hóa đa tộc người cùng song song với văn hóa Việt Nam. Vấn đề khai thác giá trị nghệ thuật văn hóa - kiến trúc Chăm sẽ giúp cho việc phát triển văn hóa truyền thống trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển đa dạng về văn hóa.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Du Chi (2002), Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  2. Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Chăm pa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  3. Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Champa, Nxb Văn hóa dân tộc
  4. Lê Chính, Sự du nhập, phát triển và suy vong của Phật giáo Chăm pa, http://vntime.com.vn

________________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuậtnghệ  trình nghghệ thuật